ba-dinh-pac-po-10

Đường Bác Hồ chúng ta đi – Hồi ký Hoàng Quốc Việt

… Rời Bách Sắc, chúng tôi đi Thiên Bảo. Từ Thiên Bảo, chúng tôi về Tĩnh Tây, rồi đến Cột Mà, biên giới Việt - Trung. Qua Cột Mà, trời tối sầm, Tỉnh uỷ Cao Bằng bố trí cho anh em tự vệ đốt đuốc dẫn đường cho chúng tôi đi. Nhìn đội quân tự vệ với những bó đuốc sáng rừng, tôi thấy cách mạng đã lớn mạnh. Khi đi bí mật, lúc về tự do. Đi miết tới khuya, anh em tự vệ đưa chúng tôi đến Lam Sơn. Vào trong căn nhà sàn, tôi thấy Bác đang ngồi đó. Tôi thốt lên: “Bác! Bác!''. Anh em trong đoàn cũng gọi Bác như thế. Bác đứng dậy bắt tay từng người, hỏi thăm sức khoẻ khi đi đường. Nhìn tôi, Bác hỏi: “Vất vả gian lao làm cho “ông Hoàng nước Việt” trẻ khoẻ hẳn ra”. Mọi người cười rất vui. Tôi nói: “Thưa Bác, có đi, chúng tôi mới thấy được phần nào cảnh gian nan vất vả của Bác trong những ngày Bác đi bộ sang Trung Quốc, cũng như những ngày Bác bị giam ở Quảng Tây”. Bác nói: ''Đây chưa phải lúc chúng ta bàn chuyện đó. Bây giờ chú Việt và các anh em trong đoàn nói cho tôi biết kết quả chuyến đi''. Tôi báo cáo với Bác việc Trương Phát Khuê hứa cho ta 600 cây súng, nhưng đó chỉ là lời hứa suông. Bác nói: ''Các chú nên nhớ rằng, Tưởng Giới Thạch có bao giờ giúp cộng sản đâu''. Các anh trong đoàn đều báo cáo với Bác, mỗi người một ý, chắp lại thành bản thu hoạch dài về kết quả chuyến đi, chủ yếu đã vận động, giác ngộ được một số bà con Việt kiều trở về giúp nước. Bác tỏ ý vui lòng khi thấy chúng tôi đoàn kết chặt chẽ, tôn trọng lẫn nhau, đã không xảy ra điều gì đáng tiếc. Bác mời chúng tôi ở lại ăn cơm cùng Bác. Bữa cơm đạm bạc, nhưng vui vẻ làm sao. Trong lúc ăn cơm, chúng tôi kể cho Bác nghe về những viên tướng miền biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Khi nhắc đến Trương Phát Khuê, Bác lấy ra chiếc ảnh của Khuê tặng Bác để chúng tôi xem. Tôi thấy mặt sau ảnh có dòng chữ đề tặng của Khuê: ''Kính tặng Hồ tiên sinh''.

Trong những ngày cuối tháng 4-1945, Bác cùng đoàn chúng tôi và có thêm các anh: Tống (Phạm Văn Đồng), Vũ Anh, Đặng Văn Cáp, Lã Minh Giang, Bình Dương (Khoa)... lúc ấy đang ở Cao Bằng, thường đến một ngôi nhà vắng chủ rộng rãi ở kề chân núi đá họp bàn triển khai công tác sắp tới, chủ yếu là kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Cũng có hôm họp ngay trên những mỏm đá ở đầu nguồn Pác Bó. Ở Lam Sơn có một cái động lớn. Trong động có nhiều nhũ đá rủ xuống với những hình thù lạ mắt, vừa cuốn hút. Bên cạnh phía dưới lại có nhiều dòng nhỏ. Nước trong động chảy đều đều xuống khoảng trũng, trong vắt và lạnh. Mùa Hè, những đêm trăng sáng ra đây chơi và tắm thì không gì sướng bằng. Bác vốn là người rất yêu thiên nhiên, thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, thường cùng chúng tôi ra động ngồi chơi. Một lần, tắm xong, mọi người ngồi quây quần bên Bác trên một phiến đá phẳng.

Một hôm, ở trong lán, tôi thấy anh Bỉnh ngồi viết. Chợt Bác vào, Bác hỏi:

- Chú viết gì?

Anh Bỉnh đáp:

- Thưa Bác, cháu đang làm thơ, tả về túp lều tranh.

Bác bảo:

- Chú đọc cho Bác nghe.

Anh Bỉnh đọc:

Một túp lều tranh vách đá rêu

Trên dòng khe nhỏ nước vui reo.

Nắng xuyên cành lá tung hoa nắng

Cây ngập sườn non lấp lối vào.

Chim hót trong rừng cây bát ngát

Gió lùa cùng những đoá hoa reo.

Nghe xong, Bác hỏi:

- Không có hai câu kết à?

- Thưa Bác, khó quá, cháu chưa nghĩ được.

Bác nói:

- Vậy chú ghi tiếp vào.

- Rồi Bác đọc:

Vì chưng công việc còn bề bộn

Đâu dám nghêu ngao sớm lại chiều.

Nghe thơ của anh, tôi thấy rõ khẩu khí của người trẻ tuổi. Đọc hai câu kết của Bác, tôi thấy rõ khẩu khí của người từng trải đang lo việc nước, việc dân.

Sống bên Bác được ít ngày tại núi non Cao Bằng, chúng tôi phải chia tay Bác, đi về dưới xuôi. Lúc chia tay, Bác nói: ''Mình cũng sắp về dưới ấy''.

Những ngày tháng 4 năm 1945 - Hoàng Đức Triều kể

“…Tháng 4 - 1945 tôi vừa đi thường trực trên trạm Cứu quốc về thì đồng chí Tống và đồng chí Lã tới lán tôi. Đồng chí Tống xách theo một cái lồng nhốt hai con gà trống thiến. Vốn là chỗ công tác lâu nay, hơn nữa đồng chí Lã lại là người cùng làng, nên hai đồng chí gặp tôi liền vào đề ngay:

Có một số cán bộ mới về. Đoàn thể định đón về ở lán của đồng chí. Nhờ gia đình đồng chí giúp đỡ đấy!

Và ngay tối hôm đó, gia đình tôi được đón một số đồng chí đến ở.

Được độ ba hôm thì đồng chí Tống lại đón thêm về lán tôi hai đồng chí nữa, trong đó có một đồng chí đã ở có tuổi, râu cằm thưa, mặc áo Nùng. Đồng chí Lã giới thiệu ngay: Đây là ông Ké(1) và đây là đồng chí Lộc.

Thì ra ông già người Nùng chính là Bác, biết nói tiếng Nùng Giang.

Bữa cơm chiều dọn ra. Hoàng Thị Ánh, con gái tôi đơm cơm như thường lệ. Bác đón lấy bát cơm và nói:

Thôi bát cơm này để người già hơn nhận. Các đồng chí tự đơm cơm lấy.

Tôi lúng túng, vì lo các đồng chí chưa hiểu hết tấm lòng quý trọng của gia đình tôi đối với các đồng chí cán bộ cách mạng, nên đề nghị cứ để cháu Ánh đơm cơm. Bác bảo: “Nếu để một mình cháu đơm cơm thì cháu không được ăn cơm à... Như vậy không được...” Bác cùng các đồng chí Hoàng, Châu, Mai, Hương, Lộc… vui vẻ chuyện trò suốt bữa cơm.

Sáng sớm hôm sau, lúc mọi người còn ngủ, Bác đã dậy tập thể dục.  Con gái tôi bưng chậu nước nóng mời các đồng chí rửa mặt. Bác nói:

- Thôi cháu ạ, để Bác cùng các đồng chí ra ngoài suối.

Miệng nói, tay Bác ra xách cái bẳng và khăn mặt vắt vai, đi ra suối. Các đồng chí khác cũng đi theo Bác.

Công việc vẫn bận như mọi khi. Hàng ngày tôi lại lên trụ sở (trạm Cứu quốc) thường trực giải quyết công việc. Có hôm tối mịt với về. Mọi công việc chăm nom các đồng chí, đã có nhà tôi và con gái.

Đầu nguồn suối Lam Sơn có một cái động rất đẹp. Bên trên là động lớn khô giáo... Bên dưới là động nhỏ hơn, nguồn nước chảy ra từ đó trong vắt.

Một đêm trăng sáng, Bác cùng sáu đồng chí và tôi đi tắm đêm. Trông thấy bóng trăng trong lòng suối, bác ra câu đối”

Nguyệt chiếu khê tâm, tâm chiếu nguyệt

Dịch nghĩa:

Mặt trăng rọi xuống lòng khe, lòng soi lên trăng

Ai cũng cố nghĩ để đối lại. Riêng đồng chí Hường đối:

Hoa xinh thạch diện, diện sinh hoa.

Dịch nghĩa:

Hoa nở trên mặt đá, mặt nở hoa.

Bác nói:

- Thế hóa ra mặt rỗ(2) rồi.

Mọi người cùng phá lên cười.

Với đối của Bác, lời lẽ thanh tao, ý tứ sâu sắc, đối được cũng khó. Nhân nhìn trước mặt có cái động đẹp đẽ, lúc trẻ tôi vẫn thường cùng bạn bè vào chơi, hét lên một tiếng có nhiều tiếng vọng lại. Tôi nói:

- Tôi xin có vế đối:

Lôi minh không cốc, cốc lôi minh

Dịch ngĩa:

Sấm gọi hang không, hang gọi sấm

Bác khen:

- Được! Nhưng đồng chí không làm rể mình được vì đồng chí gần bằng tuổi mình rồi, lại đã có gia đình.

Mọi người cười ồ vui vẻ…

Nhân đó Bác hỏi đến thơ của tôi, tôi đọc để Bác nghe bài thơ họa vần thơ Bố Chính Nguyễn Thuận.

Nghe Bác nói chuyện thơ thật thú vị. Từ ngày tôi làm cách mạng, đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc một đồng chí cộng sản giỏi văn thơ, nhất là thơ văn chữ Hán.

Bác dạy tôi làm thơ, dạy tôi thêm về công tác vận động quần chúng.

Có hôm, tối đến, tôi lên núi để xem kho chiến lợi phẩm thì trời mưa, Bác đưa tôi tấm áo:

- Mình tặng đồng chí tấm áo mưa này để dùng!

Tôi không dám nhận. Bác nói:

- Mình còn cái khác!

Không từ chối được. Tôi nhận. Về sau để ý không thấy Bác có cái áo mưa nào khác.

Lại có lần nhà tôi bận vun ngô ở đám rẫy gần lán. Bác cùng vài đồng chí nữa cầm cuốc đến giúp vun ngô. Bác làm rất thành thạo như chính người ở địa phương này.

Bác và mấy đồng chí cán bộ sống chung với gia đình tôi được vài phiên chợ thì lên đường Nam tiến. Hôm chia tay vào cuối tháng 4 năm 1945, gia đình ai nấy đều rất nhớ.

Ra đi, tay Bác cầm gậy, mặc tấm áo Nùng, bước thoăn thoắt trước mọi người. Các đồng chí khác lên đường Nam tiến. Đồng chí Lã tần ngần quay về. Được dịp tôi hỏi đồng chí Lã:

- Đồng chí già tên là gì?

Đồng chí Lã nói nhỏ:

- Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đấy! Đồng chí đã về hoạt động ở vùng núi đá Lam Sơn ta từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1942…

Những ngày ở Tân Trào - Việt Dũng

Những ai từng được sống gần Bác đều cảm nhận được sự ân tình của Bác đối với mọi người xung quanh. Với ai, Bác cũng đều giúp đỡ để trở nên tốt hơn, có ích hơn.

Cuối tháng 4-1945, sau khi khu giải phóng Tân Trào được thành lập, Trường Quân chính kháng Nhật liền được xây dựng.

Chúng tôi - những người Giải phóng quân được đoàn thể lựa chọn về học, đang gấp rút làm doanh trại, ai cũng mong chóng tới ngày khai mạc.

Giữa lúc ấy, vào một buổi sáng, chúng tôi đang tập trung để phân công làm việc thì đồng chí Văn tới.

Tôi đoán chắc sẽ có việc quan trọng xảy ra.

Đúng vậy, sau khi nói chuyện về tình hình đấu tranh chống Nhật ở các nơi và nhắc nhở chúng tôi nhiệm vụ học tập xây dựng trường, đồng chí nói:

- Đoàn thể cần một số đồng chí đi công tác, các đồng chí cần nhận rõ học tập hay đi công tác đều là trách nhiệm của đoàn thể giao cho, chúng ta đều phải cố gắng làm tròn.

Chúng tôi ai cũng tha thiết muốn được học, nhưng khi nhắc đến công tác cần thì ai cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Nhận chỉ thị của đồng chí Văn, đồng chí Khang liền tuyển lựa một đội mười người và một tổ ba người. Đội mười người được trang bị vũ khí mới để đi xa ngay. Còn tổ ba người, trong đó có tôi, thì được đồng chí Khang giao nhiệm vụ tới làng Tân Trào tìm liên lạc với đồng chí Đường để nhận công tác.

Đồng chí Đường là một đồng chí công tác lâu năm và đã ra nước ngoài học tập. Từ khi vào Giải phóng quân, tôi được đồng chí đi sát chỉ đạo mọi mặt. Vừa lúc ấy một đồng chí ở cơ quan đón chúng tôi. Đồng chí Đường giới thiệu đó là đồng chí Hồng Thái. Tuy chưa biết nhau nhưng sẵn tình đồng chí, chúng tôi mến nhau ngay.

Trước khi chúng tôi đi đồng chí Đường căn dặn:

- Đoàn thể rất tin cậy các đồng chí mới giao trách nhiệm này, các đồng chí phải cố làm tròn, ở nơi công tác mới các đồng chí có nhiều điều kiện để học đấy.

Đồng chí Đường còn theo tiễn chúng tôi một quãng và lại dặn riêng tôi:

- Ba ngày một lần đồng chí về gặp tôi, để tôi giúp đỡ học tập.

Tôi rất cảm động trước những lời dặn dò của đồng chí Đường và đã hứa xin làm đúng.

Trên đường tới cơ quan, vừa đi vừa nghĩ đến sự tín nhiệm của đồng chí Khang và sự săn sóc của đồng chí Đường đối với tôi, tôi cảm thấy công tác của tổ chúng tôi lần này sẽ có tầm quan trọng hơn công tác trước đây nhiều. Đồng chí Hồng Thái đưa chúng tôi đi về phía bắc đình Tân Trào một quãng xa, rồi tạt xuống lội ngược dòng suối tới nơi có một bụi rậm thì rẽ quặt lên đồi, chúng tôi men theo sườn núi đi mãi cho tới khi qua một vọng gác thì tới đỉnh núi. Cơ quan đóng ở ngay trên đỉnh núi này. Đứng ở đấy, chúng tôi có thể quan sát khắp cánh đồng Tân Trào, dòng sông Đáy, đèo Re, v.v.

Cơ quan là một lán dài ngăn đôi, bên nửa rộng có nhiều người ở, vũ khí để ở đầu chỗ nằm, toàn cácbin và tiểu liên “tômsơn''. Còn bên nửa hẹp thì đặt điện đài và có một số đồng chí đang làm việc. Cách lán đâu chừng ba mươi thước có một lán nho nhỏ nữa.

Thấy kiểu súng của các đồng chí ở cơ quan, tôi mừng lắm. Ở Giải phóng quân, được thấy đồng chí Quang Trung mang khẩu cácbin và một số đồng chí cán bộ trong trung đội có tiểu liên, tôi rất thèm. Tôi thường ước ao sẽ có ngày được giao sử dụng những vũ khí ấy. Bây giờ đến cơ quan này, tôi hy vọng mình cũng sẽ được trang bị súng tốt như các đồng chí khác . Khi nhìn thấy điện đài, tôi cũng mừng. Tôi nghĩ thầm lực lượng cách mạng của ta đã lớn mạnh nên phải dùng phương tiện khoa học để chỉ huy đi xa, chứ không bó hẹp riêng trong Khu Giải phóng nữa.

Chợt, tôi nghe có tiếng ho từ phía lán nhỏ, rồi một ông cụ gầy, tay chống gậy đi lại. Cụ mặc áo ngắn kiểu người Nùng (hàng cúc giữa bằng vải, cổ cao). Quần và áo đều màu chàm đã bạc. Đầu ông cụ đội chiếc mũ vải kiểu các cụ già người Nùng. Cụ đi thẳng tới chỗ chúng tôi. Thấy Cụ đi tới mọi người đều đứng nghiêm chỉnh và khi Cụ tới gần ai thì người ấy đều né ra để nhường bước.

Thấy chúng tôi, Ông Cụ vui vẻ hỏi:

- Các đồng chí mới đến phải không?

Tôi vội trả lời:

- Báo cáo đồng chí, chúng tôi mới đến.

Ông Cụ gật đầu bảo:

- Tốt, đồng chí Hồng Thái cần giao nhiệm vụ và giúp đỡ các đồng chí ấy công tác.

Nói xong, Ông Cụ đi xuống phía nhà bếp.

Có lẽ Ông Cụ tuổi khoảng gần sáu mươi, mái tóc đã đốm bạc, người Cụ tuy gầy gò nhưng cặp mắt rất sáng, nghiêm nghị, vầng trán cao, giọng nói rõ ràng, ấm áp, tôi vừa gặp lần đầu đã cảm thấy gần gũi ngay được.

Ông Cụ đi khỏi, một đồng chí cũ nói như giới thiệu với tôi:

- Đấy! Ông Cụ đấy!

Giới thiệu như vậy chỉ làm tôi càng thêm bỡ ngỡ vì tôi đã biết Ông Cụ là ai đâu!

Đêm ấy, sau khi được đồng chí Hồng Thái giao nhiệm cụ thể lại được sinh hoạt cùng tiểu đội cảnh vệ chúng tôi mới rõ cơ quan ở đây là rất quan trọng, Ông Cụ là cán bộ thượng cấp, ở đây có điện đài và hai lớp học: Lớp học điện đài và lớp chính trị, cả hai lớp đều do Ông Cụ hướng dẫn. Trách nhiệm của đội cảnh vệ là phải bảo vệ cơ quan cho nghiêm mật. Càng nghĩ tôi càng lạ, không rõ Ông Cụ là ai mà thoáng qua đã thấy khác người.

Trong suy nghĩ, bỗng nhiên tôi nhớ tới một hôm trước đó mấy ngày, Đội Giải phóng quân của chúng tôi vừa về tới Tân Trào thì đồng chí Quang Trung hỏi tôi:

- Đồng chí quê ở Chợ Đồn à?

- Vâng - Tôi trả lời.

- Đồng chí có thuộc các đường về đây không?

- Thuộc chứ!

- Đi đón Ông Cụ nhé! Đi cả tiểu đội của đồng chí!

Nghe đồng chí Quang Trung nói, tôi nghĩ bụng: Ông Cụ là ai lại phải mang cả tiểu đội đi đón. Tuy vậy, tôi không dám hỏi kỹ. Đồng chí Quang Trung lại nói:

- Chờ liên lạc sẽ đi, việc này tuyệt đối bí mật đấy!

Thấy việc quan trọng nên tôi nói thêm:

- Từ Chợ Đồn về đây có hai đường: Đường Chợ Đồn đi Chợ Chu (tức là đường đồng chí Văn Nam tiến) thì tôi không được rõ. Còn đường Chợ Đồn qua Tông Quận (đường đồng chí Khang Nam tiến) thì tôi thuộc.

Đồng chí Quang Trung suy nghĩ rồi bảo tôi:

- Nếu đi đường đồng chí Khang thì đồng chí sẽ đi đón.

Tôi vâng lời, nhưng sau đấy không thấy đồng chí Quang Trung bảo gì nữa.

Giờ đây cơ quan lại có Ông Cụ này, có lẽ chính là Ông Cụ mà mình suýt nữa được cử đi đón đây! Chắc Cụ là người đứng đầu Việt Minh đấy!

Ở gần Ông Cụ được vài ngày, tôi nhận thấy Ông Cụ sao mà làm việc nhiều thế. Suốt ngày Cụ đọc sách viết tài liệu viết báo, dạy chính trị, v.v.. Ngoài ra, bất kể ngày đêm, cán bộ các nơi còn về xin chỉ thị. Cả anh Văn, anh Khang cũng thường tới cơ quan xin ý kiến Cụ. Bận như vậy nhưng Ông Cụ rất chú trọng chăm lo chúng tôi. Ngoài việc giáo dục chính trị Ông Cụ còn dạy bảo rất tỉ mỉ về cuộc sống tập thể như bày cho cách đặt chương trình học tập và làm việc hàng ngày, hàng tuần, cách sắp xếp trật tự trong lán, nhất là cách giữ gìn súng đạn. Cụ thường dạy không nên ngồi chơi rỗi, phải lấy sách báo ra đọc hoặc vá quần áo. v v.. Hồi đó giữa xuân, nước suối từ trong khe chảy ra còn lạnh, Ông Cụ thường dặn chúng tôi không nên tắm lâu dễ bị cảm. Khi tập thể dục, có những đồng chí thường tập chiếu lệ. Cụ ra xem, sửa lại từng động tác và còn làm động tác mẫu và bảo: Các đồng chí tập theo tôi, tập thế này mới được”. Những buổi đi lấy rau rừng, Ông Cụ còn hướng dẫn chúng tôi cả cách lấy rau, cách chọn rau ngon.

Hàng ngày, Ông Cụ thường xuống suối tắm rửa hoặc giặt lấy quần áo.

Có điểm trái ngược là bọn thanh niên chúng tôi mỗi khi lên núi thường hay ngã, còn Ông Cụ tay chống gậy, vai vác ống nước, vai vắt quần áo vừa giặt, mà chẳng bao giờ bị ngã cả. Thấy anh em ngã nhiều, Cụ bảo:

- Các đồng chí cứ làm theo tôi thì không ngã.

Chúng tôi hay ngã vì sợ đi giữa đường lội, cứ đi tránh sang hai bên, như vậy làm cho đường ngày một to ra và sườn núi dốc trơn. Còn Cụ cứ giữa đường đã đánh bậc sẵn Cụ đi, tuy lội một chút nhưng khi về tới lán, sẵn ống nước xách lên, Ông Cụ dùng một nửa rửa chân, còn một nửa để rửa tay trước và sau khi ăn cơm.

Từ khi anh em học Ông Cụ cách xuống suối, lên núi không ai bị ngã nữa. Đúng quy định của đồng chí Đường, sau ba ngày, tôi ra báo cáo công việc và nghe đồng chí ấy hướng dẫn công tác. Buổi báo cáo đầu, sau khi nghe tôi nói sơ về công tác, đồng chí Đường hỏi tôi:

- Ông Cụ có khoẻ không?

- Khoẻ.

- Gần Ông Cụ, đồng chí thấy thế nào?

- Ở với bố đã mười tám năm rồi, bố cũng dạy mọi điều. Nhưng mới gần Ông Cụ có ba ngày mà tưởng như Ông Cụ dạy cho còn nhiều hơn.

- Đồng chí có văn hoá, nên đóng một quyển sổ nhỏ, mỗi khi Ông Cụ nói câu gì mà đồng chí thích thì đồng chí ghi vào sổ, sau này sẽ có một quyển sách quý lắm đấy!

Tôi tuy chưa hiểu nhưng cũng vâng lời.

Công tác được một tuần lễ, có lẽ đồng chí Đường đề nghị, tôi được Ông Cụ lấy vào học cùng với anh em học sinh chính trị. Tôi biết anh em đều là cán bộ hoạt động từ lâu về đây học cấp tốc rồi đi công tác ngay. Tôi được đưa vào học có lẽ nhờ sự chiếu cố riêng.

Buổi học đầu của tôi đúng vào bài nói về Mặt trận Việt Minh, Ông Cụ đưa chúng tôi quyển sách nhỏ in thạch bản, trong đó nói về chương trình và điều lệ của Mặt trận.

Tôi vào Giải phóng quân giữa lúc phong trào cách mạng đang lên cao, các đội Giải phóng quân vừa phát triển mạnh nên chưa được huấn luyện kỹ. Tôi chỉ được học đồng chí Khang, đồng chí Quang Trung thiết thực ngay trong mỗi công tác. Có lúc đồng chí Khang hướng dẫn cả bài nói chuyện cho tôi, rồi tôi nhẩm kỹ cho thuộc để khi ra nói chuyện sẽ nói bằng tiếng Tày cho khỏi vấp váp. Các buổi đó thường nói nhiều về chủ trương đánh Pháp, đuổi Nhật của Việt Minh, chủ trương đoàn kết các dân tộc, cách thành lập chính quyền, đoàn thể. Cho nên đây là lần đầu tiên tôi được học về tôn chỉ, mục đích, chương trình, điều lệ của Mặt trận Việt Minh có cả Đảng Cộng sản tham gia, tôi bỡ ngỡ không hiểu và cứ tự hỏi thầm: Trong Mặt trận Việt Minh mà lại có cả Đảng Cộng sản tham gia là thế nào.

Vừa may, Ông Cụ bảo phát biểu những điều chưa hiểu, tôi bèn giơ tay. Được Ông Cụ chỉ định, tôi mạnh dạn nói:

- Thưa Cụ, tại sao trong Mặt trận của ta lại có Đảng Cộng sản?

Tôi vừa dứt lời thì trong lớp đã có nhiều tiếng xì xào. Thấy thế tôi đâm lo ngại. Ông Cụ ra hiệu cho mọi người giữ trật tự rồi lại hỏi:

- Đồng chí hiểu về Đảng Cộng sản như thế nào?

- Thưa Cụ, cháu chưa hiểu, nhưng nghe người ta nói Đảng Cộng sản không tốt. Họ chủ trương cái gì cũng làm của chung cả, ai theo họ thì họ cho vào Đảng, ai không theo họ thì họ giết, như vậy có khác gì phát xít Nhật và đế quốc Pháp?

Nghe tôi trả lời, các đồng chí trong lớp học đều tỏ vẻ ngạc nhiên. Riêng Ông Cụ vẻ mặt thoáng nét cười, hỏi thêm:

- Đồng chí nghe ai nói vậy?

- Thưa Cụ nhiều người nói …

Ông Cụ lại hỏi:

- Những người ấy là thế nào với Tây?

- Họ là những người… là những người làm việc với Tây ạ!

Trả lời câu hỏi xong, tôi tự nhiên cảm thấy tất cả những ý nghĩ của mình về cộng sản từ trước tới nay có lẽ là bị tiêm nọc độc. Nhưng cộng sản là thế nào thì thực tình tôi vẫn chưa hiểu.

Thấy vẻ băn khoăn của tôi, Ông Cụ liền đặt câu hỏi khác:

- Đồng chí thấy Pháp, Nhật nói về Việt Minh ta thế nào?

- Dạ, nó nói là giặc cỏ, là ăn cướp, giết người ạ.

Ông Cụ lúc ấy mới chỉ một học viên khác bảo trả lời câu hỏi ban đầu của tôi.

Đồng chí ấy bèn đứng dậy nói:

- Đế quốc Pháp, phát xít Nhật ghét cộng sản cũng như ghét Việt Minh cho nên chúng dùng mọi điều để nói xấu cộng sản và Việt Minh ta. Những người cộng sản là những người kiên quyết đánh Pháp, đuổi Nhật trong Mặt trận Việt Minh, do đó họ là nòng cốt, là cơ quan tham mưu của Mặt trận ta.

Các học viên khác đồng ý.

Ông Cụ lại hỏi tôi:

- Đồng chí đã hiểu chưa?

Tôi trả lời:

- Thưa Cụ, cháu đã hơi hiểu.

Lúc ấy, Ông Cụ mới dịu dàng giải thích thêm. Mỗi lời Ông Cụ nói về cộng sản, về những người cộng sản như những ngọn đèn thắp sáng lên trong óc tôi khi đó.

Sau khi giải thích kỹ càng rồi, Ông Cụ lại hỏi thêm:

- Đồng chí đã thấy người cộng sản chưa?

- Dạ, chưa ạ!

- Nếu đồng chí Văn, đồng chí Khang là những người cộng sản thì đồng chí có thích không?

- Dạ thích ạ!

Nghe tôi nói vậy, các đồng chí trong lớp đều cười một cách vui vẻ.

Ông Cụ chuyển sang giảng bài học khác, Sau buổi học, tôi suy nghĩ mãi về bài học vừa qua, về Đảng Cộng sản và cố đoán xem trong Giải phóng quân ai là đảng viên cộng sản? Cộng sản với Việt Minh khác nhau những gì?

Chiều hôm ấy, chúng tôi đi làm lán. Đồng chí Quang Việt - một học viên trong lớp chính trị - thân mật bảo tôi:

- Này Việt Dũng, cậu đi chẻ lạt với tớ.

Vốn mến đồng chí Quang Việt, tôi bèn theo đồng chí ấy ra một gốc cây, cùng nhau chẻ lạt. Làm được một lát, đồng chí Việt bảo tôi:

- Cậu ở nhà trước làm gì?

Tôi thành thực kể cho đồng chí Quang Việt nghe về gia đình tôi, một gia đình nông dân thuộc loại trung bình. Làng tôi ở sát ngay hồ Ba Bể, tôi được học tới lớp nhất và được đưa đi học y tá ở nhà thương Hải Dương. Tôi nói tiếng Kinh thạo, biết một ít thông Pháp, hiểu biết về miền xuôi khá nhiều. Ngày 9-3-1945 Pháp bị Nhật đảo chính, trường y tá tan, tôi và người anh con ông bác về quê thì vừa dịp đồng chí Khang mang một đơn vị Giải phóng quân tới xây dựng Chính quyền cách mạng tại địa phương. Hai anh em tôi được giác ngộ và tham gia Giải phóng quân. Chính cái tên Việt Dũng của tôi và anh tôi là Việt Cường đều do đồng chí Khang đặt cho cả.

Nghe tôi kể xong đồng chí Quang Việt cũng kể chuyện gia đình và hoàn cảnh tham gia cách mạng của đồng chí ấy cho tôi nghe. Sau đó, đồng chí nói cho tôi nghe sơ lược về lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương, về những gương anh dũng của các đồng chí tiêu biểu, nhất là gương hy sinh anh dũng của đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Câu chuyện của đồng chí Việt đã bổ sung thêm cho tôi những hiểu biết về Đảng sau buổi học, gây cho tôi niềm tự tin và nâng cao thêm ý chí chiến đấu cách mạng của tôi. Một câu hỏi nổi lên trong tôi lúc ấy: Đồng chí Hoàng Văn Thụ sao tài giỏi, anh hùng như vậy? Mình phải làm gì để xứng đáng với tấm gương ấy? Tôi liền hỏi đồng chí Việt:

- Tôi có thể trở thành người cộng sản được không?

- Sao lại không, nếu cậu chịu khó tu dưỡng và kiên quyết đấu tranh cho quyền lợi của quần chúng lao khổ!

Chúng tôi nắm tay nhau thật chặt.

Ra về vừa đi vừa nghĩ: ''Có lẽ Ông Cụ bảo đồng chí Việt tới nói thêm để cho tôi hiểu thấu đây. Ông Cụ có lẽ trông thấy lòng mình...''.

(1) Ké: Đồng bào Tày gọi người già là Ké. Đây là cách gọi thân mật và giữ bí mật khi Bác Hồ hoạt động tại núi rừng Việt Bắc.

(2)Tiếng Quảng Đông, Trung Quốc nói mìn phá (diện hoa) là mặt rỗ

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: