Ngót 40 năm đã trôi qua, thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên công lao của những người đi trước, bởi hòa bình hôm nay là xương máu của cha ông.
Ngót 40 năm đã trôi qua kể từ khi nhà tù Phú Quốc kết thúc sứ mệnh lịch sử đen tối của nó. Ngót 40.000 tù nhân cộng sản trở về, tiếp tục sống, cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước. Những vết thương trên thịt da đã lành. Những nỗi đau tinh thần cũng dần nguôi ngoai.
Nhưng ký ức kinh hoàng về những năm tháng đau thương nơi “địa ngục trần gian” ấy đêm đêm vẫn dội về trong những giấc mơ làm buốt lòng những người còn sống. Để rồi, suốt 20 năm qua, những cựu tù Phú Quốc đã lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc, tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật, di vật của một thời đau thương mà anh hùng đó, tạo nên một Bảo tàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam: Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày.
Tái hiện “địa ngục trần gian”…
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương viếng các liệt sỹ
Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày toạ lạc trên khu đất rộng 1.600 m2 của ông Lâm Văn Bảng, một cựu tù Phú Quốc. Hơn 10 phòng truyền thống với gần 2.000 hiện vật và hàng chục mô hình diễn tả cảnh tra tấn dã man của bọn cai ngục được tái hiện một cách chân thực và sống động.
Hai trong số những kỷ vật thiêng liêng của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù Phú Quốc là lá cờ Đảng nhỏ bằng bàn tay và tấm chân dung Hồ Chủ tịch được làm từ mảnh vải trên đình màn.
Các chiến sỹ cách mạng đã dùng máu của mình để nhuộm thắm màu cờ và chân dung Bác. Hình búa liềm ở giữa lá cờ được tạo nên từ những viên thuốc ít ỏi mà các chiến sĩ cách mạng có được, mài ra, pha thành màu để vẽ. Những buổi sinh hoạt chi bộ trong phòng giam, lá cờ Đảng là một trong những vật bị bọn cai ngục lùng sục, truy tìm nhiều nhất. Bởi có cờ là có Đảng. Có cờ là người tù sẽ đứng trong tổ chức để đấu tranh.
Ngày ấy, để bảo toàn lá cờ Đảng, tù nhân trẻ tuổi Nguyễn Văn Dư đã cuộn nhỏ lá cờ vào túi ni lông, dùng sợi chỉ buộc vào răng rồi nuốt xuống họng mỗi khi bị địch lục soát. Khi địch bỏ đi, anh lại lôi ra treo ngay ngắn trên tường để truyền thêm lửa đấu tranh cho anh em trong tù ngục.
Dưới lá cờ thiêng ấy, những người tù cộng sản đã vượt qua bao ngón đòn tra tấn tàn độc, đấu tranh và giành chiến thắng. Có tên giám thị khét tiếng tàn ác, trước ý chí kiên cường của các tù nhân Phú Quốc, đã phải thốt lên: “Thượng đế thật bất công khi bắt tôi phải giam cầm, đánh đập những con người mà tôi kính phục”.
Hơn 30 năm có lẻ, màu máu trên lá cờ thiêng nay đã ngả màu nâu đất mẹ nhưng trong mỗi trái tim của những cựu tù Phú Quốc, màu cờ ấy vẫn đỏ tươi. Sau này, ông Dư đã trao lại lá cờ thiêng cho ông Bảng với lời dặn dò tha thiết: “Cờ Đảng là báu vật của chiến sỹ cách mạng tù đày, phải khó khăn lắm tôi mới giữ gìn được, nay gửi vào Bảo tàng để giữ lại linh hồn của đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh”.
Ông Bảng xúc động bảo: “Đây là hiện vật quý báu nhất vì chứng kiến rất nhiều lễ kết nạp Đảng trong ngục tù Phú Quốc và từng thấm máu nhiều đồng đội. Nó giúp chúng tôi nuôi ý chí đấu tranh và là minh chứng cho lòng trung thành của người cộng sản. Những hiện vật khác như cờ Đoàn, sách học chính trị, tài liệu tuyên truyền của Đảng; bộ cờ tướng làm bằng gỗ sơn tà ngoài đảo (đánh cờ là cái cớ cho đồng đội hội họp, học tập); cả những kỷ vật riêng như chiếc bấm móng tay... mỗi kỷ vật đều gắn với một câu chuyện cảm động”.
Bên những kỷ vật vô giá của đồng đội, Bảo tàng ở làng Nam Quất còn trưng bày những chứng tích cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ. Đó là quả bom càng rải xuống cầu Giẽ (Phú Xuyên); là chiếc chảo nước sôi kẻ thù luộc chín tù nhân; là chiếc cùm chân, gậy sầu đời, vồ ly biệt, roi cá đuối, cả những chiếc đinh mười to như ngón tay mà kẻ thù từng đóng vào đầu, lên thân hình biết bao tù nhân…
Hơn 2.000 ngôi mộ liệt sỹ vô danh
Thật cảm động khi thấy những hiện vật từng gắn bó với chiến sỹ như chiếc ca múc nước, cà mèn đựng cơm, chiếc xẻng mòn - dụng cụ dùng đào hầm vượt ngục. Nhưng cũng vô cùng căm phẫn khi nhìn bức ảnh lính Mỹ tra tấn tù binh bằng những công cụ dã man nhất. Đó là bằng chứng của tội ác Mỹ đã gây ra tại Việt Nam...
Thông điệp gửi đến mai sau
Từ nhiều năm nay, thăm Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã trở thành những buổi học ngoại khoá của nhiều học sinh, sinh viên trong cả nước. Những căn phòng trưng bày dẫu còn rất đơn sơ.
Hai mươi lăm hướng dẫn viên không chuyên, vốn là những cựu tù Phú Quốc. Họ, dẫu sức khoẻ đã cùn mòn, tiền trợ cấp rất nhỏ, song vì nặng lòng với đồng chí, đồng đội đã hy sinh mà đã toả khắp mọi miền để sưu tầm hiện vật. Họ gom về đây để sẻ chia những kỷ niệm đau thương mà anh hùng của một thời tranh đấu.
Họ kể cho khách tham quan về những gian khổ ngục tù chốn địa ngục trần gian, về những cái chết bi tráng của hơn 4.000 người tù cộng sản dạ sắt gan vàng. Kể để thấy được giá trị của hoà bình. Kể để những hệ luỵ của cuộc chiến nguôi ngoai đi cùng năm tháng và để phẩm chất người Việt Nam mãi sáng ngời. Đó là phẩm chất mà cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã ngợi ca trong bài thơ Quê hương: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống bùn đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
Đó cũng là nỗi niềm mà ông Lâm Văn Bảng tâm sự với chúng tôi trong buổi chiều thật muộn: “Hơn hai mươi năm qua, kể từ khi xây cất Bảo tàng này, chúng tôi chưa hề thu một đồng phí tham quan nào. Cuộc hành trình hơn hai mươi năm ấy chỉ với mục đích là đi tìm và khắc họa lại những gian khổ, hy sinh của chiến sỹ cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến vĩ đại để giành độc lập cho dân tộc. Những hiện vật trưng bày tại bảo tàng chính là thông điệp mà chúng tôi, những người đi trước, muốn nói với thế hệ hôm nay và mai sau rằng: Hòa bình hôm nay là xương máu của cha ông, hãy trân trọng!”.
Những năm qua, Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày đã đón khoảng 10 vạn lượt khách, trong đó có nhiều đoàn của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cựu chiến binh, thanh niên, các thầy cô giáo và học sinh… trên mọi miền Tổ quốc về tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống cách mạng.
Khách đến Bảo tàng đều bày tỏ lòng khâm phục trước việc làm cao cả đầy ý nghĩa của những người lính già nặng lòng với đồng đội. Riêng với những người vào sinh ra tử như ông Bảng thì coi đó là việc làm tất yếu. Ông Bảng “khoe”: Chúng tôi đã mang hiện vật đi trưng bày ở nhiều nơi như Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Tĩnh đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang…
Theo VOV Online
Huyền Trang (st)