Cho đến giờ, quan hệ đặc biệt Việt – Lào vẫn chứng minh những vần thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 13-3-1963, tại buổi lễ tiễn Nhà vua Lào Sivang Vathana cùng Thủ tướng Suvana Phuma kết thúc thăm Việt Nam về nước: Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

hon nuoc dong me a1

Cô thuyết minh Bảo tàng Souphanouvong
     giới thiệu bức ảnh đầu tiên Hoàng thân chụp với Bác Hồ.

Kỳ 1: Da diết tình thâm

Đến Bảo tàng Hoàng thân Souphanouvong – cố Chủ tịch nước CHDCND Lào ở Thủ đô Vientiane, cảm xúc rất lạ. Bao nhiêu ân tình Lào – Việt thể hiện ra cả ở đây.

Những kỷ niệm trân trọng nhất được gắn với Bác Hồ và Việt Nam. Bức ảnh đầu tiên cố Chủ tịch, Hoàng thân Souphanouvong chụp với Bác Hồ đặt trang trọng ngay bên cụm ảnh về ông bà, cha mẹ, anh em và vợ chồng Hoàng thân.

Đó là một bức ảnh chụp ngày 4-9-1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, Hoàng thân Souphanouvong lúc đó làm kỹ sư ngành cầu đường đang ở Vinh, được anh cả gọi về Vientiane cùng lo việc nước.

Lúc đó, như lời đồng chí Tô Huy Rứa trong bài phát biểu chào mừng Hội thảo khoa học Việt - Lào “Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Souphanouvong” nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch, ngày 7-7-2009, thì với tầm nhìn xa, trông rộng và sự nhạy cảm sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Souphanouvong đến Hà Nội bàn việc liên minh tương trợ giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Chính cuộc gặp lịch sử ấy, như một “mệnh trời”, khát vọng được làm “một cái gì đó” cho đất nước và nhân dân Lào của Hoàng thân Souphanouvong đã bắt đầu trở thành hiện thực.

Đó cũng chính là bước ngoặt trong lịch sử đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào chống kẻ thù chung. Tiếp thu tư tưởng của Hồ Chí Minh, Hoàng thân Souphanouvong đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình.

hon nuoc dong me a2

Tướng Saman Vignaket buộc chỉ cổ tay và cầu phúc cho cán bộ Đoàn Việt Nam.

Trong ảnh, Hoàng thân còn trẻ nhưng gương mặt đã có nhiều nét cương nghị, còn Bác Hồ thì có lẽ đang vào giai đoạn việc nước vất vả nhất, Người rất gầy, nhưng đôi mắt sáng quắc.

Theo thuyết minh của Bảo tàng thì tại cuộc gặp đó, Bác và Hoàng thân Souphanouvong đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng về sách lược cách mạng hai nước. Sau khi bàn việc, Bác Hồ mời Hoàng thân cùng Phu nhân của ông là bà Nguyễn Thị Kỳ Nam (người Việt) ăn cơm dưới nhà bếp của Phủ Chủ tịch.

Bữa cơm chỉ có cá, ruốc, rau muống luộc chấm tương. Có lẽ sau cuộc gặp này, Hoàng thân Souphanouvong đã chuyển từ một ông hoàng, một trí thức yêu nước sang một người cách mạng, và tiếp liền đó là một người cộng sản.

Bốn năm sau, năm 1949, khi cách mạng hai nước đã có những bước phát triển vững chắc, Hoàng thân trở lại Việt Bắc, về Tuyên Quang gặp Bác. Trong bức ảnh chụp lần gặp gỡ này, cả Bác và Hoàng thân đều toát lên vẻ khoát hoạt, sảng khoái với những nụ cười rạng ngời.

Bảo tàng nguyên là nơi ở của gia đình Hoàng thân. Trên tầng 2 là phòng khách nhỏ kế liền hai phòng làm việc của Hoàng thân và phu nhân Nguyễn Thị Kỳ Nam. Một tinh thần Hồ Chí Minh bao trùm tất cả. Phòng làm việc của vị nguyên thủ quốc gia và phu nhân bài trí rất đơn sơ.

Ngoài phòng khách, một bộ bàn ghế song mây đơn giản, chiếc tủ gỗ mộc mạc, trên nóc trang trọng đặt chân dung Bác, phía trước là bát hương nhỏ với đôi chân nến bình thường. Hoàng thân thường ngồi ở đây, ngay dưới tấm chân dung của con người mà ông coi như người cha tinh thần của mình (theo một số tài liệu thì khi nói về Bác, nhiều khi Hoàng thân gọi Papa Hồ - Cha Hồ) .

Phòng làm việc của Hoàng thân chỉ có vài chiếc tủ đựng tài liệu. Bàn làm việc không có cái vẻ gì là của một yếu nhân hoàng tộc, nguyên thủ quốc gia. Trong số những đồ vật ít ỏi bày trên đó, có một cuốn trong bộ Tuyển tập Hồ Chí Minh.

Phòng làm việc của phu nhân Nguyễn Thị Kỳ Nam còn đơn sơ hơn nữa. Trên chiếc kệ thờ của bà là tượng nhỏ của Hai Bà Trưng.

Bảo tàng còn treo ở những vị trí trang trọng rất nhiều ảnh Hoàng thân hoặc gia đình chụp với Bác Hồ và các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh Việt Nam như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Untitled

Phòng khách của Hoàng thân Souphanouvong
     có bàn thờ Bác và sách Hồ Chí Minh tuyển tập .

Khi cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đến thăm bà Thongvin - phu nhân cố Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Kayson Phomvihan, tôi cũng thấy bức ảnh đồng chí Kayson chụp chung với Bác Hồ được treo ở vị trí trang trọng trong phòng khách (nếu tính từ ngoài vào thì đó là bức ảnh đầu tiên).

Bà Thongvin hơn 80 tuổi, rất khỏe mạnh, sôi nổi, từng là Bí thứ thứ nhất đầu tiên của Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào. Bà nói: “Thấy Đoàn Thanh niên hai nước đi với nhau thế này, nghe báo cáo thấy thế hệ trẻ hai nước đang nắm tay, sát cánh bên nhau xây dựng đất nước, tôi thấy vui lắm.

Phải gìn giữ và tiếp nối truyền thống quan hệ đặc biệt Lào – Việt, nhớ nhé, nhớ nhé!”. Âm sắc của mấy lời dặn nhớ nhé, nhớ nhé ấy thân thiết cứ như lời người bà gửi gắm những đứa cháu.

Thấy các thành viên trong đoàn gọi mình là đồng chí, bà bảo gọi thân tình hơn nữa cũng được vì “các anh Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị gọi tôi là chị, xưng em đấy”.

Tướng Saman Vignaket - nguyên Ủy viên - Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào nói với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào Vilayvong Bouddakham và Đoàn đại biểu cấp cao Thanh niên Việt Nam bằng giọng thâm trầm, sâu lắng của một người già 86 tuổi: “Những năm 70 - 80, tôi sang Hà Nội gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng nói: “Đồng chí Saman ơi, thế hệ chúng ta sắp đi gặp Bác Hồ rồi, chúng ta phải giáo dục thế hệ trẻ thế nào để họ tiếp tục sự nghiệp cách mạng và tình đoàn kết đặc biệt hai nước. Tôi gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đại tướng cũng nói như vậy”.

Tướng Saman chia sẻ: “Được Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào giao chỉ đạo biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào - Việt, tôi tổng kết mấy điểm: Nếu không có con người vĩ đại như Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước năm 1911; nếu không có Hồ Chí Minh, người thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, đem chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng cách mạng Đông Dương, trong đó có Lào; nếu không có việc ngày 4-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Souphanouvong từ Vinh ra Hà Nội để bàn việc tổ chức cách mạng ở Lào, nếu không có sự dày công vun đắp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kayson Phomvihan và các thế hệ lãnh đạo hai nước thì ta không có ngày hôm nay.

Tình đoàn kết Việt - Lào chỉ có một chứ không có hai trên thế giới này. Đó là điều tôi luôn tâm niệm. Khi đi cơ sở, tôi thường xuyên nói về vấn đề này”.

Tướng Saman Vignaket được mệnh danh là nhà lý luận của Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Ông sinh ở Thái Lan, hồi bé đi làm công cho một gia đình người Việt ở Thái, được chủ nhận làm con nuôi, đặt tên Việt là Đức. Khi lớn, ông được bộ đội tình nguyện vận động về Lào tham gia chiến đấu trong đội quân của đồng chí Kayson Phomvihan.

Theo tienphong.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: