Thứ tư, 08/01/2025

 6 Tết đầy kỉ niệm với Bác Hồ

Nhân dịp Tết Nguyên đán đầu tiên sau hòa bình, các cháu thiếu nhi Thủ đô đến chúc Tết
Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và múa hát quanh Bác, Hà Nội ngày 9/2/1955.

Tết đến, Xuân về, ai cũng vui mừng được đoàn tụ bên gia đình. Thời gian qua đi, những kỷ niệm của nhiều con dân nước Việt có vinh dự được đón Tết với Bác Hồ thì vẫn vẹn nguyên, bồi hồi, xúc động.

 1. Ông Lê Minh Thưởng (SN 1940), ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An còn nhớ như in quãng thời gian được vinh dự bảo vệ Bác. Với ông, 10 năm được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ là quãng thời gian hạnh phúc và thấy mình sống có ích nhất. Ông luôn tự hào kể cho con cháu nghe về quãng đời đẹp  ấy, đặc biệt là chuyến vi hành sắm Tết của Bác cách đây nửa thế kỷ. Đó là năm 1964, ông và nhiều người khác đưa Bác đi chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Trước khi đi, Bác gọi  ông Hoàng Quốc Thịnh, Bộ trưởng Bộ Nội thương đến báo cáo tình hình chuẩn bị nhân dân ăn Tết và tình hình kinh tế, lương thực, thực phẩm của cả nước. Sau đó Bác hỏi ông Trần Duy Hưng, lúc đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Các chú chuẩn bị ăn Tết cho nhân dân Thủ đô như thế nào?”

Sau khi nghe báo cáo, Bác nói mọi người cùng đi chợ Đồng Xuân sắm Tết. Để không bị phát hiện, mọi người phải hóa trang cho Bác. Ông Thưởng có nhiệm vụ đi xem đường trước. Hôm đó trời mưa, lúc vào chợ, Bác đi xem quầy lương thực, thực phẩm. Lại hàng thực phẩm tự do, Bác hỏi cô bán thịt: “1 cân  bao nhiêu tiền?”. Cô bán thịt cứ nhìn Bác chăm chăm khi nghe thấy giọng nói trầm ấm quen quen. Nếu không có sự nhanh trí của đồng chí Phạm Lệ Ninh (Trưởng phòng bảo vệ Bác) thì chắc chắn Bác sẽ “bị lộ”, mà  nếu biết Bác đến thì khu chợ sẽ xôn xao lên  mất. Nhanh như chớp, một đồng chí trong Đoàn vừa đứng che khuất Bác vừa hỏi lại bằng giọng Bắc. Thế là cô bán thịt không để ý nữa, thật là may.

 2. Bà Lê Tâm là cựu cán bộ Công đoàn.

Suốt cuộc đời tham gia cách mạng, bà đã vinh dự 2 lần được đến chúc Tết và ăn Tết cùng với Bác Hồ. Kỷ niệm về 2 sự kiện này  ghi sâu trong tâm khảm của bà. Khi chạm tới niềm sâu thẳm đó, bà rưng rưng tâm sự: “Tết Độc lập đầu tiên năm 1946, tôi công tác ở Hội Công nhân cứu quốc, trụ sở tại 51  Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được cơ quan cử tham gia Đoàn đại diện cho các đoàn thể đi chúc Tết Bác Hồ ở Nhà khách Chính  phủ. Bác mặc bộ đồ kaki màu vàng đã bạc, đi giày vải, nhanh nhẹn ra phòng khách tươi cười chào mọi người. Chúng tôi kính tặng Bác bó hoa lay ơn trắng rồi vây quanh Người như đàn con cháu tíu tít bên cha trong ngày Tết cổ truyền. Bác vui lắm và cảm ơn cả Đoàn. Bác chúc Tết mọi người rồi căn dặn: Chúng ta vừa giành chính quyền, dân còn khổ, các cô các chú phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm...”.

 3. Tết Đinh Dậu (1957), Bác Hồ cùng đón Tết với gia đình anh Nguyễn Văn Tảo và 5 gia  đình công nhân khác của nhà máy điện Yên  Phụ (Hà Nội) tại khu lao động vừa được xây dựng trên bãi rác Nghĩa Dũng cũ. Đêm Giao thừa, cả khu lao động như trong ngày hội bởi hai niềm vui lớn: Được ăn Tết trong các căn hộ mới do nhà máy xây, có đủ điện, nước sinh hoạt và được vinh dự đón Bác đến thăm.  Bác chỉ vào nồi bánh chưng đang sôi của gia đình anh Tảo và hỏi cụ thể số lượng bánh, thịt mà từng hộ đã lo được trong Tết này và cả những khó khăn về đời sống, việc làm. Bác rất vui trước những tiến bộ về đời sống, nhất là nhà ở của công nhân nhà máy và thân mật nhắc nhở mọi người: “Thương yêu giúp đỡ lẫn  nhau. Cố gắng thi đua làm việc và thực hành tiết kiệm”.

 4. Cảm động nhất là cuộc gặp giữa Bác với chị Nguyễn Thị Tín, một người gánh nước thuê ở ngõ 16 Lý Thái Tổ (Hà Nội), trong  đêm 30 giá rét và mưa phùn của Tết Nhâm Dần năm 1962. Chồng mất sớm, một mình chị Tín gánh nước thuê lấy tiền nuôi 4 con còn nhỏ (đứa lớn nhất mới trên 10 tuổi) và  đêm 30 này chị vẫn chưa được nghỉ. Với đôi thùng trên vai, chị vừa ra đến ngõ thì gặp Bác. Quá bất ngờ trước sự xuất hiện của Bác, đôi thùng trên vai chị rơi xuống đất.  Tay chị run run nắm lấy bàn tay Người mà nghẹn ngào:

 - Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm.

 Bác an ủi chị:

 - Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...

Bước vào nhà, Bác nhìn căn phòng tuềnh toàng và trên bàn thờ tổ tiên chỉ có nải chuối  xanh, trong khi 4 đứa con của chị đang chia  nhau một gói kẹo, một nét buồn hiện lên trên khuôn mặt hiền từ của Người. Bác lấy kẹo chia cho các cháu và lấy chiếc bánh chưng được chuẩn bị sẵn đặt lên bàn thờ. Chị Tín  đứng nhìn Bác trong khi 2 hàng nước mắt vẫn lăn trên gò má xanh xao. Đối với chị, đây thật sự là hạnh phúc không gì có thể so sánh được.

Theo http://www.phunuvietnam.com.vn
Tâm Trang (st)

Bài viết khác:

EMC Đã kết nối EMC