Đầu năm 1964, Bác Hồ viết báo kêu gọi toàn dân ăn Tết tiết kiệm. Vài tháng trước Tết Giáp Thìn (1964), nhà báo Trần Minh Tân đã có loạt bài về phong trào sản xuất, tiết kiệm ở Hợp tác xã Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) đăng trên báo Nhân dân, được Bác Hồ khen ngợi.
Sáng một một Tết Giáp Thìn, tôi rủ nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam phóng xe máy Simson làm chuyến xuất hành đầu năm cùng về Lỗ Khê. Hà Nội sáng đó rét đậm, chìm trong sương mù dày đặc. Vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng, chúng tôi không ngờ Bác Hồ đã có mặt ở làng quê bình dị này.
Dọc quốc lộ số 1, cách Hà Nội hơn 20 cây số về phía Bắc, rẽ phải qua đường xe lửa, chúng tôi đến Lỗ Khê. Trên đường vào làng, đã thấy những nhân viên bảo vệ đứng rải rác theo lối vào sân đình. Bác Hồ đang nói chuyện với dân đình làng Lỗ Khê. Sân đình chật ních người, đang im phăng phắc nghe Bác Hồ nói chuyện. Vẫn với bộ quần áo ka-ki sáng màu giản dị, chiếc mũ cát-két dạ màu đen, và giọng nói ấm áp của Bác trong buổi sáng đầu năm. Bác khen nhân dân Lỗ Khê sản xuất giỏi, chăn nuôi giỏi, tiết kiệm giỏi… Bác nói đại ý: Đó là những điều tốt, đặc biệt làm việc giỏi, tiết kiệm cũng phải giỏi. Nhưng không vì giỏi rồi mà không cần học tập ai nữa, phải thấy đây mới là bước đầu, không được thỏa mãn, chủ quan. Phải thấy những điều còn kém để sửa chữa và làm cho tốt.
Bác hỏi tỉ mỉ Chủ nhiệm Hợp tác xã Đinh Văn Thiêm về việc tổ chức cho dân vui chơi giải trí trong dịp Tết, việc chăm lo đời sống của bà con, nhất là những gia đình có người già, thương binh, liệt sĩ, bộ đội.
Buổi xuất hành đầu Xuân thật may mắn. Chúng tôi nghe Bác nói, như không phải chỉ với nông dân Lỗ Khê, mà như với chính mình.
Sau buổi gặp, Bác chúc Tết dân và ra về. Chúng tôi theo tiễn chân Bác, đến tận nơi đỗ xe của Bác cách đình làng vài ba trăm mét. Trước khi lên xe ô tô, Bác vẫy tôi và Mai Nam lại gần rồi hỏi: “Sao các chú biết Bác đến đây”. Chúng tôi thưa: “Thưa Bác, chúng cháu đoán vậy, vì Lỗ Khê là nơi có phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm giỏi”, “Các cháu làm ở báo nào ?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu ở báo Nhân Dân”, Mai Nam thưa: “Thưa Bác cháu ở báo Tiền Phong ạ”. Bác quay sang đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác cười: “Thế là kế hoạch đi chúc Tết của Bác đã bị lộ mất rồi nhé”. Mọi người cười thật vui. Bác chúc chúng tôi ăn Tết tươi vui nhưng không nên hoang phí và bắt tay chúng tôi. Nắm tay Bác giữa mùa Đông giá rét mà tôi thấy ấm áp lạ thường, thân thương như nắm bàn tay người cha già của mình vậy.
Bác lên xe rồi, qua ô cửa kính xe ô tô chúng tôi thấy Bác ngồi thanh thản như một tiên ông. Xe lăn bánh, cả tôi và nghệ sĩ Mai Nam đều nuối tiếc: “Sao bọn mình không xin chụp ảnh với Bác như những lần gặp Bác ở Hội nghị mà cánh nhà báo chúng tôi hay được Bác chiều chuộng. Dù sao đây là một kỷ niệm còn vui mãi trong lòng tôi của cái Tết cổ truyền dân tộc.
Trở lại Lỗ Khê mùa Xuân này, đường làng đã rải nhựa hoặc lát bê tông, xe ô tô đi được khắp làng. Những mái nhà ngói đỏ au, xen lẫn các nhà cao tầng. Không tìm ra những ngôi nhà tranh tre nứa lá. Mương máng dọc ngang cũng bê tông hóa, đồng đất 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Tiếng trẻ bi bô trong các nhà trẻ mỗi xóm, tiếng ríu rít của trẻ thơ trong trường mẫu giáo, tiếng tập đọc của học sinh trong trường cấp một, tiếng hát ca trù của các lứa tuổi cả trẻ lẫn già trong câu lạc bộ.
Những tiếng ấy hòa quyện vào nhau giống như một bè hợp xướng. Lỗ Khê đang lớn lên cùng đất nước.
Đình làng Lỗ Khê vẫn như xưa, nhưng bên trong được tu tạo trang trọng. Phía trước đình là Nhà lưu niệm Bác Hồ được dân làng xây dựng từ năm 1985. Trong Nhà lưu niệm có ảnh Bác Hồ về Lỗ Khê Tết Giáp Thìn kèm theo những lời Bác căn dặn nhân dân Lỗ Khê.
Anh trưởng thôn Chu Văn Lợi, kỹ sư chăn nuôi, dẫn tôi thăm làng và nhà lưu niệm. Chúng tôi thắp hương tưởng nhớ đến Bác.
(Theo kể chuyện Bác Hồ tập 6, Phạm Kim - Nhân dân hàng tháng, Số 22)
Theo dost-dongnai.gov.vn
Minh Thu (st)