Mùa Xuân năm 1965, khi ngành Than đạt được sản lượng 3,2 triệu tấn than sạch (gần 4 triệu tấn than nguyên khai), Bác Hồ đã về vui Tết với công nhân mỏ. Đó cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Quảng Ninh. Hình ảnh Bác vẫn quen thuộc với mọi người: Tóc bạc trắng, da thắm hồng, đôi mắt rực sáng, nụ cười hiền hậu. Bác đến thăm nhiều cơ sở sản xuất ở vùng mỏ, gặp gỡ thân mật và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ, thợ mỏ Quảng Ninh.
Vào lúc Hà Nội rợp hoa đào đón Xuân Ất Tỵ 1965, Bác Hồ quyết định về ăn Tết với đồng bào, chiến sĩ tỉnh Quảng Ninh. Đoàn xe của Bác rời Hà Nội đúng ngày 30 Tết. Bác đến ở khách sạn Hạ Long, phòng số 208, trên tầng hai, nhìn ra Vịnh Hạ Long. Trên Vịnh đó, gần 20 năm trước, Bác Hồ đã đàm phán với đô đốc Pháp Đác-giăng-li-ơ. Đứng trên con tàu hội đàm, Bác nói với các cán bộ tháp tùng Bác: "Vùng mỏ của nước ta thật đẹp và giàu. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng".
Bác Hồ đi dọc Bãi Cháy. Không xa là trụ sở phòng bưu điện, nơi các nhân viên bưu chính đã dũng cảm bảo vệ máy móc và bắn máy bay địch. Bên phía thị xã Hòn Gai là bến than và Công ty Kiến trúc, nơi các chiến sĩ tự vệ đã chiến đấu quyết liệt. Phía xa là dãy đồi Hà Tu, nơi có trận địa pháo cao xạ đã góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Bác Hồ nói với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân sự cảm kích của Bác trước chiến thắng của quân và dân Quảng Ninh đối với không lực Hoa Kỳ.
Sáng mồng một Tết Ất Tỵ, Bác Hồ qua phà Bãi Cháy sang thị xã Hòn Gai. Hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, thợ mỏ Quảng Ninh đã tề tựu tại sân Trường phổ thông Trung học Hòn Gai để đón và chúc Tết Bác. Bác kể chuyện ba năm về trước, Bác cùng Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ti-tốp về thăm Quảng Ninh, nay Bác về thăm lại thấy tỉnh Quảng Ninh tiến bộ rất nhiều, việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh thành công tốt đẹp, Bác rất mừng. Bác gặp và biểu dương thiếu úy Hải quân Nguyễn Doãn Khải đã chiến đấu giỏi trong ngày 5 tháng 8 năm 1964. Bác nêu gương ông Hổn, chủ nhiệm hợp tác xã Hùng Tiến, đã trồng mới được 12.000 cây và chăm sóc tốt được 11.000 cây. Bác khen Anh hùng Lao động Vũ Xuân Thủy, người lái máy xúc ở Mỏ than Cọc Sáu, đạt năng suất cao.
Bác Hồ khen ngợi những thành tích to lớn trong sản xuất và trong chiến đấu của Quảng Ninh năm 1964. Bác nói: "Năm ngoái, Tỉnh nhà đã giành được hai thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi thứ nhất là ngày mồng 5 tháng 8, quân và dân ta đã cho bọn đế quốc Mỹ một bài học thích đáng, đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn bị thương một số máy bay khác. Trong thắng lợi đó, quân và dân vùng Mỏ đã bắn rơi 3 máy bay và bắt sống tên phi công Mỹ. Thắng lợi thứ hai là Công ty than Hồng Gai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than...".
Vui lòng về thành tích sản xuất của vùng Mỏ, Bác tặng ngành Than "Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất" - Mỗi quý bầu chọn một lần. Quý đầu tiên Bác quyết định tạm giao cho Mỏ than Đèo Nai. Bác khen nhà ăn than Trụ của Mỏ than Đèo Nai đã biết chăm sóc tốt bữa ăn cho thợ mỏ. Bác phê phán tình trạng luộm thuộm, mất vệ sinh ở khu nhà tập thể của thợ mỏ. Bác còn thưởng nhiều huy hiệu của Người cho những thợ mỏ Đèo Nai đã lập thành tích xuất sắc. Chính vì thế tháng 11 năm 1968, trong 30 đại biểu công nhân cán bộ ngành Than được lên Phủ Chủ tịch gặp Bác, Đèo Nai được ưu tiên cử hai đại biểu. Đó là chiến sỹ thi đua lái máy xúc Ngô Dần và chị Nguyễn Thị Cầm, cấp dưỡng nhà ăn than Trụ…
Ngoài ra, Bác còn căn dặn thợ mỏ cùng toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy thắng lợi trong sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu. Bác thân mật nói: "Năm nay Bác tặng Cờ thưởng luân lưu cho cả ngành Than, đơn vị nào muốn được lá cờ thì phải thi đua gương mẫu trong mọi việc. Những cán bộ và công nhân nào xuất sắc nhất Bác sẽ tặng giải thưởng riêng". Bác cho phép các đơn vị ngành Than được trực tiếp báo công với Bác khi hoàn thành kế hoạch vượt thời gian. Bác thường xuyên đọc báo Quảng Ninh, báo Vùng mỏ và đã tặng Huy hiệu của Người cho những công nhân mỏ đặc biệt xuất sắc được các báo biểu dương sau khi đã yêu cầu Tỉnh uỷ Quảng Ninh kiểm tra.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, từ đó đến nay, ngành Than - Khoáng sản luôn nỗ lực phấn đấu và đã lập nhiều chiến công trong sản xuất và chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Tổng Công ty than Việt Nam (nay là Tập đoàn Vinacomin) đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (năm 1996) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Theo http://vinacomin.vn
Minh Nguyệt (st)