Sau cuộc hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước xuất phát từ Bến Nhà Rồng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam. Người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta...
Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành vào năm 1975, khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Hiện nay, cả nước ta đang vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tròn 75 năm trước, ngày 28-1-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc để cùng với Đảng và nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 26-1-1941 (tức ngày 29 Tết Âm lịch, tháng Chạp, năm Canh Thìn), lớp huấn luyện chính trị cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam tại Tĩnh Tây (gần biên giới Trung - Việt) kết thúc. Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc chuẩn bị lên đường về nước. Theo sự phân công của Nguyễn Ái Quốc, đoàn không đi tập trung mà phải tách ra nhiều đoàn, nên các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp quay trở lại Tĩnh Tây; còn các học viên tỏa về hai huyện Hà Quảng và Hòa An, tỉnh Cao Bằng để hoạt động và gây dựng cơ sở cách mạng.
Ngày 28-1-1941, trời rét đậm, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi bước tới cột mốc 108 trên biên giới Việt-Trung, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người đứng lặng hồi lâu, xúc động. Vậy là, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển đi tìm đường cứu nước, Người đã đặt chân lên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc.
Ngày 8-2-1941, Nguyễn Ái Quốc đến ở hang Cốc Bó, làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Cùng đến ở hang Cốc Bó với Người có các đồng chí: Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Lộc, Thế An. Cốc Bó, tiếng Nùng có nghĩa là "đầu nguồn". Địa thế của hang rất thuận lợi cho việc tiến, lui. Hang có cửa thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn nếu bị lộ. Phía dưới, cách cửa hang chừng 50m là con suối, nước rất trong, được Nguyễn Ái Quốc đặt tên là "Suối Lê-nin". Một ngọn núi bên bờ suối Lê-nin, được Người đặt tên là "Núi Các Mác".
Nguyễn Ái Quốc về nước ngày 28-1-1941 (tranh sơn dầu của Trịnh Phòng).
Sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho các cán bộ ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và cán bộ ở miền xuôi lên. Tháng 5-1941, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và làm chủ tọa Hội nghị Trung ương 8 Đảng Cộng sản Đông Dương, họp từ ngày 10 đến 19-5-1941, tại rừng Khuổi Nậm, thôn Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Hội nghị nhận định tình hình thế giới, đánh giá về Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918), Chiến tranh Thế giới thứ hai lúc đó đang nổ ra, tình hình Đông Dương, âm mưu của thực dân Pháp và phát-xít Nhật ở Đông Dương, tình hình cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Đảng và nêu vấn đề chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, từ cách mạng tư sản dân quyền sang cách mạng giải phóng dân tộc, thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ ở Việt Nam, mở rộng liên minh công nông. Vấn đề dân tộc được hội nghị thảo luận sâu sắc. Vấn đề đặt ra trong lúc này với các dân tộc trên bán đảo Đông Dương là phải đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, trước hết. Trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình lúc đó, Hội nghị đã đưa ra nhận định hết sức quan trọng và đúng đắn về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Hội nghị nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Hội nghị thống nhất: Riêng đối với dân tộc Việt Nam, sau khi đánh đuổi Pháp, Nhật ra khỏi bờ cõi, sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung của toàn thể dân tộc... Về vấn đề khởi nghĩa vũ trang, về thời cơ khởi nghĩa, Hội nghị cho rằng, khi Nhật thất bại trong chiến tranh Thái Bình Dương, phe dân chủ thắng, cộng với lực lượng cách mạng ở Đông Dương, lúc ấy, khởi nghĩa vũ trang sẽ nổ ra; đầu tiên là khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương, rồi chuẩn bị điều kiện cho Tổng khởi nghĩa.
Vấn đề Đảng được Hội nghị thảo luận sâu sắc và nhận định rằng, thành công lớn nhất của Đảng là đã lãnh đạo thắng lợi nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng, nhờ đường lối đúng và biết cách tổ chức. Trong tình hình chiến tranh và trước sự khủng bố của địch, Đảng chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, nhưng không coi nhẹ công tác ở thành phố. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp-Nhật xâm lược, lấy tên mới là "Việt Nam Độc lập đồng minh" (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Các tổ chức quần chúng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh đều lấy tên là Hội Cứu quốc, gồm: Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc.
Ngày 19-5-1941, ngày bế mạc Hội nghị, Mặt trận Việt Minh cũng chính thức được thành lập. Hội nghị dành ngày cuối cùng (19-5-1941) để thảo luận việc kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng. Về kết quả Hội nghị Trung ương 8, sau này Tổng Bí thư Trường Chinh viết: "Chúng ta đều biết cuộc hội nghị này rất quan trọng. Nó đã phân tích tình hình Việt Nam và thế giới một cách sâu sắc... Chủ trương, chính sách mà Trung ương đề ra trong hội nghị lịch sử đó đã được toàn Đảng chấp hành nghiêm chỉnh và đã dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám-1945".
Trước, trong và sau thời gian họp Hội nghị Trung ương, tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc liên tục mở lớp huấn luyện cán bộ. Người xác định, đào tạo cán bộ trong lúc này càng trở nên cấp thiết, vì nó phục vụ trực tiếp cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ nổ ra, mà Người đã dự đoán ngay từ năm 1941. Theo Người, muốn cho cách mạng thành công vào năm 1945, công việc trước hết là phải gấp rút đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị và quân sự vững vàng. Đây không chỉ là công việc trước mắt mà còn là công việc lâu dài của cách mạng nước ta.
Để chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, từ năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị tổ chức đội tự vệ vũ trang ở Cao Bằng và tự tay Người biên soạn, biên dịch một số tài liệu quan trọng về đấu tranh vũ trang để làm tài liệu huấn luyện cho cán bộ và quần chúng sắp làm cán bộ, như các tài liệu về: "Cách đánh du kích", "Cách huấn luyện cán bộ quân sự"...
Sau Hội nghị Trung ương, tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc phân công một số cán bộ phụ trách đánh thông hai con đường Cao Bằng-Lạng Sơn và Cao Bằng-Bắc Kạn-Thái Nguyên để giữ vững liên lạc với Trung ương Đảng và tạo điều kiện phát triển cơ sở chính trị và LLVT cách mạng.
Tháng 4-1942, Nguyễn Ái Quốc cho chuyển cơ quan từ Pác Bó xuống khu Lam Sơn (thuộc địa phận hai huyện Hòa An và Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) để cho thuận tiện hơn về giao thông và cũng để tiếp tục chỉ đạo xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Lúc này, phong trào Việt Minh đã lan rộng ra khắp tỉnh Cao Bằng. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ cho cán bộ, đáp ứng được yêu cầu mới cho phong trào cách mạng đang phát triển, Nguyễn Ái Quốc quyết định mở hai lớp huấn luyện chính trị về Đảng, diễn ra trong khoảng tháng 5 và tháng 6-1942. Tuy mỗi lớp chỉ diễn ra trong một tuần lễ, các học viên đã được nghe Nguyễn Ái Quốc giảng về cách mạng Việt Nam qua những chặng đường. Người là giảng viên duy nhất của cả hai lớp huấn luyện này. Những cán bộ được Người huấn luyện tại đây, sau đó nhiều người đã tham gia vào Ban Chấp hành Liên Tỉnh ủy Cao Bằng-Bắc Kạn-Lạng Sơn, xây dựng các cơ sở cách mạng tại địa phương, chuẩn bị cho việc hình thành khu giải phóng. Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu một số người tham gia vào Ban lãnh đạo Liên Tỉnh ủy.
Tháng 8-1942, Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Hồ Chí Minh. Người sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của những người Việt Nam ở đó, nhưng không may, Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam hơn một năm, bị giải tới khoảng 30 nhà lao ở tỉnh Quảng Tây. Người đã sống những ngày cực khổ, thân hình tiều tụy, nhưng chính trong hoàn cảnh đó, Người đã viết tập thơ nổi tiếng "Ngục trung nhật ký" (Nhật ký trong tù) bằng chữ Hán. Tập thơ gồm hơn 100 bài, được ghi vào một cuốn sổ tay, bìa màu xanh, kèm theo bốn câu thơ: "Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao". Tập thơ có tác dụng giáo dục sâu sắc cho các chiến sĩ, cán bộ, nhân dân về phẩm chất của một người cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân.
Sau những ngày bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch giam giữ, ngày 10-9-1943, Hồ Chí Minh được trả tự do. Ra tù, Người ở lại Trung Quốc một thời gian để liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động tại Trung Quốc và tiếp tục mở lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ Việt Nam đang ở Trung Quốc. Ngày 20-9-1944, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.
75 năm trước Bác Hồ về Pác Bó, 75 năm Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng và 75 năm thành lập Mặt trận Việt Minh - những dấu mốc và sự kiện quan trọng đó đã trực tiếp góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua.
PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG,
Nguyên Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Chi (st)