“Đoàn kết” và “tiết kiệm” là những đức tính và tinh thần quý báu của mỗi con người cần được mài giũa, gìn giữ và tích cực phát huy trong mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp, mọi thời điểm. Trong thời đại Hồ Chí Minh, cũng chính nhờ có tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta đã giành thắng lợi, Tổ quốc thống nhất, giang sơn thu về một mối. Trong công cuộc tái thiết, kiến thiết và phát triển kinh tế đất nước, toàn dân ta cũng đã đoàn kết một lòng, ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu. Từ đó có thể thấy, việc đoàn kết, ra sức phấn đấu, thi đua phát triển sản xuất và tiết kiệm không chỉ riêng một ai, một nơi nào, mà là trách nhiệm của toàn thể mọi người, mọi cơ quan, đơn vị và mọi đoàn thể.
Bác Hồ chúc Tết năm Canh Tý 1960. Ảnh internet
Trong bài thơ “Mừng Xuân năm 1942”, bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác khi về nước đăng trên Báo “Việt Nam Độc lập” số 114, ra ngày 01/01/1942, Bác đã chúc nhân dân cả nước đoàn kết lại, hăng hái đấu tranh, giành thắng lợi cho cách mạng nước nhà:
“CHÚC NĂM MỚI
Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi;
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc trong năm này,
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Năm này là năm rất vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.
Trong bài báo Năm mới, công việc mới cùng trên số báo này, Bác kết thúc bài bằng hai câu: Đoàn kết được chặt chẽ, giải phóng sẽ thành công/ Hỡi quốc dân mau đoàn kết lại!
Những lời chúc Tết tuy vô cùng giản dị của Bác nhưng lại ẩn chứa nhiều nội dung sâu sắc, những dự cảm tốt đẹp cho cách mạng nước nhà. Bằng tư duy mẫn tiệp và cảm quan của một nhà cách mạng tài ba, Bác đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho cách mạng nước ta lúc này là “Đồng bào ta đoàn kết mau”, Bác khẳng định “phe xâm lược sẽ diệt vong”, “phe dân chủ sẽ thắng lợi”. Đặc biệt hơn, mặc dù cách mạng chưa thành công nhưng ý tưởng về ngọn Quốc kỳ của nhà nước công nông với cờ đỏ sao vàng đã được tượng hình “Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới”. Và đúng 3 năm sau, như lời tiên cảm của Bác, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước ta từ đó đến ngày nay. Và cũng từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, khẩu hiệu 14 chữ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta trong xây dựng nước và giữ nước.
Như đã thành thông lệ, từ khi trở về nước lãnh đạo cách mạng năm 1941 cho đến khi về với thế giới người hiền, mỗi lần Tết đến, Xuân sang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư và thơ chúc Tết đến đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài, đến cán bộ, chiến sỹ và các cơ quan, đoàn thể. Bác gửi những lời chúc mừng năm mới, đề ra phương hướng và kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước đoàn kết tiến lên giành những thắng lợi mới. Từ đó trở đi, hầu hết các thư và thơ chúc mừng năm mới của Bác đều kêu gọi đoàn kết.
Mừng Tết độc lập đầu tiên, ngày 02-1-1946, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc đăng báo Cứu quốc số 131, Bác nêu một trong những công việc quan trọng phải làm là: “Đoàn kết chặt chẽ, để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc và quyền dân chủ cho đồng bào”. Cuối thư Bác viết: “Tôi chắc rằng sang năm mới, đồng bào ta sẽ có lòng tin mới, quyết tâm mới, lực lượng mới, đoàn kết mới, để cùng nhau gánh vác công việc mới và tranh cuộc thành công mới”.
Nhân dịp Xuân Mậu Tý (1948), Bác có thơ chúc Tết:
Năm Hợi đã đi qua
Năm Tý vừa bước tới
Gởi lời chúc đồng bào
Kháng chiến được thắng lợi
Toàn dân đại đoàn kết
Cả nước dốc một lòng
Thống nhất chắc chắn được
Độc lập quyết thành công.
Năm năm sau, Chiến dịch giải phóng Tây Bắc kết thúc thắng lợi, Bác viết trong thơ mừng Xuân Quý Tỵ 1953:
“Mừng năm Thìn vừa qua
Mừng năm Tỵ vừa tới
Mừng phát động nông dân
Mừng hậu phương phấn khởi
Mừng tiền tuyến toàn quân
Thi đua chiến thắng mới
Mừng toàn dân “Kết đoàn”
Mừng kháng chiến thắng lợi…”
Xuân Giáp Ngọ 1954, cách mạng Việt Nam tập trung toàn lực bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, có thể nói đây là giai đoạn tổng phản công của cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến. Lời thơ chúc Tết của Bác đã mang một tâm thế mới, Người đã chỉ rõ hai nhiệm vụ cụ thể của cách mạng nước ta phải làm trước mắt, Người không quên cặn dặn “Quân và dân ta nhất trí đoàn kết”. Đồng thời dự đoán một cách chắc chắn rằng “Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”. Và quả đúng như lời khẳng định của Bác chỉ chưa đầy 4 tháng sau đó, ngày 7-5-1954, chúng ta đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm lịch sử bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Năm mới quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành
Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do
Cải cách ruộng đất là công việc rất to
Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn
Quân và dân ta nhất trí đoàn kết
Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công
Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông
Năm mới, thắng lợi càng mới thành công càng nhiều
Ngày 1-1-1955, mừng năm mới đầu tiên miền Bắc được giải phóng, trong bài Diễn văn chúc mừng năm mới đăng trên báo Nhân dân số 306, Bác kêu gọi: “…Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi, chúng ta phải chống hủ hoá, tham ô, lãng phí. Chúng ta phải bồi dưỡng đạo đức cần, kiệm, liêm, chính. Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được. Chúng ta phải thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa miền Nam và miền Bắc. Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ từ Bắc đến Nam; phải ủng hộ đồng bào miền Nam đấu tranh giành tự do dân chủ, theo đúng Hiệp định Giơnevơ…… Bất kỳ người nào, bất kỳ nhóm nào, nếu họ tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì chúng ta cũng sẵn sàng thật thà đoàn kết với họ….”. Người còn yêu cầu: “…Chúng ta đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn….Chúng ta đoàn kết với nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”.
Đón Xuân Bính Thân 1956, Bác đã chúc:
“Toàn dân “Đoàn kết” một lòng
Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng…”.
Đến năm Kỷ Hợi 1959, miền Bắc đang sôi nổi thực hiện công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh, thơ chúc Tết chỉ ngắn gọn 4 câu, 24 chữ, Bác viết:
“Chúc mừng đồng bào năm mới
“Đoàn kết” thi đua tiến tới
Hoàn thành kế hoạch ba năm
Thống nhất nước nhà thắng lợi”.
Năm Canh Tý 1960, Bác viết thơ Xuân:
“ Mừng nhà nước ta 15 xuân xanh,
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ,
Chúc đồng bào ta “Đoàn kết” thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa,
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ,
Cả nước một lòng hăng hái tiến lên,
Thống nhất nước nhà Bắc Nam vui vẻ”.
Qua năm Tân Sửu 1961, cả nước triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội III của Đảng họp lần đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội, Bác chúc:
“Miền Bắc hăng hái thi đua
Chúc miền Nam “Đoàn kết” tiến tới
Chúc hòa bình thống nhất thành công
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Xuân Bính Ngọ 1966, đây là thời điểm lịch sử giặc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh, trực tiếp đổ quân vào miền Nam, dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc. Thơ chúc Tết Bính Ngọ 1966 của Bác Hồ đăng trên BáoNhân Dânsố 4289 ngày 1/1/1966 như tiếng kèn xung trận vang vọng hào khí non sông. Trong thơ chúc Tết, Bác vẫn tiếp tục căn dặn đồng bào cả nước dù ở tiền tuyến hay hậu phương cũng đều phải đoàn kết một lòng, ra sức thi đua sản xuất và chiến đấu, giành thắng lợi cho cách mạng nước nhà:
Mừng miền Nam rực rỡ chiến công,
Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,
Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng.
Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng,
Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng.
Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong.
Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng
Đón Xuân Kỷ Dậu, Ngày 1-1-1969, Bác Hồ có Thư chúc mừng năm mới và bài thơ chúc Tết. Người viết: “Tôi thân ái chúc đồng bào, chiến sĩ, cán bộ và bà con Hoa Kiều cả hai miền Nam - Bắc và kiều bào ta ở nước ngoài, năm mới đoàn kết, chiến đấu, thắng lợi”. Lời chúc năm mới và bài thơ chúc Tết mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1969 là lời chúc năm mới, bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ. Toàn áng thơ toát lên không khí tự tin, hào sảng, Bác đã động viên toàn Đảng, toàn dân ta anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tiến lên giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì Độc lập, vì Tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên, chiến sĩ đồng bào
Bắc- Nam sum họp Xuân nào vui hơn !
Đúng như dự cảm của Bác trước lúc đi xa, khi Bắc Nam thống nhất non sông liền một dải là mùa Xuân đẹp nhất, rực rỡ nhất, trọn vẹn nhất. Mùa Xuân ấy đã được đồng bào, chiến sĩ cả nước thực hiện thành công bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày mà “Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn” như Bác hằng mong muốn.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch kính yêu đã từng kiên quyết khẳng định: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác.Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chínhđể đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”. Như vậy, tham nhũng, lãng phí chính là tội ác. Mà đã là tội ác thì phải tuyên chiến với nó, loại trừ nó. Chiến đấu với tham nhũng, lãng phí phải là một cuộc chiến không khoan khượng, vì sự phát triển của đất nước, vì cuộc sống ấm no, ổn định của nhân dân. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, trong các bức thư, bài nói, bài viết, thơ chúc Tết của Người, Bác đã nói nhiều về “tiết kiệm”.
Trong bài Thơ gởi phụ nữ ViệtNamđăng trên báo Tiếng gọi phụ nữ số Xuân Bính Tuất (1946) có đoạn:
Lại phải kiệm ước
Bỏ thói xa hoa
Tiền của dư ra
Đem làm việc nghĩa
Mùa Xuân năm 1947, trong Lời kêu gọi nhân dân ngày Tết Nguyên đán, Bác nêu điều thứ nhất là: “Phải hết sức tiết kiệm để dành tiền bạc, cơm gạo cho cuộc kháng chiến lâu dài”.
Ngày 1-1-1949, trong Thư chúc mừng năm mới đăng trên báo Cứu quốc số 1133, Bác chúc: “Các cán bộ thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính”.
Vào dịp Tết Đinh Dậu 1957, Bác có Thư chúc Tết đăng báo Nhân dân số 1062, có đoạn: “Sang năm mới, khẩu hiệu của chúng ta về kinh tế là: Tăng gia sản xuất/ Thực hành tiết kiệm/ Nâng cao ý thức tự lực cánh sinh/ Nhằm cải thiện dần mức sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta”. Trong lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất và tiết kiệm, Bác viết: “Tôi thân ái chúc đồng bào và cán bộ vui vẻ ăn Tết trong phong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm”.
Đầu năm 1958, Bác về tham gia chống hạn ở xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Khi ấy còn 1 tháng 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán (Mậu Tuất 1958), tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Bác góp ý: “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò... rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Năm nay nhất định sửa. Tết năm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm
Xuân Canh Tý, ngày 18-1-1960, Bác viết bài Mừng Tết Nguyên đán như thế nào đăng báo Nhân dân số 2132, Người căn dặn: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất, những ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một ngày để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”. Sau khi phê bình những nơi lãng phí, khen ngợi những nơi biết tiết kiệm, cuối bài, Bác có mấy câu thơ:
Trăm năm trong cõi người ta
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan
Mừng Xuân, Xuân cả thế gian
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân
Ngày mùng 1 Tết năm 1965, sau khi thăm các cơ quan đoàn thể ở Hà Nội, Bác đến thăm công trường Việt Trì và phát biểu trước cán bộ, công nhân, chuyên gia các nước bạn đang giúp ta với những lời đầy tình cảm: “Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong ngày Tết. Đối với các đồng chí công nhân, cán bộ, bạn bè giúp ta mà phải xây nhà trong dịp Tết Nguyên đán này, ta càng chú ý săn sóc. Các anh em người Âu, Phi lâu nay đã quen với phong vị Tết Việt Nam nên làm sao cái Tết của xây dựng phải vui vẻ hơn Tết kháng chiến, song phải tránh những lãng phí không cần thiết”.
Những lời chúc Tết “đoàn kết”, “tiết kiệm” của Bác Hồ kính yêu luôn là huấn thị sâu sắc cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong suốt những năm qua và có giá trị sâu sắc cho đến mãi về sau: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.Sức mạnh của khối đại đoàn kết là sợi dây gắn kết cộng đồng trong toàn xã hội, là động lực mạnh mẽ giúp Đảng và Nhà nước ta vượt qua những khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh tinh thần đoàn kết chặt chẽ, các cấp các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Bác đã từng căn dặn: “Nếu chúng ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời gian, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay có thể gia tăng sản xuất gấp bội, mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội”. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một văn hóa rất văn minh mà mỗi chúng ta cần phải xây dựng, phải duy trì, phải thực hành thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày”. Lãng phí thời gian, tiền bạc, của cải, tài nguyên, lãng phí trong xây dựng, đầu tư, hội họp, xăng xe, mua sắm trang thiết bị; lãng phí sức khỏe, lãng phí “nguyên khí” quốc gia và chảu máu “chất xám”…sẽ là những trở ngại vô cùng lớn trong xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, thực hành tiết kiệm theo lời dạy của Bác là một yêu cầu hết sức quan trọng, bức thiết, thường xuyên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời đại hiện nay.
Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sắp đến gần, cả nước náo nức, tưng bừng chào đón Xuân sang. Trong không khí ấm áp của đầu năm mới, mỗi chúng ta càng khắc cốt ghi tâm những lời căn dặn giản dị nhưng vô cùng sâu sắc của Người: “Hãy mừng Xuân rộng rãi từ gia đình đến cả nước”, “Hãy mừng Xuân vui vẻ tưng bừng nhưng tuyệt đối không lãng phí”. Vui Xuân, đón Tết phấn khởi, an toàn, lành mạnh, đoàn kết, nhưng thực sự tiết kiệm với tấm lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ kính yêu./.
Huyền Trang