Nửa thế kỷ làm báo của nhà báo Đỗ Chuyên ở trong nước và nước ngoài có nhiều kỷ niệm khó quên về những cái Tết sống xa Tổ quốc. Một trong những kỷ niệm ấy của ông là cùng bè bạn, đồng nghiệp ăn Tết ở Paris với nữ nhà văn, nhà báo Pháp Madeleine Riffaud.

4 an tet voi con nuoi BH

Làng báo Việt Nam tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có lẽ ít người không một lần nghe tên Madeleine Riffaud - nhà văn, nhà báo Cộng sản Pháp. Tên tuổi chị gắn liền với cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta và chị đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Hữu nghị. Một phần cuộc đời chị gắn với Việt Nam mà chị coi là quê hương thứ hai.

Chị Madeleine đã được Bác Hồ nhận làm con nuôi khi Người sang Paris thăm nước Pháp vào mùa Hè năm 1946 với tư cách là thượng khách của Chính phủ Bidault. Chị được chị em du kích miền Nam đặt tên thân mật là “Tám Madeleine” trong thời gian chị cùng nhà báo Úc W. Burchett đi thăm chiến khu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam năm 1963, làm việc với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận. Các bà má Nam Bộ vô cùng quý mến người con gái Pháp từng là nữ du kích chống phát xít Đức, thăm vùng giải phóng trong bộ quần áo bà ba đen, cổ quấn khăn rằn.

Lần đầu tôi gặp chị tại Bắc Kinh năm 1964 trên đường chị từ vùng giải phóng miền Nam về Pháp. Hồi đó tôi hỏi chị về chuyến thăm miền Nam, chị không nói nhiều vì như chị nói “trên đất nước bạn phải giữ bí mật”. Mãi sau này tôi mới được biết tường tận mọi chuyện qua cuốn sách Trong chiến khu Việt cộng (Dans les maquis Vietcong) chị xuất bản năm 1974.

Tôi gặp chị Tám Madeleine lần thứ hai tại Paris - quê hương chị - trong những năm tháng Hội nghị Paris về Việt Nam từ tháng 5-1968. Chính tại Paris, tôi và phái đoàn Việt Nam cùng kiều bào ta đã ăn những cái Tết xa xứ với chị Tám Madeleine. Tết Kỷ Dậu (1969) chị cùng chúng tôi đón Xuân với Việt kiều tại Hội trường nhà tương tế Mutualité Paris trong đêm liên hoan văn nghệ hoành tráng.

Chị đón giao thừa cùng phái đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam. Bữa tiệc đón Xuân mới vẫn hừng hực không khí hân hoan sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Chị Madeleine xúc động kể lại những tháng ngày thăm “chiến khu Việt cộng” được đồng bào miền Nam thương yêu như người ruột thịt vì biết chị là con nuôi Bác Hồ và đã tham gia hàng ngũ kháng chiến Pháp chống phát xít Đức từ năm 18 tuổi.

Năm 1944, chị bị lực lượng Gestapo bắt, bị kết án tử hình vì đã giết một tên sĩ quan Đức. Trong không khí vui Xuân, chị tâm sự với tôi: Việt Nam có câu “vui như Tết” thật quá đúng và ngày Việt Nam thắng Mỹ chắc chắn phải “vui hơn Tết” - Tám Madeleine cười lớn.

Những ngày sau Tết Kỷ Dậu, tôi cùng chị Tám Madeleine chứng kiến nhiều cuộc biểu tình xuống đường của nhân dân Pháp ủng hộ Việt Nam, đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, rút khỏi miền Nam. Chị kể tỉ mỉ những ngày thăm vùng giải phóng miền Nam gợi lại cho chị những kỷ niệm tham gia kháng chiến chống phát xít Đức, những ngày bị địch tra khảo dã man. Chị còn dẫn tôi tới cầu Solferino bắc qua sông Seine ở Paris, nơi chị đã bắn chết một tên sĩ quan Đức, khiến tôi nhớ đến chuyện anh Nguyễn Văn Trỗi đặt bom dưới cầu Công Lý ở Sài Gòn năm xưa. Madeleine thật sự xúc động khi tôi so sánh hai sự kiện này.

Trong những ngày Tết Kỷ Dậu, chị Madeleine kể cho tôi nghe cuộc gặp Bác Hồ tại thủ đô Hà Nội hồi tháng 8-1966 trong những ngày máy bay Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc. Chị nói đó là dịp cha con gặp nhau mà chị nhớ suốt đời cũng như lần gặp đầu tại Paris 20 năm trước.

Sau cuộc gặp và phỏng vấn Bác Hồ cùng những ngày thăm và chứng kiến các nơi bị bom Mỹ tàn phá, chị Madeleine đã viết nhiều bài đăng trên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp và xuất bản cuốn Tại Bắc Việt Nam: Viết dưới bom đạn (Au Nord Vietnam: écrit sous les bombes).

Tết Canh Tuất (1970), là một Tết đặc biệt buồn với chị Tám Madeleine. Chị đến phái đoàn đàm phán Việt Nam dự liên hoan đón Xuân mới, ve áo vẫn đeo băng để tang Bác. Tại lễ truy điệu Bác tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris đầu tháng 9-1969 có đông đảo bà con Việt kiều và bạn bè quốc tế tham dự, tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến chị Madeleine đầu đội khăn tang, khóc nấc cúi lạy trước bàn thờ chân dung Bác. Với nỗi đau này chị đã viết trong nước mắt bài Bác Hồ ra đi giữa mùa Thu đăng trên báo L’Humanité ngày 21-9-1969 với niềm tin “Bác Hồ sẽ còn làm nên những sự việc vĩ đại”. Chị Madeleine còn tham gia dịch và hiệu đính bản tiếng Pháp Di chúc của Bác Hồ và viết lời giới thiệu kèm với văn kiện này trên báo L’Humanité.

Trong những năm cùng chị Madeleine đón Tết tại Paris và thời gian theo dõi đưa tin về Hội nghị Paris, tôi được chị thổ lộ những tâm sự riêng đã gắn bó số phận chị với Việt Nam. Chị hay khoe với các bạn Việt Nam khi thăm chiến khu miền Nam, chị được đồng chí Nguyễn Văn Linh, khi đó là Bí thư Trung ương Cục, tặng bộ quần áo bà ba và khăn rằn để “giống như nữ du kích Nam Bộ”.

Chị Tám Madeleine có một mối tình riêng thầm kín nhưng không thành với một nhà thơ kiêm nhà văn nổi tiếng của Việt Nam từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Khi chia tay chị tại Paris, tôi đã cố gắng hỏi chị có tiếc không, chị trầm tư, trả lời: “Bảy năm viết báo, viết văn về chiến tranh Việt Nam, sống ở chiến khu Việt cộng dưới bom đạn của Mỹ, tôi đã được nhiều thứ quý giá. Tôi không tiếc gì vì mãi mãi vẫn là “chị Tám” thân thương của Việt Nam”.

 Đỗ Chuyên

Theo http://nld.com.vn
Huyền Trang (st)

Bài viết khác: