Thứ ba, 31/12/2024

mung dai hoi 12

Tết Bính Thân năm nay, hai niềm vui lớn cùng lúc đến với mọi nhà: Niềm vui đón Xuân mới và niềm vui mừng Đại hội XII của Đảng thành công tốt đẹp. Có thể nói đó là “song hỷ lâm môn”! 

Tết Bính Thân năm nay, hai niềm vui lớn cùng lúc đến với mọi nhà: Niềm vui đón Xuân mới và niềm vui mừng Đại hội XII của Đảng thành công tốt đẹp. Có thể nói đó là “song hỷ lâm môn”!

Một người bạn hỏi: Là đảng viên gần 70 năm tuổi Đảng, qua thành công của Đại hội XII, anh tâm đắc nhất điều gì?

Tôi trả lời: Thành công của Đại hội thể hiện trên nhiều mặt trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, kể cả việc thông qua các Văn kiện và bầu Ban Chấp hành Trung ương. Về cảm nhận cá nhân, tôi tâm đắc nhất hai điều:

Một là, đất nước vững bước đi lên trên con đường đổi mới.

Hai là, Đảng ta làm giàu thêm bài học về xây dựng Đảng.

 Đất nước đổi mới

Ba mươi năm đã qua kể từ ngày Đại hội VI của Đảng (12-1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Từ đó đến nay, Đảng ta đã trải qua sáu kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội ấy đều đánh dấu một bước tiến lên của đổi mới. Thành tựu của mỗi bước tiến sau 5 năm đều làm lớn lên và phát huy thành tựu của 5 năm trước, đồng thời tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo của 5 năm sau.

Ba mươi năm nhìn lại, Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Nhìn tổng thể, qua ba mươi năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thành công trong việc đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; nay đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Có người đặt câu hỏi: Liệu có quá lạc quan khi đánh giá thành tựu như trên?

Xin thưa không!

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: “Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra. Bốn nguy cơ vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và các biểu hiện  “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ …”.

Đổi mới càng tiến lên, chứng tỏ càng nhận thức rõ: Đổi mới không phải một cuộc dạo vườn xuân, chỉ có hoa thơm cỏ lạ. Đổi mới là một quá trình cách mạng, một cuộc chiến đấu quyết liệt nhằm làm thay đổi cả xã hội và con người. Đổi mới không diễn ra trong phẳng lặng, yên lành mà luôn phải đối mặt với sóng to, gió cả. Đổi mới đòi hỏi phải nắm bắt và tận dụng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức, phấn đấu giành từng thắng lợi, dù là nhỏ nhất, giữ vững mục tiêu, bản lĩnh vững vàng có ý chí và quyết tâm cao, khó khăn đến mấy cũng không nao núng.

Ai đã từng sống qua những ngày đầu đổi mới, tất sẽ hiểu những thách thức mà nhân dân ta phải vượt qua hồi đó lớn đến dường nào.

Còn nhớ, đầu năm 1987, trả lời một nhà báo nước ngoài hỏi về tình hình nước ta sau một năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Tôi thường ví xã hội chúng tôi như một người bị ốm nặng, không có một vị thuốc thần nào lập tức đứng dậy đi ngay và chạy ngay được”.

Thế mà hai năm sau, năm 1989 ngày càng xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy khủng hoảng kinh tế - xã hội bước đầu được chặn lại, nước ta ra khỏi cái gọi là “đường hầm không lối thoát”. Để rồi hơn một năm sau nữa, năm 1991, Đại hội VII của Đảng đã có cơ sở vững chắc để đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 2016 này, Đại hội XII của Đảng đề ra quyết sách chiến lược: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

 Mục tiêu này dù chưa thể đạt được vào năm 2020 như trước đây dự tính, nhưng nhất thiết phải trở thành hiện thực trong một số năm tiếp theo, không thể chậm trễ. Đó là bức thông điệp Đảng gửi đến toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta.

Bài học xây dựng Đảng

Điều nổi bật nhất khác trong chiến lược của Đại hội XII là việc đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng, thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng ta coi xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Có hai điều cần đặc biệt chú ý:

Một là, về chủ đề của Đại hội. Cả hai Đại hội X và XI đều lấy “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” làm vế đầu của tiêu đề Báo cáo chính trị, lần này, Đại hội XII thay bằng “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” với nội hàm rộng hơn, bao quát hơn, bao gồm trong đó cả nội dung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Hai là, trong mục tiêu chung “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”, Đảng ta lần đầu tiên nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, đặt xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Có ý kiến cho rằng đó là một sự bổ sung cần thiết trong đổi mới tư duy về xây dựng Đảng hiện nay.

Sự thật, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức không phải chuyện bây giờ mới nói.

Bác Hồ, trong hai tác phẩm nổi tiếng của mình là Đường Cách mệnh (1927) và Sửa đổi lối làm việc (1947) đều quan tâm đặc biệt đến vấn đề đạo đức trong xây dựng Đảng. Người nói: Người cách mạng “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và phải “ít lòng ham muốn về vật chất” (Đường Cách mệnh). Và “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Sửa đổi lối làm việc).

Bác từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, rèn luyện cán bộ phải chú trọng cả đức và tài, tài là quan trọng nhưng đức là gốc. “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là tác phẩm vô giá Người để lại.Trước lúc đi xa, Người còn Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta luôn ghi nhớ những lời dạy đó của Bác. Liền trong ba nhiệm kỳ Đại hội khóa IX, X và XI, Đảng ta đã phát động phong trào đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, rồi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, trong ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, đã coi việc “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi  tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…” trong cán bộ, đảng viên là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Trên cơ sở những “kết quả quan trọng” đạt được trong công tác xây dựng Đảng 5 năm qua cùng những mặt hạn chế, yếu kém và khuyết điểm còn tồn tại, Đại hội XII đã nêu cao nhiệm vụ “đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI”.

Tôi muốn nói rõ thêm: Việc nhấn mạnh vai trò của xây dựng Đảng về đạo đức hoàn toàn không có nghĩa là làm giảm đi tầm quan trọng then chốt của xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức; trái lại lấy xây dựng về đạo đức, nói rộng ra là về văn hóa, để bổ sung và tiếp thêm sức sống cho xây dựng Đảng về các mặt nói trên.

Tôi cũng muốn nhắc lại sáu nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho nhiệm kỳ Đại hội XII, trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là: “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Và nhiệm vụ trọng tâm thứ sáu là: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.

Thế đấy, hai nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất và thứ sáu đều có liên quan trực tiếp đến xây dựng Đảng về đạo đức, và văn hóa.

Tôi nói, thành công của Đại hội XII, Đảng ta làm giàu thêm bài học về xây dựng Đảng là như vậy!

Hà Đăng

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Tâm Trang (st)



Bài viết khác: