Chủ nhật, 22/12/2024

Hướng tới Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) báo Gia đình & Xã hội xin trân trọng trích giới thiệu tài liệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm sức khỏe, y tế và đạo đức của người thầy thuốc trong cuốn sách “Một số vấn đề xây dựng ngành Y tế phát triển ở Việt Nam” của Cố Giáo sư - TS Đỗ Nguyên Phương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.

3 HCM voi quan diem ve suc khoe

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng ta, dân tộc ta. Đảng ta khẳng định cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, những di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng nước ta. Những tư tưởng của Người mãi mãi là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam từng bước đi lên giành hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi ngày càng to lớn hơn.

Vì vậy việc nghiên cứu, khai thác những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng vào những hoạt động thực tiễn của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là việc làm quan trọng và cần thiết.

Chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ sức khỏe” đã đặt ra cho ngành Y tế một niềm hy vọng rất lớn, có một ý nghĩa rất quan trọng góp phần phát triển sự nghiệp y tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Trên cương vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cống hiến vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Đảng, của nhà nước và nhân dân ta để giải phóng đất nước, đưa đất nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội... Trên lĩnh vực y tế và sức khỏe, Người cũng đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm vô cùng sâu sắc, phong phú, có ý nghĩa định hướng cho việc phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại.

Quan điểm về sức khỏe

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe con người. Người coi đây là một nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”. Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, dân cường thì nước mạnh”. Trong thời kỳ lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Điều này nói lên rằng Bác Hồ của chúng ta đã đánh giá rất cao vai trò của sức khỏe.

Quan niệm về sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Người định nghĩa: “Ngày nào cũng tập thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Nội dung của định nghĩa này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”. Như vậy trước Tuyên ngôn Alma Ata gần nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quan niệm rất chính xác về sức khỏe. Khi đưa ra khái niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận đến tinh thần mác xít về con người, bản chất của con người vùa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội; vì vậy việc chăm lo sức khỏe cho con người phải bằng cả biện pháp vật chất và biện pháp tinh thần. Người nói: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. Trong thư gửi Hội nghị Quân y, Bác Hồ đã nói: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

Trong 5 quan điểm của Đảng ta về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, quan điểm thứ nhất đã khẳng định sức khỏe là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự quán triệt, sự tiếp tục những tư tưởng của Người trong giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Vì vậy, phải chăm lo sức khỏe cho mọi người, chăm lo sức khỏe cho toàn dân. Quan điểm chăm lo sức khỏe cho mọi người thực sự là thể hiện một quan điểm công bằng trong chăm sóc sức khỏe như tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội. Công bằng xã hội không có nghĩa là không thực hiện sự ưu tiên trong xã hội. Lúc sinh thời, Bác Hồ vẫn thường xuyên nhắc nhở các cán bộ của đảng, nhà nước, các đồng chí chỉ huy quân đội, các cán bộ y tế phải quan tâm chăm sóc sức khỏe cho cụ già, cho trẻ em, cho người nghèo ở vùng xa xôi, hẻo lánh, cho bộ đội và thương binh.

Ngày nay, trong điều kiện của một nền kinh tế thị trường, có sự phân tầng xã hội, tức là trong xã hội có người giàu, có người trung bình, có người nghèo, người đói, có người trong diện chính sách thì rõ ràng nhà nước ta không thể duy trì một nền y tế bao cấp vì như vậy không những nguồn kinh phí không cho phép và hơn thế nữa là không đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Chúng ta quan niệm rằng khi nói đến công bằng xã hội là phải nói đến sự ưu tiên đối với những người có công, vùng có công với cách mạng, đối với người nghèo, vùng nghèo, vùng miền núi xa xôi. Nền Y tế của chúng ta phải thực hiện yêu cầu không để các bệnh nhân vì không có tiền mà không được khám chữa bệnh đầy đủ.

Quan điểm về y tế và y học

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền y tế của nước ta là một nền y tế nhân dân. Bác Hồ nói “xây dựng một nền y học của ta”, đây là một quan điểm rất sâu sắc. Bác Hồ còn nói với cán bộ y tế phải “giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta”. Cả cuộc đời của Bác Hồ đều vì dân, lấy dân làm gốc. Tư tưởng đó của Người cũng được thể hiện ở việc xây dựng một nền y học xuất phát từ nhân dân, của dân, vì dân. Tư tưởng này còn thể hiện ở một nền y học mang bản sắc Việt Nam, xuất phát từ những điều kiện Việt Nam. Theo Bác Hồ, nhân tố nhân dân và nhân tố Việt Nam là cơ sở cho việc xây dựng một nền y học Việt Nam. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nguyên tắc phải xây dựng một nền y học dân tộc, đại chúng. Tính dân tộc và tính đại chúng chính là một nền y học mang nhân tố dân tộc và nhân tố nhân dân. Nhưng Bác Hồ cũng không dừng lại ở đó, Bác còn nêu ra nguyên tắc nền y học của ta phải là một nền y học mang tính khoa học. Theo Bác Hồ, bản thân y học là khoa học, hơn nữa là một khoa học về con người. Như vậy khi Bác Hồ nêu ra nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng tức là nền y học đó phải mang truyền thống của dân tộc kết hợp với tinh hoa của thời đại. Ở đây nhân tố dân tộc và nhân tố thời đại hòa quyện với nhau, bổ sung cho nhau thành một chỉnh thể thống nhất.

Nền y tế của chúng ta phải hướng về cơ sở, phải đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân. Ở các vùng miền xuôi, chăm lo xây dựng các trạm y tế, nhanh chóng xóa bỏ tình trạng xã trắng về y tế, phấn đấu tuyến xã có bác sĩ. Ở các tỉnh miền núi, chăm lo đến y tế thôn bản, chăm lo đến sức khỏe gia đình. Mặt khác, nền y tế của chúng ta phải vươn tới xây dựng một nền y tế hiện đại, đào tạo được ngày càng nhiều các chuyên gia hàng đầu, nhanh chóng tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, tập trung xây dựng những trung tâm y tế chuyên sâu. Như vậy là tính dân tộc, tính đại chúng và tính khoa học gắn bó chặt chẽ với nhau và là những phương hướng cơ bản, lâu dài của nền y tế nước ta.

Trong tư tưởng của Bác Hồ thể hiện rất rõ quan điểm xây dựng một nền y học trên cơ sở kết hợp Đông y và Tây y. Quan điểm này của Bác Hồ là xuất phát từ thực tiễn lịch sử Việt Nam. Bác nói: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý hóa về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc” và Bác còn nói “Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”. Sở dĩ như vậy vì Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng không chữa được. Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thầy thuốc tây phải học Đông y, thầy thuốc ta cũng phải học thuốc tây... Thầy thuốc ta và thầy thuốc tây đều phục vụ nhân dân, như có hai tay cùng làm việc thì làm việc được tốt. Cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đoàn kết thuốc ta và thuốc tây thành một khối để chữa bệnh cho đồng bào”.

Với cách nhìn nhận của Bác Hồ thì Đông y và Tây y không phải là hai mặt mâu thuẫn với nhau mà có sự thống nhất chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau. Chúng ta quan niệm đầy đủ rằng phải kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại, phải hiện đại hóa y dược học cổ truyền nhưng không làm mất bản sắc y dược học dân tộc. Chúng ta luôn luôn ý thức y dược học cổ truyền là một thế mạnh của nước ta. Để xây dựng một nền y học hiện đại tiến kịp với nền y học nhân loại, chúng ta phải khai thác, phát huy sức mạnh của y dược học cổ truyền; khai thác, phát huy cái phong phú, cái tài tình, cái còn đang tiềm ẩn của y học cổ truyền.

Quan điểm về y tế dự phòng

Trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề y học dự phòng. Bác Hồ nói “Phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh”. Có lúc Người còn nói “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Quan điểm về y học dự phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất toàn diện. Để chống lại bệnh tật, ốm đau, Người đặc biệt quan tâm từ những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, hố xí vệ sinh, diệt ruồi, muỗi. Người nhấn mạnh “Vệ sinh là yêu nước”. Ở đây khái niệm “vệ sinh” của Người bao hàm rất rộng, rất đầy đủ. Người thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Người nói: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người dân yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Trong 5 lời dạy của Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng. Bác cũng nói: “Yêu Tổ quốc và yêu đồng bào, Học tập tốt và lao động tốt. Đoàn kết tốt và kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà và dũng cảm”.

Ngay trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước những công việc cấp bách, bộn bề; Người vẫn nghĩ đến xây dựng “Đời sống mới” cho toàn dân. Trong nội dung của “Đời sống mới”, Người viết “Sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khỏe mạnh thì làm được việc, làm được việc thì có ăn, xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”.

Trong quan điểm y học dự phòng của Chủ thịch Hồ Chí Minh, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao thể lực của con người. Đây chính là phương châm y học dự phòng tích cực và chủ động nhất. Bác Hồ vận động toàn dân phải thường xuyên vận động cơ thể, tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Khi khuyên đồng bào tập thể dục, Bác Hồ nói, vị Chủ tịch nước cũng xin hứa: “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”. Không những tập thể dục mà Người còn tập tắm nước lạnh, trèo núi, đánh bóng chuyền, tập võ... Có thể nói Bác Hồ cũng chính là một mẫu mực của ý chí rèn luyện về mọi mặt.

Ngày nay, khi đất nước ta chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiều thách thức lớn đang đặt ra cho công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe nhân dân thì vai trò của y học dự phòng càng trở nên đặc biệt quan trọng. Không những chúng ta vẫn phải ngăn chặn, đề phòng những bệnh tật của mô hình một nước kém phát triển như các bệnh nhiễm khuẩn, tả, lỵ, thương hàn, sốt rét... mà còn phải đặt ra vấn đề phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, AIDS, bệnh nghề nghiệp, bệnh do tệ nạn xã hội... là mô hình bệnh tật của các nước phát triển.

Quan điểm về đạo đức của của người thầy thuốc

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức của người thầy thuốc là “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người về y đức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, nó trực tiếp quan hệ đến sức khỏe, đến tính mệnh của con người. “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” là một đòi hỏi khách quan trong việc thực hành y nghiệp. Vì tính chất của nghề nghiệp mà người thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần người bệnh, yêu thương người bệnh và săn sóc họ như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Người thầy thuốc phải lấy người bệnh là trung tâm, coi cứu người bệnh là mục đích hành đạo.

Hải Thượng Lãn Ông cũng quan niệm người thầy thuốc phải nhiệt tình, không kể sang hèn, không kể giàu nghèo, phải tôn trọng người bệnh, không được cầu lợi, kể công, không được “đem nhân thuật để làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm vấn đề quyết định y đức của người thầy thuốc là lương tâm đạo đức, là trách nhiệm bổn phận của người thầy thuốc “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Người còn dặn dò các y tá “y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những chữa bệnh mà còn phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn, bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đành giặc ốm, bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái, hy sinh”. Theo Người, nhân ái hay bác ái là nét nổi bậc trong nhân cách của người thầy thuốc, một nền y học tiến bộ phải tồn tại trên cái nền của lòng nhân ái.

Ngày nay, trong bối cảnh mới của đất nước, vấn đề y đức cũng đang được đặt ra như một vấn đề bức xúc. Sự chuyển đổi từ một nền y tế bao cấp sang một nền y tế trong cơ chế thị trường, những tác động tiêu cực của nó ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người thầy thuốc. Khi đồng tiền được đặt ra giữa người thầy thuốc và bệnh nhân. Khi người bệnh đến bệnh viện có nhiều phương thức trả tiền trong những điều kiện đời sống của những người thầy thuốc còn nhiều khó khăn, đồng lương còn chưa đủ ăn thì những tác động tiêu cực cũng đã làm không ít thầy thuốc bị xói mòn lương tâm đạo đức; đồng tiền, quà cáp đang làm thay đổi tiêu chí đối xử đối với bệnh nhân.

Nhận rõ tính bức xúc trên đây, trong thời gian qua ngành y tế bằng nhiều biện pháp đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng y đức, với quyết tâm càng ngày càng nâng cao hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với ngành y tế. Bộ Y tế đã có chỉ thị về vấn đề y đức và chỉ thị đó dần dần đi vào thực tiễn và trở thành hành động của các nhân viên y tế. Bộ Y tế cũng đã ban hành 12 điều quy định về y đức. Có thể nói rằng 12 điều quy định này đã được dư luận rộng rãi nhân dân trong cả nước đồng tình và ủng hộ. Ở trong ngành y tế đã và đang có những đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi để quán triệt, tổ chức thực hiện 12 điều quy định về y đức.

Những nội dung trọng tâm của 12 điều y đức là những quy định về tinh thần trách nhiệm, thái độ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, thái độ niềm nở, tận tình, khẩn trương tổ chức khám chữa, tôn trọng bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo. Trong điều trị phải tận tình, chu đáo, luôn luôn có mặt ở vị trí công tác, theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời các tình huống, phải thực hiện được điều như cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã nói: “Đến, niềm nở tiếp đón. Ở, tận tình chăm sóc. Đi, ân cần dặn dò”.

Đối với đồng nghiệp phải tôn trọng, cộng tác, thân ái giúp đỡ lẫn nhau. Khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp của nhau, sẵn sàng chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm cho người khác.

Đối với nghề nghiệp, phải ra sức phấn đấu cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, có lòng yêu nghề sâu sắc, có lương tâm nghề nghiệp cao, không ngừng học tập và nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân, vì nhân dân.

Ngoài lời dạy phải thương yêu người bệnh “Lương y phải như từ mẫu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh giáo dục đạo đức cho người thầy thuốc là “trước hết phải thật thà đoàn kết...”. Bác Hồ nói “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sĩ, Dược sĩ cho đến các chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân”

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã và đang triển khai thực hiện đây mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đối với vấn đề y đức, những người làm công tác y tế cần phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người từ những quan điểm về sức khỏe, y tế, y học và đạo đức của người thầy thuốc.

Cố GS.TS Đỗ Nguyên Phương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế

Theo giadinh.net.vn
Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: