Không gian bên ngoài Bảo tàng Khu 5
Nằm trong hệ thống Bảo tàng và các Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hệ thống các bảo tàng trong toàn quân, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5 là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật lịch sử quý giá của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tọa lạc tại số 3 đường Duy Tân, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5, tại thành phố Đà Nẵng nằm trong Cụm Bảo tàng lưu giữ những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng được khởi công xây dựng năm 1976. Ngày 19-5-1977, Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động và được xếp là Bảo tàng quốc gia hạng hai năm 1995.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 được chia làm 4 phòng trưng bày với diện tích trưng bày hơn 700 m2 gồm 8 chủ đề với nhiều hình ảnh, hiện vật và tài liệu khoa học khái quát toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm thể hiện tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Khu 5 đối với Bác và tình cảm sâu nặng của Bác dành cho đồng bào, chiến sĩ Khu 5.
Bức ảnh Bác và ống tre gia đình bà Đặng Thị Kiểm dùng để cất giấu ảnh Bác.
Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn dành tình cảm đặc biệt với đồng bào miền Nam nói chung, với quân dân Khu 5 nói riêng. Khi hay tin đồng bào Nam Ngãi bị thiên tai, Bác gửi tặng 500 tấn thóc để giúp nhân dân cứu đói. Bác cũng gửi thư khen ngợi, động viên bộ đội Liên khu 5 sau chiến thắng An Khê, chiến thắng Bắc Tây Nguyên (1954)…
Ngược lại, người dân miền Trung - Khu 5 cũng dành rất nhiều tình cảm yêu kính Bác. Không có vinh dự được đón Bác vào thăm thì bà con Khu 5 tìm đủ mọi cách để cất giấu ảnh vị lãnh tụ của mình để như thấy Bác bên mình.
Bà Đặng Thị Kiểm là một ví dụ. Bà Kiểm ở thôn 3, xã Kỳ Xuân, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Từ thời kháng chiến chống Pháp rồi sau này là chống Mỹ, cả gia đình bà đều tham gia cách mạng. Năm 1965, con trai bà là Nguyễn Lâu thoát ly lên huyện học và được thưởng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Được con trai trao lại cất giữ, bà Kiểm cuộn tròn bức ảnh vào một ống tre để trên gác bếp tránh sự lục soát của địch. Hai lần nhà bà bị đốt phá phải dỡ đi nơi khác nhưng bà đều mang theo ảnh Bác vì bà nghĩ đây là phần thưởng quý báu của con trai mình, nay con trai vì cách mạng hy sinh, bà cố giữ lấy để làm kỷ niệm.
Năm 1975, Kỳ Xuân giải phóng, Ủy ban tự quản được thành lập và ra mắt nhân dân lần đầu tiên. Và vì mới giải phóng, Ủy ban không có ảnh Bác nên bà Kiểm đã mang bức ảnh này cho mượn tạm. Năm 1977, bà Kiểm trao lại bức ảnh cho cán bộ Bảo tàng Quân khu 5.
Ngôi Nhà Sàn được xây dựng theo đúng tỷ lệ 1:1
so với ngôi Nhà Sàn của Bác ở Thủ đô Hà Nội
Trong khuôn viên của bảo tàng, ấn tượng nhất là khu Nhà Sàn được xây dựng phỏng theo khuôn mẫu ngôi nhà thật của Bác ở Thủ đô Hà Nội theo đúng tỷ lệ 1:1. Nhà Sàn được bao quanh bởi vườn cây, ao cá, bên ngoài là hàng rào dâm bụt đỏ…, tạo ra một không gian vừa thiêng liêng vừa gần gũi, ấm áp hơi thở của Người.
Đây chính là nguyện vọng, tình cảm của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ Khu 5 đối với Bác. Bởi với những người không có điều kiện để ra Thủ đô thăm ngôi Nhà Sàn của Bác thì tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5, người xem sẽ như thấy được nơi Bác đã sống và làm việc 11 năm cuối đời, cảm nhận rõ lối sống giản dị, mộc mạc mà thanh cao của vị lãnh tụ dân tộc.
Xung quanh nhà được trồng rất nhiều cây trái, đặc biệt là hàng rào dâm bụt đỏ bao quanh ngôi nhà và ao cá càng tạo thêm sự gần gũi cho những ai bước vào khuôn viên Nhà Sàn.
Khi đến thăm Bảo tàng lần tứ 2 ngày 30-1-2005, nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đã ghi cảm tưởng: “Trong dịp về thăm làm việc với Quân khu 5 lần này, tôi lại được thăm lại khu Nhà Sàn và ao cá Bác Hồ do Quân khu xây dựng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5. Tôi đánh giá cao công trình của các đồng chí, sao rất giống với Bảo tàng về Bác trong khu vực Phủ Chủ tịch tại Hà Nội. Chắc chắn, đồng bào ta cũng như bạn bè quốc tế đến thăm khu vực này sẽ có được cảm nhận về Bác khi chưa có dịp đến thăm khu vực chính ở Hà Nội”.
Bên trong ngôi nhà các đồ vật được mô phỏng giống hệt ngôi nhà Bác đã từng sống và làm việc những năm cuối đời trong khu vực Phủ Chủ tịch tại Hà Nội.
Từ những chiếc điện thoại liên lạc, chiếc mũ Bác đội…
… đến phòng ngủ của Bác, tất cả đều toát lên vẻ giản dị, mộc mạc.
Tại Bảo tàng còn có Phòng Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi trang nghiêm để tổ chức các lễ dâng hương, hoa và báo công dâng Bác của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 nói chung, nhân dân trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên nói riêng.
Phòng Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bên cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 là Bảo tàng Khu 5 thuộc loại bảo tàng lịch sử quân sự cách mạng. Bảo tàng được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 07-10-1982 với diện tích trưng bày 8.819 m2, được chia làm hai khu vực trưng bày: Ngoài trời và các phòng bên trong.
Khu trưng bày hiện vật nặng ngoài trời rộng 5.451 m2 gồm các loại vũ khí thể khối lớn như: Máy bay, xe tăng, xe bọc thép, các loại pháo từ 75mm đến 175mm…, các loại vũ khí của quân đội Pháp, Mỹ bị quân và dân Khu 5 đánh bại thu được và sử dụng lại để đánh địch trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc.
Chiếc xe ủi Trung đoàn 270 sử dụng phục vụ chiến trường Khu 5 từ 1974
được trưng bày ở không gian bên ngoài Bảo tàng Khu 5.
Xe cẩu xích M578 được trưng bày ở ngoài trời.
Nhiều vũ khí được dùng trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp
và chống Mỹ cũng được trưng bày tại đây.
Phần trưng bày bên trong rộng 3.368 m2 gồm 12 phòng trưng bày hàng ngàn hình ảnh, tư liệu, hiện vật về sự ra đời, chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng vũ trang Quân khu 5 trong gần 70 năm qua. Đặc biệt có nhiều tổ hợp hình ảnh, hiện vật quý hiếm được trưng bày thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, hiệu quả của sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương ở Khu 5 trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đáng kể đến là tổ hợp hiện vật hình ảnh đội du kích Ba Tơ - một trong những tổ chức tiền thân của Lực lượng vũ trang Quân khu 5 - được thành lập ngày 10-3-1945; tổ hợp hiện vật thể hiện tinh thần của quân và dân Khu 5 cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8-1945; tổ hợp hiện vật làng chiến đấu Xi Tơ do anh hùng Đinh Núp lãnh đạo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; tổ hợp hiện vật phong trào tự cung, tự cấp của quân dân Khu 5 trong kháng chiến chống Pháp…
Một số vật dụng là quần áo, quân trang, chăn… được nhân dân Khu 5
dệt từ vải xi-ta, loại vải được chính những người phụ nữ Khu 5 trồng bông,
kéo sợi, dệt thành vải. Loại vải này bền chắc, mặt vải mịn, trơn, phơi mau khô.
Ngoài ra, còn nhiều hiện vật phong phú thể hiện tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân Khu 5 trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng mạnh mẽ cho du khách trong và ngoài nước khi đến nghiên cứu, tham quan hiện vật. Trong đó có bộ khóa chốt chì của Anh hùng liệt sĩ Đặng Tiến Lợi, dùng để đánh mìn vào khu ra đa của Mỹ-Ngụy ở bán đảo Sơn Trà ngày 15-8-1972; đôi dép của chị Phan Thị Mùa - nữ biệt động thành phố Đà Nẵng.
Hay chiếc mủng hai đáy của ông bà Hồ Lễ Phương ở Hòa Cường, do chính ông bà tự tay đan, mặt trên và trong của mủng giống như bao chiếc mủng khác, nhưng thực ra phía ngoài có thêm một đáy thứ 2, rất khó phát hiện.
Ông bà đã dùng chiếc mủng này để chuyển tài liệu bí mật cho con trai là đồng chí Hồ Lễ Ân, cán bộ cách mạng hoạt động ở thành phố từ 1965 đến 1970, tuyệt đối an toàn, địch không phát hiện được. Năm 1977, ông bà đã tặng chiếc mủng này cho Bảo tàng.
Một số loại vũ khí được trưng bày trong bảo tàng là chiến lợi phẩm của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Với diện tích không gian thoáng rộng, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5 là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước - những người muốn tìm về một thời lịch sử đấu tranh hào hùng, anh dũng của quân và dân Khu 5 để giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.
NHƯ NGUYỆT
Theo baodanang.vn
Thu Hương