Chủ nhật, 22/12/2024

Theo thống kê của giới học quốc tế, từ thời cổ đại đến nay, nhân loại đã từng xảy ra 14.500 cuộc chiến tranh. Mỗi cuộc chiến tranh đều có những con đường hành quân, tiếp vận của cả hai phía.

hai tuyen duong HCM anh 1
Trung đoàn 6 Công binh anh hùng Bộ đội Trường Sơn trong nhiệm vụ mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1975.

Có lẽ từ xưa đến nay chưa có cuộc chiến tranh nào kéo dài suốt 30 năm như cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Và cũng chưa hề có những tuyến chi viện từ hậu phương ra tiền tuyến lại có quy mô lớn, thời gian hoạt động kéo dài, gian khổ, ác liệt nhưng lại có hiệu quả rất cao như hai tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển Đông của dân tộc Việt Nam.

Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn

Sau khi có Nghị quyết 15 (tháng 1/1959) Đảng ta chủ trương chuyển hướng chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước. Để thực hiện khát vọng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương mở con đường bí mật xuyên Trường Sơn nhằm chi viện sức người sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt (sau gọi là Đoàn 559) do đồng chí Võ Bẩm làm Đoàn trưởng được thành lập làm nhiệm vụ mở con đường gùi thồ, hành quân bộ từ miền Bắc vào miền Nam mà báo chí phương Tây gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”.

Từ 500 cán bộ, chiến sỹ đầu tiên, hơn 2 năm sau - ngày 23/10/1961 Đoàn 559 đã trở thành một đơn vị tương đương cấp Sư đoàn. Đến ngày 3/4/1969 tương đương cấp Quân khu. Từ tháng 7/1970, đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn đã thực sự trở thành một chiến trường rộng lớn trải dài suốt 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Quân số của bộ đội Trường Sơn lúc cao nhất có tới hơn 10 vạn cán bộ, chiến sỹ và hơn 3 vạn thanh niên xung phong.

Tính đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong đã xây dựng được một hệ thống giao thông vận tải liên hoàn vững chắc với 5 đường trục dọc, 21 đường trục ngang nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường với tổng chiều dài gần 20.000km đường ô tô; hơn 1.400km đường ống dẫn dầu; 3.410km “đường kín” cho xe chạy ban ngày; hàng ngàn cầu, cống, ngầm; 600km đường sông; hàng chục ngàn ki-lô-mét đường dây thông tin, bảo đảm giao thông, thông tin liên tục thông suốt trong mọi tình huống.

hai tuyen duong HCM anh 2
Tập thể cán bộ, chiến sỹ
tàu Phương Đông 1 do đồng chí Chính trị viên Bông Văn Dĩa và Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy đã chở 30 tấn vũ khí đầu tiên vào bến Rạch Gốc (Cà Mau) thành công, ngày 16/10/1962.

Đã đào đắp khoảng 29 triệu m3 đất đá, san lấp hàng trăm nghìn hố bom, phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 quả bom nổ chậm, 85.000 quả mìn các loại. Đã chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí đạn dược, lương thực... cho các chiến trường. Đưa đón hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ Dân, Chính, Đảng vào ra qua đường Trường Sơn.

Đường Trường Sơn là một trong những chiến trường trọng điểm, đối chọi quyết liệt giữa ta và địch. Theo số liệu đã được công bố (nhưng chắc chắn còn chưa đầy đủ), trong suốt 16 năm, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn phải đương đầu với 733.000 trận ném bom bắn phá của không quân Mỹ (kể cả máy bay chiến lược B52). Tính trung bình mỗi mét đường Trường Sơn phải hứng chịu 5 quả bom. 14.500 xe máy, hơn 700 khẩu pháo, hơn 90.000 tấn hàng bị bom đạn địch phá huỷ.

Bộ đội Trường Sơn đã đánh bại 2.500 trận càn quét, biệt kích, tập kích của địch, tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên; bắn rơi 2.455 máy bay các loại.

Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn đã ghi dấu chân của không biết bao chàng trai, cô gái đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong đã hi sinh, hơn 30.000 người bị thương, hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam, phải tiếp tục gánh chịu những tổn thương kéo dài nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc.

Ai đã một lần có mặt ở Trường Sơn, hẳn sẽ phần nào hiểu rõ sự hi sinh mất mát và sức chịu đựng phi thường của một dân tộc ra trận để cho ngày chiến thắng. Văn bia Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có đoạn “Năm tháng sẽ qua đi nhưng sự đóng góp của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt”.

hai tuyen duong HCM anh 3
Giấc ngủ giữa lòng dân sau những ngày chiến đấu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá “Con đường Trường Sơn - con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam… là một trong những nhân tố quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Nhà báo Pháp Giắc-kê Đê-pu-ếch nhận xét “Kỳ tích này là sự vượt trội nhiều lần so với những kỳ tích của tướng Ha-ni-ban thời cổ đại với những voi chiến vượt qua núi An-pơ và của tướng Bô-na-pac thời cận đại mang cả trọng pháo vượt đèo Xanh Béc-nơ, vì nó không chỉ là việc của các viên tướng tài ba mà là do cả một dân tộc tiến hành”.

Còn tướng Mắc-xen Taylơ - nguyên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cũng phải cay đắng thừa nhận “Chúng ta đã không đánh giá đúng tinh thần cực kỳ kiên quyết và đức hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của người Việt Nam. Những cố gắng đánh bại đường mòn Hồ Chí Minh đều thất bại”.

Việc Mỹ thừa nhận thất bại trong cuộc chiến tranh ngăn chặn đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn khiến cả thế giới coi đường Trường Sơn như một con đường bất tử. Học giả Đích Van-gây (Mỹ) khẳng định “Đối với đường mòn Hồ Chí Minh, muốn chiếm được nó phải chiếm đóng mỗi mi-li-mét vuông của Lào, Campuchia và cả miền Bắc cũng như miền Nam Việt Nam.

Tất cả quân đội của thế giới này may ra mới đủ. Những quả bom ngoài việc phá hoại môi trường không thể đụng được đến bản chất và ý chí của con người Việt Nam”.

hai tuyen duong HCM anh 4
Tàu vận tải Đoàn 125 đang trên đường vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, năm 1971. Ảnh: Tư liệu.

Đường Hồ Chí Minh trên biển

Đồng thời với việc tổ chức tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn, tháng 7/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị giao cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh nghiên cứu mở tuyến vận chuyển chi viện chiến lược trên biển Đông.

Theo sự chỉ đạo đó, Đoàn 759 vận tải chi viện chiến trường bằng đường biển được thành lập. Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở hơn 30 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông I” do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên cùng 13 cán bộ đảng viên rời bến Vạn Sét (Đồ Sơn) lên đường vào Nam bộ.

Sáng ngày 19/10, tàu Phương Đông I vào cửa Bồ Đề và cập bến Vàm Lũng (xóm Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Năm Căn, Cà Mau) an toàn. Tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được khai thông. Khu ủy Khu 9 lập tức báo cho Trung ương. Nhận được tin vui, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngay điện khen ngợi những người trực tiếp góp công sức lập nên chiến công đầu tiên.

Người chỉ thị: “Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc, cho Nam Bắc sớm sum họp một nhà”. Tin vui cũng được đồng chí Phan Hàm, Cục phó Cục tác chiến, Trưởng phòng B, Bộ Tổng tham mưu báo ngay cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng đang chủ trì cuộc họp Quân ủy Trung ương.

Nhận được tin vui, Đại tướng xúc động trào nước mắt khiến các thành viên dự hội nghị không hiểu vì sao. Ít giây sau, ông đứng lên vừa lấy tay vuốt ngực vừa nghẹn ngào báo tin vui. Ông đề nghị hội nghị tạm giải lao liên hoan nhẹ mừng thành công của chuyến đi lịch sử này”. 30 tấn vũ khí lúc đó đối với chiến trường xa nhất là Nam bộ hết sức quý giá, có ý nghĩa rất lớn bởi chính số vũ khí ấy đã giúp cho quân dân ta làm nên các chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài...

Từ chuyến đi thành công của tàu Phương Đông I đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển hơn 96.000 tấn vũ khí đạn dược và các vật chất khác cùng hơn 17.000 lượt cán bộ, chiến sỹ chi viện chiến trường miền Nam. Con số đó tuy không thể sánh với khối lượng vận chuyển của đường Hồ Chí Minh trên bộ, nhưng lại có ý nghĩa và tầm quan trọng rất đặc biệt.

Tuyến chi viện chiến lược trên bộ từ 1959 đến 1972 đặc biệt là từ năm 1959 đến 1965 chủ yếu mới vươn tới được các chiến trường Trị Thiên, Trung - Hạ Lào, Tây Nguyên. Việc chi viện cho các chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ từ 1959 đến 1972 hết sức khó khăn. Tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời đã kịp thời đáp ứng được yêu cầu đó.

 Chính hiệu quả vận chuyển của tuyến đường này đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các địa bàn chiến lược ở miền Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa địch và ta.

Thời đó đã từng có những bức điện từ các chiến trường gửi ra Trung ương “Để chúng tôi đánh giặc bằng cùi chỏ à?”. Từ khi được chi viện vũ khí từ miền Bắc, việc hạ máy bay, bắn cháy tàu chiến, xe bọc thép M113, nhổ đồn bốt diễn ra liên tục khiến cho kẻ địch từ chỗ chủ quan, hung hăng ngạo mạn thành khiếp sợ, né tránh, chùn bước.

Ngoài cung cấp vũ khí và các vật chất khác cho các chiến trường xa, tuyến chi viện chiến lược trên biển có ưu thế hơn đường bộ là thời gian nhanh hơn, kịp thời hơn, vũ khí trang bị đồng bộ hơn do không bị nhầm lẫn, thất lạc.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đạt hiệu quả rất cao. Đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 10/1962 đến tháng 2/1965, với 88 chuyến tàu (mỗi tàu có từ 10 đến 20 cán bộ, chiến sỹ), tỷ lệ đến đích đạt 93% (trong khi tỷ lệ cấp trên cho phép là 50%), tuyến chi viện chiến lược trên biển đưa tới các chiến trường được 4.919,636 tấn vũ khí và các mặt hàng thiết yếu.

Khối lượng đó nếu là gạo, dùng người gùi thồ, mỗi người trung bình gùi 25kg thì phải huy động tới 20 vạn người đi liên tục trong 6 tháng. Mỗi người sử dụng 21kg gạo mỗi tháng thì phải cần tới 25 vạn tấn (gấp 50 lần lượng hàng được đưa tới đích), chưa tính các nhu yếu phẩm khác, cũng chưa tính tổn thất dọc đường.

Trong khuôn khổ của một bài báo, thật khó có thể giới thiệu đầy đủ những thành tích, những chiến công của hai tuyến chi viện chiến lược. Nhưng có lẽ cũng đủ khẳng định: Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển là một kỳ công chiến lược của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá “Con đường Trường Sơn - con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam… là một trong những nhân tố quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Đại tá, TS Vũ Tang Bồng
Theo Báo Tiền phong
Kim Chi (st)

Bài viết khác: