1. Nghị định 05/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/01/2016 về việc quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân, có hiệu lực từ ngày 01/3/2016.
Nghị định quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân như sau:
- Thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.
- Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 3.000.000 đồng/suất/lần.
Chế độ quy định trên được thực hiện không quá 02 lần trong 01 năm đối với một đối tượng.
- Thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất.
Nghị định cũng quy định Hồ sơ xét hưởng chế độ đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân gồm:
- Bản khai đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất của hạ sĩ quan, chiến sĩ gồm các giấy tờ sau đây:
+ Giấy ra viện hoặc giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên, nơi thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang điều trị;
+ Giấy xác nhận của UBND cấp xã;
+ Giấy chứng tử hoặc giấy xác nhận thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ mất tích của cơ quan có thẩm quyền.
- Văn bản đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất của đơn vị trực tiếp quản lý hạ sĩ quan, chiến sĩ cấp tiểu đoàn hoặc cấp phòng, quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương trở lên.
2. Nghị định số 08/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/01/2016 quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân,có hiệu lực từ ngày 10/3/2016.
- Về số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Nghị định quy định đối với đơn vị hành chính ở đô thị, Nghị định quy định số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính như sau:
+ Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
+ Cấp quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND;
+ Cấp phường, thị trấn loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phường, thị trấn loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban.
- Trình tự, thủ tục bầu thành viên Ủy ban nhân dân được Nghị định quy định như sau:
+ Chủ tịch Hội đồng nhân dân giới thiệu để HĐND cùng cấp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Chủ tịch UBND được bầu tại kỳ họp thứ nhất của HĐND phải là đại biểu Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu HĐND.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân. Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.
+ Khi bầu thành viên Ủy ban nhân dân tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, nếu có đại biểu Hội đồng nhân dân ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được người có thẩm quyền tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định số 08/2016/NĐ-CP giới thiệu thì Thường trực HĐND trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
- Ban kiểm phiếu bầu thành viên Ủy ban nhân dân gồm: Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên.
- Thành viên Ủy ban nhân dân trúng cử khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tán thành.
- Trong trường hợp bầu lần đầu nhưng không được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tán thành thì việc có bầu lại hay không bầu lại thành viên Ủy ban nhân dân ngay trong kỳ họp do Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
3. Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/01/2016 quy định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, có hiệu lực từ ngày 15/3/2016.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định là quy định về việc số lượng kênh chương trình nước ngoài khai thác trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền chỉ tối đa 30% tổng số kênh khai thác. Trên kênh truyền hình trả tiền không được bao gồm các thông tin quảng cáo cài đặt sẵn từ nước ngoài; các nội dung quảng cáo đều phải thực hiện tại Việt Nam.
Về việc thu tín hiệu truyền hình thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình, Nghị định cho phép người sử dụng được lắp đặt thiết bị thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh để thu xem các kênh chương trình truyền hình thuộc dịch vụ truyền hình qua vệ tinh của Việt Nam mà không phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Đối với việc thu tín hiệu truyền hình không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình (thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh để xem các kênh truyền hình nước ngoài), chỉ cơ quan Nhà nước ở Trung ương và cấp tỉnh; cơ quan báo chí; cơ quan, tổ chức ngoại giao… được thực hiện để khai thác thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ.
4. Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ban hành ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, có hiệu lực từ ngày 01/3/2016.
Nghị định quy định cụ thể, từ ngày 01/3/2016, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Theo đó, với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, mức giá được áp dụng là 20.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II là 15.000 đồng/lượt; hạng III là 10.000 đồng/lượt và hạng IV là 7.000 đồng/lượt. Trường hợp hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chỉ khi mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) thì mức giá là 200.000 đồng/lượt.
Từ ngày 01/7/2016, giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế sẽ bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương. Như vậy, với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, mức giá là 39.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II là 35.000 đồng/lượt; hạng III là 31.000 đồng/lượt và hạng IV là 29.000 đồng/lượt. Vẫn như thời điểm trước, trong trường hợp hội chẩn để xác định ca bệnh khó thì mức giá được áp dụng là 200.000 đồng/lượt.
Cũng theo hướng dẫn của Thông tư này, trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đó được chuyển vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn được thanh toán một lần khám bệnh.
5. Thông tư số 19/2016/TT-BTC hướng dẫn nội dung Quyết định 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ban hành ngày 01/02/2016, có hiệu lực ngày 06/3/2016.
Nhằm góp phần tiết kiệm nguồn chi từ ngân sách, tại Thông tư quy định cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện thuê máy móc, thiết bị mà trên thị trường có cung cấp dịch vụ cho thuê trong các trường hợp như: Máy móc, thiết bị có nhu cầu sử dụng trong thời gian dưới 12 tháng hoặc chỉ sử dụng tối đa không quá 03 lần/năm; máy móc, thiết bị phục vụ công tác quản lý dự án có nhu cầu sử dụng dưới 50% thời gian sử dụng theo chế độ quy định…
Cũng với mục đích trên, khi thay thế máy móc, thiết bị chuyên dùng hoặc máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến, cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện theo nguyên tắc: Trước tiên, nhận điều chuyển từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp không có máy móc, thiết bị để nhận điều chuyển thì mua mới.
6. Thông tư 32/2015/TT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành 31/12/2015 quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, có hiệu lực từ ngày 01/3/2016.
Theo đó tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Quỹ tín dụng nhân dân được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ấn định là 8%. Đồng thời, Quỹ tín dụng nhân dân phải duy trì tỷ lệ khả năng chi trả trong ngày làm việc tiếp theo và trong khoảng thời gian 07 ngày làm việc tiếp theo tối thiểu bằng 01; duy trì tỷ lệ của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn tối đa bằng 30%...
Ngoài ra, Quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo tổng mức dư nợ cho vay đối với khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của Quỹ; trong đó mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15%.
Thông tư quy định Quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay không có bảo đảm, cho vay với điều kiện ưu đãi (ưu đãi về lãi suất, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét duyệt cho vay, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ nợ và các biện pháp xử lý thu hồi nợ) cho những đối tượng sau đây:
- Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng của quỹ tín dụng nhân dân.
- Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán và thanh tra viên đang thanh tra tại quỹ tín dụng nhân dân.
- Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại điểm a khoản này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.
- Người thẩm định, xét duyệt cho vay của quỹ tín dụng nhân dân.
Thông tư 32/2015/TT-NHNN thay thế Quyết định 1328/2005/QĐ-NHNN.
7. Thông tư số 33/2015/TT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 31/12/2015 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có hiệu lực từ ngày 01/3/2016.
Thông tư quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, gồm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và tỷ lệ về khả năng chi trả.
Cụ thể, tổ chức tài chính vi mô phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu bằng 10%; trong đó, tỷ lệ an toàn vốn được xác định bằng vốn tự có trên tổng tài sản “Có” rủi ro nhân (x) 100. Đồng thời, tổ chức tài chính vi mô cũng phải duy trì thường xuyên khả năng chi trả tối thiểu bằng 20%; tỷ lệ về khả năng chi trả được xác định bằng tiền mặt, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại trên tổng số dư tiền gửi tự nguyện nhân (x) với 100.
8. Thông tư số 202/2015/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 18/12/2015 hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 01/3/2016.
Thông tư quy định tổ chức được chấp thuận niêm yết phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được Sở Giao dịch chứng khoán chấp thuận; sau thời hạn này, quyết định chấp thuận sẽ mặc nhiên hết hiệu lực.
Về đăng ký niêm yết lại, Thông tư quy định, tổ chức có chứng khoán bị hủy niêm yết (bắt buộc hay tự nguyện) chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ ngày bị hủy nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội do đã được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ngược lại.
Nội dung đáng chú ý khác là quy định về điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán của công ty niêm yết thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu, phần vốn góp tại doanh nghiệp khác hoặc khoản nợ của tổ chức phát hành đối với chủ nợ. Cụ thể, công ty niêm yết được đăng ký niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành để hoán đổi khi có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu sau khi hoán đổi đạt tối thiểu là 5%. Trường hợp vốn chủ sở hữu không đạt 5% và phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng không quá 50% vốn điều lệ thực góp thì số cổ phiếu phát hành thêm chỉ được niêm yết bổ sung sau 01 năm kể từ thời điểm hoàn tất việc hoán đổi. Nếu phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng trên 50% vốn điều lệ thực góp, công ty niêm yết sau hoán đổi sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc và được các Sở Giao dịch chứng khoán phối hợp với Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam làm thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
Kim Yến (Tổng hợp)