Chủ nhật, 22/12/2024

 

chuyen ve nguoi phi cong duoc bh dat ten
Phi công Nguyễn Đức Việt

Trong cuốn “Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam” có một chi tiết rất đặc biệt: “Ngày 15/8/1949, chiếc máy bay Tiger Moth sơn cờ đỏ sao vàng do đồng chí Nguyễn Đức Việt lái và đồng chí Đống thợ máy cùng bay đã cất cánh.

Đồng chí Việt là người gốc Đức - phi công lái máy bay liên lạc, chạy sang hàng ta từ ngày đầu kháng chiến ở Trung Bộ, đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương”...

Gắng tìm kiếm, chúng tôi gặp được bà Nguyễn Việt Hoa, con gái của đồng chí Việt. “Cha đặt tên cho tôi vì tình yêu loài hoa hồng và nói tôi là bông hồng đẹp nhất trên đất Việt của ông. 7 năm sống cùng cha thật ngắn ngủi nhưng đầy kỷ niệm sâu lắng.

Có lần vào khoảng năm 1954, hai chị em (em trai tên Hồng) chạy máy bay ném bom, tôi bị ngã chảy máu, cha vội vã tìm thuốc lào rịt lại. Lần khác bị ốm, cha bế tôi chạy gần 8 km đường rừng đến gặp bác sĩ Tôn Thất Tùng.

Khi quân ta tiếp quản sân bay Gia Lâm, cha tôi mê việc đến nỗi suốt ngày ở Xưởng Sửa chữa máy bay thu dọn đồ khi giặc Pháp tháo chạy. Quân ta đang nỗ lực sớm đưa sân bay vào hoạt động trở lại. Hai mẹ con cứ đi bộ ra sân bay đưa cơm cho ông trên Đài Chỉ huy” - người đàn bà 58 tuổi tưởng nhớ về cha mình bằng hồi ức đẹp như thế...

Số phận phi công Nguyễn Đức Việt khá đặc biệt và phảng phất huyền thoại. Tên thật của ông là Verner Schulze, vốn là phi công máy bay trinh sát của Đức, sau Thế chiến I bị quân Pháp bắt và làm lính Lê dương sang tham chiến tại Việt Nam.

V.Schulze chán ghét chiến tranh, ông cùng một số binh sĩ chủ động chạy sang hàng ngũ Việt Minh cuối năm 1945, tình nguyện phục vụ đội quân cách mạng. Hồi đầu, ông làm công tác địch vận ở Quân khu 2, năm 1947 được điều về Cục Quân giới trực tiếp sản xuất vũ khí cho quân đội. Nắm chắc kỹ thuật quân sự, V.Schulze đã chế tạo ra đạn AT chống tăng mà quân ta rất cần.

Thành tích ấy mang lại vinh dự lớn cho ông: Được gặp Bác Hồ. Bác tặng V.Schulze một bộ quần áo lụa. Cái tên Nguyễn Đức Việt cũng là do Bác đặt cho với ý nghĩa xây dựng mối đoàn kết hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia Việt - Đức. Ngay sau đó, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 3 năm 1949, Ban Nghiên cứu Không quân ra đời. Nguyễn Đức Việt là phi công am hiểu lĩnh vực hàng không nên giữ chức Trưởng ban Huấn luyện.

Anh em rất quan tâm nghiên cứu hai chiếc máy bay Morane và Tiger Moth - vốn quý duy nhất của Không quân Việt Nam ngày đầu non trẻ. Họ lên Chiêm Hóa để nghiên cứu và bay thử chiếc Tiger Moth. Nguyễn Đức Việt và Nguyễn Văn Đống (Tổ Bảo dưỡng) cùng bay.

Ban đầu Tiger Moth cất cánh rất tốt, nhưng khi chuẩn bị hạ cánh thì bộ phận điều khiển bỗng gặp sự cố, Nguyễn Đức Việt chủ động hạ cánh lệch dốc theo bờ sông Gâm tránh khu dân cư. Lao xuống sông, người được an toàn còn máy bay bị hỏng nặng, thế là đành tháo rời các bộ phận để làm mô hình học cụ cho các đồng chí trong Ban Nghiên cứu.

Từ ấy, trên bầu trời Việt Nam, chiếc máy bay mang cờ đỏ sao vàng đã đánh dấu mốc quan trọng quá trình phát triển của Không quân Nhân dân Việt Nam. 3 năm, Nguyễn Đức Việt đã dạy những học viên của mình nhiều môn: Kỹ thuật, vật lý hàng không, lý thuyết phi hành, tổ chức phi trường…

Bài giảng của ông đã lồng ghép nhiều chuyện về Không quân Nga và Đức, tạo nhiều ảnh hưởng đến các học viên bằng kiến thức phong phú, không chỉ ở trên giảng đường mà ở mọi nơi mọi lúc.

Có kỷ niệm năm 1948, đồng chí Hà Đổng cùng Nguyễn Đức Việt vào Nghệ An làm sân bay dã chiến để đón máy bay chở hàng từ Thái Lan sang. Họ đi bộ vòng vèo tránh đồn địch. Đoạn đường hơn 500km, máy bay địch chỉ đi hết 1 giờ vậy mà hai đồng chí phải đi mất hơn nửa tháng.

Sân bay dã chiến làm xong nhưng máy bay không sang nữa. Lại một tháng lóc cóc đi bộ về, nhưng dọc đường, Hà Đổng đã học được rất nhiều điều bổ ích của thầy Việt, từ kỹ thuật của một sân bay đến các thiết bị máy bay - lối dạy và học kiểu truyền khẩu giản đơn về thứ khoa học hiện đại.

Nguyễn Đức Việt định trở lại Việt Nam dự kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1968 và đón các con sang Đức, nhưng không kịp nữa. Năm 1956, ông về Cộng hòa Dân chủ Đức làm Giám đốc Sân bay Dreden ở Berlin. Ngày 31/6/1968, ông đột ngột ra đi trong chuyến công tác tại Bỉ khi đang giữ chức Thanh tra đường bay quân sự của Cộng hòa Dân chủ Đức.

Bà Hoa kể lại, trước khi chết ông gọi “Hoa Hồng” - tên hai người con của mình trên đất Việt. Bà Hoa nghẹn ngào câu chuyện về cha mình trong nét mắt ứa lệ và hẹn một ngày gần sẽ kể về người mẹ của mình – bà Nguyễn Thị Thành (người Tày, quê Hoàng Xu Phì, Hà Giang)...

Bích Phượng - Tùng Duy

Theo tienphong.vn
Thanh Quỳnh (st)

Bài viết khác: