Duong cao ngon co 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo của Đảng Cộng sản I-ta-li-a (tháng 5-1959). Ảnh tư liệu

Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, đi khắp các châu lục, nhất là đến những trung tâm văn minh đương thời, từ các thư viện ở Pa-ri, Luân Đôn; từ những cuộc sinh hoạt luận bàn trong các hội thảo, các câu lạc bộ chính trị, văn hóa; từ sách báo; từ những quan hệ tiếp xúc với nhiều nhà trí thức, các chính khách có tiếng ở Pháp và thế giới..., Hồ Chí Minh đã thâu thái được những tinh hoa văn hóa của phương Tây cần thiết cho hoạt động cách mạng của Người.

Hồ Chí Minh tiếp thụ những giá trị tư tưởng văn hóa phương Tây cũng như đối với những giá trị phương Đông, với tinh thần phê phán. Người đã trực tiếp thấy rõ ách thống trị cực kỳ tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương, những thống khổ không sao kể xiết của đồng bào mình, đã tận mắt trông thấy tội ác dã man của bọn thực dân ở tất cả các nước thuộc địa mà Người đi qua, trực tiếp chứng kiến những bất công phổ biến ngay ở những nước “văn minh”. Qua thực tế, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra mặt trái của nền văn minh phương Tây. Song, điều đó không ngăn cản Người tiếp thu, kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn minh phương Tây.

Trên cơ sở những nhân tố tư tưởng nói trên, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước thấm sâu trong dòng máu của Người, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả sự gặp gỡ giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Việc Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lê-nin “cái cần thiết” và “con đường” giải phóng dân tộc Việt Nam, “ngọn hải đăng soi đường cho toàn thể nhân loại bị áp bức đi tới giải phóng” là bước quyết định trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng yêu nước ở Nguyễn Ái Quốc có bước nhảy vọt về chất-tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trở thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng: Yêu nước, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc không phải phẩm chất riêng ở những người cộng sản, mà là vốn có ở hàng triệu người trong Đảng cũng như ngoài Đảng. Song, chỉ có Đảng của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới có đường lối đúng đắn để giải phóng dân tộc, biến chủ nghĩa yêu nước truyền thống thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Được tư tưởng khoa học của giai cấp công nhân quốc tế soi sáng, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đã tìm ra đường lối cứu nước đúng đắn. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là cơ sở chủ yếu nhất hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính lý luận Mác - Lê-nin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng để tổng kết kiến thức, tổng kết lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn, tìm ra con đường cứu nước mới, đưa Người vượt hẳn lên phía trước so với những người yêu nước đương thời, khắc phục căn bản cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc. Theo V.I.Lê-nin, một người “chỉ xứng đáng với danh hiệu nhà tư tưởng khi nào họ đi trước phong trào tự phát, chỉ đường cho nó, khi nào họ biết giải quyết, trước những người khác, tất cả các vấn đề lý luận, chính trị, sách lược và các vấn đề về tổ chức mà “những yếu tố vật chất” của phong trào húc phải một cách tự phát”(10). Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất trong những con người như thế.

Chủ nghĩa yêu nước là cơ sở ban đầu và động lực thúc đẩy Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Còn chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã nâng chủ nghĩa yêu nước truyền thống ở Hồ Chí Minh lên bước phát triển mới về chất phù hợp với thời đại mới. Người nói: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(11).

Ngay từ tác phẩm "Đường cách mệnh" (1927), Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(12). Sau bao năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người đặt tên cho ngọn núi có hang Cốc Bó là “núi Các Mác” và dòng suối đầu nguồn là “suối Lê-nin”. Cho đến khi sắp từ giã thế giới này, Bác còn “để sẵn mấy lời... phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin”. Đủ thấy Hồ Chí Minh thủy chung là nhà mác-xít - lê-nin-nít, nhà mác-xít - lê-nin-nít vĩ đại, vĩ đại ở sự trung thành rất mực với chủ nghĩa, trung thành theo nghĩa đầy đủ và cao nhất của từ đó, nghĩa là bao hàm phát triển sáng tạo; trung thành không phải trên từng câu, chữ mà trung thành với thực chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trung thành trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thật không đúng nếu chú tâm đi tìm sự khác biệt, sự đối lập nào đó giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Bản chất và nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?

Đại hội Đảng lần thứ VII nói về tư tưởng Hồ Chí Minh như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện cụ thể của nước ta... Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội”(13).

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18-2-1995 của Bộ Chính trị (khóa VII) về những định hướng lớn trong công tác tư tưởng có đoạn: Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Vậy, có thể hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin để giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam. Đó là hệ thống quan điểm, lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc; là tư tưởng về sự kết hợp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, mà hạt nhân trung tâm là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nếu cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin để giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam thì căn bản đúng, nhưng chưa thật đầy đủ, vì chưa làm nổi bật được những cống hiến mới, sáng tạo, những phát triển mới đặc biệt quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin; chưa làm rõ được những giá trị và ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh (và của kinh nghiệm cách mạng Việt Nam) góp phần giải quyết những vấn đề của thời đại, đặc biệt là vấn đề con đường giải phóng dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên toàn thế giới; vấn đề kết hợp giai cấp và dân tộc, kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Khẳng định những cống hiến mới ấy, những luận điểm mới ấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng những không mâu thuẫn, trái lại còn góp phần làm thêm ngời sáng những chân lý phổ biến và sức mạnh sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Kết hợp nhuần nhuyễn giai cấp và dân tộc, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội - đó là hạt nhân cốt lõi trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đối với Hồ Chí Minh, từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi Người viết những lời căn dặn cuối cùng cho toàn Đảng và toàn dân, độc lập, tự do cho dân tộc bao giờ cũng chiếm vị trí hàng đầu. Năm 1920, trả lời câu hỏi tại sao bỏ phiếu cho Quốc tế III, Người đã trả lời: Đệ tam quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Năm 1966, lúc Mỹ ném bom Hà Nội, với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Bằng kinh nghiệm máu thịt của mình, bằng trực giác và trái tim, bằng tri thức uyên bác, bằng phương pháp khoa học biện chứng mác-xít, Hồ Chí Minh hiểu hơn ai hết rằng, không có độc lập dân tộc thì sẽ không có gì hết, không thể giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, không thể có chủ nghĩa xã hội, không thể có quan hệ bình đẳng, hợp tác, hữu nghị thật sự giữa các dân tộc. Độc lập dân tộc phải là tiền đề và điều kiện tiên quyết để tiến lên một xã hội công bằng, văn minh do nhân dân làm chủ.

Năm 1941, trong tình hình nước sôi lửa bỏng sau khi Nhật vào Đông Dương và khi thời cơ giành độc lập dân tộc đang đến gần, Hồ Chí Minh nói: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(14),  “nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(15). Đó quyết không phải tư tưởng “dân tộc chủ nghĩa” mà chính là lập trường giai cấp cao nhất, sâu sắc nhất, là quan điểm mác-xít - lê-nin-nít sáng tạo nhất trong điều kiện lịch sử cụ thể Việt Nam lúc bấy giờ.

Độc lập dân tộc là ngọn cờ của một phong trào lịch sử vĩ đại, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào này đã đánh sập một trong những nền móng của chủ nghĩa đế quốc. Hồ Chí Minh là một trong số ít người đầu tiên thấu hiểu những tư tưởng của V.I.Lê-nin - những tư tưởng đánh dấu bước phát triển mới của chủ nghĩa Mác. Hồ Chí Minh nói: “Lê-nin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa... Lê-nin là người đầu tiên đã nhận thức và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lê-nin là người đầu tiên đã nhận thức rằng nếu không có sự tham gia của họ thì không thể có cách mạng xã hội”(16).

Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ cộng sản đầu tiên đưa cách mạng giải phóng dân tộc đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, biến khẩu hiệu của Lê-nin “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!” thành hiện thực sinh động. Người nói rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(17), rằng: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(18). Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng Việt Nam đi vào giữa dòng thời đại với tầm cao của sự sáng tạo.

Cách mạng của thời đại phải là sự kết hợp chặt chẽ cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản ở các nước tư bản. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, chủ nghĩa đế quốc là “con đỉa hai vòi”, một vòi hút máu vô sản chính quốc, một vòi hút máu dân tộc thuộc địa, muốn tiêu diệt nó phải chặt đứt cả hai vòi, rằng do đó, cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng dân tộc đều là những động lực cơ bản của cách mạng thế giới giống như “hai cánh của một con chim”, một cánh không thể bay được. Hồ Chí Minh là người đầu tiên chỉ ra rằng, trong thời đại ngày nay, cách mạng vô sản ở các nước tư bản không phụ thuộc một chiều vào cách mạng chính quốc, còn cách mạng thuộc địa không phải là “sản phẩm phụ” của cách mạng vô sản chính quốc như nhiều người vẫn nghĩ. Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng thuộc địa không bị động chờ cách mạng “chính quốc”; trái lại, một khi có thời cơ, nó có thể vùng lên, chủ động giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, và “trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện sống còn của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc”, cách mạng thuộc địa “có thể giúp đỡ người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”. Nhận định thiên tài này-và phải nói đây là một sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chứng tỏ Hồ Chí Minh có tầm nhìn chiến lược bao quát toàn thế giới, không những hiểu sâu sắc tiềm năng cách mạng giải phóng dân tộc mà còn hiểu sâu sắc tình hình cách mạng vô sản ở phương Tây.

Tư bản là một lực lượng quốc tế. Giữa thế kỷ XIX, C.Mác đã nói như vậy. Ngày nay lại càng đúng như vậy. Để chống lại nó, vô sản tất cả các nước phải đoàn kết lại để cứu mình và cứu loài người. Vậy, nhấn mạnh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” có giảm nhẹ cuộc đấu tranh giải phóng lao động và tinh thần quốc tế vô sản hay không? Tuyệt nhiên không. Độc lập dân tộc là một giá trị lớn, phổ biến của loài người, không chỉ ở thế kỷ vừa qua mà ngay cả hiện nay, khi những vết tích cuối cùng của hệ thống thuộc địa đã bị xóa bỏ. Bước sang thế kỷ XXI, xu thế toàn cầu hóa tăng nhanh cùng với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Song, chừng nào xu thế toàn cầu hóa còn bị chi phối và dẫn đầu bởi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, bởi chính trị bá quyền áp đặt của một số cường quốc và siêu cường thì điều đó không thể xóa đi, trái lại càng kích thích mạnh ý thức về chủ quyền quốc gia của các dân tộc, quyết không thể tước bỏ giá trị và ý nghĩa vĩ đại của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Hồ Chí Minh giương cao, được các dân tộc bị áp bức toàn thế giới thừa nhận.

(còn nữa)

GS NGUYỄN ĐỨC BÌNH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: