Chủ nhật, 22/12/2024

Trở về Thủ đô Hà Nội sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc 15 năm tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch (1954-1969). Đây là nơi Người sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng và Nhà nước đã quyết định bảo tồn nguyên vẹn và vĩnh viễn nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch để mở cửa đón khách trong và ngoài nước tới tham quan, học tập nhằm góp phần giáo dục về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, về cuộc sống giản dị, khiêm nhường của Bác Hồ. Một trong những điểm di tích có ý nghĩa lớn lao như vậy còn ít người được biết đến trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch là căn bếp dùng nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 1955 đến tháng 7-1969. (Căn bếp được gọi là Nhà bếp A vì từ tháng 7-1969 khi Bác bị mệt nặng, việc nấu ăn cho Bác được chuyển sang căn bếp sau Nhà sàn gỗ. Nơi đó được gọi là Nhà bếp B).

Trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch về làm việc tại đây, toàn bộ khu nhà này là nơi ở và làm việc của những người phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương. Căn bếp này nằm trong dãy nhà đã được sử dụng vào việc phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương thời đó, nằm ở gần đầu hồi phía bên phải Nhà 54 (ngôi nhà Bác Hồ đã ở và làm việc từ năm 1954). Những năm Hồ Chủ tịch ở và làm việc tại đây, cả dãy nhà này đã được sử dụng làm nơi làm việc của anh em bảo vệ Phủ Chủ tịch, riêng mấy phòng đầu hồi được sửa sang để làm bếp phục vụ sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi sử dụng ngôi nhà này làm bếp phục vụ Bác, từ tháng 12-1954 đến tháng 5-1955, cơ quan đã sử dụng tạm ngôi nhà phía sau bếp này, đó là một ngôi nhà 2 mái lợp tôn của gia đình cai đội và lính phục vụ Phủ Toàn quyền.

Di tích Nhà bếp A là một trong những di tích quan trọng của Khu Di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Nơi đây đã lưu giữ những đồ dùng phục vụ bữa ăn hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có một số đồ ăn Á, Âu để Người dùng tiếp khách trong những dịp lễ, Tết, mời cơm thân mật các nguyên thủ quốc gia hoặc gặp mặt các cá nhân anh hùng, chiến sỹ thi đua có thành tích xuất sắc trong chiến đấu học tập hoặc tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia đình các đồng chí đó. Chăm lo đến sức khoẻ của vị lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Các đồng chí trực tiếp phục vụ bữa ăn của Người luôn xác định đó là vinh dự và trách nhiệm, thay mặt cho nhân dân cả nước chăm lo sức khoẻ cho Người. Trong gian bếp chủ yếu là những đồ dùng đơn giản, bình thường như của nhiều gia đình người Việt Nam như: Bát canh, lọ đựng hạt tiêu, ấm pha chè, cối giã cua, chiếc xoong rim thịt… bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh thích ăn những món ăn dân tộc, đậm đà hương vị quê hương như cá kho gừng, cà muối, canh cua…

Nhà bếp A sử dụng từ năm 1955 đến tháng 7-1969 ngay sau khi Bác Hồ về ở Phủ Chủ tịch. Hàng ngày, các đồng chí phục vụ nấu ăn ở bếp này và đưa sang phòng ăn Nhà 54 cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sở thích của hai người khác nhau như Chủ tịch Hồ Chí Minh thích ăn luộc và các món ăn dân tộc, còn Thủ tướng thích ăn xào và các món ăn Âu.

14 nha bep A anh 1
Nhà bếp A

Nhà bếp A nằm trong dãy nhà mái ngói một tầng được xây dựng năm 1923, tường xây gạch, vì kèo bằng thép. Diện tích 90m2. Bếp được ốp gạch men trắng, có bệ nấu, bồn rửa và tủ lưới đựng thức ăn, xung quanh có cửa sổ rộng, thoáng mát. Khi các phòng ở đầu dãy nhà này được sửa chữa để làm nhà bếp nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, những phòng này có vị trí sử dụng như sau:

- Vị trí 1: Nơi bảo quản thức ăn và đồ dùng phục vụ ăn uống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Vị trí 2: Nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1955-1962.

- Vị trí 3: Nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1962 đến tháng 7-1969.

- Vị trí 4: Nơi để bếp đun than được sử dụng khi cần thiết.

14 nha bep A anh 2
Tủ bếp trong căn bếp A

Trong quá trình sử dụng nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, căn bếp được tu sửa để tạo điều kiện làm việc cho anh em phục vụ đỡ nóng bức, vất vả, để đảm bảo điều kiện vệ sinh nơi nấu ăn phục vụ Hồ Chủ tịch như: Bếp được mở rộng thêm, mở thêm 3 cửa sổ, xây bồn rửa, bể nước chìm để dự trữ nước…

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời không lâu, ngày 5-11-1969 các đồng chí ở Văn phòng Phủ Chủ tịch đã lập bản danh sách các đồ dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số đồ dùng cần thiết đã bàn giao cho cấp dưỡng phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tục sử dụng. Số còn lại được bảo quản tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Trong di tích hiện nay không trưng bày hiện vật mà toàn bộ số hiện vật được lưu giữ, bảo quản tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tổng số hiện vật của Di tích bếp A và bếp B là 248 loại, gồm 2.304 hiện vật. Số hiện vật này bao gồm các chất liệu: Gốm, sứ, thuỷ tinh, nhựa, kim loại, đồ dệt, đồ mộc… được phân chia làm 4 nhóm:

- Nhóm các hiện vật là đồ dùng trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Nhóm các hiện vật là đồ dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách.

- Nhóm các hiện vật là quà tặng của các nơi gửi đến biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Nhóm các hiện vật là quà tặng chuẩn bị để Chủ tịch Hồ Chí Minh đem tặng.

Các đồ dùng phục vụ bữa ăn hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các đồng chí cấp dưỡng sắp xếp, bảo quản cất giữ ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Tuy chưa được ghi số kiểm kê, nhưng chúng đã được nghiên cứu, phân loại để nắm được ý nghĩa, cách sử dụng từng loại khi dùng phục vụ bữa ăn của Người. Quá trình bảo quản những hiện vật này chia làm 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đến tháng 2-1979 là giai đoạn bảo quản ngay tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Đồng chí Đinh Văn Cẩn, người nấu ăn phục vụ Hồ Chủ tịch từ Chiến khu Việt Bắc trực tiếp đóng gói, sắp xếp đồ dùng nhà bếp. Với tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với trách nhiệm nghề nghiệp của mình, mặc dù nhà bếp không còn được sử dụng hàng ngày nữa nhưng đồng chí vẫn chăm lo, giữ gìn chu đáo nên đã hạn chế được mất mát, hư hỏng.

Đầu năm 1979, khi chiến tranh phía Bắc diễn ra, các đồng chí ở Ban Di tích (nay là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) đã sắp xếp, phân loại, đóng gói tất cả đồ dùng nhà bếp để khi cần có thể đưa đi sơ tán được ngay.

+ Giai đoạn 2: Từ tháng 2-1979 đến tháng 10-1981, các đồ dùng được giữ nguyên trong hòm gỗ, bảo quản tại hầm nổi rồi chuyển sang bảo quản tại Nhà bếp B sau Nhà sàn.

+ Giai đoạn 3: Từ tháng 10-1981 đến nay, sau khi đồng chí Đinh Văn Cẩn qua đời, Ban Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Ban Di tích tiến hành công tác kiểm kê và tổ chức trưng bày lại nhà bếp như khi đang phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hiện vật này được xác minh xây dựng hồ sơ khoa học. Từ tháng 11-1988, toàn bộ đồ dùng ở Nhà bếp A và Nhà bếp B được đưa vào bảo quản tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh để giữ gìn lâu dài. Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Di tích Nhà bếp A đã có một số lần tu sửa như:

- Tháng 10-1992, trát nửa tường dưới bên trong và bên ngoài.

- Tháng 11-1993, đổi hệ thống mạng điện từ 100v sang 220v.

- Tháng 11-1994, đảo lại ngói.

Hàng năm, trong những đợt tu bổ định kỳ, Di tích Nhà bếp A đều được bảo quản chống mối, quét vôi, sơn véc ni. Hàng ngày, các cán bộ bảo quản vẫn làm vệ sinh nhằm bảo quản lâu dài cho Di tích. Để nghiên cứu, khôi phục lại nhà bếp nấu ăn cho Bác, trong nhiều năm qua, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tiến hành xác minh, kiểm kê khoa học toàn bộ các đồ dùng nhà bếp và đồ dùng đã phục vụ Người hàng ngày và phục vụ Người tiếp khách. Năm 1982, đã tiến hành tu sửa và sắp xếp lại nhà bếp như khi phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa vào hiện trạng di tích và trí nhớ của các đồng chí trước đây đã trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Cù Văn Chước, đồng chí Lê Cần, đồng chí Đặng Văn Lơ… Toàn bộ quá trình tu sửa và sắp xếp lại nhà bếp đã được chụp ảnh và lưu giữ trong hồ sơ di tích tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh rất thuận lợi khi đưa ra trưng bày lại di tích nhà bếp này. Hiện nay trong hồ sơ Di tích Nhà bếp A đang lưu giữ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã có lý lịch di tích, những tài liệu liên quan đến kiểm kê nhà bếp năm 1981-1982, tài liệu về bàn giao hiện vật nhà bếp cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, ảnh chụp, 66 bộ hồ sơ xác minh hiện vật và 25 bìa bộ chiếu của hiện vật Nhà bếp A. Ngoài ra còn có những ghi chép về phiên họp của Hội đồng định giá hiện vật tháng 11-1984 báo cáo kết quả nghiên cứu 128 loại hiện vật là những đồ dùng đã sử dụng phục vụ bữa ăn hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các buổi tiếp khách của Người, đặc biệt có các hiện vật chỉ dùng tiếp riêng các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Để nhận thức đầy đủ, toàn diện về đời sống của một danh nhân, một số điểm di tích liên quan đến cuộc sống đời thường của Bác Hồ ở trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch như Hầm phòng không H66, Nhà họp Bộ Chính trị, phòng để các dụng cụ chữa bệnh cho Bác những ngày cuối đời, Nhà bếp A cần được mở cửa, trưng bày, phát huy tác dụng tuyên truyền. Khi đến thăm Khu Lưu niệm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định : "Nơi ở và làm việc của Bác Hồ không những là di sản lịch sử, văn hoá của cả nước mà còn có ý nghĩa quốc tế. Những di vật của Bác Hồ để lại ở đây đều là bản gốc, là vật thật, do vậy phải hết sức trân trọng và mọi tài liệu, hiện vật phải được giữ nguyên vị trí đúng như khi Bác Hồ còn đang sống, đang ở, đang làm việc". Như vậy, cùng với việc gìn giữ di tích phải đúng nguyên trạng như khi Bác Hồ đang sống và làm việc. Chúng tôi cho rằng việc đưa di tích này vào hành trình tham quan là rất cần thiết vì:

- Vị trí Nhà bếp A nằm trong hành trình tham quan từ nhà để xe ô tô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng đến Di tích Nhà 54 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở từ năm 1954.

- Xét về giá trị lịch sử, khách thăm Khu Di tích sẽ hiểu biết thêm về đời sống của vị Chủ tịch Nước, về nơi ăn, chốn ở rất gần dân của Người. Qua đó sẽ nhận thức rất chân thực rằng: Trong việc lớn cũng như trong việc nhỏ, khi lãnh đạo cách mạng cũng như trong cuộc sống hàng ngày, Bác Hồ luôn luôn vẫn là Bác Hồ. Sự ăn, mặc, ở của Người thật giản dị, bình dân. Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, nhưng nơi ăn, chốn ở, cái mặc của Người chẳng khác gì cuộc sống đạm bạc của dân thường. Điều đó càng khẳng định rằng: Sự vĩ đại của Bác Hồ không chỉ bằng sự nghiệp cách mạng cao cả mà còn được minh chứng qua lối sống thanh bạch, giản dị.

Căn cứ vào ý nghĩa lịch sử của các đồ dùng ở nhà bếp đã sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng là những hiện vật gốc mang ý nghĩa bảo tàng. Theo chúng tôi nên khôi phục lại và đưa ra trưng bày phát huy tác dụng Di tích Nhà bếp A tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, giúp khách tham quan hiểu biết thêm về cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nơi đây thực sự trở thành trường học khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Hồ cho mọi thế hệ người Việt Nam./.

                                                                               Vũ Thu Hằng

                                                                   Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Thu Hương (st)

Bài viết khác: