Chủ nhật, 22/12/2024

13 chiec thung dung keo
Thùng đựng kẹo phục vụ Bác Hồ tiếp khách

Trong quá trình sưu tầm những tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 1 năm 2005, Phòng Sưu tầm- Kiểm kê-Tư liệu đã sưu tầm được một số hiện vật mới, trong đó có chiếc thùng đã dùng đựng kẹo để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách.

9 giờ 30 phút ngày 31-01-2005, ông Lê Hữu Lập, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Quản trị Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1958 đến năm 1962, nay đang nghỉ hưu tại 26 phố Hàng Chuối - Hà Nội, đã tặng lại cho Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch một chiếc thùng, mà theo ông là đã dùng để đựng kẹo phục vụ việc tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc thùng được làm bằng tôn hoa trắng nhưng do lâu ngày nên đã bị gỉ. Thùng hình trụ vuông, có chiều cao 32cm, cạnh 20 x 20cm, quai xách bằng một sợi tôn dài 49cm. Trên miệng thùng có nắp đậy hình tròn đường kính là 12cm, cao 3,5cm, trên nắp có quai cầm. Phía dưới chiếc thùng còn có một ngăn kéo để đựng vôi nhằm chống ẩm dài 5,5cm và cũng có quai để dễ kéo ra kéo vào. Ông Lập đã cho biết về chiếc thùng đựng kẹo như sau:

Giữa năm 1958, ông Lê Hữu Lập được tổ chức phân công về công tác tại Văn phòng Chủ tịch Nước. Lúc ông chuyển về, ở Văn phòng Chủ tịch Nước có 4 cán bộ: Ông Lê Hữu Lập là Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, ông Cù Văn Chước - Phó Trưởng phòng, ông Vũ Kỳ - Chánh văn phòng, ông Trần Văn Vượng là người đánh máy. Ngoài ra còn một số các đồng chí phục vụ nấu ăn, cần vụ, lái xe, làm vườn, tất cả chỉ có hơn 10 người. Ông Lê Hữu Lập là Bí thư chi bộ cơ quan 41 và là người tham gia đảng uỷ đầu tiên của Văn phòng Phủ Thủ tướng, vì lúc đó hai cơ quan sinh hoạt chung một chi bộ, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời mới tách sinh hoạt Đảng riêng từng cơ quan.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - với cương vị là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước, mặc dù bận trăm công nghìn việc, phải giải quyết những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn trong lãnh đạo đất nước, nhưng Người vẫn dành thời gian để gặp gỡ, tiếp đón nhiều đoàn khách đến thăm hoặc làm việc với Người tại Phủ Chủ tịch. Họ là đại biểu của các chính đảng, đoàn thể, tôn giáo, đại biểu công nhân, nông dân, tri thức, quân đội, đại biểu của đồng bào chiến sĩ miền Nam, đại biểu của các dân tộc ít người, đại biểu là Việt kiều từ nước ngoài về thăm Tổ quốc, đại biểu của Đoàn Thanh niên, của Hội Phụ nữ và Đội Thiếu niên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thiếu niên, nhi đồng là mầm non của Tổ quốc, là "búp trên cành', là "mùa Xuân" của xã hội và Người luôn dành cho các em tình cảm đặc biệt. Ngay sau khi về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch tháng 12-1954, đầu năm 1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho các cháu thiếu nhi vào vui chơi ở sân Phủ Chủ tịch và từ đó về sau, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi, các cháu đều được vào đây vui chơi, cắm trại. Mùa Hè năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho các cháu tổ chức triển lãm tranh ảnh trong nửa tháng, Người nói: "Sau này khi đất nước có điều kiện, có nơi tiếp khách đàng hoàng thì Phủ Chủ tịch sẽ làm nơi vui chơi cho các cháu".

Ông Lê Hữu Lập và các nhân chứng khác như ông Vũ Kỳ, ông Cù Văn Chước, ông Trần Văn Vượng đều kể: Hàng tuần vào các buổi tối Thứ Bẩy, Văn phòng Phủ Chủ tịch thường chiếu phim phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần xem phim, Người cho cả các cán bộ, con cháu của cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ), anh em phục vụ cùng vào xem. Ngoài ra các cháu là học sinh giỏi và có lúc có cả chị em Ái Xuân, Ái Vân con của nghệ sĩ Ái Liên… được vào múa, hát và xem phim với Người. Các phim được chiếu vào những buổi đó có lúc là phim thiếu nhi, phim truyện, cũng có lúc là phim tài liệu hoặc phim tư liệu từ chiến trường gửi ra…

Cũng theo các nhân chứng, trước mỗi buổi chiếu phim, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đề nghị các cháu thiếu nhi múa hát. Sau mỗi lần hát múa, Người đều thưởng quà cho các cháu là những chiếc kẹo, mỗi người được thưởng vài ba chiếc. Có lần Người nói đùa: "Cô chú nào múa hát thì Bác cũng thưởng kẹo". Kẹo thưởng cho các cháu thiếu nhi lúc đó là kẹo vừng, kẹo trắng có vani… Các loại kẹo này do Văn phòng Phủ Chủ tịch mua ở cửa hàng cung cấp tại phố Hàng Trống - Hà Nội.

Theo các nhân chứng, để có kẹo phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách và thưởng cho các cháu, các đồng chí phục vụ thường mua sẵn vài kilôgam. Vì mua nhiều kẹo một lúc mà để lâu thì dễ chảy nên các đồng chí phục vụ ở Văn phòng Phủ Chủ tịch đã đặt làm một chiếc thùng để đựng và cũng để giữ kẹo được lâu, phía dưới thùng các đồng chí đã thiết kế một ngăn đựng vôi để chống ẩm (khi để vôi thường là vôi cục khi nào vôi tan thành bột thì lại thay vôi cục khác). Thùng đựng kẹo được các đồng chí phục vụ đặt làm tại phố Hàng Thiếc - Hà Nội (khoảng năm 1960). Khi thùng làm xong đã có hoá đơn thanh toán, nhưng do không giữ lại được hoá đơn nên đến nay vẫn chưa biết rõ giá của chiếc thùng đựng kẹo là bao nhiêu tiền. Từ năm 1960, chiếc thùng đã được dùng để đựng kẹo phục vụ việc tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến năm 1969.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chiếc thùng đựng kẹo được ông Đinh Văn Cẩn (tức ông Đinh Văn Hộ), nguyên bếp trưởng nhà bếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng giữ gìn cẩn thận, sau đó ông Cẩn đã đưa cho ông Lê Hữu Lập sử dụng. Do đã biết rõ về nguồn gốc và xuất xứ của chiếc thùng này, nên ông Lê Hữu Lập đã cất giữ rất cẩn thận. Đến ngày 31-01-2005 ông đã giao lại cho Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Chiếc thùng đựng kẹo chỉ là một hiện vật tuy nhỏ, nhưng đã cho thấy sự tận tụy luôn sẵn sàng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vô điều kiện của các đồng chí cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch và cũng qua đó nói lên tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các ngành, các giới, đặc biệt là sự quan tâm của Người đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Chiếc thùng đã góp phần khắc hoạ chân dung thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc sống đời thường ở một giai đoạn lịch sử nhất định, giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn những hoạt động của Người tại nơi Người đã ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Nếu được phát huy tác dụng tuyên truyền, chúng tôi tin rằng hiện vật này sẽ có tác động tốt đến tình cảm và nhận thức của khách tham quan khi đến thăm nơi này.

Trần Thị Thuấn
Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Thu Hương (st)

Bài viết khác: