Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người đã từng nói: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Câu nói có tầm ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đó của Người đối với nữ giới như một chân lý: Dù ở bất kỳ thời đại nào hay một xã hội nào đi nữa, thì trong đấu tranh giải phóng dân tộc, không thể không giải phóng phụ nữ!
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III,
tháng 9-1960. Nguồn ảnh http://pnvnnuocngoai.vn/
Bằng tư duy sâu rộng của vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, sự thấu hiểu, chân tình của một người Cha, người Bác, người Anh đối với các thế hệ phụ nữ, tư tưởng của Bác về đấu tranh cho bình đẳng nam nữ đã trở thành nền móng cho đường lối cách mạng và những chính sách cụ thể của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Sự quan tâm to lớn của Người đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ được thể hiện ngay trong những bài báo đầu tiên Người viết ở Pháp. Dù xa quê hương, đất nước hàng ngàn dặm trên hành trình tìm con đường cứu dân tộc, nhưng Người vẫn theo sát từng bước trưởng thành của phong trào cách mạng, trong đó có phong trào phụ nữ trong nước. Người phản ánh trong các bài viết sắc sảo tình cảnh của người phụ nữ Việt Nam, đó là nỗi khổ cực của họ dưới chế độ thực dân phong kiến, bị coi thường và bị đàn áp vô cùng dã man. Người biểu dương tinh thần yêu nước quật cường của họ, ca ngợi những tấm gương oanh liệt của các nữ anh hùng trong lịch sử dân tộc từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mạc Thị Bưởi đến Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Định, Út Tịch sau này…Người luôn khẳng định: Các lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời cùa cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vẫn luôn quan tâm và dành thời gian để tham dự và nói chuyện tại các Hội nghị và Đại hội quan trọng của tổ chức phụ nữ, ít nhất Người cũng gửi thư căn dặn với tấm lòng của một người Cha, người Bác thân yêu trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Nhiều chị em là cán bộ lãnh đạo, là Anh hùng , Chiến sỹ thi đua trong lao động và chiến đấu, là Dũng sĩ từ miền Nam…đã được Bác ân cần tiếp đón tại nơi Người làm việc, được Người ân cần tặng hoa và quà, được ăn cơm hoặc xem văn nghệ cùng Người. Trong từng giai đoạn cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng tùy theo tình hình cụ thể, Người chỉ rõ mục tiêu, phương hướng, các hình thức và biện pháp thích hợp để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và giải phóng phụ nữ. Người thường xuyên nhắc nhở các cấp lãnh đạo của Hội Phụ nữ là gắn liền sự nghiệp giải phóng phụ nữ với các cuộc đấu tranh xã hội, lấy những tấm gương, những điển hình trong phong trào phụ nữ để cổ vũ sự phấn đấu về mọi mặt của các chị em, không ngừng phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của phụ nữ Việt Nam, trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa: Làm chủ tập thể, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, yêu lao động, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản; những con người có tư tưởng đúng và tình cảm cao đẹp, có kiến thức, kỹ năng và thể lực tốt.
Trong diễn ca Lịch sử nước ta, Bác Hồ đã hết sức ca ngợi phẩm chất kiên cường, bất khuất vô cùng quý báu của phụ nữ: "Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời"; "Hai Bà Trưng có đại tài/ Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian/ Ra tay khôi phục giang san/ Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta”. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bằng phổ thông đầu phiếu năm 1946, Bác đã rất vui sướng khi thấy “Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất”. Sau khi trở thành Chủ tịch Nước, Bác tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đề ra nhiệm vụ cho Đảng phải chăm lo giải phóng phụ nữ. Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 8/3/1952), Người đã đánh giá sự cống hiến to lớn của phụ nữ Việt Nam trong quá trình dựng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ". Và vì thế, trong bài Phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô ngày 2/12/1965, Bác tiếp tục khẳng định: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng... Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng".
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, nổi bật và bao trùm lên tất cả là tính nhân văn của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bị tù đày hay khi là lãnh tụ tối cao của cách mạng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới phụ nữ. Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là trong xã hội còn chịu ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Người từng nói: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân trên toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ…”. Có thể thấy rằng, tư tưởng của Người về giải phóng phụ nữ gồm ba nội dung lớn:
1. Giải phóng về chính trị: Giải phóng phụ nữ là một bộ phận của giải phóng dân tộc. Giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng phụ nữ. Dân tộc được giải phóng, chính quyền được giải phóng, thì phụ nữ cũng phải được giải phóng.
2. Giải phóng về xã hội: Trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, có ghi “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Tiếp theo đó, Quốc hội khoá I đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó có nhiều nội dung nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, nhất là trước nạn bạo hành gia đình vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chế độ phong kiến. Người viết: "Khinh rẻ phụ nữ và dã man nhất là thói đánh vợ. Trong nhân dân và đảng viên vẫn còn thói xấu này". Người cho đó là một điều đáng xấu hổ, “như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man”. Trong nhiều bài viết, bài nói của mình, Bác luôn nhắc đến các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức phải tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia hoạt động. Tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc, Người chỉ ra rằng sau này công tác giáo dục phần nhiều phải do phụ nữ đảm nhiệm. Muốn phụ nữ đảm nhiệm thì phải bồi dưỡng cho phụ nữ. Khi bàn về việc bầu Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, Bác đề nghị bầu nhiều phụ nữ vào cương vị này bởi: “Phụ nữ làm chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm”; “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ... Muốn có nhiều sức lao động để sản xuất thì phải giải phóng sức lao động phụ nữ…”.
3. Giải phóng tâm lý tự ti: Có thể nói, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của xã hội là điều kiện hết sức quan trọng, song điều quyết định quan trọng cho công cuộc giải phóng phụ nữ chính là ở bản thân chị em. Chị em phải biết xoá bỏ tâm lý mặc cảm tự ty đã ăn sâu tự bao đời, phải mạnh mẽ vượt qua cái rào cản của định kiến, hủ tục, lạc hậu để từng bước khắc phục những hạn chế của bản thân, quyết tâm học tập và vươn lên khẳng định mình. Đồng chí Vũ Kỳ nhớ lại: “Một lần, tới dự hội nghị, nhìn dọc hội trường Bác hỏi: Này các chú, phụ nữ đâu không thấy ngồi hàng đầu? Bác hỏi tiếp: Các cô có đấy không? Có ạ. Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn bình đẳng không phải bảo Đảng, Chính phủ hay nam giới mời ngồi mà phải tự đấu tranh để giành lấy”. Đó là lời dặn mà cũng là mong muốn của Bác. Bác thường nhắc: Lực lượng phụ nữ không nhỏ, có khi còn đông hơn nam giới. Ở Việt Nam nói riêng và Châu Á, Châu Phi nói chung, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ rất rõ rệt. Do ý thức hệ phong kiến đã đè nặng lên tư tưởng phụ nữ từ bao đời nay. Vì thế, mọi đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ bao giờ cũng phải chú ý đến phụ nữ…
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, trong văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc cũng như các Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về công tác nữ và công tác cán bộ nữ đều có nội dung đề cập đến vấn đề bình đẳng giới và quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Nhằm thực hiện Cương lĩnh vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu 1995 Chính phủ Việt Nam đã chính thức công bố Chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; năm 2006 Luật Bình đẳng giới đã được thông qua; Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW (27/4/2007) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Đặc biệt là Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: "Nâng cao trình độ mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp...”. Nhờ những tình cảm cao đẹp của Bác và sự quan tâm thiết thực của Đảng và Nhà nước đối với phụ nữ nên sự nghiệp giải phóng phụ nữ nước ta đã đạt được những thành tựu có tính chất lịch sử. Phụ nữ Việt Nam đã từng bước thực hiện quyền làm chủ của mình trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa và tổ chức cuộc sống.
Năm nay, phụ nữ Việt Nam kỷ niệm 106 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2016) và 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong thời điểm phụ nữ cả nước thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiến tới Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, mỗi chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn những lời Di huấn chân tình, sâu sắc, chứa chan tình cảm của Bác trước lúc đi xa đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Chính vì vậy, bảo đảm tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ này là một mục tiêu rất quan trọng. Chúng ta tin tưởng rằng, cử tri cả nước sẽ thật sự sáng suốt trong việc lựa chọn những ứng cử viên nữ xứng đáng, đủ tài và đức để đại diện tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đó thực sự là một việc làm quan trọng góp phần thực hiện và đẩy mạnh bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay, như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu./.
Huyền Trang (Tổng hợp)