Thứ hai, 23/12/2024

Nhà báo Nguyễn Thế Viên từng lăn lộn qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Vinh dự nhất cuộc đời của ông là 4 lần được gặp Bác Hồ, được nghe Bác dặn dò, làm hành trang cho sự nghiệp cầm bút. 

nha bao 1

Cựu chiến binh -  Nhà báo Nguyễn Thế Viên vinh dự được tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm xã Vĩnh Thành – Yên Thành ngày 10/12/1961

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thế Viên sinh ra và lớn lên trong một nhà nho giàu truyền thống cách mạng. Tháng 1 năm 1951, khi vừa học xong lớp đệ tứ Trường tư thục Lê Doãn Nhã, ông tham gia viết tin gửi cho tờ tin của Sư đoàn 312, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) về các trận đánh, nêu gương các chiến sỹ trung kiên, dũng cảm, được Ban Biên tập báo khen ngợi, cổ vũ. Từ  đó ông càng có thêm động lực, hăng say cầm bút rồi trở thành phóng viên của tờ báo QĐND, rồi phóng viên của Thông tấn xã. 

Trong 9 năm công tác ở Thông tấn xã, Nguyễn Thế Viên được gặp Bác Hồ 4 lần, trong đó có 3 lần được đi theo Bác để đưa tin. Ông bồi hồi kể lại, lần đầu tiên đó là vào ngày 27.6.1961, Bác ra thăm đảo Cô Tô, cách bờ biển Móng Cái gần 200 km. 

Khi viết xong bài, ông đưa lên cho đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác để duyệt. CCB Nguyễn Thế Viên nhớ lại: “Đúng 6 giờ sáng mới bước chân vào phòng khách đã thấy Bác ngồi chăm chú xem báo. Bác quay sang hỏi: Cháu quê ở đâu? Dạ thưa Bác cháu quê ở Nghệ An. Quê nhà choa rồi. Bác liếc mắt cười. Bác nhìn tôi rồi nói. Cháu có biết ở đây là đâu không? Dạ thưa Bác là Phủ Chủ tịch ạ. Bác đứng dậy nghiêm mặt nói: Cháu là nhà báo đi vào Phủ Chủ tịch mà quần áo ăn mặc lôi thôi, áo không bỏ vào trong quần, chân đi dép không cho vào quai hậu. Tác phong như thế thì còn giáo dục được ai? Tôi luống cuống xấu hổ. Thấy vậy Bác cười và nói: Cháu ngồi xuống ăn kẹo đi rồi đọc bài mới viết cho Bác và chú Kỳ cùng nghe”.

Và lần thứ hai tôi được gặp Bác là trong một trận lũ lớn, Bác nhận được tin một đoạn đê của huyện Ninh Giang bị vỡ, Bác về thăm và chống úng cùng nhân dân. Trong khi cán bộ của tỉnh, huyện ngồi chờ tiếp Bác ở phòng khách của tỉnh uỷ thì Bác lại xuống tận nơi thăm nhân dân vùng đang bị ngập úng.

Bác ngồi lên trên guồng đạp nước cùng chống úng với nhân dân. CCB Nguyễn Thế Viên kể lại: “Nghe tin đó cán bộ đi ô tô xuống, anh nào anh nấy ăn mặc rất chỉnh tề. Bác chỉ đồng chí Bí thư tỉnh uỷ và nói, các chú đi chống úng với dân hay là xem văn công mà ăn mặc lại đẹp đẽ như thế. Đồng chí Bí thư và một số anh em nhà báo chỉ biết im lặng...”

Ngày 10/12/ 1961, ông Nguyễn Thế Viên lại được đi theo Bác cùng đoàn khách của Chính phủ về thăm xã Vĩnh Thành, nơi có phong trào trồng cây và làm thuỷ lợi khá của miền Bắc. Được phân công ở lại viết bài Vĩnh Thành sau ngày Bác về thăm, ông đã  trực tiếp  xuống từng tổ, đội sản xuất và phát hiện thêm nhiều kiện tướng trên các mặt trận sản xuất nông nghiệp. Những điển hình đó đều kịp thời đăng tải trên báo Nhân Dân và được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu, được tặng thưởng Bằng khen.

nha bao 2

CCB- Nhà báo Nguyễn Thế Viên hằng ngày luôn theo dõi tin tức sự kiện ấn phẩm Báo Nghệ An

Đầu năm 1965, ông lại được điều động vào làm phóng viên phục vụ chiến trường Tây Nguyên, cũng từ đó ông lấy bút danh là Trường Sơn. Địa bàn rộng, tổ phóng viên của ông chỉ có 7 người, ông được phân công đưa tin các trận đánh lớn.Tác nghiệp dưới  mưa bom, bão đạn, nhiều lần cận kề cái chết nhưng Nguyễn Thế Viên cùng đồng đội  bám sát trận địa để  viết tin cổ vũ chiến sỹ, đồng bào. Trong thời gian này, ông đã viết được trên 1.500 bài báo đủ các thể loại và chụp hơn 1.000 bức ảnh có giá trị tư liệu  lịch sử. 

Với thành tích trên, ông  được tặng thưởng 6 Huân chương các loại, và nhận được giải Nhì của Hội Nhà báo Việt Nam viết về phong trào tự túc lương thực của tỉnh Quảng Ninh. CCB Nguyễn Thế Viên chia sẻ: “Luôn nhớ tới lời Bác dạy, tôi rút ra được là phải bám sát các cơ sở để rèn luyện mình, từ những tác phong như Bác đã dạy, khiêm tốn, giản dị. Người làm báo như là một cái ăng ten phải có nhạy cảm trước cuộc sống khi đó mới viết sắc sảo được; trong khi viết phải rất cẩn thận, bám sát địa phương để có những chủ đề mới để biểu dương những con người mới...”.

nha bao 3

Ông Nguyễn Thế Viên chăm cây cảnh, vui thú điền viên

Năm 1986, Nguyễn Thế Viên được về nghỉ hưu tại quê nhà, là thương binh 2/4 nhưng ông vẫn tiếp tục bươn chải trên mặt trận chống đói nghèo và vẫn thường xuyên cầm bút để phản ánh cuộc sống sinh động trên các báo, đài địa phương.

Đặc biệt mới đây, ông được trao giải Nhì cuộc thi kể chuyện Bác Hồ do huyện tổ chức, giải Ba toàn quốc viết về ký ức Điện Biên; tham gia xuất bản cuốn sách “Âm vang Điện Biên”; chuẩn bị ra mắt tập sách “Vang vọng bài ca mở đường” viết về ký ức của những cựu thanh niên xung phong huyện Yên Thành./.

Theo http://www.baonghean.vn/

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: