Sáng tháng 8 trải nắng vàng, tôi đến thăm ông Nguyễn Dung ở 18 Nam Ngư để hưởng cái thú ngắm lại bức ảnh lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên Lễ đài Ba Đình” được phóng thành khổ lớn, lồng khung kính, treo trên tường. 

Bac Ho trong nhung ngay thang 8 lịch su

 

Đây là tấm ảnh kỷ niệm không thể quên của đời ông và bạn bè, những thanh niên Hà Nội trẻ măng trước Tổng khởi nghĩa là đội viên Đội Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu (tên Hà Nội thời ấy) và ngày 19 tháng 8 là lực lượng xung kích cùng làn sóng nhân dân đánh chiếm Phủ Khâm Sai, Trại Bảo an binh, Sở Liêm phóng, nhà tù Hỏa Lò, Nhà Tiền… từ tay phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn, sau đó tham gia lực lượng Công an nhân dân. 

Ngày Độc lập 2-9-1945, theo lệnh của trên, ông dẫn chừng hai chục trinh sát đi bảo vệ Lễ đài Ba Đình. Già nửa thế kỷ trôi qua, thấm thoắt, ông Dung đã ở tuổi 82, mái tóc bạc trắng, đi lại khó khăn, phải chống batoong. Không ngờ, ba năm sau ông đã vội ra đi.

Nhìn bức ảnh đẹp, rõ đến từng chi tiết của ông bạn thân tặng, tôi càng thấy cái tài của GS, KTS Ngô Huy Quỳnh với thời gian cho phép chỉ có 15 giờ đồng hồ đã nghĩ cách thiết kế và thi công lễ đài bằng gỗ, trang trí bằng vải để tạo dáng kiến trúc và màu sắc cho nhanh. Lễ đài mang hình bệ cột cờ thành Thăng Long xưa, bốn mặt hình thang, phần lớn diện tích từ dưới lên phủ vải đỏ xếp thành từng nếp, giữa có ngôi sao vàng lớn, phần trên phủ vải vàng, nổi lên những đường võng bằng lụa đỏ. Hai bên lễ đài thiết kế hai bệ lớn bằng gỗ phủ vải đỏ, giữa có sao vàng, trên đặt lư hương lớn bằng gỗ hình chữ nhật, trong có đỉnh đồng đốt trầm hương do phụ lão ngoại thành phụ trách. Nhìn toàn cảnh, lễ đài nổi bật lên, giản dị mà trang nghiêm, giữa một vườn hoa rộng mênh mông, đằng sau có hàng cây cổ thụ làm nền.

Trên Lễ đài có cột cờ ở chính giữa, các vị trong Chính phủ lâm thời đứng xung quanh. Ở giữa hàng đầu, dưới nắng thu vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tuổi 55, đầu trần, mặc lễ phục kaki, đang đọc Tuyên ngôn độc lập trước máy phóng thanh, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Nhớ lại trước đó vài năm, ông Dung còn cho tôi xem bức ảnh thứ hai có thêm một số chi tiết mà bức ảnh trên không có. Bức ảnh đặc tả đội danh dự bảo vệ Lễ đài gồm khoảng một đại đội dàn thành ba lớp theo hai bậc thềm hình tròn, đứng nghiêm trang, nhìn ra phía trước, tay áp vào khẩu súng lục đeo bên người ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đây Nguyễn Dung, đội mũ phớt nâu, sơ mi trắng cộc tay, quần soóc trắng, bít tất trắng dài, giày hai màu là học sinh trường Thăng Long. Đứng đằng sau là Nguyễn Xuân Nho mặc soóc, sơ mi ngắn tay, đội mũ cát, học sinh Trường Bưởi, Lê Văn Thủy mặc quần dài xuất thân làm thợ nhà in. Cả ba đều là người Hà Nội. Đây nữa, Nguyễn Lung, Nguyễn Cao mặc đồ sơ mi cổ cồn, quần dài trắng, tóc chải sáp bóng mượt. Nhiều người khác mặc quân phục lấy ở khu quân nhu của Bảo an binh. Người nào cũng đeo bên sườn một khẩu súng ngắn đều là chiến lợi phẩm.

Ông Dung nhắc lại phút lịch sử. Đoàn xe ô tô chở Bác Hồ và các vị trong Chính phủ lâm thời rời Bắc bộ phủ, có các chiến sỹ bảo vệ mặc soóc, áo cộc tay, đội mũ cát, đi xe đạp hộ tống hai bên. Đoàn xe qua Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Cửa Nam, Điện Biên Phủ, lên vườn hoa Ba Đình. Quá 14h, đoàn xe tiến vào phía sau Lễ đài. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời bước theo cầu thang lên Lễ đài, trong tiếng reo mừng như sấm dậy. Cuộc mít tinh bắt đầu. Đội quân nhạc cử hành trọng thể hành khúc “Tiến quân ca” của Văn Cao. Trước máy phóng thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, cả biển người im lặng nghe giọng đọc thấy sự xúc động của Người. Giữa chừng, Bác ngừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cả biển người đồng thanh đáp: “Có...ó...ó”. Sau buổi lễ, đồng bào đi diễu hành ở các đường phố, tắm mình trong không khí độc lập, tự do, từ đây thực sự đổi đời.

Nhìn hai tấm ảnh của ông Dung, tôi nhớ tới phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, người Thường Tín, Hà Nội, mất cách đây 19 năm ở tuổi 76 (1917-1993). Xưa kia, ông là phóng viên nhiếp ảnh các báo Tin tức, Lao động, Cứu quốc... Ông được đi nhiều, có lần đi du lịch vòng quanh Đông Dương bằng xe đạp. Cuốn nhật ký bằng ảnh đã ghi lại chuyến đi đó. Nhớ năm 1990, tôi đến thăm nhà ông ở Hai Bà Trưng. Tới nhà mới thấy nhà ông nghèo nhưng giàu sản phẩm tinh thần. Trên mặt bàn bừa bộn những ảnh, sổ ghi cảm tưởng ở các triển lãm ảnh, những số báo, những bản chụp bài viết về ông. Mấy thập kỷ nay, người ta viết về ông đã nhiều, sử dụng ảnh của ông cũng không ít. Nguyễn Bá Khoản là nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng.

Hôm ấy, tôi hỏi ông về chụp bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, ông vẫn nhớ như in. Chiều 2/9/1945, nghe Tổng biên tập Báo Cứu quốc là đồng chí Xuân Thủy dặn dò xong, ông xách chiếc máy ảnh cũ lên vườn hoa Ba Đình vào trước giờ khai mạc. Sau Lễ chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập trước một biển người, một rừng cờ đỏ sao vàng. Ông Khoản chọn chỗ đứng, xoay các góc độ, lựa ánh sáng - hồi ấy chưa có ống kính tê-lê và ghi được hình ảnh vị Chủ tịch nước đầu tiên giữa khung cảnh hùng tráng một ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. Bình tĩnh, tự tin, ông bấm liền mấy kiểu với những tốc độ khác nhau. Ngoài bức ảnh lịch sử ấy, ông còn bấm được nhiều kiểu khác như đội danh dự bảo vệ lễ đài, các đoàn thể... Chiều hôm ấy, phim được tráng ngay, ảnh được in thành nhiều bức. Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập là bức đẹp nhất, đánh dấu nửa đời người cầm máy ảnh của ông. Năm sau, đúng ngày 19-8-1946, bức ảnh lịch sử được phóng to và trưng bày lần đầu tại Nhà triển lãm Tràng Tiền, trước sự ngưỡng mộ của đồng bào Thủ đô và cả nước.

Ít ai biết trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông Khoản đã giữ gìn, bảo quản những phim ảnh chụp được từ già nửa thế kỷ trước rất cẩn thận bằng lối thủ công. Trở về Hà Nội sau ngày giải phóng, năm 1990 ông gửi tặng Trung tâm lưu trữ Quốc gia toàn bộ 2.000 tác phẩm, một tài sản quý của một đời phóng viên nhiếp ảnh.

Từ năm 1991, được sự giúp đỡ của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam, ông đã ba lần triển lãm ảnh của mình - trong đó có triển lãm ảnh lịch sử - được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và đông đảo nhân dân tới xem. Tháng 7 năm 1996, tin vui lớn ập đến. Nguyễn Bá Khoản được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về những bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng, kháng chiến. Tuy đã đi xa nhưng những tác phẩm của ông còn mãi với thời gian. 

Theo Thọ Cao/Báo An ninh Thủ đô

Tâm Trang (st)

 

Bài viết khác: