Gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội) không chỉ là cơ sở bí mật của các cán bộ cao cấp mà còn là nơi che giấu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám, bà đã kể lại những kỷ niệm đó.

"Một hôm, cuối Tháng Tám năm 1945, anh Thận (tên gọi thân mật của đồng chí Trường Chinh) đến nói với tôi: "Chị lo một chỗ cho mấy Cụ về". Thấy vẻ mặt anh Thận khác mọi lần, tôi linh cảm có điều gì quan trọng, nhưng không dám hỏi thêm. Tối hôm đó, có ba người lạ đến, trong đó có một ông Cụ dáng cao, người gầy, nhưng đôi mắt rất sáng và vầng trán rộng. Tôi băn khoăn không hiểu ông Cụ là ai mà mọi người kính trọng yêu thương như tình cha con trong gia đình lễ giáo vậy! Tôi thầm nghĩ, ông Cụ là một người có cương vị tối cao.

Theo kế hoạch của Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội chuẩn bị cho Lễ Tuyên ngôn độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào. Trong những ngày đầu cách mạng, Hồ Chủ tịch và các cán bộ trong Thường vụ Trung ương gặp muôn vàn khó khăn nguy hiểm bởi hàng ngày, hàng giờ kẻ thù luôn rình rập ám hại Chủ tịch hòng dập tắt phong trào cách mạng. Trong điều kiện "ngàn cân treo sợi tóc" đó, có những gia đình không quản hy sinh tính mạng và của cải, hết lòng vì cách mạng, cùng với lực lượng Cảnh vệ che giấu, bảo vệ Bác Hồ và Thường vụ Trung ương. Một trong những gia đình đó là gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Gia đình bà Hồ đã ủng hộ cách mạng và hiến cho Nhà nước hàng nghìn cây vàng (chỉ tính riêng quỹ Độc lập, gia đình bà đã ủng hộ số tiền tương đương 500 cây vàng). Gia đình bà còn là cơ sở bí mật của nhiều cán bộ cấp cao như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Hàng ngày bị cuốn hút bởi bao công việc, tôi vẫn canh cánh lo toan phần việc trên gác 2 nhà mình, cắt cử người nhà cơm nước và làm mọi việc trong nhà, không ai được lên tầng 2. Đêm nào tôi cũng nghe tiếng máy chữ của ông Cụ rất khuya. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn trên phòng của Cụ mới tắt, nhưng đồng hồ điểm 5 tiếng, đã thấy ông Cụ dậy tập thể dục ngoài ban công.

Tối 1/9/1945, ông Nguyễn Lương Bằng đưa cho tôi một tấm thiếp mời của Ban Tổ chức Chính phủ lâm thời do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt Quốc dân tại vườn hoa Ba Đình. Gần 10h sáng hôm sau, tôi mới vào được khu vực khách mời dự, sát lễ đài. Hai giờ chiều, buổi lễ bắt đầu, tiếng hô to, kéo dài vang vọng: "Chào cờ...". Cả biển người im phăng phắc. Đoàn quân nhạc cử Quốc ca. Người tôi sởn gai ốc, nước mắt lăn dài trên hai gò má. Dứt tiếng Quốc thiều, mắt đang nhòa lệ, tôi nhìn lên kỳ đài thấy ông Cụ - người đã từng ở gác 2 nhà tôi. Đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dõng dạc hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Lời Người nghe như lời non nước vọng lại làm cả biển người đồng thanh hô vang: "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Nước mắt tôi lại trào dâng, cảm giác ngây ngất, nhưng vẫn nghe rõ lời ông Cụ đọc. Tôi lại bâng khuâng liên tưởng đến những đêm với tiếng máy chữ của ông Cụ gõ trong khuya, tạc lên áng văn rửa nỗi nhục mất nước ngót trăm năm và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Một tuần sau ngày Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Cụ cho gọi vợ chồng tôi lên gặp. Chưa hiểu có chuyện gì, trong lòng thấy lo. Tôi nghĩ, hay mình làm việc gì không phải để Cụ không hài lòng. Khi vợ chồng tôi lên, thấy ông Cụ cầm một chiếc ngà voi, trên có khắc một đàn voi, vòi con nọ quấn lấy con kia. Trao món quà cho tôi, Cụ mỉm cười nói rất thân mật:

- Bác và Thường vụ tặng gia đình cô món quà, chúc gia đình và cách mạng đoàn kết như đàn voi này.

Nhận món quà từ tay Cụ Hồ trao, tôi xúc động quá, tự nhiên thấy cay cay nơi sống mũi, rồi nước mắt cứ ứa ra, muốn nói mà ấp úng mãi mới thành lời:

- Thưa Cụ, gia đình cháu xin cảm ơn Cụ, cảm ơn cách mạng, nguyện suốt đời đi theo cách mạng.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, nhưng những kỷ niệm về Bác Hồ trong những ngày đầu cách mạng vẫn in sâu trong ký ức tôi. Giờ đây, đến thăm lại nơi Bác làm việc trong những ngày đầu cách mạng ở tầng hai ngôi nhà 48 Hàng Ngang mà gia đình tôi đã hiến cho Nhà nước, tôi như thấy Bác đang ngồi kia vạch đường chỉ lối, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang, hạnh phúc".

Theo Quân Đội Nhân Dân
Tâm Trang(st)

Bài viết khác: