Hiện nay chúng ta đang thực hiện Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4, khoá XI cùng với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong không khí sôi động kỷ niệm 67 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9. Trước vận hội và cả vận mệnh của dân tộc hôm nay khiến chúng ta cần suy ngẫm về những bài học lịch sử mà dân tộc ta đã trải qua hơn 60 năm qua.
Đảng ta chỉ có non 5.000 đảng viên mà lãnh đạo
được nhân dân cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Ảnh: TL
Bài học lịch sử cũng là câu trả lời cho một vấn đề đặt ra: Vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời 15 năm đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công và sau đó trước vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, trước sự phá hoại của các nhóm người phản lại lợi ích dân tộc, chống phá Nhà nước Dân chủ cộng hoà mà nền độc lập dân tộc và chế độ mới vẫn tồn tại, vẫn đứng vững và lớn mạnh. Điều này đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải sâu sắc. Trong Diễn văn mừng Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1946) tổ chức tại Paris (Pháp) Người nói: “Chính sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hoà của mình”. Sự đoàn kết đó được một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo đã đem lại thành công. Trong Bài nói tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Từ ngày ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp (...). Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám và trong tám, chín năm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt (...). Hồi khởi nghĩa, Đảng ta chỉ có non 5.000 đảng viên mà lãnh đạo được nhân dân cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi”. “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” - Người kết luận:
“Đảng ta vĩ đại như biển rộng núi cao
Ba mươi năm phấn đấu biết bao nhiêu tình
Đảng ta là đạo đức, là văn minh
Là thống nhất, độc lập, hoà bình ấm no”.
Nhìn từ góc độ đạo đức, chúng ta thấy rằng chính phẩm chất đạo đức cao cả của Đảng và của các đảng viên đã tạo nên sức hấp dẫn đối với nhân dân, tập hợp nhân dân đoàn kết toàn dân để tiến hành đấu tranh giành được thắng lợi và bảo vệ được thành quả cách mạng.
Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chăm lo giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức của Đảng - người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng thời là người “cầm quyền” nắm vận mệnh của đất nước. Từ năm 1968, khi chỉ đạo viết sách Người tốt việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu rơi vào chủ nghĩa cá nhân”.
Bài học về sự thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô càng giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về lời cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản Liên Xô (tiền thân là Đảng Bônsêvích Nga) khi mới có 2 vạn đảng viên đã lãnh đạo nhân dân Nga làm Cách mạng Tháng Mười thành công, một sự kiện vĩ đại làm “rung chuyển thế giới”, đến khi có 2 triệu đảng viên lãnh đạo cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chiến thắng phát xít Đức, cứu nhân loại khỏi hoạ phát xít. Thế nhưng khi có 20 triệu đảng viên thì Đảng Cộng sản Liên Xô không giữ nổi Nhà nước Liên Xô, không giữ nổi chế độ xã hội chủ nghĩa và đi đến tan rã. Tổng kết bài học lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên bang Nga ngày nay đã viết: “Không giữ được Liên Xô, trước hết là vì Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị huỷ hoại bởi độc quyền về quyền lực, tham vọng giành cho mình độc tôn chân lý và sự quá tin tưởng vào tính tất yếu của một hình thái sở hữu duy nhất”. Nguyên nhân đó không chỉ là vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội mà còn là vấn đề đạo đức. Độc quyền chân lý là kiêu ngạo; độc tôn quyền lực là áp đặt; độc tín hình thức công hữu là thiếu dân chủ đối với các thành phần kinh tế khác và lợi dụng chế độ công hữu để tham nhũng, lãng phí... Đây là bài học lịch sử đương đại.
Lịch sử Việt Nam trong giai đoạn xây dựng đất nước độc lập, tự chủ và xây dựng chế độ phong kiến cũng để lại nhiều bài học tích cực, có ý nghĩa đạo đức đối với người lãnh đạo, người cầm quyền. Đó là người cầm quyền phải vì quyền lợi của nhân dân, của đất nước và phải tôn trọng nhân dân - cái gốc của đạo đức. Đó là cái nhân, cái nghĩa của người lãnh đạo: “Nhân nghĩa duy trì thế nước an”, “Có nhân nghĩa có anh hùng” (Nguyễn Trãi).
Chính vì vậy, Lý Thái Tổ trong Chiếu di đô đã khẳng định: “Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, thấy thuận tiện thì đổi dời”. Lý Thường Kiệt trong Lộ bố văn (đánh quân Tống) cho rằng: Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khẳng định: Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, là quốc sách giữ nước. Nguyễn Trãi ao ước người cầm quyền: Chăm nuôi dân chúng khiến cho thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán hờn, hoà bình là gốc của nhạc (yên ổn, tốt đẹp). Vua Lê Thánh Tông - ông vua có công xây dựng đất nước và đưa chế độ phong kiến đến cực thịnh - cũng tâm niệm rằng: “Thương yêu dân chúng, kính trời xanh”. Vua Minh Mạng thời Nguyễn đã ý thức rằng: “Người làm chính trị không thể làm trái ý chí của nhân dân”, “Dân là gốc nước, bởi vậy phải yêu cái dân yêu và ghét cái dân ghét”. Không những thế ông còn dạy những quần thần phải tôn trọng dân và không được hà hiếp dân. Ông mắng Diên Khánh Công vì đã bắt người trái phép: “Dân là gốc nước, dân không yêu thì người có thể hưởng giầu sang được không?”. Đây là những bài học trong truyền thống lịch sử dân tộc.
Hiện nay, trong Đảng đang có sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, “kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp” và theo nhận định của Giáo sư Lưu Văn Đạt - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đăng Báo Thanh Niên ngày 29-6-2012 bắt đầu có sự đối lập hoàn toàn “giữa nhân dân với chính quyền”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã cảnh báo về nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ và được đề cập trực diện trong Nghị quyết TƯ 4 khoá XI. Điều đó càng làm cho chúng ta phải suy ngẫm về vấn đề vai trò của đạo đức người lãnh đạo (người cầm quyền) có ý nghĩa to lớn liên quan tới sự tồn vong của đất nước và chế độ như thế nào? Và phải thực sự thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. (Di chúc). Giữ gìn sự liêm chính, giữ gìn đạo đức cách mạng ấy cũng là cách thiết thực giữ vững thành quả cách mạng mà cha ông chúng ta đã giành được từ 67 năm trước./.
Theo PGS,TS. Lê Quý Đức/Báo Đại Đoàn Kết
Huyền Trang (st)