Giành được độc lập tự do đã trở thành sức mạnh chắp cánh cho dân tộc Việt Nam từ đêm dài nô lệ trăm năm rũ bùn đứng dậy làm chủ vận mệnh của mình, lập nên những kỳ tích trong chiến đấu và dựng xây đất nước.
Giành được độc lập tự do đã trở thành sức mạnh chắp cánh cho dân tộc Việt Nam từ đêm dài nô lệ trăm năm rũ bùn đứng dậy làm chủ vận mệnh của mình, lập nên những kỳ tích trong chiến đấu và dựng xây đất nước.
Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do và độc lập”.
Với Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định với thế giới tư thế đĩnh đạc của một dân tộc tự do, độc lập. Sự đĩnh đạc phải đánh đổi bằng máu xương của cả dân tộc. Khát vọng độc lập tự do đã thôi thúc hàng triệu con người dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đứng lên như biển dâng sóng trào, nhấn chìm chế độ thực dân, phát xít.
Một khát vọng cháy bỏng mà nói như Hồ Chủ tịch trong những ngày tiền khởi nghĩa là “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập”. Cuộc cách mạng ấy có ý nghĩa to lớn vì đem lại cơm no, áo ấm cho dân.
Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, nói: “Cụ Hồ nói: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Có độc lập mới có tự do. Có độc lập tự do là quý nhưng nếu dân không được ấm no hạnh phúc thì độc lập có nghĩa lý gì? Lòng dân có đi với ta hay không là ở chỗ dân có giàu thì nước mới mạnh. Sự thu phục lòng dân của Cách mạng Tháng Tám là ở chỗ đi đúng nguyện vọng của nhân dân”.
Hòa chung khát vọng tự do của nhân dân với lý tưởng độc lập mà mình theo đuổi dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, biến thành nguồn lực để dựng xây đất nước. Đó chính là tư tưởng phát triển tiến bộ, là nghệ thuật lãnh đạo của người cầm lái con thuyền cách mạng.
Tuần lễ vàng ngay sau khi Tuyên ngôn Độc lập được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, có người hiến cả chục cân vàng mà không cần một tờ hóa đơn, vì họ tin vào Đảng, vào Bác. Người góp của, góp công giúp đất nước vượt qua nạn đói, ngân khố cạn kiệt được bổ sung đáng kể để kiến thiết quốc gia.
Người dân từ giàu đến nghèo sẵn sàng chung vai sẻ chia gánh nặng cho Chính phủ thông qua việc tự tổ chức cuộc sống, chiến đấu, sinh hoạt, học tập trong điều kiện chống cả 3 thứ giặc đe dọa sự tồn vong của chính quyền non trẻ. Với tư tưởng dân chủ tiến bộ, Hồ Chí Minh đã thành lập một Chính phủ có trí tuệ nhất, đại diện nhất cho các giới, các dân tộc ở khu vực Đông nam Á.
Tại thời điểm năm 1945, với 95% dân số mù chữ và vừa thoát khỏi nạn đói, việc làm ấy là một kỳ tích. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc nói: “Từ trong Tuyên ngôn Độc lập và sau này trong nhiều bài phát biểu, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ luôn khẳng định nước ta là một nước dân chủ. Dân chủ trở thành bản chất của chế độ, là mục tiêu của chế độ và cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Người dân có quyền tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, giám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Đó là quyền làm chủ. Khi nói đến quyền làm chủ của dân, dân trở thành chủ thể để thực hiện quyền làm chủ của mình”.
Hồ Chí Minh luôn ý thức rằng muốn xã hội phát triển thì người dân phải được tự do, được nói lên nguyện vọng của mình, được sáng tạo và cống hiến cho đất nước dân tộc mình, học được những bài học từ quá khứ. Chỉ có phát huy dân chủ, mới huy động được sức sáng tạo, huy động được sức mạnh toàn xã hội, đặc biệt là các nguồn lực và con người cho sự phát triển đất nước.
Thực tế cho thấy, nơi đâu, lúc nào xa rời tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân chủ, không lắng nghe tiếng nói xây dựng, phê bình của người dân đều dẫn đến trì trệ, suy thoái. Những thành quả quan trọng và có ý nghĩa lịch sử của gần 25 năm đổi mới giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng một nước lạc hậu, kém phát triển là một minh chứng cho điều này.
Thử nghiệm, tìm tòi, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở để từ đó từng bước thay đổi cơ chế, chính sách dẫn tới đổi mới tư duy về kinh tế, giải phóng nguồn lực, huy động sức dân cho phát triển. Những kinh nghiệm của quá trình lãnh đạo kinh tế đất nước sẽ giúp cho chúng ta vững vàng để phát triển nhanh, bền vững theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên viên cao cấp của Chính phủ phân tích: “Chúng ta đã đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục, thu nhập bình quân đầu người đạt ở mức trung bình. Tuy nhiên, tăng trưởng thời gian qua còn dựa quá nhiều vào tiền vốn, vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà ít phát huy các nhân tố về khoa học công nghệ, ít phát huy giá trị gia tăng. Nói cách khác là những gì chúng ta làm được còn chưa xứng với tiềm năng, chưa huy động hết sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Về lâu dài chúng ta phải tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đặc biệt phải tiếp tục thực hiện các quyền tự do dân chủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp năm 1946”.
Người xưa từng nói, lấy gương để soi mình thì có thể sửa được đầu tóc, trang phục nhưng lấy lịch sử để soi mình có thể học được những bài học lớn cho phát triển. Cái mới nhiều khi chính là cái đúng đã bị che khuất hoặc lãng quên trong quá khứ được khôi phục và tái xuất hiện.
Thành công về mặt kinh tế của 25 năm đổi mới chính là thành công của việc trở lại với những giá trị đích thực được qui định trong Hiến pháp năm 1946, mà cơ bản là quyền tự do kinh doanh được nâng lên và vận dụng phù hợp với thời đại ngày nay, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp để chúng ta nhìn lại mình, kiên trì vận dụng những tư tưởng phát triển tiến bộ và đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở khát vọng độc lập tự do của dân tộc./.
Theo Vân Thiêng /vov.vn
Phương Thúy (st).