Thứ sáu, 29/03/2024

Gần 57 năm nay, người thương binh đặc biệt Lê Thống Nhứt, nhà ở đường Hồ Hảo Hớn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ vẹn nguyên một kỷ vật vô cùng thiêng liêng, đó là chiếc áo trấn thủ do Bác Hồ tặng vào mùa đông năm 1955.

Năm ấy đông giá, hầu hết anh em chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, đặc biệt là thương binh nặng, không chịu nổi cái rét cắt da cắt thịt. Nhận được chiếc áo, ông biết ơn Bác vô cùng nhưng không dám mặc, sợ áo sờn cũ nên lồng áo trong chiếc gối để gối đầu hằng đêm.

Mặc dù là thương binh đặc biệt, mất 91% sức lao động, khập khiễng một chân đau nhức với đôi nạng nhưng từ năm 1956 đến 1969, mỗi dịp 2/9, ông đều có mặt ở Quảng trường Ba Đình để mừng Quốc khánh và thực hiện ước nguyện bấy lâu: Gặp Bác Hồ - người mình mang nặng ơn nghĩa.

Sinh ra tại vùng sông nước Kiên Giang, năm 1932, Lê Thống Nhứt là một trong những chiến sĩ trinh sát đặc công đầu tiên của tỉnh Cần Thơ, tham gia chiến đấu tại Tổ trinh sát đặc công, Đại đội 1085 thuộc Liên Trung đoàn 22-24. Giặc Pháp nghe tên ông đều sợ bởi sự gan lì, mưu trí và lối đánh hiểm. Cuối năm 1953, chiến sĩ Lê Thống Nhứt bị thương nặng trong một trận càn. Tay phải, chân trái bị thương, chân phải bị cắt bỏ hoàn toàn. Ông được điều trị ở Quân y viện ở U Minh. Đến năm 1955, ông tập kết ra Bắc.

chiec ao BH
Thương binh đặc biệt Lê Thống Nhứt bên những hình ảnh, kỷ vật của gia đình

Ông kể: “Từ năm 1955-1959, tôi ở Nam Định, rồi chuyển sang Thanh Hóa nhưng năm nào gần đến ngày 2 tháng 9 cũng nhất định đón tàu hỏa về Hà Nội để dự Lễ Quốc khánh. Ngày đó đông vui và thiêng liêng lắm. Trưa ngày 1 tháng 9, ngoài nhà ga ở Nam Định người chật như nêm, ai cũng mang theo lá cờ. Đến tối khi tàu đến Hà Nội thì mọi người tranh thủ trải chiếu ngả lưng bên vệ đường. Nói ngả lưng vậy thôi chứ ai cũng nôn nao lắm, cứ cầu trời cho mau sáng để coi bộ đội duyệt binh, để gặp Bác Hồ”. Ông kể  các cửa hiệu đều đóng cửa, Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Quần chúng nhân dân đủ mọi thành phần từ công nhân, nông dân đến học sinh, sinh viên, người già, trẻ nhỏ… khắp các tỉnh đổ về. Thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên kỳ đài, nhiều người reo lên, “Bác Hồ kìa! Bác Hồ kìa!”. Có bà cụ lấy khăn chầm chậm lau nước mắt. Bác vận áo kaki, đi dép cao su giản dị, vầng trán cao, đôi mắt sáng. Cả biển người im phăng phắc lắng nghe bài phát biểu của Bác, giọng Người trầm ấm, điềm đạm. Ngay khi nhìn thấy Người, ông Nhứt không giấu nổi niềm xúc động, hình ảnh vị cha già sao quá gần gũi.

Năm 1960, ông Nhứt tập kết về Hà Nội. “Hồi đó, tôi thăm anh họ điều trị tại Trại Thương binh hỏng mắt. Sáng sớm hôm đó đài phát thanh nội bộ thông báo có phái đoàn tới thăm. Phái đoàn chia ra nhiều tốp đi thăm. Tốp của một ông bác sĩ đi xuống bếp. Bác sĩ chỉ vài chỗ trên thềm nhà chưa sạch có ý bảo cần phải cọ rửa cẩn thận để anh em thương binh đi lại không bị trượt ngã. Tôi và anh em trong phòng thương binh đang kháo nhau: “Hôm nay chắc có Bác Hồ đến thăm!” thì tự nhiên ông bác sĩ bước vào phòng, tháo nón, khẩu trang: “Liệu có Bác Hồ đến thăm thật không các cháu?”. Giọng trầm ấm quen thuộc vừa dứt, các thương binh mù đồng loạt hô to: “Bác Hồ đây rồi!” rồi theo hướng phát ra tiếng nói mà xúm lại ôm Bác. Nhưng anh em thương binh mù không thấy Bác nên toàn ôm nhầm nhau. Lúc đó Bác cười hiền, ôn tồn: “Bây giờ các cháu trở lại giường của mình, Bác sẽ bắt tay hết từng cháu”. Lâu nay, tôi chỉ toàn nhìn Bác từ xa trên kỳ đài mỗi dịp 2/9 nên lần đầu tiên được nhìn Bác thật gần, được Bác cầm tay, nghe Bác ân cần thăm hỏi, lúc đó tôi chỉ biết lặng đi vì xúc động” - ông Nhứt nhớ lại.

Ngày 2-9-1969, cờ đỏ sao vàng năm ấy vẫn rợp trời đón Ngày Quốc khánh nhưng vắng hình ảnh vị cha già kính yêu của dân tộc. Ngày 3 tháng 9, ông và nhân dân cả nước bàng hoàng khi nhận được tin Bác mất. Ông lật lại chiếc áo trấn thủ, nghẹn ngào nhớ Bác. Chiếc áo trấn thủ ông vừa gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân dịp 122 năm Ngày sinh của Người (19-5-2012).

Hàng năm, dịp Quốc khánh 2/9, mỗi khi lái chiếc xe mô tô 3 bánh tự chế kiểu nhà binh, phía trước phất phới lá cờ đỏ sao vàng đi gặp gỡ đồng đội cũ trên những nẻo đường của thành phố mang tên Bác, ông lại rưng rưng nhớ những ngày Thủ đô Hà Nội rợp cờ đỏ sao vàng. Hơn 10 lần đón Lễ Quốc khánh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (từ năm 1956 đến năm 1969) với những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc là kỷ niệm thiêng liêng mà thương binh đặc biệt Lê Thống Nhứt không bao giờ quên./.

Theo qdnd.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: