Ông Hoàng Thanh Thụy và tập hồi ký “Những ngày tù ngục”.
Chuyện đã xảy ra hơn bốn thập kỷ, nhưng cứ mỗi khi thu về, Hoàng Thanh Thụy, Phó chủ tịch Hội Tù yêu nước thành phố Đà Nẵng lại bần thần nhớ đến buổi sáng Truy điệu Bác trong Nhà tù Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai).
Biên Hòa những ngày đầu thu năm 1969, mưa triền miên, rả rích. Bầu trời như ang nước khổng lồ, sẵn sàng chụp xuống “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam” Hố Nai, nơi có phòng “Biệt giam số 7” nổi tiếng vào bậc nhất nhì về đối xử hà khắc, tàn bạo với người tù của chính quyền Sài Gòn. Màn đêm buông xuống căn phòng khi ngoài trời vừa mới nửa chiều. Ngọn đèn điện mắc ở giữa phòng bám đầy bụi và mạng nhện, ánh sáng tỏa ra le lói như đom đóm càng tăng thêm sự ướt át, nhớp nháp và lạnh lẽo.
Gần một tuần lễ trôi qua, vết thương ở chân sưng tấy, đau nhức tận óc, người ngây ngấy sốt, Hoàng Thanh Thụy không ăn uống gì được. Địch cũng không cho ra ngoài khám bệnh, xin thuốc. Tên Thượng sĩ Giám thị trưởng và lũ đàn em, mỗi lần bước vào Trại là mặt đằng đằng sát khí, mắt láo liên soi mói. Hôm ấy, Thụy đang ngồi bên cửa sổ, nép mình để tránh những luồng gió lâu lâu lại hắt vào, nhìn ra ngoài trời suy nghĩ mông lung. Bất chợt, tù nhân tên Thái từ đầu phòng kia tới, vừa đi vừa nói đủ cho anh nghe: “Ra phía sau nhà bếp, chú Hai gặp có việc gấp”. Thụy vội cắp đôi nạng gỗ đi ra. Tên Giám thị chặn lại trước cửa phòng hỏi: “Đi đâu?”. “Đi cầu”, anh trả lời điềm tĩnh. Hắn nói như ra lệnh: “Lẹ lên!”.
Anh bước ra khỏi phòng, mắt kín đáo quan sát xem có tên nào bám theo không và nhanh chóng nhảy lò cò đến điểm hẹn. Lúc ấy, ở nhà bếp rất đông người, kẻ lấy nước, người khiêng cơm. Anh Hai, tên thật là Lê Phước Hải - nguyên Bí thư Chi bộ thôn Châu Sơn, xã Điện Tiến (Điện Bàn, Quảng Nam), đang lui cui nướng cơm cháy trước cửa lò. Bấy giờ, anh em trong tù hay lấy cơm cháy đốt thành than để pha nước uống, chữa đau bụng. Biết ý, Thụy bước nhanh lại chỗ anh Hai và lắng nghe: “Bình tĩnh! Bác Hồ mất rồi”. Anh sững sờ, choáng váng, tay chân rã rời, tưởng như đang trong cơn ác mộng. Hiểu tâm trạng của người đồng chí, Lê Phước Hải nhắc lại: “Bình tĩnh” và dặn thêm: “Thông báo cho tất cả đảng viên được biết, còn đối với anh em quần chúng thì để chậm lại một vài hôm. Nhưng phải chủ động làm công tác tư tưởng, đừng để xảy ra hoang mang, địch lợi dụng. Có gì sẽ gặp lại”. Anh Hai kín đáo bắt tay Thụy. Anh hiểu ý nghĩa của cái bắt tay ấy. Sau đó, Lê Phước Hải cầm mấy miếng cơm cháy trở về phòng “biệt giam số 5”. Hoàng Thanh Thụy cắp đôi nạng gỗ nhảy lò cò trở về phòng, lòng nặng trĩu âu lo. Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng giữ cho được nét mặt bình thường vì ý thức rõ trách nhiệm của mình lúc này.
Tin Bác mất đã làm cho không khí trong Nhà lao như chùng hẳn. Nhiều người đau đớn quá bỏ cả ăn. Đêm đêm, tiếng trở mình kèm theo hơi thở nặng nhọc gieo vào không gian tĩnh lặng càng làm cho không khí thêm não nề. Nếu kéo dài tình trạng này thì không ổn, dễ ảnh hưởng đến tinh thần đấu tranh chung, Hoàng Thanh Thụy nhanh chóng bàn bạc với các đảng viên khẩn trương vận động anh em sớm ổn định tư tưởng, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường. Sáng 5-9-1969, Hoàng Thanh Thụy nhận được chỉ thị từ đồng chí Sáu - Bí thư chi đoàn, ra giếng nước có việc gấp. Anh xúc động khi nhìn thấy đồng chí Tứ - Bí thư chi bộ, quê ở Điện Nam (Điện Bàn, Quảng Nam) đang múc nước để rửa chân. Thụy hiểu ý, đến gần hỏi mượn cái gầu, Tứ tranh thủ nói luôn: “Sáng mai, khi nghe kẻng điểm danh, anh em ta nhanh chóng ra hết ngoài sân sớm hơn mọi hôm mươi phút. Khi có tiếng hô “Đứng”, anh em ta lập tức đứng dậy nghiêm trang cúi đầu quay mặt về hướng Bắc. Ta làm Lễ Truy điệu Bác trước khi chúng điểm danh. Nhớ thường xuyên củng cố tinh thần anh em”.
Hôm sau, tức ngày 6-9-1969, mọi việc đã diễn ra đúng như dự kiến của ta. Khi bọn Giám thị, quân cảnh còn đứng lố nhố ngoài cổng Trại giam thì hơn một nghìn người tù trong sân đã làm cái chuyện mà chúng không tài nào biết được, nghĩ tới được. Chúng trố mắt nhìn nhau ngơ ngác, bất lực. Tên H., Giám thị trưởng như đỉa phải vôi, cứ đi đi lại lại, miệng lẩm bẩm chửi thề, nhưng không dám bước vào sân. Tên Thiếu tá Chỉ huy trưởng Trại giam lúc đó cũng vừa tới, thấy hiện tượng lạ, y dừng lại hỏi. Không biết tên Trung sĩ Giám thị nói gì mà y lắc lắc cái đầu có vẻ thất vọng và bước thật nhanh về chỗ làm việc.
Câu chuyện để tang Bác trong tù đã khắc ghi trong tâm khảm những người tù yêu nước tại Nhà lao Biên Hòa năm ấy. Đối với ông Hoàng Thanh Thụy, đó là những trang viết ông dành nhiều tâm huyết nhất khi ông tham gia tuyển tập hồi ký “Những ngày tù ngục”.
Nguyễn Sỹ Long
Theo Qdnd.com.vn
Tâm Trang (st)