doi dep cao su
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập

Dân tộc ta thật may mắn khi có một vị lãnh tụ vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tấm gương sáng ngời đức hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc. Bác dành cho dân tộc Việt Nam một tình thương bao la, tình thương của một người cha, một người ông cho con cho cháu muôn đời… Những gì Bác hy sinh cho đất nước, cho nhân dân thật cao hơn núi, rộng hơn biển, không có gì có thể sánh nổi. Cả đời Người không có một ham muốn gì cho riêng mình mà chỉ có một ham muốn tột bậc là: “…làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai ai cũng được học hành... ”. Cả đời Người không phải sống trong khuôn khổ của bốn chữ "cần, kiệm, liêm, chính" mà chính Người chứ không phải một ai khác đã làm nên bốn chữ ấy, bốn đức tính của riêng dân tộc Việt Nam chúng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Một con Người vĩ đại, vĩ đại ngay cả trong những việc bình thường”. Câu chuyện về đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” của Người thi rất nhiều nhưng có lẽ để lại ấn tượng cho mọi người nhiều nhất có lẽ là câu chuyện về “Đôi dép cao su của Bác” - Đôi dép ấy rất đỗi bình dị, mộc mạc đơn sơ, nhưng thật nhiều ý nghĩa như chính cuộc đời Bác kính yêu.  Bởi đôi dép cao su đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân, vì nước của Bác. Ngày nay, đôi dép ấy đã trở thành kỉ vật thiêng liêng và vô giá của dân tộc ta.

doi dep cao su

Đôi dép cao su đó được cắt từ chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị quân và dân ta phục kích, tiêu diệt tại một vùng căn cứ địa Việt Bắc năm xưa. Đôi dép cắt đo không dày lắm, quai trước to, quai sau nhỏ, rất vừa với chân Bác.

Bác hay nói vui với các anh em chiến s rằng: - Đó là đôi hài vạn dặm trong chuyện cổ tích ngày xưa, đôi hài thần đất đi đến đâu mà chẳng được!

Tuy chỉ được làm từ chiếc lốp ô tô quân sự nhưng suốt mười một năm ròng, đôi dép ấy đã theo Bác đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Còn nhớ năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị hải quân nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép "thâm niên cao tuổi" ấy, Bác đã đi khắp nơi, thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của các đơn vị. Bác đi đến đâu, cán bộ và chiến sĩ rồng rắn kéo theo đến đó, ai cũng muốn chen chân, vượt lên để được gần Bác. Bác vui vẻ nắm tay chiến sĩ này, vỗ vai chiến sĩ khác. Đang đi bỗng dưng Bác dừng lại:

- Các cháu đùa làm tụt quai dép của Bác rồi!

Nghe Bác nói, cả đám im lặng, cúi xuống nhìn đôi dép rồi ồn ào cả lên:

- Thưa Bác, để cháu sửa ạ, cháu mà ra tay thì thế nào cũng xong!

Một anh khác lại thưa:

- Thưa Bác, để cháu, vừa hay cháu có mang theo rút dép đây ạ!

Nhao nhao ầm ĩ lên như thế nhưng đồng chí cảnh vệ chỉ đứng cười vì biết dép của Bác đã phải đóng đinh rồi, có rút cũng vô ích.

            Bác nhìn mọi người rồi cười bảo:

- Các cháu từ từ đã nào, cũng phải để Bác đến chỗ gốc cây kia có chỗ dựa mà đứng chứ!

Nói xong, Bác "lẹp xẹp" lết dép đến chỗ gốc cây, rồi một tay Bác vịn vào thân cây, một chân co lên tháo dép ra và bảo:

- Đây dép của Bác đây, cháu nào giỏi thì chữa hộ dùm cho Bác.

Một anh nhanh tay giành lấy chiếc dép, giơ cao lên nhưng lại ngớ ra lúng túng. Anh bên cạnh liếc thấy, phá vòng vây chạy biến. Bác phải giục:

- Các cháu nhanh nhanh lên nhé! Để cho Bác còn đi nữa chứ!

Anh chiến sĩ lúc nãy chạy đi, giờ đã quay trở lại, trên tay còn cầm theo một chiếc búa con và vài cái đinh. Anh nhanh nhảu thưa:

- Bác ơi, để cháu sửa ạ!

Mọi người dãn ra, phút chốc chiếc dép đã được chữa xong. Các chiến sĩ không được may mắn chữa dép cho Bác thì phàn nàn:

- Ưmh...tại dép của Bác cũ quá. Bác ơi, hay là Bác thay dép khác đi ạ!

Bác nhìn mọi người trìu mến rồi bảo:

- Các cháu nói đúng, nhưng chỉ đúng có một phần. Dép của Bác tuy cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai, các cháu vừa chữa lại cho Bác thế này thì nó vẫn còn tốt lắm! Bác biết mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, thế nhưng khi chưa cần thiết thì cũng chưa nên. Chúng ta cần phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo!

Chẳng những khi hành quân mà những ngày đông Bác cũng đi đôi dép ấy. Có hôm trời rét quá, Bác chỉ đi thêm đôi tất cho ấm chân. Tiếp khách trong nước hay khách quốc tế vẫn thường thấy Bác đi đôi dép ấy. Gặp suối trơn hoặc trời mưa, Bác cởi dép ra xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên những cánh đồng đang vụ cấy hay vụ gặt, Bác xắn quần cao lội ruộng cùng mọi người, tay vẫn không quên xách hoặc nách kẹp đôi dép. Các anh em cảnh vệ đã nhiều lần xin Bác đổi dép nhưng Bác bảo vẫn còn đi được.

Đôi dép đó đã song hành cũng Bác đi mọi miền Tổ quốc, đi khắp năm châu bốn bể, đến thăm những nước bạn gần xa. Không chỉ người Việt Nam, dân tộc Việt Nam biết về đôi dép của Bác, mà bạn bè khắp nơi trên thế giới đều có ấn tượng tốt về đôi dép của Bác.

 Đầu năm 1958, đi thăm Ấn Độ, Bác vẫn đi đôi dép thường ngày. Mọi người trong đoàn thấy thế rất ái ngại nên bàn nhau mang theo một đôi giày. Lên máy bay nhân lúc Bác ngủ, anh em đã thay đôi dép bằng đôi giày. Khi thức giấc, Bác hỏi dép, anh em trả lời Bác là đôi dép đã để quên dưới khoang máy bay. Khi xuống sân bay, Bác yêu cầu lấy dép để Bác đi. Bác bảo đừng lo gì cả, đất nước Ấn Độ cũng nghèo như mình, mới có độc lập nên còn nhiều vất vả. Bác đi dép có bít tất thế là rất tốt, họ không chê mình đâu. Nhân dịp này, Bác muốn gần gũi với nhân dân lao động Ấn Độ. Hôm sau trên các trang báo lớn của Ấn Độ đều hết lời ca ngợi Bác là vị Chủ tịch nước dân chủ nhất thế giới, ca ngợi đôi dép Bác Hồ là một huyền thoại. Trong thời gian Bác ở Ấn Độ đôi dép của Bác đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, nhất là các chính khách, nhà báo, nhà quay phim, chụp ảnh. Đặc biệt khi Bác vào thăm ngôi đền Taj Mahal (ngôi đền nổi tiếng là Viên ngọc châu của đền đài Ấn Độ), Người để dép ở ngoài  thì những phóng viên thi nhau cúi xuống sờ nắn quai dép, thi nhau bấm máy từ nhiều góc độ, rồi lại còn ghi ghi chép chép… Rồi tiếp theo đó là đám đông dân chúng ùa vào từ các ngả để được ngắm đôi dép.

anh BH di Ấn Độ
Bác Hồ thăm Ấn Độ (ảnh chụp tại Thành phố Bombay tháng 2 năm 1958)

Đôi dép cao su của Bác rất giản dị, nhưng lại vô cùng đặc biệt, nó đã cùng Bác đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt - cùng bao nhiêu thế hệ Việt Nam đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng những Bộ đội Cụ Hồ anh dũng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… hay đến tận hôm nay nó vẫn đồng hành cùng những người Việt trẻ, những thế hệ khi sinh ra thì Người đã đi xa, nhưng phong cách sống, tư tưởng tình cảm của Người mãi mãi dẫn đường chỉ nối cho các thế hệ Việt Nam.

                                                                                 Kim Yến(Tổng hợp)

 

Bài viết khác: