Vẫn còn đây hương sen thoang thoảng hai bên đường dẫn chúng tôi về ngôi làng đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong những ngày tháng 9 lịch sử, làng Sen tấp nập những người con dân đất Việt tìm về với tất cả tấm lòng biết ơn Bác kính yêu.
Ngôi nhà tại làng Hoàng Trù nơi Bác ra đời.
“Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương/Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha/Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ/Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo...”. Theo câu hát, tôi tìm về miền quê nghèo ấy, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng một tâm hồn vĩ đại. Trong khi những ngôi làng khác đang ngày càng thay da đổi thịt theo xu hướng hiện đại hóa, thì làng Sen vẫn còn giữ được nét cổ xưa, yên bình gần gũi như chính con người nơi đây. Con đường dẫn về làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác) và làng Sen (quê nội Bác) uốn lượn giữa cánh đồng lúa xanh mượt.
Một miền quê quanh năm hứng chịu bao khắc nghiệt của thời tiết nhưng lại mang một vẻ trù phú đầy nhựa sống. Vẫn đó những đầm sen ngát hương, bên cạnh những đồng lúa xanh mượt tạo thành ấn tượng riêng mỗi khi về với quê Bác. Người dân ở đây kể lại rằng, ngày cụ Hoàng Thị Loan trở dạ, đầm sen trong làng bỗng nở rộ và sau cơn mưa to gió lớn, hương sen đưa vào làng bỗng thơm ngát lạ thường. Họ bảo đó là điềm trời báo sinh ra một người con cũng thanh cao, giản dị và đáng tôn quý như bông hoa sen trong lòng người dân Việt Nam.
Vào thăm ngôi nhà tại làng Hoàng Trù, nơi Bác Hồ được sinh ra, hàng râm bụt xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng dẫn lối cho du khách vào ngôi nhà lá đơn sơ, nơi đã ra đời một người con vĩ đại. Hàng cau vẫn rì rào trong gió như lời ru gần gũi và thân thuộc. Vào thăm nhà Bác, ai cũng nghẹn ngào xúc động khi được hiểu thêm về một phần cuộc đời Bác, dù có người đã tới đây rất nhiều lần.
Qua giọng kể ngọt ngào đậm chất xứ Nghệ của cô hướng dẫn viên duyên dáng, những kỷ niệm về gia đình Bác hiện lên sinh động cùng với những kỷ vật trong ngôi nhà lá đơn sơ: “Một sáng tháng 5 đầu hè, đúng vào mùa sen nở, khi hương sen ngào ngạt, Bác cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của ngoại, và ngoại đã đặt tên cho Bác là Nguyễn Sinh Cung... Năm năm đầu đời Bác đã ở đây và được đón nhận tình thương yêu của ông bà ngoại. Quê mẹ Hoàng Trù là cái nôi đã góp phần hình thành, bồi đắp tuổi thơ và nhân cách cao thượng của Bác...”. Ngôi nhà tại quê nội làng Sen cũng gắn với bao nhiêu kỷ niệm thuở thiếu thời, đã nuôi dưỡng Bác trưởng thành, vun đắp những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước mà mãi 50 năm sau ngày ra đi tìm đường cứu nước, Bác mới có dịp về thăm. Các kỷ vật vẫn còn đó, án thư nơi cụ thân sinh Bác vẫn thường ngồi dạy học, khung cửi - nơi người mẹ chịu thương, chịu khó tảo tần cả đời vì chồng vì con vẫn ngồi dệt vải, phản gỗ nơi các nhà nho yêu nước thường đến bàn chuyện thời cuộc nước nhà với cụ Nguyễn Sinh Sắc... tất cả còn nguyên vẹn với thời gian.
Về quê Bác, mỗi người như tìm về nguồn cội của tâm hồn, bởi Người luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng người dân Việt Nam, đúng như câu hát: “Nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn...”. Nơi làng quê yên bình này lúc nào cũng tấp nập đón những người con trên khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến thăm. Có cụ già đã hơn 80 tuổi, dù đã về quê Bác rất nhiều lần nhưng vẫn dẫn đầu đoàn con cháu trong gia đình về thăm lại làng Sen với tâm niệm dành tất cả tình cảm để tưởng nhớ ngày Bác mất. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện bà tôi kể lại rằng, ngày nghe tin Bác mất qua chiếc loa phóng thanh của làng, cả làng tôi đã bỏ hết công việc, ra ngồi cả ở chân cột điện, nơi treo chiếc loa phát tin buồn và ai cũng khóc nức nở như thể vừa mất đi người thân yêu nhất của mình.
Dù Bác đã đi xa hơn 40 năm nhưng dường như ấn tượng về Người trong lòng người dân Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Không chỉ những người đã từng đi qua chiến tranh, đã từng được gặp Bác, trong lòng thế hệ trẻ ngày nay, hai từ Bác Hồ vẫn có một vị trí đặc biệt.
Tạ Nguyên
Theo http://baotintuc.vn
Thu Hiền (st)