Đến nay, Bảo tàng ngành Dệt may Việt Nam (được xây dựng trên khuôn viên của Bảo tàng Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định trước đây) đã hoàn thành giai đoạn I. Nằm giữa trung tâm Thành phố Nam Định, với diện tích rộng 1,2ha, Bảo tàng ngành Dệt may Việt Nam là nơi tái hiện lại lịch sử ngành Dệt may cả nước nói chung và ngành Dệt may Nam Định nói riêng trong hơn 1 thế kỷ qua. Ngoài việc trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh về lịch sử Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định từ thời Pháp thuộc như: Bức thư của những người công nhân gửi ông chủ khi bị đánh đập, chà đạp; chiếc máy dệt thời kỳ đó, tại đây, còn trưng bày những vũ khí đã được Trung đoàn tự vệ của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định dùng để chiến đấu với giặc Mỹ, bảo vệ nhà máy... Và hơn hết là những kỷ vật thiêng liêng của Bác Hồ qua những lần Bác về thăm cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định.
Một góc Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam. Ảnh: Internet.
Tại khu vực trung tâm của Bảo tàng ngành Dệt may Việt Nam là nơi trưng bày các hình ảnh, kỷ vật về Bác và những tình cảm của công nhân ngành Dệt may với Bác Hồ, những di vật ghi lại lời căn dặn sâu sắc của Bác đối với tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định khi Người về thăm. Tiêu biểu là các hiện vật: Phòng nghỉ của Bác khi về thăm nhà máy năm 1957; những bức ảnh tư liệu quý về cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định vui mừng đón Bác về thăm nhà máy vào ngày 24-4-1957, Huy hiệu của Hồ Chủ tịch tặng công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định, Bác Hồ thăm phân xưởng dệt năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem các sản phẩm của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định năm 1957, Bác Hồ thăm nhà mẫu giáo dành cho con em cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem lá cờ Đảng của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định khi Người về thăm nhà máy năm 1963, Bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh chị em công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định ngày 28-12-1963… Bên cạnh đó, Bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với hình ảnh thân thương về Hồ Chủ tịch trong mỗi lần Bác về thăm tỉnh Nam Định: Đó là chiếc ghế đá nơi Bác Hồ đã ngồi nghỉ để nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định; những văn bản ghi lại lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà nói chung, công nhân ngành Dệt may Nam Định nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với quy mô và ý nghĩa to lớn, Bảo tàng ngành Dệt may Việt Nam đi vào hoạt động sẽ là một công trình văn hóa lưu giữ, trưng bày các hiện vật, hình ảnh giới thiệu với các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế về lịch sử của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định nói riêng, của ngành Dệt may cả nước nói chung. Đặc biệt, những hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ trong những lần về thăm Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định là những tư liệu, hiện vật quý, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho giai cấp công nhân ngành Dệt may cả nước hôm nay và mai sau./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Theo baonamdinh.com.vn
Kim Yến (st)