Ở tỉnh Bến Tre có họa sĩ thương binh Đoàn Việt Tiến gởi tình cảm tỏ lòng kính yêu đến Bác Hồ bằng những bức tranh vẽ ngược trên kính. Ở Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), họa sĩ Anh Lộc đã sử dụng những hạt gạo Nam bộ để thể hiện chân dung Bác Hồ... Còn với Tư Diệp, ông đã tạc tượng Bác Hồ từ những thân cây vú sữa cổ thụ của làng quê mình.
Khi nghe tôi hỏi đường đến nhà ông Tư Diệp, anh Chín Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Đông Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã tình nguyện làm “thổ địa”. Anh nói: “Ông cứ uống một cữ cà phê với tui. Giờ này vô nhà hổng có ông Tư đâu. Phải cỡ 8 giờ sáng ổng mới có ở nhà”.
“Chắc ổng đi ruộng?” - tôi hỏi. Anh Chín Mỹ cười khà: “Ruộng rẫy gì. Ổng đi bán vé số. Mà cha nội này bán vé số ngộ lắm đa. Cứ 3 giờ sáng là ổng lọc cọc đạp xe tới quán cà phê Ba Lâm trong chợ Vĩnh Kim. Xấp vé số và sổ dò cứ để trên bàn rồi kêu ly đen uống nhâm nhi nói chuyện với mấy ông bạn già. Ai dò số cứ dò, mua vé tự lựa rồi gởi tiền lại. Hổng nài nỉ, săn đón ai hết. Thích thì mua, không thích dò vé cũ cũng được... Đến 7 - 8 giờ là ông Tư Diệp về nhà dù vé số hết hay còn. Và còn dư bao nhiêu bà Tư lại tất tả mang đi bán tiếp. Về nhà là ông châm trà, lo chuyện nhà cửa, tỉa xén cây trong vườn và bắt đầu gò, đục mấy khúc rễ cây vú sữa”.
Ông Tư Diệp bên bức tượng Bác Hồ bằng gỗ vú sữa. Ảnh: Chí Dũng
Nói về “nhà điêu khắc tay ngang” này, anh Lê Văn Do, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Hòa, tâm đắc: “Ông Tư Diệp coi vậy mà ngon lành à nghen! Mần vườn, rồi bán vé số, vậy mà từ mấy cái gốc vú sữa ổng sáng tạo thành mấy bức tượng gỗ coi thiệt đã”.
Cách đây vài năm, biết tiếng ông Tư Diệp có những tác phẩm điêu khắc khá độc đáo, người của Bảo tàng tỉnh Tiền Giang đã tìm đến nhà ông mua một lèo 10 tác phẩm. Cảm kích, ông Tư Diệp tặng thêm 4 tượng khác cho Bảo tàng. Chuyện ít ai biết là vợ ông Tư Diệp - bà Nguyễn Ngọc Tuyết - là cháu sơ của đại thần Nguyễn Tri Phương và gọi thân mẫu của Giáo sư Nhạc sĩ Trần Văn Khê bằng bà cô (theo gia phả dòng họ Nguyễn Tri).
Ông Tư Diệp tên đầy đủ là Nguyễn Bá Diệp, sinh năm 1938, ở Cao Lãnh (Đồng Tháp). Thuở nhỏ, Tư Diệp học hết Tú tài 2 Ban Kỹ thuật rồi lên Sài Gòn học vẽ vào năm 1954. Ròng rã ba năm dùi mài tay nghề hội họa ở Sài Gòn, đến năm 1958, Tư Diệp hoàn tất khóa học và về Cao Lãnh giúp gia đình làm ruộng. Lúc này, Tư Diệp tự rèn luyện thêm tay nghề hội họa bằng cách vẽ giùm chân dung ký họa cho bà con làng xóm. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Tư Diệp nhận công tác ở Trường Đảng tỉnh Tiền Giang, đến năm 1976 chuyển sang làm việc ở Văn phòng Sở Thể dục Thể thao tỉnh Tiền Giang. Năm 1979, ông Tư Diệp về xã Đông Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) làm vườn rồi theo bạn bè học nghề mộc.
Xứ Đông Hòa cùng với Vĩnh Kim là miệt trồng vú sữa Lò Rèn nức tiếng gần xa, nhưng có giai đoạn vườn cây bị sâu bệnh hoành hành, nhiều nhà bỏ phế vườn tược... Nhìn những cây vú sữa thuộc hàng lão chết héo queo, ông Tư Diệp tiếc đứt ruột. Ở nhà thì buồn lại không có thu nhập, vậy là ông xách chiếc xe đạp cà tàng chạy ra chợ Vĩnh Kim bán vé số.
Năm 1996, ông Tư Diệp dọn những thân cây vú sữa già, bị sâu bệnh để trồng xoài. Nhìn đống rễ và thân cây vú sữa vẫn còn nguyên vẹn, rất tốt, ông nghĩ đến việc làm sao tận dụng những bộ gốc vú sữa này vào việc nào có ích, chứ không lẽ cứ để làm củi. Qua nhiều đêm suy nghĩ, ngồi ngắm nghía đám rễ cây xù xì, ông như bắt được cái thần ẩn hiện trong từng gốc cây gỗ tưởng như đồ bỏ đi ấy. “Cũng tính là để chụm củi chứ biết làm gì, nhưng lúc nhìn ngắm mấy gốc cây xù xì, với những đường nét tự nhiên rất đẹp như cái thế của con vật, tôi lấy búa thử phác thảo vài nét ra hình ảnh con rồng” - ông Tư Diệp nhớ lại.
Ông Tư Diệp sử dụng đồ nghề thợ mộc để làm công việc tạc tượng. Chỉ với vài ba cái đục, mũi dùi, lưỡi cạo, cây cưa nhỏ xíu... cộng với bàn tay tài hoa của ông đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật sống động. Qua bàn tay của ông Tư Diệp, từng thớ gỗ, từng nét cong của bộ rễ hay gốc cây vú sữa đã biến thành chú đại bàng tung cao đôi cánh, hay một chú cá sấu tròn xoe mắt ngơ ngác nhìn lên, chú khỉ con tinh nghịch, bức chân dung người nông dân, cái khung bàn nước với hình 12 con giáp rất tinh xảo, tượng 9 con rồng tạc từ bộ rễ một cây vú sữa lão có 9 rễ hay tượng tứ linh...
Thấy ông Tư Diệp làm nghệ thuật ngon lành, nhiều nhà vườn ở xứ Vĩnh Kim, Đông Hòa khi đốn bỏ cây già, bị sâu bệnh không còn cho trái đều nhớ tới “nhà điêu khắc” Tư Diệp. Và nhà ông Tư Diệp giờ trở thành một điểm đến thú vị của bà con xa gần. Ai có bộ rễ cây hay khúc cây có dáng đẹp đều mang đến nhờ ông tạc giùm cho một bức tượng. Nhiều bữa ông Tư Diệp cứ lo đục, đẽo đến quên ăn, bà Tuyết lại ca cẩm. Nhưng biết chồng đam mê nên bà càng hết lòng chăm sóc ông... Từ năm 1996 đến nay, ông Tư Diệp đã hoàn tất hàng chục tác phẩm nghệ thuật từ rễ, gốc và thân cây vú sữa.
3. Ngày 19-5-2000, khi cả nước kỷ niệm 110 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ, cũng là ngày đầu tiên ông Tư Diệp bắt tay vào tạc bức tượng Bác từ nguyên thân cây vú sữa cao hơn 2m, bề rộng khoảng 1 người ôm. Ông muốn tạc tượng Bác đang giơ tay chào. Năm tháng ròng rã, ông Tư Diệp đục, đẽo tỉ mẩn từng đường nét. Cuối cùng tác phẩm chân dung toàn thân Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành vào ngày 19-10-2000.
Suốt quãng thời gian ông Tư Diệp tạc tượng Bác, bà con xóm giềng đều quan tâm và theo dõi. Khi bức tượng Bác hoàn thành, mọi người kéo đến xem rất đông, ai cũng khâm phục và xúc động trước bàn tay tài hoa và tấm lòng của người con miền Nam dành cho Bác. Tượng Bác hiện ra sinh động, có thần với ánh mắt tràn ngập tình yêu thương.
Tất nhiên tác phẩm của ông Tư Diệp chưa thể tuyệt bích như các nghệ sĩ điêu khắc chuyên nghiệp. Mặc dù chưa học hành bài bản, công việc chính lại là nghề bán vé số, chỉ võ vẽ vài nét cọ từ thuở mười tám, đôi mươi và hơn 30 năm trời không đụng tới bút vẽ, nhưng với lòng tôn kính vô bờ bến dành cho vị Cha già của dân tộc, ông Tư Diệp đã tạo nên bức tượng chân dung Bác thật sinh động, có hồn.
Ông chỉ chọn gỗ vú sữa để thể hiện những bức tượng điêu khắc Bác Hồ, vì theo ông giải thích: “Đồng bào Miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ từng gởi tặng Bác một cây vú sữa và cây vú sữa này được Bác trồng tại Hà Nội. Tôi muốn lấy ý nghĩa này để tạc tượng Bác như một cách truyền tải tấm lòng của mình và những người con miền Nam dù chưa một lần gặp Bác nhưng trái tim luôn hướng về Người”.
Năm nay, tuổi đời sắp bước vào cái ngưỡng thất thập, hàng ngày phải cần mẫn bán từng tờ vé số kiếm cơm qua ngày, nhưng ông Tư Diệp vẫn ấp ủ ước muốn sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm nhiều tượng Bác Hồ để có một bộ sưu tập cho riêng mình. Với ông, đó cũng là cách để thể hiện tấm lòng kính yêu của mình đối với Bác. Ông Tư Diệp muốn những bức tượng về Bác sẽ là những kỷ niệm để sau này con cháu có dịp chiêm ngưỡng hình ảnh Bác dù Người đã đi xa.
Theo Phapluattp.vn
Kim Yến (st)