Chiếc giường gỗ đơn sơ, bộ bàn ghế nhỏ, chiếc điện thoại phím quay, đồng hồ quả lắc, chậu rửa mặt... Bác Hồ như đang còn ở đâu đây.

bac ho dau chi của rieng VN a1 
Một số kỷ vật của Bác Hồ

Khi đoàn chúng tôi đến Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Liễu Châu (Trung Quốc), Phó Giáo sư Ôn Kỳ Châu, người phụ trách Khu lưu niệm đã đứng chờ ngay tại cửa. Chúng tôi ùa vào một không gian ấm cúng như được trở về nhà.        

Ngay tại căn phòng trung tâm của Khu nhà lưu niệm là bức tượng bán thân của Bác. Chúng tôi ai cũng muốn đứng thật gần để lưu lại những tấm hình kỷ niệm. Thấy vậy, Phó Giáo sư Ôn Kỳ Châu nói bằng tiếng Việt rất sõi: ở phía trong này còn nhiều kỷ vật của Bác Hồ, các đồng chí phải để dành phim để chụp ảnh đấy nhé.

Khu lưu niệm được xây 2 tầng bằng vật liệu đá và gạch từ những năm 30 của thế kỷ trước. Đây là nơi Bác Hồ biên soạn tập thơ nổi tiếng “Nhật ký trong tù”. Không khí bỗng lặng đi khi chúng tôi bước vào căn phòng nhỏ chỉ vài mét vuông, trên tầng 2 của nhà lưu niệm. Chiếc giường gỗ đơn sơ, bộ bàn ghế nhỏ, chiếc điện thoại phím quay, đồng hồ quả lắc, chậu rửa mặt... và cả chiếc quạt làm bằng lá cọ vẫn còn nguyên những đường viền chỉ xung quanh... Bác Hồ như đang còn ở đâu đây.

bac ho dau chi của rieng VN a2
Khu lưu niệm Bác Hồ

Theo sử liệu, trong thời gian từ tháng 9 năm 1943 đến tháng 9 năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong căn phòng này. Ngoài căn phòng được phục dựng nguyên trạng những đồ dùng sinh hoạt của Bác, Khu nhà lưu niệm còn trưng bày rất nhiều bức ảnh, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, đặc biệt là những tháng ngày Bác ở Liễu Châu.

Với ý nghĩa lịch sử đó, tháng 10 năm 2002, chính quyền khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và thành phố Liễu Châu đã tiến hành khôi phục, trùng tu và khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ chí Minh tại số 2 đường Liễu Thạch, thành phố Liễu Châu. Tháng 5 năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã công nhận Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là đơn vị Bảo tàng trọng điểm quốc gia. Những năm gần đây, nhà lưu niệm tiếp tục được bổ sung nhiều tài liệu, hiện vật quý về Bác Hồ.

bac ho dau chi của rieng VN a3

Nhà nghiên cứu văn hoá Ôn Kỳ Châu đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Việt Nam cho biết, không chỉ ở Liễu Châu, ở nhiều nơi khác thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây như Nam Ninh, Quế Lâm và nhiều địa điểm khác tại khu vực biên giới Trung - Việt đều lưu giữ những di tích về Người. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông Ôn Kỳ Châu. Tác phong sinh hoạt gần gũi giản dị đến tư tưởng cao cả của Người đã cảm hoá ông giúp ông thêm yêu Việt Nam. Đến bất cứ đâu, Bác Hồ cũng để lại những tình cảm sâu đậm. Chẳng thế mà từ khi mở cửa nhà lưu niệm đến giờ, hàng vạn du khách khi tới “Kinh đô đá” Liễu Châu đều ghé thăm nhà lưu niệm với ước nguyện tìm được cho mình một góc nhỏ trong tư tưởng vĩ đại của một con người toàn tâm, toàn trí cho nhân loại cần lao.

Tạm biệt Liễu Châu, Phó Giáo sư Ôn Kỳ Châu siết chặt tay chúng tôi thắm thiết và nồng hậu. Ông nói trong niềm xúc động nghẹn ngào: “Bác Hồ không chỉ của Việt Nam đâu nhé”./.

Tạ Toàn (Báo TNVN)
Kim Yến (st)

Bài viết khác: