Ở độ cao 1.296m, Đền thờ Bác Hồ tọa lạc trên đỉnh thiêng thuộc quần thể Ba Vì quanh năm mây phủ. Ở đó, những cán bộ, nhân viên Trạm Kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Ba Vì, ngoài công việc tuần tra bảo vệ gần một nghìn héc-ta rừng thuộc đặc khu bảo vệ nghiêm ngặt, còn đảm nhiệm việc trông coi Ðền thờ Bác Hồ.

Nơi hội tụ khí thiêng sông núi

Để đến được Đền thờ Bác Hồ, từ chân núi Ba Vì (hay còn gọi là Tản Viên Sơn), du khách phải đi ô tô leo dốc quanh co vượt quãng đường 12km và hơn 1.300 bậc thang đá bên vách núi. Nơi đây, cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ vút lên, mốc và rêu xanh bám phủ thân cây, dây leo chằng chịt. Trên đỉnh núi, cạnh đền thờ Bác Hồ được xây dựng năm 1999 là “Tháp Báo thiên” 13 tầng cao 26,9m mới được xây dựng năm 2011. 

20len nui tan
Lau, dọn, giữ gìn vệ sinh khu vực Đền thờ Bác, nhiệm vụ thường nhật của cán bộ, nhân viên Trạm
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì

Ðền được thiết kế và xây dựng theo kết cấu bền vững, phong cách đậm đà bản sắc dân tộc, uy nghiêm mà ấm cúng và cũng toát lên sự giản dị như ngôi nhà sàn nơi Người đã sống và làm việc nhiều năm ở Hà Nội. Bên trong, bức tượng đồng Bác đang ngồi đọc Báo Nhân Dân đặt trên bệ đá. Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ, phía dưới về hai bên phải, trái là chuông đồng và khánh đồng, sản phẩm đúc đồng truyền thống Việt Nam do các nghệ nhân làng nghề ở Nam Ðịnh thực hiện. Ngoài ra còn nhiều hạng mục công trình khác. Tất cả xâu chuỗi với nhau tạo nên một tổng thể hài hòa thể hiện sự trường tồn, vĩnh cửu.

Ðến nay đã có hàng vạn lượt người lên dâng hương tại ngôi Đền thiêng liêng này. Nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước cũng đã lên dâng hương tại Đền thờ Bác. Lên Đền, mọi người đều có chung cảm nhận: Lên núi Tản Viên như được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất... đang ngồi ung dung đọc báo và suy ngẫm giữa mây ngàn ở một trong những nơi hội tụ khí thiêng non nước Việt.

Những “chiến sĩ” đặc biệt

Trạm Kiểm lâm cốt 1.100m của Vườn Quốc gia Ba Vì được thành lập từ năm 1996 với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 1000ha rừng thuộc phân khu nghiêm ngặt, nằm ở độ cao từ 800m trở lên, gồm có 3 ngọn núi cao nhất: đỉnh Vua (cao 1.296m), đỉnh Mẫu (1.227m) và đỉnh Ngọc Hoa (1.131m). Ngoài công việc bảo vệ rừng, cán bộ, nhân viên của trạm còn được giao thêm trọng trách trông nom, bảo quản, giữ gìn và hương khói Đền thờ Bác Hồ. 

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trần Ngọc Chính tâm sự: “Khi nhận nhiệm vụ trông nom, giữ gìn, hương khói Đền thờ Bác, cán bộ, chiến sĩ trong trạm chúng tôi vừa mừng và vừa lo. Mừng là vì chúng tôi được cấp trên tin tưởng giao trọng trách trông coi Đền thờ Bác. Còn lo là vì không ai có kinh nghiệm về công việc này. Nhưng tất cả đã qua mau, bằng tình yêu và sự kính trọng của mình đối với Bác, cán bộ, nhân viên trạm kiểm lâm chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Còn Kiểm lâm viên Phạm Mạnh Thành bộc bạch: “Ở đây, quanh năm mây bao phủ, nhiệt độ bao giờ cũng thấp hơn dưới chân núi từ 6 đến 8 độ, nên độ ẩm cao. Do đó việc bảo quản, giữ gìn, Đền thờ Bác cũng gặp không ít khó khăn. Hàng ngày Chỉ huy Trạm luôn cắt cử hai nhân viên làm nhiệm vụ giữ gìn cảnh quan môi trường xung quanh khu vực Đền thờ và kiêm luôn cả nhiệm vụ “hướng dẫn viên” cho khách thập phương lên dâng hương viếng Bác. Vào những ngày rằm, mồng một, ngày Lễ, Tết; đặc biệt dịp Tết cổ truyền của dân tộc khi du khách đông thì Chỉ huy Trạm bổ sung thêm người trực.

Chia tay các chiến sĩ kiểm lâm trên đỉnh non thiêng, chúng tôi thầm cảm ơn các anh đã nhận phần vất vả, gian khổ về mình. Tin rằng, các anh đều cảm thấy hạnh phúc vì được đóng góp sức lực và tuổi trẻ của mình cho nhiệm vụ gìn giữ màu xanh của rừng và sự linh thiêng trên đỉnh núi Ba Vì.

 

Theo qdnd.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: