1. Cần, Kiệm, Liêm, Chính43 (trích)

Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người.

...

CẦN

Tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai.

...

Cần thì việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được.

Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu.

Siêng học tập thì mau biết.

Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến.

Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ.

Chữ Cần chẳng những có nghĩa hẹp, như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó lại có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần.

Người siêng năng thì mau tiến bộ.

Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no.

Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh.

Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu.

Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng.

...

Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích. Như thế chẳng khác gì một tấm vải phơi một hôm mà ngâm nước mười hôm, thì ướt hoàn ướt.

Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần, hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là cần.

Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài.

Lười biếng là kẻ địch của chữ cần.

...

Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác.

...

KIỆM

Kiệm là thế nào?

Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.

CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.

CẦN mà không KIỆM, "thì làm chừng nào xào chừng ấy". Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không.

KIỆM mà không CẦN, thì không tăng thêm, không phát triển được...

Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải.

Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không?

Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên "nay lần mai lữa".

Tiết kiệm thời giờ là Kiệm, và cũng là Cần.

...

Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ người khác.

...

Tiết kiệm không phải là bủn xỉn.

Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm.

Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm.

...

LIÊM

Liêm là trong sạch, không tham lam.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là LIÊM, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp.

...

Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hoà, chữ LIÊM có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải LIÊM. Cũng như trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ.

Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM. Cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN.

Có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam.

Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM.

...

Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm).

Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật uý lạo.

Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh uý tử.

Đều làm trái với chữ LIÊM.

Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp.

...

Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư".

Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân.

"Quan tham vì dân dại". Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm cũng phải hoá ra LIÊM.

Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM.

Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì.

...

Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ.

Dân tộc ta đang kháng chiến và kiến quốc, đang xây dựng một Đời sống mới trong nước Việt Nam mới. Chẳng những chúng ta phải cần kiệm, chúng ta còn phải thực hành chữ LIÊM.

CHÍNH

Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà.

CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn.

Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: Người THIỆN và người ÁC.

Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm 2 thứ: Việc CHÍNH và việc TÀ.

Làm việc CHÍNH, là người THIỆN.

Làm việc TÀ, là người ÁC.

Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), CHÍNH là THIỆN.

Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác.

...

Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình.

Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình.

...

Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.

...

Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người.

Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ.

Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới.

Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới.

Phải thực hành chữ Bác - Ái.

...

Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.

...

Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt,

Con cháu mình sung sướng,

Gia đình mình no ấm,

Làng xóm mình thịnh vượng,

Nòi giống mình vẻ vang,

Nước nhà mình mạnh giàu.

Mục đích ấy tuy to lớn, nhưng rất thiết thực.

Thiết thực, vì chúng ta nhất định đạt được.

Chúng ta nhất định đạt được, vì mỗi người và tất cả dân ta đều thi đua: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

  1. Thư gửi báo Quân du kích44

Làm cho: Mỗi quốc dân là một chiến sĩ,

                Mỗi làng xóm là một pháo đài.

Làm cho: Quân đội giặc đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt.

Bộ đội ta đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Đó là nhiệm vụ cuả báo Quân du kích.

Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được.

Đó là nội dung của báo Quân du kích phải như thế.

Trong giai đoạn đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, nhiệm vụ của dân quân du kích là: Ngăn cản giặc, tiêu hao giặc, giữ gìn quê hương, để cho Vệ quốc quân được rảnh tay, tìm cơ hội đánh những trận to để tiêu diệt chủ lực của giặc.

Tôi mong rằng báo Quân du kích sẽ giúp dân quân du kích thi đua với Vệ quốc quân diệt cho nhiều giặc, cướp cho nhiều súng, lập cho nhiều công.

Chào thân ái và quyết thắng.

  1. Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Độc lập 2 tháng 945 (trích)

Cùng đồng bào toàn quốc,

Cùng toàn thể chiến sĩ,

Hôm nay là ngày kỷ niệm chung Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh Độc lập.

Tôi thay mặt Chính phủ có mấy lời thân ái tỏ cùng đồng bào và chiến sĩ.

Trong 80 năm xiềng xích nô lệ của thực dân, biết bao liệt sĩ, biết bao con cháu oanh liệt của Việt Nam đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Kết quả đầu tiên là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Kế theo đó là cuộc tuyên bố Việt Nam độc lập ngày 2 tháng 9.

Liền sau ngày Độc lập thì thực dân Pháp tham tàn gây cuộc chiến tranh.

Ngày trước, với xương máu của chiến sĩ và sức đoàn kết của đồng bào mà chúng ta tranh được độc lập.

Thì ngày nay, cùng với xương máu của chiến sĩ và sức đoàn kết của đồng bào mà chúng ta kháng chiến để giữ vững nền độc lập.

Nước ta độc lập vừa 5 năm. Đã 5 năm dân ta kháng chiến. Chúng ta quyết hy sinh cực khổ để cho nước nhà độc lập thống nhất và con cháu ta được hưởng tự do, hạnh phúc muôn nghìn đời về sau.

  1. Thư gửi Hội mẹ chiến sĩ liên khu IV 46

Thưa các cụ, các bà,

Tôi thường nhận thư và quà các cụ, các bà gửi cho. Tôi rất cảm động và cảm ơn. Tiếc vì bận việc quá tôi không kịp trả lời riêng từng người, vậy tôi xin trả lời chung trong thư này.

Các chiến sĩ thì sẵn sàng hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh để giết giặc cứu nước, bảo vệ đồng bào. Các cụ, các bà thì thương yêu săn sóc chiến sĩ như con cháu ruột thịt. Thế là các cụ, các bà cũng trực tiếp tham gia kháng chiến.

Đồng thời các cụ, các bà còn hăng hái Thi đua ái quốc để làm kiểu mẫu cho con cháu và đồng bào ở hậu phương. Nhiều cụ, bà tuy tuổi tác đã cao, vẫn cố gắng học chữ, học làm tính. Thật là đáng kính, đáng quý.

Chẳng những các chiến sĩ mà tôi và Chính phủ cũng biết ơn các cụ, các bà.

Tôi mong rằng khắp cả nước, các liên khu, các tỉnh, các làng, ở đâu cũng có Hội mẹ chiến sĩ. Còn các chiến sĩ thì phải hiếu với mẹ nuôi bằng cách thi đua giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều chiến công làm cho rạng danh và đền bồi công ơn của các bà mẹ chiến sĩ.

Kính chúc các mẹ mạnh khoẻ.

Chào thân ái và quyết thắng.

  1. Lời ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương47

Học để làm việc, làm người, làm cán bộ.

Học để phụng sự đoàn thể, “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại''.

Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

  1. Dân vận48

Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại.

I- NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

II- DÂN VẬN LÀ GÌ?

Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho.

Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.

Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.

Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.

Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

III- AI PHỤ TRÁCH DÂN VẬN?

Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.v.) đều phải phụ trách dân vận. Thí dụ trong phong trào thi đua cho đủ ăn, đủ mặc.

- Cán bộ chính quyền và cán bộ Đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...

- Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ v.v..

Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm.

  1. DÂN VẬN PHẢI THẾ NÀO?

Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc.

Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại.

Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

Chú thích

  1. Sđd, t.5, tr.629-645.
  2. Sđd, t.5, tr.655.
  3. Sđd, t.5, tr.665.
  4. Sđd, t.5, tr.689.
  5. Sđd, t.5, tr.684.
  6. Sđd, t.5, tr.698-700.

Tâm Trang (tổng hợp)

Còn nữa

Bài viết khác: