Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ tư (FIR), hay còn gọi là Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0), đã được giới nghiên cứu quốc tế đưa ra các định nghĩa khác nhau, nhưng định nghĩa của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hiện đang được sử dụng rộng rãi hơn cả. Đó là: “Một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị”. Tức là, sự dung hợp của các công nghệ và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
Bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Ảnh minh họa
Từ những đặc trưng…
Theo giới quan sát, FIR có 6 đặc trưng chủ yếu sau:
Một là, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo và “học máy”, bởi Internet ngày càng phổ biến, tính di động cao, các bộ cảm biến nhỏ, nhẹ nhưng công suất mạnh với giá thành ngày càng rẻ.
Hai là, các công nghệ số với phần cứng, phần mềm và hệ thống mạng đang trở nên phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn và đang làm biến đổi các xã hội và nền kinh tế toàn cầu.
Ba là, tạo ra một thế giới mà trong đó có các hệ thống ảo và vật lý của chuỗi sản xuất trên toàn cầu có thể hợp tác với nhau một cách linh hoạt, cho phép sản phẩm theo yêu cầu khách hàng và tạo ra các mô hình hoạt động mới.
Bốn là, sự kết nối được thực hiện trong phạm vi rộng lớn hơn. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano; từ năng lượng tái tạo tới toán lượng tử.
Năm là, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng được khuếch tán nhanh và rộng rãi hơn so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần hai có 17% dân số (1,3 tỷ người) chưa tiếp cận với điện. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần ba con số này là 50% (4 tỷ người) chưa tiếp cận Internet, nhưng lần thứ 4 này thì khác.
Sáu là, tạo điều kiện cho sự ra đời các nhà máy thông minh, mà ở đó, các hệ thống không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới. Thông qua Internet vạn vật, các hệ thống vật lý không gian ảo tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, khiến con người được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này.
Đến những sản phẩm…
Theo một Báo cáo công bố tháng 9-2015 của WEF, thì đến năm 2025 sẽ có 21 sản phẩm công nghệ định hình tương lai kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối đó là:
(1) 10% dân số mặc quần áo kết nối với internet; (2) 90% dân số lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí; (3) 1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet; (4) Dược sỹ robot đầu tiên xuất hiện ở Mỹ; (5) 10% mắt kính kết nối với internet; (6) 80% người dân hiện diện số trên internet; (7) Chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; (8) Chính phủ đầu tiên thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn; (9) Chiếc điện thoại di động cấy ghép vào người đầu tiên được thương mại hóa; (10) 5% loại sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ in 3D; (11) 90% dân số dùng điện thoại thông minh; (12) 90% dân số thường xuyên truy cập internet; (13) 10% xe chạy trên đường ở Mỹ là xe không người lái; (14) Ca cấy ghép gan đầu tiên làm bằng công nghệ in 3D; (15) 30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo; (16) Lần đầu tiên chính phủ thu thuế qua một blockchain; (17) Hơn 50% lượng truy cập internet ở nhà liên quan đến các thiết bị dân dụng; (18) Trên toàn cầu những chuyến đi du lịch, công tác thực hiện qua các phương tiện chia sẻ nhiều hơn so với các phương tiện cá nhân; (19) Thành phố đầu tiên với hơn 50.000 người không có đèn giao thông; (20) 10% GDP toàn cầu được lưu trữ trên blockchain; (21) Máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên được sử dụng cho một hội đồng quản trị công ty.
Theo đó, các tiện ích như: Gọi taxi, đặt vé máy bay, mua một sản phẩm, thực hiện thanh toán, nghe nhạc hay xem phim đều có thể được thực hiện từ xa. Internet, điện thoại thông minh và hàng nghìn các ứng dụng công nghệ khác đang làm cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn và năng suất lao động cao hơn.
Với một máy tính bảng, người ta có thể đọc sách, lướt web và thông tin liên lạc, sở hữu khả năng xử lý tương đương với 5.000 máy tính để bàn của 30 năm trước, với chi phí lưu trữ thông tin gần bằng không (1GB chi phí 0,03 USD/năm).
Các xu hướng chủ yếu…
Có thể được chia thành 3 nhóm: Vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Về vật lý: Có 4 xu hướng phát triển công nghệ: Phương tiện tự lái, công nghệ in 3D, robot cao cấp và vật liệu mới.
- Xe hơi tự lái, sẽ chiếm ưu thế, nhưng còn có nhiều kiểu phương tiện tự lái khác bao gồm xe tải, thiết bị bay, máy bay và tàu thủy. Cùng với quá trình phát triển của cảm biến và trí tuệ nhân tạo, khả năng của các phương tiện tự hành này cũng được cải thiện với tốc độ nhanh chóng.
- Công nghệ in 3D, bao gồm việc tạo ra một đối tượng vật lý bằng cách in theo các lớp từ một bản vẽ hay một mô hình 3D có trước. Công nghệ này khác hoàn toàn so với chế tạo truyền thống, nó bắt đầu với vật liệu rời và sau đó tạo ra một sản phẩm ở dạng ba chiều từ mẫu kỹ thuật số.
- Robot cao cấp, sẽ được sử dụng nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp cho đến chăm sóc người bệnh. Sự phát triển nhanh công nghệ robot làm cho sự hợp tác giữa người và máy móc sớm trở thành hiện thực. Hơn nữa, do tiến bộ công nghệ, robot đang trở nên thích nghi và linh hoạt hơn, với thiết kế cấu trúc và chức năng của nó được lấy cảm hứng từ các cấu trúc sinh học phức tạp.
- Vật liệu mới, sẽ biến sự viễn tưởng trước đây thành hiện thực và được đưa ra thị trường. Về tổng thể, chúng nhẹ, bền hơn, có thể tái chế và dễ thích ứng. Hiện nay có các ứng dụng cho các vật liệu thông minh tự phục hồi hoặc tự làm sạch, các kim loại có khả năng khôi phục lại hình dạng ban đầu, gốm sứ và pha lê biến áp lực thành năng lượng và nhiều vật liệu khác nữa.
Về kỹ thuật số: Sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và kỹ thuật số là do sự xuất hiện Internet vạn vật (Internet of Things - IOT). Theo đó, IOT là mối quan hệ giữa vạn vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm…) và con người thông qua các công nghệ kết nối và các nền tảng khác nhau.
Các cảm biến nhỏ, nhẹ, rẻ, thông minh hơn sẽ được lắp đặt ở mọi nơi theo nhu cầu của con người từ vi mô đến vĩ mô, từ gia đình đến xã hội. IOT sẽ còn tác động làm biến đổi tất cả các ngành, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng và y tế - chăm sóc sức khỏe con người…
Về sinh học: Từ việc giải trình, kích hoạt, hay chỉnh sửa bộ gen phải mất khoảng 10 năm với chi phí 2,7 tỷ USD, thì nay chỉ mất vài giờ với chi phí dưới 1.000 USD. Do sức mạnh của máy tính, các nhà khoa học có thể bỏ qua phương pháp truyền thống (thử - sai - thử lại), thay vào đó là thử nghiệm cách thức mà các biến dị gen gây ra các bệnh lý đặc thù như thế nào; nó còn giúp con người sửa lại ADN, ứng dụng ngay lập tức vào y học, nông nghiệp và sản xuất nhiên liệu sinh học.
Và tương lai không xa
FIR đã và đang định hình thế giới, phản ánh một trong những xu thế lớn của thời đại. Diễn đàn kinh tế thế giới WEF - tổ chức quốc tế lớn đầu tiên đã có cơ chế Hội đồng để dẫn dắt và thúc đẩy mạnh quá trình phát triển. Việt Nam, tuy là quốc gia phát triển trung bình, nhưng do chủ động tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu hơn, rộng hơn nên sự lan tỏa của FIR là một thời cơ mà chúng ta cần nắm bắt. Vì thế, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến các giải pháp sau đây:
Một là, cần sớm thống nhất nhận thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, trước hết là lực lượng nòng cốt, đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và hoạch định chiến lược, chính sách về thời cơ và thách thức đối với dân tộc ta khi thế giới đang chuyển mạnh sang thời đại FIR, đây cũng là cơ hội thực hiện đường lối của Đảng ta đã vạch ra trong Đại hội XII là “đi tắt, đón đầu”, “để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Hai là, cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, vì mỗi thời đại phát triển đều đòi hỏi phải có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo tương ứng. Ngày nay tư duy tích hợp, liên ngành, gắn với sản phẩm thông minh, trí tuệ nhân tạo. Tức là, sự dung hợp của các công nghệ và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học đang giữ vai trò chủ đạo. Do đó, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là cơ sở trực tiếp để đổi mới tư duy đột phá vào một nguồn lực mới, khâu quan trọng của FIR.
Ba là, cần có chính sách thoả đáng để tạo nguồn lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực mới, nhất là giáo dục - thông tin - tri thức là nguồn lực đang tiềm tàng ở nước ta. Đặc biệt coi trọng nguồn lực trí tuệ đã và đang có trong lĩnh vực hoạt động và những nhân tố tiềm năng trong nền kinh tế quốc dân có thể đáp ứng nhu cầu hình thành, phát triển đội ngũ tri thức có năng lực bám sát FIR, để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Bốn là, cần bám sát ngay những ngành mũi nhọn của quốc gia như: Công nghệ thông tin, nhất là công nghệ phần mềm, thông tin vệ tinh, số hoá, năng lượng mới, vật liệu mới, nano, công nghệ sinh học và sự tích hợp giữa chúng... Trước hết cần đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoạt động của các khu công nghệ cao đang hình thành ở nước ta (Hoà Lạc, Thành phố Hồ Chí Minh); chủ động tham gia vào quá trình hoạt động của các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm… là giải pháp chiến lược có hiệu quả thiết thực để sớm tiếp cận với FIR đang hình thành và phát triển mạnh trên thế giới.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, đồng thời hợp tác mạnh mẽ giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kinh doanh trong nước; đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp (nhất là tư nhân); triển khai ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ các công nghệ mới, ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có công trình khoa học công nghệ xuất sắc. Đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo./.
Quang Huy
Nguồn: tapchicongsan.org.vn
Khánh An (st)