Ngày nay, đi qua Quảng trường Ba Đình mọi người đều thấy thảm cỏ xen giữa những lối đi bêtông điểm xuyết những viên sỏi. Thực ra, thiết kế ban đầu không phải như vậy mà là nền bêtông. Là người may mắn có vinh dự được chứng kiến và đóng góp một phần ý kiến của mình vào quá trình thay đổi thiết kế đó, nhân ngày Quốc khánh 2/9, xin kể lại câu chuyện với bạn đọc.
Ông Vũ Kỳ (người đứng bên phải) nguyên là thư ký của Bác Hồ,
Ủy viên Ban Chỉ đạo xây dựng Lăng Bác cùng các lãnh đạo ban ngành xem xét mô hình quy hoạch khu trung tâm Ba Đình lịch sử
Hai đoàn chuyên gia thiết kế Lăng Bác gồm các KTS Liên Xô và Việt Nam tại Mátxcơva năm 1970. KTS Nguyễn Ngọc Chân, Trưởng đoàn (người đứng thứ tư từ phải sang) và tác giả - KTS. Nguyễn Khởi (người đứng thứ hai từ trái sang)
Tháng 10/1969, khi những ngày tang lễ Bác Hồ vừa lắng lại thì tôi lên đường sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tiến sỹ chuyên ngành kiến trúc tại Trường Đại học Kiến trúc Maxcơva.
Đầu năm 1973, tôi trở về nước sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Nga. Theo phân công của cấp trên, tôi được quay lại Viện Thiết kế dân dụng, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Viện trưởng Thiết kế dân dụng tại thời điểm đó là KTS Nguyễn Ngọc Chân, là người chủ trì phía Việt Nam tham gia thiết kế và theo dõi công việc xây dựng Lăng Bác Hồ. Ngay sau đó, Viện Thiết kế dân dụng đã phân công tôi chuyển sang công tác biệt phái với tư cách là trợ lý cho ông Vũ Kỳ, nguyên là thư ký của Bác Hồ, lúc đó là Ủy viên Ban Chỉ đạo xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước đó, từ năm 1970, Lăng Bác Hồ đã được trải qua các công việc tổ chức thi thiết kế phương án, tuyển chọn, trưng bày cho đồng bào góp ý kiến. Sau đó lại tuyển chọn lại thành phương án thiết kế sơ bộ đưa sang Liên Xô để phía Bạn tham gia chỉnh sửa ra bản thiết kế chính thức và được Bộ Chính trị phê duyệt. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Viện Nghiên cứu thiết kế thuộc Cục Tổ chức xây dựng Mátxcơva chủ trì cùng với các viện và các viện thiết kế chuyên ngành khác. Chủ trì thiết kế là kiến trúc sư Garon Ixacovich, người đã được nhận giải thưởng Lê-nin về thiết kế công trình lưu niệm ở thành phố Ulianopxco, quê hương Lê-nin.
Theo kế hoạch ban đầu thì Lăng Bác Hồ được khởi công vào khoảng mùa khô năm 1972 nhưng tháng 4/1972, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc nên phải hoãn lại. Sau Hiệp định Paris, việc xây dựng Lăng lại được khẩn trương chuẩn bị và chính thức khởi công vào ngày 02/9/1973.
Cũng cần nói thêm, Lăng Bác được quyết định xây tại Quảng trường Ba Đình. Cùng với việc thiết kế, xây dựng Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình lịch sử cũng được thiết kế, cải tạo, và xây dựng lại. Đây sẽ là nơi tổ chức các cuộc mít tinh, diễu binh, duyệt binh biểu dương lực lượng, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cuối năm 1973 đầu 1974, ta có tổ chức cuộc thi thiết kế quy hoạch quảng trường. Quy trình làm vẫn là tuyển chọn đúc kết thành một phương án chọn gửi sang Liên Xô thiết kế kỹ thuật rồi lại gửi về Việt Nam trình phê duyệt.
Với tư cách là trợ lý của ông Vũ Kỳ, lại là người có chuyên môn kiến trúc và sử dụng tốt tiếng Nga, tôi thường xuyên được tiếp xúc, bàn bạc, tham gia các buổi làm việc với chuyên gia Liên Xô trong nhiều công việc liên quan đến việc thiết kế, xây dựng Lăng Bác Hồ và Quảng trường Ba Đình và sau này là cả Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Phương án 1 và 2: Các phương án ô cỏ được xen giữa nền bê tông trên Quảng trường Ba Đình
Tôi còn nhớ, trong một buổi nói chuyện giữa hai người, ông Vũ Kỳ có lần kể với tôi là mỗi buổi diễu hành - diễu binh, các chiến sỹ bộ đội hoặc lực lượng công nông tham gia các sự kiện thường phải tập hợp từ rất sớm và đứng đến trưa nên rất mệt, có trường hợp đã bị ngất xỉu do trời thì nắng nóng, nền quảng trường lại là bêtông. Theo thiết kế, tại thời điểm đó thì Quảng trường Ba Đình vẫn có nền là bêtông.
Chính những trao đổi, bàn bạc qua lại đó đã khiến tôi nảy ra ý tưởng tại sao không thiết kế Quảng trường Ba Đình là những thảm cỏ thay vì bêtông. Tôi trình bày với ông Vũ Kỳ. Ông hỏi lại tôi rất kỹ về chuyện đó dưới góc độ chuyên môn kiến trúc để trình bày xin ý kiến Bộ Chính trị. Vài hôm sau, ông Vũ Kỳ thông báo lại với tôi là Bộ Chính trị đã đồng ý với ý kiến làm nền Quảng trường Ba Đình là thảm cỏ.
Có được chủ trương, trong một cuộc họp với các chuyên gia Liên Xô, khi bàn về thiết kế quảng trường và vườn hoa tiếp giáp Lăng, tôi được phân công trình bày việc dùng nền quảng trường là thảm cỏ thay vì bêtông như phương án đã thiết kế. Tôi còn nhớ cuộc họp bắt đầu vào khoảng hơn 8 giờ 30 sáng.
Sau khi nghe tôi trình bày ý tưởng, KTS Garon Ixacovich rất ngạc nhiên và hỏi ngay, lý do vì sao lại chọn thảm cỏ thay bêtông? Vì là chủ trương đã được Bộ Chính trị chấp thuận, tôi tự tin để bảo vệ ý tưởng của mình. Tôi phân tích lý do chính là thảm cỏ phù hợp hơn với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, trong những buổi mít tinh, diễu hành quần chúng nhân dân đứng trên quảng trường ít chịu ảnh hưởng của bức xạ mặt trời hơn trên nền bêtông. Garon Ixacovich hỏi tiếp, thảm cỏ có thể gây ảnh hưởng đến việc gìn giữ thi hài của Bác Hồ? Tôi trả lời ngay là việc này tôi cũng đã nghĩ tới, tuy nhiên theo tôi thì khoảng cách thảm cỏ tới Lăng Bác qua đường Hùng Vương là rất xa tới 40m và từ đường Hùng Vương tới Lăng Bác còn có một khoảng cách nữa nên không gây ảnh hưởng gì. Garon Ixacovich lại đặt tiếp vấn đề là đã có quảng trường nào dùng thảm cỏ chưa? Tôi dẫn chứng ngay những thí dụ mà tôi đã biết, đó là một quảng trường tại Tasken và cả một quảng trường ngay tại Maxcơva, đương nhiên không phải hoàn toàn bằng cỏ. Tóm tắt nội dung chính như vậy nhưng quá trình trao đổi kéo dài gần cả buổi. Buổi nói chuyện dừng lại lúc 11 giờ để nghỉ giải lao, ăn trưa. Khoảng 13 giờ 30, buổi làm việc lại bắt đầu. Tôi đã chuẩn bị tiếp một số dữ liệu, quan điểm nhưng thật bất ngờ, Garon Ixacovich nói, suốt buổi trưa ông đã suy nghĩ và đồng ý với ý tưởng nên dùng thảm cỏ thay thế bêtông. Bây giờ là bàn tiếp nên làm thảm cỏ như thế nào, hình thức ra sao cùng vườn hoa tiếp giáp Lăng và một số vấn đề kỹ thuật liên quan.
Cuối cùng phương án làm các ô cỏ vuông vức xen giữa những con đường nhỏ trải bêtông sỏi được chọn.
Để hiện thực hóa các ý tưởng trên, tôi cùng KTS Garon Ixacoyich bàn bạc, tham khảo thêm ý kiến của kỹ sư trồng trọt đã chọn loại cỏ Gừng là loại cỏ mọc khỏe, đan chặc vào nhau thành tấm trên mặt đất và chịu được sự dẫm đạp của con người vào những dịp lễ lạc. Rồi cùng ông đến viện vật liệu xây dựng để đặt những tấm bê tông rãi sỏi trên bề mặt có màu nâu nhạt điểm xuyết những hạt màu đen cho đẹp mắt.
Phương án 3: Phương án các ô cỏ vuông vức xen giữa các đường nhỏ trải bêtông sỏi chiếm cả Quảng trường Ba Đình được chọn
Thảm cỏ Quảng trường Ba Đình hiện nay ô cỏ hình vuông xen giữa là lối đi bêtông có điểm xuyết những viên sỏi trên bề mặt như trong ảnh
Khoảng tháng 5/1974, bản thiết kế chính thức được phê duyệt. Ngày 2/9/1975, Lễ duyệt binh lịch sử chào mừng thống nhất đất nước đã long trọng diễn ra ở Quảng trường Ba Đình. Từ đó đến nay, Quảng trường Ba Đình lịch sử đã là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn trong cả nước. Quảng trường Ba Đình cũng đã trở thành địa điểm du lịch, là nơi đồng bào cả nước và quốc tế tụ hợp về khi đến viếng Lăng Bác Hồ và tham quan Hà Nội. Hình ảnh những thảm cỏ xanh mát mắt trên quảng trường đã trở thành hình ảnh quen thuộc với hàng triệu, hàng triệu người Việt Nam. Với cá nhân tôi, đó là những kỷ niệm không bao giờ phai.
PGS. TS. KTS. Nguyễn Khởi
Trưởng Khoa Kiến trúc - Trường ĐH Văn Lang
Bài viết đăng trên Tạp chí Kiến trúc & Đời sống, tháng 9/2017
Ảnh: Tư liệu tác giả
Doãn Thị Hồng(st)