Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 05/02/2025

Điều mà ông Toản học được ở Bác nhiều nhất và ông đã coi như là  một nguyên tắc sống đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính”.

43 năm sau ngày Bác đi xa, nhưng trong tâm trí ông Phạm Ngọc Toản, thôn Thanh Trà, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - người vinh dự 15 năm bảo vệ Bác Hồ, hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc luôn hiển hiện như người cha, người anh thật gần gũi và thân thiện.

Năm nay ông Toản bước sang tuổi 87, căn bệnh tai biến hành hạ ông hơn 10 năm trời nhưng không quật ngã được ông. Tinh thần và ý chí ấy ông học được ở Bác Hồ, là thứ “vũ khí” để ông chiến đấu với bệnh tật. Nhưng có lẽ, điều mà ông học được ở Bác nhiều nhất, và ông đã vận vào mình như một nguyên tắc sống đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính”.

11.gap nguoi 15 nam bv Bac
Vợ chồng ông Phạm Ngọc Toản

Ngôi nhà vợ chồng ông Toản nằm cách Ủy ban nhân dân xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành chừng 300m. Cách đây vài năm, con đường vào nhà ông còn gồ ghề đất đá, nhưng nay đã được bê tông thẳng tắp. Hôm thôn đứng ra huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường, vợ chồng ông Toản đóng tiền gấp đôi các hộ khác.

Bà Ngô Thị Sửu, vợ ông Toản cho biết: “Mình tuy nghèo nhưng dẫu sao cũng có đồng lương hưu, còn hơn nhiều người khác. Nghĩ vậy nên hôm họp thôn, thấy tôi tự nguyện đóng góp 1 triệu đồng, bà con ai cũng vỗ tay”.

Việc của thôn, xóm thì bà Sửu có vẻ phóng khoáng vậy, nhưng đi vào cuộc sống bên trong gia đình mới thấy hết vợ chồng ông Toản thực hiện chữ “kiệm” của Bác Hồ như thế nào. Ông nhớ lại những năm tháng bảo vệ Bác, những lúc được ăn cơm cùng Bác, Bác thường bảo cái gì mà mình đã ăn thì phải ăn hết, còn cái gì mà mình không thích thì đừng đụng đũa vào để dành cho người khác ăn. Đừng có ăn dở mỗi đĩa một miếng không hay lắm.

Ăn xong rồi Bác bảo phải thu dọn cho ngăn nắp, đĩa ra đĩa, chén ra chén, đũa ra đũa để khi người phục vụ đến người ta bưng cho đỡ bớt thì giờ. Học Bác chữ “cần”, theo ông, làm người mà không chuyên cần thì khác nào một anh thợ xây mà không biết tô. Vậy nên, tuy đã tuổi cao, sức yếu nhưng ông Toản vẫn tranh thủ thời gian đọc báo, theo dõi tình hình trong nước và quốc tế.

11.gap nguoi 15 nam bv Bac 2
Ông Toản bảo vệ Bác Hồ năm 1963 - người đầu tiên bên trái

Ông Phạm Ngọc Toản cho biết, 15 năm bảo vệ Bác Hồ là khoảng thời gian mà ông Toản cảm thấy tự hào nhất trong cuộc đời mình. Nhớ lại những ngày tháng bên Bác, ông Toản thấy lòng mình lâng lâng một nỗi niềm khó tả.

Ông Phạm Ngọc Toản nhớ lại: “Ngày 1/5/1969 tại Hội trường Ba Đình, Bác dự lễ mít tinh ngày 1/5. Biết thế nào Bác cũng đến nên tôi đến đón Bác, khi thấy Bác trên xe bước xuống, đi lại khó khăn, tôi chạy đến ôm và dìu Bác, đó là kỷ niệm sâu sắc trong đời”.

Học Bác 2 chữ “liêm chính”, vợ chồng ông Toản lấy đó là thước đo về nhân cách. Hai ông bà tâm niệm rằng, sống ở đời đừng quá bon chen, không tham quyền cố vị, không toan tính thiệt hơn để làm lợi cho mình. Bởi vậy, sau ngày Bác Hồ kính yêu đi xa, ông Toản cùng người vợ quê ở xứ quan họ Bắc Ninh về lại quê nhà ông ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam sống cuộc đời đạm bạc. Khi còn làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Nghĩa, vợ chồng ông chưa bao giờ nhận quà biếu của bất kỳ ai.

Học tập tấm gương Bác Hồ, ông Toản cho rằng càng học càng thấy thiếu. Trong di chúc viết sẵn trước khi đi xa, ông Toản dặn con cháu tuyệt đối không nhận phúng điếu kim ngân. Hai chữ “liêm chính” mà Bác Hồ từng căn dặn sẽ theo ông đến tận suối vàng./. 

Theo vov.vn

Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: