Hành trình tìm kiếm và thu thập kỷ vật về Bác Hồ giúp ông Ngô Vĩnh Bao, cán bộ hưu trí Hà Nội, từng sống ở Thái Lan, thấu hiểu tình cảm chứa chan của bà con kiều bào ở đây đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không chỉ có một "Bảo tàng" những di vật của Bác Hồ tại Thái Lan, ông Bao còn chuẩn bị ra một tập sách ghi lại những kỷ niệm của bà con kiều bào với Bác.
Tìm đến nơi in dấu chân Bác
Ông Ngô Vĩnh Bao còn nhớ như in ngày ông đến nhà ông Bùi Bá Ba ở tỉnh Sa Kon NaKhon để xin chiếc phản gỗ của Bác sử dụng hồi năm 1929.
Là chủ sở hữu thứ 6 của chiếc phản, ông Ba đã cất giữ hơn 22 năm với niềm mong mỏi có ngày sẽ chuyển về nước. Khi ông Bao nói rõ ý định, ông Ba đột nhiên lên cơn nhồi máu cơ tim, khiến con cháu phải vội vàng đưa đi bệnh viện cấp cứu. Trái tim của một ông lão đã không chịu nổi niềm xúc động sau bao năm chờ đợi, cuối cùng đã có một người ở Việt Nam đến tìm ông. Năm 2002, ông Bao nhờ người chuyển chiếc phản qua Lào về Việt Nam.
Ông Ngô Vĩnh Bao bên tủ sách trong đó lưu giữ
một số cuốn sách tự biên soạn về Bác Hồ.
Từ năm 1999-2002, nhân thời gian làm việc ở Thái Lan, ông Bao đã thực hiện hơn 40 chuyến đi các tỉnh thành Thái Lan để tìm lại những hiện vật về Bác Hồ. Thời điểm đó, cứ vào thứ bảy, chủ nhật, ông Bao lại lên đường, tìm đến những địa danh Bác Hồ từng đi qua, tất cả là 9 tỉnh, thành phố. Đến đâu ông Bao cũng được bạn bè giúp đỡ để có thể tìm lại và tiếp nhận những kỷ vật về Bác, như tấm huy hiệu làm bằng sắt, hay bức chân dung bà con tự vẽ. Điều đáng khâm phục là trong mọi hoàn cảnh bà con kiều bào ở Thái Lan vẫn kiên trì cất giữ những hiện vật và kỷ vật về Bác Hồ và chờ ngày giao cho “người ở Việt Nam sang”, ông Bao kể.
Sưu tầm được nhiều hiện vật quý
Tin tức về một người Việt Nam chuyên tâm sưu tầm kỷ vật về Bác đã nhanh chóng lan truyền đến những nơi có kiều bào sống ở Thái Lan. Họ đã tự tìm đến ông Bao hoặc nhờ người nhắn với ông để trao kỷ vật vô giá mà cha mẹ họ để lại. “Tình cảm và mối tin cậy của họ làm tôi rất cảm kích. Tôi nguyện sẽ đem về Việt Nam, tái hiện quá trình hoạt động của Bác ở Thái Lan để góp phần làm phong phú hơn kho tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tài sản vô giá của cả dân tộc”.
Sau khi rời gia đình ông Bùi Bá Ba, ông Bao đã thu thập thêm được viên gạch lát nền nhà của Bác ở bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, tấm ảnh Bác tại một ngôi chùa ở Bangkok, cùng hơn 20 cuốn hồi ký của những người từng theo Bác hoạt động cách mạng hoặc nghe kể về Bác.
Nhớ lại ngày đầu tiên có ý định sưu tầm kỷ vật về Bác, ông Bao trầm ngâm: “Đó là năm 1969 khi Bác mất, tôi lặng lẽ cất chiếc băng tang của mình trong tủ. Dần dần, việc cất giữ những tấm hình, bài báo hay bất kỳ di vật gì về Bác đã trở thành niềm say mê của tôi”. Qua ngần ấy thời gian, giờ đây, ông Bao đang có trong tay 13 tập sách tự biên soạn với 100 tấm bản đồ, sơ đồ, hơn 2.000 bức ảnh, bài báo ghi lại chặng đường hoạt động cách mạng của Bác trong và ngoài nước.
Chia sẻ với Đất Việt sau khi Đảng ủy ngoài nước và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phát động cuộc vận động sưu tầm và sáng tác về Bác Hồ dành cho kiều bào, ông Bao nói: “Ngày ngày, tôi vẫn bổ sung tư liệu mới cho 13 tập sách”. Khi được hỏi sao chưa trao những tư liệu quý giá này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Bao băn khoăn: “Điều tôi lo ngại nhất là các bạn trẻ sẽ không có nhiều thời gian để nghiên cứu ở bảo tàng. Vì vậy, tôi rất muốn chúng được in thành sách. Để dễ xem và dễ nhớ, tôi đã biên soạn các phần thuyết minh, đi kèm với tranh ảnh minh họa. Tuy nhiên, hiện nay một mình thì chưa đủ sức tổ chức in ấn”.
Ông Bao cho biết thêm, độ chính xác của dữ liệu đã được ông đối chiếu với bộ Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, kết hợp với thông tin của những người đã từng gặp Bác, những di vật và hồi ký... Điểm đặc biệt của bộ sưu tập này là nhiều hình ảnh và sơ đồ, ít chữ, giúp người xem tiếp cận tư liệu về Bác một cách sinh động.
Ông Ngô Vĩnh Bao dự kiến tổ chức một cuộc triển lãm các hiện vật và tư liệu về cuộc đời Bác Hồ do ông sưu tầm. Tại đó, ông sẽ trực tiếp kể lại những câu chuyện xung quanh cuộc hành trình thu thập kỷ vật về Bác của ông trên đất Thái Lan.
Báo Đất Việt
Tâm Trang (st)