Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

Với bất kì quốc gia nào trên thế giới, thanh niên, học sinh, sinh viên chính là tương lai của đất nước, là lực lượng nòng cốt để xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển. Chính vì thế mà lúc sinh thời, Bác Hồ hết sức quan tâm tới lực lượng “rường cột” này của nước nhà.

Khoảng tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác đã khẳng định: “Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Trong suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Người luôn quan tâm sâu sắc tới công tác giáo dục thế hệ trẻ, tư tưởng, lý luận và tình cảm của Người đã để lại những bài học thực tiễn còn nguyên giá trị cho tới tận ngày nay và mãi về sau. Người không chỉ nêu lên vai trò hết sức quan trọng của học sinh, sinh viên mà còn nhấn mạnh trọng trách khó khăn nhưng vinh quang của các em, đó là bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Để làm được điều đó, các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam cần cố gắng, ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức sống; học để biết, học để làm, học để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên còn đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

HS SV 1
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng phố Hàng Than, Hà Nội (1958). Ảnh internet

Có thể nói, công tác giáo dục thế hệ trẻ ngay từ bậc mầm non, tiểu học có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện đạo đức và nhân cách con người đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ có nền tảng phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học”, dạy dỗ trẻ nhỏ không thể theo cảm tính của người lớn, càng không phải là “cách thức giáo dục” giống như những hiện tượng xã hội mà báo đài, dư luận rầm rộ đưa tin: Thầy cô đánh chửi học trò, giáo viên ngược đãi trẻ mầm non, học sinh tiểu học còng lưng vì vác cặp sách quá nặng, rồi nạn dạy thêm, học thêm tràn lan dẫn tới quá tải, vô tình đánh mất đi tuổi thơ của các em…Không phải tất cả những gì mà người lớn chúng ta cho là đúng, là tốt thì đều đúng và tốt cho trẻ em. Chính vì thế, cần có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc và kĩ lưỡng trong công tác giáo dục lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng cả về tâm sinh lý cũng như ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh tác động đến trẻ nhỏ để tìm ra phương pháp dạy dỗ khoa học, hợp lý. Về vấn đề này, Bác đã nêu lên một luận điểm mang tính cốt lõi, đó là cách dạy trẻ phải “giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra những người già sớm”. Bác thường nhắc nhở: “chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. Tư tưởng tiến bộ đó của Người đã cho chúng ta nhận thấy giá trị quan trọng của công tác giáo dục nhi đồng nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung - sự nghiệp đó phải thực sự khoa học và nghiêm cách. Đây chính là kim chỉ nam hành động để các nhà giáo dục làm tốt hơn công tác giáo dục nhi đồng hiện tại và tương lai.

Đối với việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó có lớp thanh niên trí thức - những thanh niên, sinh viên đang được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng được Bác dành sự quan tâm đặc biệt. Ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên, việc giáo dục đào tạo không phải là “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng chút một, mà quan trọng là phải truyền được cho các em tinh thần tự học, tự khám phá, chủ động, sáng tạo, giúp các em định hướng được mục đích của việc tự học tập, tự xác định được con đường phấn đấu cho tương lai. Chỉ như vậy các em mới có thể kiên trì trên con đường học tập theo phương châm “học, học nữa, học mãi” của lãnh tụ Lê-nin vĩ đại.

HS SV 2
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và sinh viên Bách khoa

tại nhà ở sinh viên sáng mùng Một Tết Mậu Tuất (1958). Ảnh internet

Bác yêu cầu sinh viên: “Phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?”. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7.5.1958, Bác nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”. Bác chỉ rõ: “Dưới chế độ thực dân, phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi. Số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Mục đích giáo dục nô lệ hầu hạ chúng. Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò là người chủ thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác nhau”, “Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự” và “Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Từ đó có thể thấy, nhiệm vụ của thanh niên trí thức thời đại mới không chỉ là ra sức học tập để làm chủ được tri thức, công nghệ mới, mà còn phải xác lập được cho mình lý tưởng cộng sản đúng đắn. Lý tưởng đúng đắn chính là cứu cánh, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh chống lại cái xấu, chống lại những cám dỗ bên ngoài, giúp thanh niên vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành mục tiêu.

 Đặc biệt trong xã hội hiện tại, khi mà các giá trị tinh thần cũ và mới đan xen, một bộ phận không nhỏ thanh niên, sinh viên có lối sống buông thả, vị kỉ, cá nhân, thờ ơ, vô cảm với thời cuộc, chìm đắm trong các trò chơi điện tử, trong cuộc sống ảo trên mạng, vùi mình trong các cuộc ăn chơi, đua đòi… thì những lời dạy của Bác càng có giá trị lớn lao hơn bao giờ hết. Nhưng làm thế nào để những lời dạy quý báu đó của Người thấm nhuần tới được với học sinh, sinh viên, giúp các em hình thành được lý tưởng và nếp sống đúng đắn? Trách nhiệm đó không chỉ của riêng ai, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của các bậc làm cha làm mẹ, của các nhà giáo dục, các nhà quản lý trong lĩnh vực có liên quan tới thanh thiếu niên.

Trong vấn đề học tập, Bác không chỉ nhắc nhở học sinh, sinh viên mà là thanh niên Việt Nam nói chung, Bác đã chỉ ra: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Điều đó có nghĩa rằng ngay cả đối với một bộ phận thanh niên không theo học đại học, cao đẳng, thì việc học cũng luôn là việc hết sức quan trọng. Học từ các lớp dạy nghề, học từ kinh nghiệm cuộc sống, từ người đi trước, tự học… để nâng cao lối sống tích cực, trau dồi kĩ năng nghề nghiệp để ứng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn lưu ý học sinh, sinh viên rằng, để việc học tập thành công và trở nên hữu ích thì học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải đi cùng thực tiễn. Bác nói: “Chỉ biết lý luận (lý thuyết) mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy cho nên các cháu trong lúc học về lý luận thì cũng phải kết hợp với thực hành”, “lý luận phải gắn liền với thực tế”. Đồng thời Bác nhắc nhở các nhà trường “không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu…”….Bác nhấn mạnh thêm: “Cần có lao động, lao động trí óc và lao động chân tay. Và cần lao động trí óc kiêm lao động chân tay, nghĩa là lao động chân tay cũng phải có văn hoá, mà người lao động trí óc cũng phải làm được lao động chân tay. Nếu lao động trí óc không làm được lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là người lao động bán thân bất toại…”. Điều đó có nghĩa rằng học sinh, sinh viên không chỉ học kiến thức sách vở, mà còn phải được thường xuyên nâng cao năng lực thực hành, biết dùng đôi bàn tay để trực tiếp ứng dụng được những kiến thức tiếp thu được. Để đạt được mục tiêu này, vai trò rất lớn thuộc về nhà trường và các cấp quản lý giáo dục, cần phải tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được làm thực hành, thí nghiệm nhiều hơn, thường xuyên tổ chức cho các em tham quan, thực tập trong các nhà máy, xí nghiệp sản xuất; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm tạo ra nguồn cung lao động có số lượng và chất lượng phù hợp với nguồn cầu của thực tế sản xuất. Với những phân tích trên, chúng ta có thể thấy, tư tưởng và những lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên tính thời sự, giá trị lý luận và bài học thực tiễn sâu sắc, đó là bài học về việc phương pháp đào tạo dạy và học thực chất, sáng tạo, nói không với bệnh thành tích, học phải đi đôi với thực hành, kiến thức phải đi đôi với kỹ năng.

Ngoài việc học tập, trau dồi kiến thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn thế hệ trẻ phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống. Bác nhấn mạnh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. “Đức, ở đây như Bác nói là đạo đức, đạo lý làm người mà với thời đại chúng ta, Bác yêu cầu rèn luyện để có đạo đức cách mạng. Bác giải thích đạo đức cách mạng rất giản dị, cụ thể: “Đạo đức cách mạng không phải là những điều cao siêu, xa lạ mà đối với mỗi người bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm một việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Bác coi “đạo đức là cái gốc của người cách mạng” và Bác nêu lên cách thức phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng: “Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa”, “Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn”.

Để loại bỏ chủ nghĩa các nhân, Bác chỉ rõ: “Muốn sửa chữa chủ nghĩa cá nhân thì phải làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã. Ta có câu nói: “khó nhọc thì mình nên đi trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; làm việc gì mình cũng nghĩ đến lợi ích chung trước và lợi ích riêng sau. Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng sửa chữa khuyết điểm của mình”.

Từ lúc sinh thời và cho đến khi Bác về với “thế giới người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương bao la, sâu sắc nhất. Người đã khẳng định: Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà...Chính vì thế, việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn xã hội, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa”. Nhớ lời dạy của Bác kính yêu, mỗi thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam “cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập; Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị; Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được; Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp..”; những nhà quản lý giáo dục, những thầy cô giáo - là những người có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp trồng người, hãy luôn khắc ghi những lời Bác căn dặn, coi đó là kim chỉ nam định hướng cho triết lý giáo dục hiện đại nhằm tìm ra giải pháp đưa nền giáo dục nước nhà phát triển tích cực và bền vững, góp sức vào công cuộc CNH-HĐH đất nước, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Huyền Trang (tổng hợp)

 

 

   

 

Bài viết khác: