Ngày 24/9/2020, các tổ chức quần chúng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức tham quan, học tập tại Khu Di tích lịch sử Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang và Khu Di tích An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Đoàn do đồng chí Đại tá Phạm Văn Hiếu, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn. Tham dự có các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chi bộ cơ sở, Trưởng ban (Trợ lý) chính trị, Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Bí thư Đoàn thanh niên cơ sở và các điển hình tiên tiến trong giai đoạn 2015 - 2020.
Tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang)
Đoàn tham quan, nghe giới thiệu tại Di tích Lán Nà Nưa
Điểm tham quan đầu tiên của Đoàn là Lán Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 năm 1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Nơi đây, ngày 04/6/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.
Cách Lán Nà Nưa khoảng 20 mét về phía Đông, án ngữ con đường mòn từ làng Tân Lập vào và từ Thái Nguyên sang; đồng thời đặt nhiều trạm gác bí mật xung quanh khu vực Bác ở và làm việc là Lán Cảnh vệ. Lực lượng cảnh vệ bảo vệ Bác và các cơ quan Trung ương tại Tân Trào được biên chế thành các tiểu đội, đóng ở làng Tân Lập. Trong đó, Tiểu đội cận vệ đặc biệt gồm 8 người với nhiệm vụ kiểm soát tình hình an ninh trong khu vực, theo dõi người lạ mặt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Bác và Trung ương Đảng, đưa đón, dẫn đường cho các đại biểu về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Hành trình tiếp đến của Đoàn là Cây Đa Tân Trào - một cây đa cổ nằm ở đầu làng Kim Long (sau đổi tên thành Tân Lập), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc. Từ đó cho đến nay, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang.
Tiếp theo chuyến hành trình trở về nguồn, Đoàn đến Đình Tân Trào, điểm dừng chân cuối cùng tại tỉnh Tuyên Quang, là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chọn để họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945.
Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Sáng ngày 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây. Quốc dân Đại hội Tân Trào được coi như Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử nước ta, nơi hội tụ sự đoàn kết, trí tuệ của toàn dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh đất nước. Từ mái đình này, lời kêu gọi cứu quốc được phát đi tới hơn 20 triệu đồng bào cùng đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đưa đất nước sang một kỷ nguyên mới - “Kỷ nguyên độc lập, tự do”.
Tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên)
Đoàn đại biểu đã thành kính làm Lễ dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh Đèo De, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; thăm Di tích Tỉn Keo và Nhà trưng bày ATK Định Hóa.
Đoàn thành kính dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ
Đoàn tham quan, nghe giới thiệu tại Di tích Lán Tỉn Keo
Đoàn tham quan, nghe giới thiệu tại Nhà trưng bày ATK
Nhà trưng bày ATK Định Hóa được xây dựng và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về ở và làm việc tại An toàn khu (ATK) Định Hóa (20/5/1947-20/5/1997). Nhân dịp này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về dự lễ cắt băng khánh thành. Nhà trưng bày được thiết kế theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày - Nùng, tầng 1 là nơi đón tiếp khách tham quan, tầng 2 trưng bày gần 400 tài liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Giữa gian long trọng Nhà trưng bày là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chuyến tham quan về nguồn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên, là lời tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ hôm nay đối với sự hy sinh, đấu tranh gian khổ của thế hệ lớp lớp người đi trước, từ đó tiếp thêm niềm tin, nghị lực để mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.
Phương Thành, Điệp Anh