Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

thuong tuong phung the taiThượng tướng Phùng Thế Tài, người có nhiều kỷ niệm với Bác Hồ
và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh TL)

Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920 - 2014), tên khai sinh là Phùng Văn Thụ, ông sinh ra tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội). Nhà nghèo, thuở nhỏ ông lưu lạc sang Vân Nam (Trung Quốc) kiếm sống. Năm 1936, ông tham gia tổ chức Việt Nam Độc lập đồng minh hội hải ngoại và được cử đi học ở Trường sĩ quan Hoàng Phố, tốt nghiệp với quân hàm Trung úy. Năm 1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm bảo vệ cho Bác Hồ, lúc này đang đóng vai Thiếu tá Bát lộ quân Hồ Quang. Thượng tướng Phùng Thế Tài, lúc còn trẻ đã được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ khi Người hoạt động bí mật trên đất nước Trung Quốc và được Người đặt cho ông bí danh là Phùng Hữu Tài.

Ông có thời gian dài được ở bên Người, sau này trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã được giao nhiệm vụ phụ trách công tác nghi lễ chuẩn bị cho Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời và ông đã gắn bó với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động của Công trình Lăng trong hơn 20 năm. Các thế hệ cán bộ, nhân viên và chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh học tập và ghi nhận ở ông, một con người luôn mẫn cán với công việc, nhiệt tình, trách nhiệm và quyết đoán trong triển khai nhiệm vụ.

Nhớ lại thời điểm năm 1967, sau sinh nhật lần thứ 77 của Bác, trong một cuộc họp tuyệt mật ông được tham dự để phổ biến chủ trương của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị lễ tang và giữ gìn lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời. Đây là công việc hoàn toàn mới và chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Song với lòng kính yêu Bác, ông đã kìm nén sự xúc động và lập kế hoạch, đồng thời báo cáo xin ý kiến cấp trên, trực tiếp sang Liên Xô, Bun-ga-ri, tìm hiểu cách thức tổ chức quốc tang của các bạn đối với lãnh tụ Lê-nin và Đi-mi-trốp. Ông cũng sang tận Mông Cổ mua mấy con ngựa về đưa vào chương trình tập luyện, để có nhiều phương án bảo đảm cho Lễ Quốc tang của Bác khi diễn ra được an toàn, chu đáo và trọng thị; thể hiện tình cảm biết ơn và kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh của triệu triệu người con Việt Nam và bạn bè quốc tế. Trở về nước, ông là một trong những người đêm đêm trực tiếp chỉ huy bộ đội, chủ yếu là những chiến sĩ cảnh vệ Tiểu đoàn 144 của Bộ Tổng Tham mưu, bí mật luyện tập những công việc chuẩn bị cho Lễ Quốc tang. Chính sự tỷ mỉ, chu đáo đầy trách nhiệm của ông và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được ông giao nhiệm vụ nên công tác chuẩn bị cho nghi Lễ Quốc tang đã hoàn thành xuất sắc.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhất là tình cảm của quân và dân miền Nam, nơi tuyến đầu của Tổ quốc đang ngày đêm giáp mặt với quân thù; Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người giữa Ba Đình lịch sử để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau được về Lăng viếng Bác. Nhiệm vụ đặc biệt này được giao cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Ông Phùng Thế Tài được giao nhiệm vụ là Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác (Ban Chỉ đạo đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương gồm các ông: Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng; Đại tá Vũ Văn Cẩn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Cục trưởng Cục Quân y và Đại tá Trần Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ). Trong 6 năm chiến tranh (1969-1975), ông Phùng Thế Tài đã đề xuất, tham mưu với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về những nơi sơ tán; đồng thời ông đã trực tiếp chỉ huy 6 cuộc hành quân di chuyển bảo đảm tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, khi viết hồi ký, Thượng tướng Phùng Thế Tài đã tâm sự: “Đây thực sự là những cuộc hành quân lịch sử, không được phép sai sót và không có thời cơ để sửa chữa sai sót”.

Ngày 29/8/1975, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành và đi vào hoạt động, ông đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Bác và Công trình Lăng của Người. Song song với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, ông đã yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm túc, trang trọng nhiệm vụ nghi lễ, tiêu binh danh dự phục vụ lễ viếng Bác thường xuyên và các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa; lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình. Ông thường căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “nghi lễ trước Lăng và Quảng trường Ba Đình là nghi lễ quốc gia; thể hiện sự hùng mạnh của quân đội trăm trận, trăm thắng do đó phải dày công luyện tập, mới có được động tác chuẩn xác, khỏe mạnh và trang nghiêm”. Giờ đây, xem lại những thước phim của những ngày duyệt, diễu binh lịch sử trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 trước Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình, ai nấy đều thấm thía những lời căn dặn của Thượng tướng Phùng Thế Tài trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - người từng chỉ huy nhiều cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành trước Lăng Bác.

Mùa Xuân năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông đã chủ động đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng trực tiếp đi khảo sát những nơi dự kiến di chuyển thi hài Bác khi có tình huống. Với đề xuất của ông, những công trình dự phòng được triển khai từ thời gian đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, góp phần quan trọng vào phương án bảo vệ an ninh, an toàn cho thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Điều đó đã chứng minh tầm nhìn chiến lược và sự nhạy cảm, uyên bác của nhà quân sự - Thượng tướng Phùng Thế Tài.

Trong suy nghĩ của ông, được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người, là một niềm vinh dự đặc biệt. Do vậy, dù ngày hay đêm, trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, ông đều yêu cầu cán bộ chỉ huy từ Bộ Tư lệnh đến anh em chiến sĩ phải chấp hành mệnh lệnh một cách nghiêm nhất, tuyệt đối không có ngoại lệ và chính ông luôn là một tấm gương sáng trong thực thi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân tin tưởng giao phó. Nhớ lại, có lần, khi xe của ông vào đến cổng của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, đồng chí cảnh vệ, do nhớ được số xe và đã nhìn thấy ông ngồi trong xe, đã nhanh chóng điều khiển mở cổng để xe của ông vào đơn vị. Khi xe qua cổng, vào trong sân của đơn vị, ông đã quay lại hỏi đồng chí cảnh vệ: “đồng chí có biết xe của ai vừa vào đơn vị không?”, đồng chí cảnh vệ lúng túng thưa với ông rằng: “xe của Thủ trưởng vừa vào ạ”, ông lại hỏi: “vì sao đồng chí không kiểm tra giấy tờ”, “thưa, vì em biết xe của Thủ trưởng ạ”; ông gay gắt: “thế kẻ địch đóng giả tôi thì sao? Hôm nay đồng chí đã để lọt kẻ địch vào mục tiêu rõ chưa. Về làm kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật”. Những câu chuyện tương tự như vậy, thực sự đã là những bài học quý cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cảnh vệ nói chung và của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng nói riêng.

Đối với công việc, ông yêu cầu rất cao với bản thân và đồng đội, nhưng trong sinh hoạt đời thường, ông sống rất bình dị, hòa đồng với mọi người. Tính ông nóng và thẳng, ai cũng biết. Ông đã giao việc thì phải chấp hành triệt để, làm xong phải báo cáo; nếu chưa xong nhưng quá thời hạn được giao phải báo cáo rõ lý do vì sao chưa xong nhiệm vụ; không báo cáo ông sẽ kỷ luật. Nói thì như vậy, nhưng ông sống rất nhân văn, “dọa” xong rồi cũng quên nhanh, ông chưa kỷ luật cán bộ cấp dưới nào oan sai cả. Đặc biệt, ông rất hay kiểm tra đột xuất, những cán bộ trước đây làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh, khi gặp lại ông đều kể về kỷ niệm những lần ông bất ngờ đi trực thăng từ Hà Nội lên K84 kiểm tra đột xuất. Những dịp kiểm tra như vậy, ông đã phát hiện được những sơ hở trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn khu vực. Sau đó, ông lại có những chỉ thị và biện pháp khắc phục một cách kịp thời, hiệu quả, giúp đơn vị và cấp dưới những điều bổ ích trong công tác bố trí đóng quân, canh phòng.

Trong chỉ đạo nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Lăng, ông thường xuyên nhắc nhở đơn vị quan tâm, chăm sóc chu đáo các chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi trong suy nghĩ của ông, việc Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô anh em, cử những nhà khoa học y tế, kỹ thuật giỏi sang Việt Nam giúp chúng ta giữ gìn lâu dài thi hài Bác - một di sản vô giá của đất nước, đã thể hiện tình hữu nghị đặc biệt, không gì có thể so sánh được. Ông từng tâm sự: “Tôi cứ suy nghĩ mãi về những con người này, về chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, với cương vị của mình, chắc chắn họ có đủ điều kiện để sống một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, bên cạnh gia đình, vợ con. Thế mà giờ đây họ vui vẻ, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, buồn tẻ trong một khu rừng vắng để góp phần giữ gìn thi hài cho lãnh tụ một đất nước xa xôi cách quê hương họ nửa vòng Trái đất”. Sự quan tâm chu đáo của ông, đã để lại những tình cảm rất xúc động giữa cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam với các chuyên gia Liên Xô anh em. Chính các chuyên gia Liên Xô đã kể cho nhau nghe về câu chuyện ông Phùng Thế Tài “ra lệnh” cho anh em chiến sĩ vào rừng tìm con vẹt của Viện sĩ Đề-Bốp bị sổng chuồng. Câu chuyện đại ý là: Viện sĩ Đề-Bốp nhờ anh em Việt Nam mua một con vẹt và một chiếc lồng thật đẹp để nhìn ngắm trêu đùa giúp quên đi nỗi buồn xa quê hương, đất nước. Bỗng một hôm con vẹt sổng chuồng bay mất, trong lúc Viện sĩ Đê-Bốp đang ngủ say sưa sau một ca trực đêm căng thẳng. Mọi người lo lắng, nghĩ đến lúc Viện sĩ tỉnh dậy không thấy con vẹt của mình thì sẽ buồn biết bao. Giữa lúc đó ông Phùng Thế Tài tình cờ đến nơi. Ông đã chỉ thị cho Đoàn trưởng Nguyễn Gia Quyền cho người đánh xe ô tô về Hà Nội vào chợ Đồng Xuân mua con vẹt khác. Dự đoán phải 10 giờ sáng Viện sĩ Đê-Bốp mới ngủ dậy nên thời hạn mua vẹt phải về trước 10 giờ. Ông cũng động viên anh em vào rừng tìm con vẹt may ra có thể thấy. Nghe ông “ra lệnh vào rừng tìm vẹt” như vậy, mọi người nhìn nhau cười “có vẻ chế nhạo”, bởi đó là việc rất khó thực hiện. Thế nhưng điều không ngờ đã diễn ra. Anh em đã tìm thấy con vẹt của Viện sĩ Đê-Bốp đang ngơ ngác đậu trên một cành cây gần nhà và tìm được cách đưa về. Khi Viện sĩ thức dậy rất ngạc nhiên thấy trong lồng chim có hai con vẹt. Viện sĩ Đê-Bốp đã siết chặt tay ông Phùng Thế Tài rồi ôm hôn thắm thiết, miệng liên tục nói lời cám ơn nhiều lần...

Những câu chuyện tình cảm tương tự như vậy, còn rất nhiều, không sao viết và kể hết được. Chỉ biết rằng, sinh thời, mỗi lần đơn vị tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ gặp lại nhau, ai cũng muốn kể một câu chuyện liên quan đến ông Phùng Thế Tài, bởi hơn 20 năm chỉ đạo đơn vị, ông luôn tâm huyết, trách nhiệm đối với nhiệm vụ chính trị đặc biệt được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân giao phó và như ông vẫn thường nói: “chỉ có những người đặc biệt mới được giao nhiệm vụ đặc biệt”.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Thượng tướng Phùng Thế Tài, thay mặt cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin được tri ân tình cảm, sự chỉ đạo hiệu quả, sâu sát của ông đối với nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị. Hơn nửa thế kỷ đã qua, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn có một phần công sức và trí tuệ của ông đóng góp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn biết ơn, học tập và làm theo những điều ông đã căn dặn.

Trung tướng PGS, TS. Đặng Nam Điền

Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Bài viết khác: