Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 11/01/2025

Một mùa Xuân mới đã về trên quê hương Việt Nam. Đã thành thông lệ cứ vào mỗi độ Tết đến xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân ta lại nhớ tới lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

“Mùa xuân là Tết trồng cây”

Kể từ năm 1959 - năm Bác Hồ kính yêu phát động Tết trồng cây được nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng, dân tộc ta lại có thêm một cái Tết thật đặc biệt, đó là Tết trồng cây.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu thiên nhiên, quý trọng thiên nhiên. Người sống chan hòa với thiên nhiên, hòa mình trong thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên. Tình yêu thiên nhiên, đất nước của Bác không chỉ thể hiện ở trong các tác phẩm thơ ca, như là những sáng tạo nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân, mà nó còn được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Chúng ta có thể thấy những nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc đều là những địa danh vừa đảm bảo sự bí mật thiết yếu về mặt an ninh, quốc phòng, vừa gần gũi với thiên nhiên, đất nước. Những địa danh đó chính là suối Lê Nin, núi Các Mác ở Pắc Bó, Cao Bằng, lán Nà Lừa ở Tân Trào, Tuyên Quang, khu Đá Chông ở Ba Vì, Hà Tây (cũ) và ngôi Nhà sàn xung quanh có vườn cây, ao cá ở giữa Thủ đô Hà Nội. Người cũng hay trồng cây ở những nơi đến thăm. Bác chính là tấm gương sáng về chăm lo cho môi trường sống.

bac trong cay tai CV thong nhat sua
Bác Hồ trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất ngày 11/01/1960, mở đầu Tết trồng cây do Người phát động. Ảnh: Tư liệu

Tình yêu thiên nhiên, đất nước ở Bác đã được thể hiện thành những việc làm rất cụ thể, thiết thực trong việc bảo vệ, giữ gìn tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc. Bác Hồ là một trong những lãnh tụ đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, rất chú ý đến việc trồng cây, gây rừng. Người thường nhắc đến câu tục ngữ: “Rừng vàng, biển bạc” và yêu cầu “chúng ta chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Với Người, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục ý thức cho con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhân dịp hướng tới 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân (số 2082, ngày 28/11/1959). Trong bài viết, Bác đã phân tích ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc trồng cây. Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”1. Người đã chính thức khởi xướng và phát động phong trào “Tết trồng cây”.

Sau khi phát động phong trào, Tết Nguyên đán năm ấy Bác là người đầu tiên và gương mẫu thực hiện. Vào ngày 11/01/1960, Bác đã trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất, mở đầu cho phong tục mới vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Cây đa nhỏ năm xưa Bác trồng ở Công viên Thống Nhất giờ đã là một cây cổ thụ sum suê xanh tốt, tỏa bóng mát quanh năm.

Tet trong cay 1
Cây đa Bác trồng vào dịp Tết trồng cây đầu tiên đã tỏa bóng sum suê. 
Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Từ đó về sau, Bác Hồ đã có nhiều bài viết, bài nói về phong trào Tết trồng cây. Và chính Người đã nêu gương cho mọi người bằng những hành động cụ thể là đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người thường xuyên biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn nhắc nhở: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”, “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.

Còn nhớ, trên báo Hà Đông ra ngày 20/01/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”, Bác viết: “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ một việc đó đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây…”2.

Trong những lần thăm nước bạn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam, Bác đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Người đã trồng cây Đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga và tặng chúng những cái tên thân mật là “những cây hữu nghị”… Theo thời gian, cây cối lớn dần lên cũng giống như tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè thế giới ngày càng thêm thân tình, gắn bó. Những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, Bác Hồ vẫn kêu gọi nhân dân trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước. Bác viết: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Trong bài viết cuối cùng của mình về Tết trồng cây ngày 05/02/1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng, và nhắc nhở “đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”. Ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16/02/1969), trong mùa Xuân cuối cùng của cuộc đời, dù sức khỏe không còn tốt, Bác đã tự tay trồng một cây đa trên đồi cây xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Nhìn những xẻng đất, bình nước Bác tưới mát cho cây, mọi người ai cũng xúc động. Trồng cây xong, Bác căn dặn: “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”3. Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, Bác vẫn không quên nhắc nhở Đảng bộ Nghệ An cần “có kế hoạch trồng cây bảo vệ rừng”. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc đi xa, Bác cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”4.

Có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm tới công cuộc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. “Tết trồng cây” là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau. Những lời dạy của Người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân" đã được nhân dân cả nước ghi nhớ, hưởng ứng nhiệt tình qua nhiều thế hệ.

“Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

“Tết trồng cây” thể hiện rõ tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng vì nước vì dân, xây dựng nước nhà, xây dựng môi trường sống tốt đẹp hơn cho con người. Nó vừa có lợi ích thiết thực trước mắt vừa lâu dài đến nhu cầu sống thường ngày của nhân dân nên đã được nhân dân thừa nhận, tự nguyện tham gia một cách tích cực, duy trì và phát triển ngày càng sâu rộng, lâu dài, liên tục và hiệu quả ngày càng cao. Với việc phát động “Tết trồng cây” từ hơn 60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn đi trước thời đại, kêu gọi con người phải chủ động giữ gìn môi trường sinh thái.

Từ mùa xuân năm 1959 cho tới nay, "Tết trồng cây" theo lời Bác đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những dịp Tết đến xuân về. Từ lời Bác dạy, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm cho đất nước “càng ngày càng xuân”, “càng giàu đẹp” đúng như Người hằng mong mỏi.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến rất phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn… gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, một lần nữa khẳng định ý nghĩa to lớn của “Tết trồng cây”, của việc trồng cây, gây rừng. Phong trào này mang nội dung, ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, lâu dài, toàn diện, phục vụ cuộc sống no ấm, hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tet trong cay 3
Cán bộ, nhân viên Ngân hàng Agribank Chi nhánh Hà Tây I triển khai trồng 100 cây xanh, hưởng ứng chương trình "Agribank - Một triệu cây xanh, Thêm cây thêm sự sống" tại Khu K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh chụp ngày 28/11/2020.

Ngày 31/12/2020, trong Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục khẳng định: “Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hằng năm của các ngành, các cấp và nhân dân ta, góp phần quan trọng, thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước”.

Đã hơn 50 năm mùa Xuân trôi qua kể từ ngày Bác kính yêu ra đi về thế giới người hiền, đồng bào không còn được cùng Người trồng cây vào mỗi dịp Tết. Thời gian ngày càng lùi xa nhưng giá trị “Tết trồng cây” mà Người phát động vẫn còn nguyên vẹn và trở thành một phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt Nam. “Tết trồng cây” theo tư tưởng của Người sẽ mãi mãi là động lực to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái, nhiệt tình, ra sức trồng cây, trồng rừng. Nhớ lời Bác dạy, mỗi người con đất Việt hãy giữ vững và phát huy nét đẹp ấy để “Tết trồng cây” thực sự là ngày hội lớn “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Và ngay từ những ngày đầu Xuân Tân Sửu năm 2021 này, mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức hãy chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng, cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 theo như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 45/CT-TTg.

Thu Hiền

----------------

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.337-338.
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 14, tr.446.
3. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 10, tr.273.
4. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 15, tr 613.

Bài viết khác: