Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 11/01/2025

Xuân Tân Sửu 2021 đã đến. Một mùa Xuân mới đã về trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu. Bầu trời như bừng sáng hơn sau những ngày đông rét buốt, cây cối đâm chồi nảy lộc, ngàn hoa khoe sắc, đường phố rực rỡ cờ hoa và lòng người cũng rạo rực những niềm vui, chứa chan bao ước mơ, hy vọng. Trong niềm vui Tết đến, xuân về, mỗi người con Việt Nam lại càng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vô hạn. Cả cuộc đời của Người là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bác đã mang về những mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho Đảng, cho dân và chính Người cũng là mùa xuân trường tồn tươi đẹp nhất trong lòng dân tộc.

ben Bac 1
Vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi độ Tết đến Xuân về đã trở thành nhu cầu tình cảm thiêng liêng của đông đảo người dân Việt Nam

 

ben bac 3
Thành kính dâng lên Người nén hương thơm trong ngày đầu năm mới Tết cổ truyền

Ngày 05/6/1911, Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, Người vẫn luôn giữ vững niềm tin, giữ vững “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc”, đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1. Niềm tin ấy, quyết tâm ấy đã giúp Người có động lực trải qua bao nhiêu cái Tết xa nhà nơi đất khách quê người. Để rồi, đúng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc ta, mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để bàn việc thống nhất thành một đảng. Từ ngày 06-01 đến đầu tháng 02-1930, Hội nghị họp tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng vũ trang bằng chủ nghĩa Mác - Lênin, liên hệ mật thiết với quần chúng công nông, người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân ta. Đảng ra đời là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”2. Mùa Xuân năm 1930 là một mùa Xuân lịch sử của Bác Hồ và cũng là mùa Xuân lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Với dân tộc ta, mùa Xuân Tân Tỵ 1941 cách đây tròn 80 năm cũng là một mùa Xuân lịch sử gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi sau hơn 30 năm Bác rời Bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước, vào ngày Mùng 2 Tết Tân Tỵ (ngày 28/01/1941), Người đã về đến Tổ quốc thân yêu qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hành trang theo Bác trở về vẻn vẹn chỉ có một chiếc va ly xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ và tập tài liệu “Con đường giải phóng” tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Nậm Quang (Quảng Tây, Trung Quốc) do Bác phụ trách vừa mới kết thúc trước Tết mấy hôm. Bước qua cột mốc biên giới, Bác bồi hồi, rưng rưng cúi xuống vốc nắm đất Tổ quốc lên hôn. Hình ảnh này đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện xúc động trong bài “Theo chân Bác”: “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi! Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi!”.

80 năm đã trôi qua, hình ảnh Xuân Tân Tỵ Tổ quốc ta được đón Người trở về dường như vẫn còn vẹn nguyên. Người về đúng lúc đất trời đang vào xuân, hoa nở thắm núi rừng.

“Ôi, sáng xuân nay, xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về. Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”.

(Tố Hữu)

Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, đất nước ta đã trải qua những mùa Xuân lịch sử. Và hàng năm, đồng bào, chiến sỹ cả nước được đón Tết cùng Người trên quê hương yêu dấu. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Người luôn quan niệm nước Việt Nam là đại gia đình của Người. Người về với nhân dân cũng là về với gia đình ruột thịt của mình. Với trái tim bao la nhân ái “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”, Người luôn dành hết thảy sự quan tâm, yêu thương cho đồng bào và chiến sĩ cả nước, nhất là ở vào thời khắc đất trời chuyển sang Xuân.

Có rất nhiều những câu chuyện cảm động kể về niềm vui bất ngờ khi được đón Bác đến vui xuân, đặc biệt là với những gia đình nghèo khổ, như câu chuyện của gia đình chị Chín, một người gánh nước thuê ở ngõ cụt ở đầu phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Năm đó là tết Nhâm Dần (1962). Chồng chị mất sớm, một mình chị Chín gánh nước thuê lấy tiền nuôi năm con còn nhỏ. Chính vì thế dù trong đêm 30 chị vẫn chưa được nghỉ. Với đôi thùng trên vai, chị vừa ra đến ngõ thì gặp Bác. Nhìn thấy Bác đi đến, chị Chín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run ôm chặt hai bàn tay của Bác… Cảm động trước sự ân cần chăm sóc của Bác, chị lễ phép nói: - Thưa Bác… cháu… cháu không ngờ Bác lại... Chị sụt sùi lau nước mắt. Bác hiểu ý nói luôn: Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai?...

Ngay tối hôm ấy, khi Bộ Chính trị tập trung đến chúc Tết, Bác đã nói ngay chuyện thăm nhà chị Chín và kết luận: Ta đã có chính quyền trong tay, nhưng một số lãnh đạo các địa phương còn nặng về hình thức. Họ chưa sâu sát dân nên phục vụ nhân dân chưa tốt. Hôm sau, Bác trực tiếp gặp và phê bình lãnh đạo thành phố. Ngay sau khi Bác về, bà con trong ngõ mỗi người một thứ, của ít lòng nhiều đã mang đến giúp mẹ con chị Chín. Thành phố đã trợ cấp khó khăn ngay cho gia đình chị. Mỗi cháu có một bộ quần áo mới phim hoa để vui xuân. Sau đó, thành phố đã thu xếp việc làm ổn định cho chị Chín, các cháu đến tuổi được cắp sách đến trường. Cũng từ đấy, nhiều gia đình lao động thiếu thốn, gặp khó khăn đã được chính quyền và nhân dân giúp đỡ chăm sóc mỗi dịp xuân về.3

Đó chỉ là một trong muôn vàn chuyện kể về việc Bác đi thăm, chúc Tết các gia đình nghèo, cho thấy Bác hiểu lòng dân, lo cho dân biết nhường nào…

Tết Kỷ Dậu (1969), dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác Hồ vẫn đặt chương trình đi thăm, chúc Tết nhiều nơi và đi trồng cây. Sáng ngày 16/02/1969 (tức ngày Mùng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân ở Bạch Mai. Tiếp đó, Người về thăm và trồng một cây đa ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội), mở đầu Tết trồng cây năm ấy - một phong tục mới tốt đẹp của dân tộc vào dịp Tết Nguyên đán do chính Người khởi xướng từ năm 1959.

Ngờ đâu, mùa Xuân năm ấy cũng là mùa Xuân cuối cùng, đồng bào, chiến sĩ được nghe thơ xuân của Bác, được đón Bác đến thăm và chúc Tết. Cây đa trên đồi cây xã Vật Lại là cây đa cuối cùng Bác trồng để lại cho lớp con cháu. Ngày 02/9/1969, trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất đã ngừng đập, để lại muôn vàn niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế.

Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”.

Quyết định của Bộ Chính trị vừa phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc từ lâu đời đã có truyền thống thờ phụng ông bà, tổ tiên, xây dựng Lăng mộ để tưởng nhớ những người có công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng đáp ứng với nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam được tận mắt trông thấy Người, được thường xuyên đến viếng thăm Người, được thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn công lao to lớn của Người đối với dân tộc. Đặc biệt là tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với quân thù, chưa một lần được gặp Bác.

Thấm thoắt đã hơn 50 năm kể từ ngày Người đi xa và hơn 45 năm khánh thành công trình Lăng vĩ đại. Ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình, đồng bào và khách quốc tế lại về bên Người. “Bác nằm trong Lăng, giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền”. Lăng Bác đã thực sự trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của cả nước. Đặc biệt, kể từ ngày Bác ra đi về thế giới người hiền đến nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, trong không khí rộn ràng đón chào Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, đông đảo đồng bào, khách quốc tế lại đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để dâng hương tưởng niệm Bác, thể hiện lòng biết ơn vô hạn với Bác, nhớ về cội nguồn dân tộc, và cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc. Đến với Lăng Bác trong những ngày đầu tiên của năm mới đã trở thành một nhu cầu tình cảm, một sinh hoạt truyền thống của nhiều gia đình Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua. Được đón tiếp, phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Xuân năm mới này là niềm hạnh phúc, vinh dự, tự hào của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm đặc biệt của đồng bào và khách quốc tế dành cho Người đã tiếp thêm cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ đơn vị động lực, củng cố niềm tin vững chắc, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó.

Xuân Tân Sửu 2021 năm nay đến thật đặc biệt khi cả nước kỷ niệm sự kiện lịch sử 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941 - 2021), cũng là mùa Xuân có dấu ấn sâu sắc là thành công rực rỡ của Đại hội XIII của Đảng. Thành công của Đại hội đánh dấu mùa Xuân mới trên đất nước ta được khởi đầu với những khát vọng cháy bỏng và niềm tin son sắt, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đón Xuân mới chúng ta lại càng nhớ Bác kính yêu. Bên Bác trong mùa xuân này, đối với mỗi người con đất Việt, hình bóng thân thương của Người, trái tim nhân ái bao la, đạo đức trong sáng, lúc nào cũng lo nghĩ vì nước vì dân, lời nói ấm áp, cử chỉ gần gũi… của Người từ những mùa Xuân lịch sử vẫn sáng mãi đến hôm nay và mãi mãi về sau, soi đường chỉ lối và tiếp thêm sức mạnh, nghị lực, niềm tin để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trên con đường xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn như Bác hằng mong muốn. Từ trong ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác vẫn đang dõi theo mỗi bước đường đi lên của dân tộc ta. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc và là nơi hội tụ tình cảm của nhân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Mừng Xuân Tân Sửu 2021, với nhiều niềm tin, khát vọng mới, chúng ta hãy cùng đoàn kết, quyết tâm hướng tới những thành tựu mới như lời thơ chúc Tết đồng bào của Bác kính yêu cách đây tròn đúng 60 năm (Xuân Tân Sửu năm 1961):

“Mừng năm mới, mừng xuân mới

Mừng Việt Nam, mừng thế giới!

Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”.

Thu Hiền

------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.161.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.8.
3. Bùi Kim Hồng, Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Văn Dương (sưu tầm và biên soạn), Bác Hồ với Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.305-307.

Bài viết khác: