Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 11/01/2025

Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18/02/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Đối với mỗi chúng ta, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương lại nhắc nhớ đến lời căn dặn của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là một mệnh lệnh thiêng của đất nước và dân tộc mà tất cả các thế hệ nối tiếp phải ra sức đoàn kết giữ gìn và xây dựng, phát triển để cho Tổ quốc thân yêu ngày càng giàu đẹp.

Trong lịch sử, đã có hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, công tác tại Đền Hùng. Lần thứ nhất, ngày 19/9/1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam). Không phải ngẫu nhiên mà trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, việc tiếp quản thủ đô đang là một nhiệm vụ mới mẻ đối với Chính phủ và quân đội ta, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân miền Nam và dư luận toàn thế giới. Bác đã chọn thăm Đền Hùng là di tích lịch sử đặc biệt của dân tộc. Đền Hùng là nơi mà mỗi người Việt Nam khi nhắc đến cội nguồn, bao giờ cũng dùng hình ảnh “con Rồng cháu Tiên” “Con Lạc cháu Hồng”; coi đó là niềm tự hào cho hồn thiêng sông núi, cho tinh hoa và giống nòi của dân tộc mình.

vang mai loi bac day 1
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng.

Tại đây, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng. Không sa ngã, bắt chước lối sống không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau.

Cũng tại nơi đây, Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

vang mai loi bac day 2
Bác ngồi nghỉ chân tại Đền Hùng trong lần thứ hai Người về thăm

Lần thứ hai Người về Đền Hùng là vào ngày 19/8/1962, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt. Miền Bắc đang khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc chi viện cho cách mạng miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Người đến thăm Đền Hùng, thắp hương viếng Tổ vào khoảng 9h. Khi lên đền Trung gặp một đoàn bộ đội đi viếng Tổ, Bác hỏi có mấy cấp, mấy bậc không trả lời được, Bác nhắc: Quân sự là phải quan sát địa hình.

Có thể nói, những lời dạy của Bác là kim chỉ nam, trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ, tạo động lực mạnh mẽ để quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu từ ngày 04/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975.

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Cùng lúc đó, một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ huy tiến vào Dinh Độc Lập, nhanh chóng vào phòng Khánh tiết. Tổng thống Dương Văn Minh và các thành viên nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng. 

vang mai loi bac day 6
Qua gần hai tháng chiến đấu, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, thu non sông về một mối, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến gian khổ, thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, bằng quyết tâm “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng tên đế quốc đầu sỏ, lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng vĩ đại này thể hiện vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng; truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình của các lực lượng vũ trang; sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trên dưới một lòng, triệu người như một, sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại và tinh thần quốc tế trong sáng.

Một lần nữa, câu nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” có ý nghĩa không chỉ đối với Đại đoàn quân Tiên Phong mà còn nói với toàn quân, toàn dân, với mọi thế hệ, không chỉ nói với thế hệ ngày ấy mà còn nói với thế hệ hôm nay và cả với các thế hệ mai sau như một mệnh lệnh vang vọng ngàn năm, trường tồn cùng với đất nước, với dân tộc Việt Nam. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống, mà lời nói ấy còn có nội hàm là một quy luật của lịch sử dân tộc Việt Nam đã được Bác đã khái quát cả mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam đó là: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, đã trở thành sức mạnh tinh thần giúp quân dân ta vượt bao gian khổ, hy sinh, làm theo lời Bác" đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, non sông thu về một mối, đất nước được độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc. Hơn lúc nào hết, thực hiện lời Bác dạy, nhân dân ta đang tích cực lao động sản xuất xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu " Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!"

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những di tích lưu niệm với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đền Hùng đã được Đảng và Nhà nước ta trân trọng gìn giữ. Những hiện vật gốc tại di tích gắn liền với hoạt động của Bác như quả chuông Bác đã xem, cây đại treo chuông, cửa ngách Đông Nam đền Thượng, chùa Thiên Quang - cây vạn tuế, cửa đền Giếng được bảo vệ chu đáo giữ nguyên giá trị gốc nhằm giáo dục các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau, biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

vang mai loi bac day 4
Quảng trường Ba Đình ngày nay được lực lượng quân đội tuyên truyền, tổ chức thường xuyên các một hoạt động báo công dâng Bác

vang mai loi bac day 3
Ngày nay, vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, đồng bào thường xuyên về Lăng viếng Bác

như nhắc nhở nhớ về nguồn cội, càng thêm động lực, vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn

Những lời dạy của Bác khi Người về thăm vừa là lời hịch, động viên, kêu gọi vừa là những bài học cách mạng sâu sắc để Đảng, nhân dân ta có được thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước, non sông chính thức quy về một mối, dân tộc hát mãi bài ca thái bình, không ngừng phát triển và hội nhập quốc tế./.

Tâm Trang

Bài viết khác: