Hệ thống Trợ năng

Chủ nhật, 19/01/2025

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn. Bác là người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Quốc tế Lao động 1/5

Cách đây 135 năm, ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô, nước Mỹ, đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố Chi-ca-gô đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nơi trên nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chi - ca - gô. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước. Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ.

Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động; là ngày Lễ tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Bác đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Năm 1924, trên đất nước Xô-viết, lần đầu tiên, Bác Hồ tham dự kỷ niệm ngày 1/5. Cũng nhân dịp này, Người ký tên vào lời kêu gọi của Quốc tế nông dân gửi nông dân toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh và củng cố tình đoàn kết chiến đấu với  giai cấp công nhân. Cũng ngày này, Bác Hồ nhận được giấy mời của Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản tham gia cuộc mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 tại Hồng Trường và phát biểu ý kiến tại cuộc mít-tinh của nhân dân lao động Matxcơva kỷ niệm ngày lễ lớn này.

Ngay Quoc te LD 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc mít tinh chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5/1965. Ảnh Tư liệu

Tiếp sau đó, trong quyển "Đường kách mệnh" xuất bản năm 1927, khi trình bày về Quốc tế thứ hai, Bác Hồ đã nhấn mạnh nghị quyết Đại hội I về ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động 1/5. Cùng nghị quyết này, Bác Hồ nhắc nhở nhân dân ta phải tiến hành kỷ niệm ngày lễ lớn này.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, trong quá trình chuẩn bị tiến tới thành lập Đảng, đặc biệt, từ sau khi Đảng ra đời, kỷ niệm ngày 1/5 trở thành một yêu cầu quan trọng, cần thiết đối với cách mạng của nhân dân ta vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ngày 01/5/1929, Đại hội toàn quốc của Việt Nam Thanh niên Cách mệnh đồng chí Hội họp ở Hương Cảng được tiến hành. Ngày này, nhiều nơi trong nước, công nhân bãi công, rải truyền đơn, treo cờ đỏ để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng với nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới, tỏ rõ sức mạnh vô địch của khối liên minh công - nông. Trong cao trào cách mạng giai đoạn 1936-1939, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Tại Hà Nội, ngày 1/5/1938, từ nhiều ngả phố, hơn 25.000 người cuồn cuộn tuần hành về Nhà Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, nơi đang diễn ra sự kiện trọng thể này) để tiến hành cuộc mít tinh, nêu cao khẩu hiệu “Cơm áo, Hòa bình, Tự do”. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và phong trào công nhân đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh, quyền độc lập dân tộc đã trở thành trung tâm, thu hút các giai cấp khác, tạo thành sức mạnh vĩ đại làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày 1/5 trở thành ngày hội lớn của nhân dân lao động, là một dịp biểu dương lực lượng mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.

Ngay Quoc te LD 2

Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 quy định ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta.

Vào ngày 01/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đây, giá trị của ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ dừng lại ở tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức mà đã được nâng tầm với ý nghĩa sâu xa hơn như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đồng bào toàn quốc và anh chị em lao động: “Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Cũng từ đây, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian ra nhiều lời kêu gọi công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ra sức thi đua yêu nước, giết giặc lập công; đồng thời Bác biểu dương các điển hình tiên tiến, khích lệ mọi người lao động nỗ lực không ngừng vì sự nghiệp chung.

Ngày 1/5/1951, trong lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động, Bác Hồ xác định “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”. Ngày 1/5/1958, Bác đưa ra “Lời kêu gọi nhân Ngày Quốc tế Lao động” khẳng định: “Hôm nay, cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1/5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới...”. Ngày 1/5/1964, nhân Ngày Quốc tế Lao động, Bác gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hóa - Vinh, trong đó có việc xây lại Cầu Hàm Rồng.

Có thể khẳng định rằng ngày Quốc tế Lao động 1/5 rõ ràng đã sớm đến với phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Công lao này trước tiên thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì, khi đưa phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta gắn với phong trào công nhân thế giới, với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ đã hiểu rõ và làm cho nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm ngày Quốc  tế Lao động 1/5. Chính Người đã góp phần quan trọng đưa ngày Quốc tế Lao động trở thành ngày hội lớn, ngày tết chung của nhân dân lao động thế giới. Với dân tộc Việt Nam, bằng những hành động cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến những dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động trở thành ngày biểu dương lực lượng, biểu dương tình đoàn kết dân tộc và quốc tế.

Tinh thần Quốc tế Lao động 1/5 bất diệt

Phát huy tinh thần ngày Quốc tế Lao động 1/5 và ghi nhớ lời hiệu triệu của Bác, cùng với nhân dân lao động, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hàng vạn công nhân sẵn sàng lên đường cầm súng chiến đấu; các phong trào thi đua lao động, sản xuất, khôi phục kinh tế, kiến thiết nước nhà, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử là giai cấp lãnh đạo cách mạng, là lực lượng nòng cốt trong liên minh công - nông - trí thức và có những đóng góp to lớn trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Ngay Quoc te LD 3

Tổng Công ty May 10 báo công và dâng hoa, vào Lăng viếng Bác

Đặc biệt, sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự trưởng thành về mọi mặt, tăng nhanh về số lượng với gần 17 triệu người, chất lượng được nâng cao, đa đạng về cơ cấu, đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức. Giai cấp công nhân tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.

Năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định lấy tháng 5 hàng năm là "Tháng Công nhân". Từ đó đến nay, "Tháng Công nhân" hàng năm được Công đoàn Việt Nam chủ trì phối hợp với các địa phương, ngành, doanh nghiệp tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời phát huy vai trò tiên phong, năng lực sáng tạo của công nhân, viên chức, lao động trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tháng Công nhân bước đầu trở thành điểm nhấn được cấp ủy, chính quyền, xã hội và doanh nghiệp quan tâm chăm lo, bảo vệ và phát huy vai trò của công nhân, người lao động.

Trải qua những năm tháng lịch sử hào hùng cùng với cách mạng nước nhà, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, ngày Quốc tế Lao động hàng năm đã trở thành ngày hội lớn, ngày Tết đầy ý nghĩa của nhân dân lao động trên cả nước. Theo đó, nhân dân lao động trong cả nước đã và đang tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh, ra sức thi đua, lập nhiều thành tích, đoàn kết rộng rãi thắt chặt mối quan hệ gắn bó với nhau và với các tổ chức công đoàn trên thế giới, thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, vì hòa bình, hợp tác phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi tình tình dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, tác động trực tiếp tới người lao động, nhất là những người ở khu vực lao động phi chính thức do mất việc làm, thu nhập giảm sút, các chế độ phúc lợi bị cắt giảm… Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người công nhân nói riêng và người lao động nói chung, Chủ tịch nước NGUYỄN XUÂN PHÚC trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 135 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2021) diễn ra hôm 28/4 vừa qua, đã khẳng định: “Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, hoàn thành "mục tiêu kép" để kinh tế chóng phục hồi, thu nhập sẽ tăng trở lại và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra không chỉ bù đắp cho giai đoạn vừa rồi mà còn tạo ra "sức bật lò xo" cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Khó khăn, thử thách rồi sẽ qua đi khi tất cả chúng ta đồng lòng, đồng sức, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện thành công “khát vọng đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc” như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Như một sự trùng hợp diệu kỳ, kể từ năm 1975, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi nước ta kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4). Năm nay, nhân dân ta kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), 135 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2021), trong thời điểm cả nước đang thi đua sôi nổi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chào mừng kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và ngày hội lớn của toàn dân, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là dịp đặc biệt để chúng ta cùng ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử, tác động của việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và xây dựng, phát triển đội ngũ người lao động và tổ chức Công đoàn. Tuy Bác đã đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng của Người vẫn còn mãi với non nước Việt Nam, luôn được các thế hệ người Việt Nam hôm nay và cả mai sau học tập noi theo. Với tinh thần 30/4 và 1/5 bất diệt, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Người.

Thu Hiền

Bài viết khác: