Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 11/01/2025

bai hoi thao bac Bao

GS, TS. Hoàng Chí Bảo nói chuyện Bác Hồ với Thanh niên tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Thực hành đạo đức cách mạng - điểm nổi bật của phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách là những biểu hiện tổng hợp và trực tiếp của nhân cách chủ thể ở mỗi cá nhân. Đức và Tài là những phương diện chủ yếu trong cấu trúc nhân cách của từng người.

Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh, đức là gốc, tài là quan trọng. Có đức phải có tài, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, thậm chí làm hỏng việc. Song có tài mà không có đức thì nguy hiểm vì có thể làm điều xấu, điều ác một cách có tính toán, gây hại cho người khác và cho cả cộng đồng.

Nếu đức là bảo đảm quan trọng nhất cho tài được phát huy thì tài là điều kiện không thể thiếu để thực hiện đức trong đời sống hiện thực,trong các mối quan hệ xã hội.

Đạo đức là đạo đức hành động để hoàn thiện nhân cách của bản thân mình đồng thời để phục vụ xã hội, vì Dân vì Nước, vì những giá trị cao quý ở đời: Chân - Thiện - Mỹ. Bởi thế, đức và tài, những giá trị cốt lõi của nhân cách là những giá trị văn hóa.

Theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng với bốn đức để làm người: cần kiệm liêm chính. Phải có đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người.

Có cần có kiệm thì mới có liêm, mà có liêm thì mới chính được. Song ở đời, ai cũng là người thường, không có ai là thần thánh cả, nên “nhân vô thập toàn”. Vì thế phải rèn luyện đạo đức suốt đời.

Người cách mạng đã lựa chọn lý tưởng cách mạng, đã lựa chọn lẽ sống phấn đấu hy sinh vì dân vì nước thì phải suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân như chống “giặc nội xâm” - kẻ thù nguy hiểm nhất ẩn nấp trong lòng mình. Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, chống chủ nghĩa cá nhân sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng. Có cần kiệm liêm chính thì mới chí công vô tư được. Đây là bốn chuẩn mực đạo đức và hai nguyên tắc ứng xử, cô đọng thành tư tưởng, lý luận đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, là cơ sở để thực hành đạo đức của Người. Trên phương diện đạo đức, nhân cách và văn hóa, Hồ Chí Minh là người nêu gương mẫu mực và bền bỉ nhất về thực hành đạo đức cách mạng, về chống chủ nghĩa cá nhân, nâng triết lý của người xưa - “ở đời thì phải thân dân, làm người thì phải chính tâm” thành triết lý sống, phong cách sống của người cách mạng. Với Hồ Chí Minh, “thân dân” thì phải thực hành dân chủ, suốt đời tin dân, học dân, hỏi dân, gần dân để hiểu dân, để trọng dân và thương dân, suốt đời chỉ sống vì dân, tranh đấu không mệt mỏi vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. “Chính tâm” cũng phải hướng tới dân, suốt đời hành động vì dân, làm điều lợi cho dân, tránh mọi điều hại tới dân, không làm điều gì trái ý dân. Phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý cao nhất. Làm đầy tớ trung thành, làm công bộc tận tụy của dân là lựa chọn một lẽ sống cao thượng nhất. Hồ Chí Minh đã hết lòng dạy bảo cán bộ đảng viên điều hệ trọng ấy và tự mình nêu gương thực hành phong cách sống như thế.

Nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động; ham muốn tột bậc, hoài bão và khát vọng cao cả của Hồ Chí Minh chỉ nhằm vào một mục đích: Tổ quốc được Độc lập, Nhân dân và Dân tộc có Tự do, đồng bào có cuộc sống ấm no, Hạnh phúc.

Chín mươi năm về trước, khi Đảng còn chưa ra đời, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm “Đường cách mệnh” để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và đặt nền móng tư tưởng lý luận, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng cách mạng. Mở đầu tác phẩm, Người nêu rõ “Tư cách người cách mệnh” mà nổi bật là “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất”. Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách đã định hình rất sớm và rất rõ trong chủ kiến, trong đường lối cách mạng của Người.

Cũng cách đây 70 năm, tại chiến khu Việt Bắc (ATK), năm 1947, Người viết “Sửa đổi lối làm việc” để chỉ đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn cho “kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”, Đảng và mọi cán bộ đảng viên phải tự mình rèn luyện cần kiệm liêm chính, phải tự mình chỉnh đốn, “sửa đổi lối làm việc”, “tự phê bình và sửa chữa” chống cho bằng được những căn bệnh quan liêu, xa dân, xa rời thực tế, lý thuyết suông, chủ nghĩa kinh nghiệm, thói coi khinh lý luận, không chịu học, ngại khó ngại khổ, học mà không hành. Lại phải chống bệnh hẹp hòi, nhất là trong việc dùng người, rất có hại cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng. Người còn chỉ trích, phê phán “bệnh ba hoa” mà không ít người mắc phải. Sâu xa mà nói, đó là do chủ nghĩa cá nhân mà ra, phải tẩy sạch. “Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm đầu tiên nói về đổi mới, nổi bật tư tưởng đổi mới của Người, trong điều kiện Đảng đã cầm quyền. Người đòi hỏi lãnh đạo phải đi tiên phong trong đổi mới, lãnh đạo bằng sự gương mẫu, dựa trên tinh thần khoa học - dân chủ - đạo đức để thuyết phục dân, để dân tin và dân theo. Đó chính là phong cách lãnh đạo, là “lối làm việc” mà cũng là phong cách sống của Người.

Lại 48 năm về trước, nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, Người viết tác phẩm cuối cùng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Đảng (Nhân dân, 03/02/1969). Đọc tác phẩm này, ta thấu hiểu nỗi lo lắng, dằn vặt của Người trước những biểu hiện tệ hại, xấu xa do chủ nghĩa cá nhân gây ra, mà ngày nay Đảng ta gọi là những biểu hiện của “suy thoái”, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa trong nội bộ”. Đủ thấy sự mẫn cảm đặc biệt của trí tuệ Hồ Chí Minh, tầm nhìn và những tiên liệu sáng suốt của Người. Đó là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức trong phong cách, trở thành phong cách, lối làm việc, lối sống của Người.

2. Phong cách Hồ Chí Minh - Vĩ đại trong sự giản dị

G.Buyp phông, nhà văn và nhà tự nhiên học Pháp, khi được công nhận vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1753 đã nêu một luận điểm nổi tiếng: phong cách chính là con người. Dấu ấn cá nhân in rất đậm nét lên phong cách của cá nhân đó, trong đời sống và hoạt động, trong cuộc đời và sự nghiệp, đặc biệt đối với những người mang tầm vóc vĩ nhân, thiên tài. Hồ Chí Minh thuộc về trường hợp này với những sắc thái biểu hiện vô cùng sinh động, độc đáo, chân thực và cảm động, có sức cảm hóa, thuyết phục muôn người. Người là hiện thân của sự kết hợp nhuần nhuyễn, tự nhiên giữa vĩ đại và giản dị. Vĩ đại thực sự nên giản dị một cách tự nhiên, hồn nhiên. Trí tuệ uyên bác, đầu óc thông thái, mẫn tiệp nhưng lại nói và viết những lời giản dị, mộc mạc, gần gũi đời thường, thấu hiểu cuộc đời, thấu cảm lòng dân, từ dân tộc đến nhân loại. Người giã từ cuộc sống đã gần nửa thế kỷ nay nhưng Người vẫn sống mãi trong lòng dân và trong trái tim nhân loại là vì vậy. Ba mươi năm trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước (1911 - 1941), Người là Nguyễn Ái Quốc. Tiểu sử cuộc đời Người là sự kết hợp Lao động - Đấu tranh và Tình thương. Người học tập và rèn luyện trong trường đời thực tiễn với ý chí và nghị lực phi thường, tự vượt lên những thử thách cam go, nghiệt ngã của hoàn cảnh và số phận để sống toàn vẹn, trọn vẹn vì dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận hiến cho dân tộc và nhân loại. Đó là dâng hiến, hóa thân, điển hình cho sự thực hành “vô ngã vị tha” ở đời này. Trở về nước sau cuộc hành trình tìm đường cứu nước suốt 30 năm, tại nơi đầu nguồn Pắc Bó, Người đặt tên “núi Các Mác”,”suối Lênin”, lòng dặn lòng một đời thủy chung với lý tưởng đã chọn, với sự nghiệp đã dấn thân. Người còn tự tay vẽ tượng Phật trên vách núi cho dân thờ, vào tận làng bản, xóm thôn để dân vận, nói với dân bằng lời lẽ chân thành, mộc mạc, thuần phác tự đấy lòng và làm cùng với dân những việc cụ thể, thiết thực để dân tin như nhen từng đốm lửa cho phong trào cách mạng đang tới gần. Sau này, Người đã tổng kết thành phương châm: “Dân vận phải thật thà nhúng tay vào việc”, “dân vận phải không sót một ai”, “dân vận phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm”. Phải thương dân, vì dân sâu sắc đến thế nào mới có thể nghĩ và viết, nói và làm như vậy. Đó là phong cách Hồ Chí Minh, nổi bật và nổi trội ở Hồ Chí Minh trong hàng ngũ các lãnh tụ, các vĩ nhân của thời đại chúng ta.

Giữa rừng sâu núi thẳm, Người viết “Việt Nam diễn sử ca” năm 1942 để giáo dục dân ta lòng yêu nước và dự báo: 1945 - Việt Nam độc lập. Thực tế đã diễn ra đúng với tiên tri kỳ diệu của Người. Cũng từ năm ấy, Người lấy tên là Hồ Chí Minh. Rồi đến cuối đời, viết Di chúc để lại, Người cũng ký tên là Hồ Chí Minh (15/5/1965). Tên Người là sự biểu đạt tinh tế phong cách của Người. Trong cuộc đời và sự nghiệp của Người có rất nhiều bước ngoặt gắn liền dân tộc với cách mạng và với Đảng. Chỉ riêng những dấu mốc của bước ngoặt 20 năm của Người đã làm ta cảm động trước hình tượng và phong cách vĩ nhân: 1925, Người viết “Bản án chế độ thực dân” ở Pari để 20 năm sau, Người viết “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc từ nô lệ tới tự do. Người đã từng tâm sự với chúng ta, những giờ phút viết và đọc Tuyên ngôn là những giờ phút sung sướng, hạnh phúc nhất của Người. Không có vị nguyên thủ quốc gia nào như Hồ Chí Minh, đang đọc Tuyên ngôn, dừng lại hỏi “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Bằng cử chỉ ấy, Người đã xóa đi khoảng cách xa vời giữa lãnh tụ và dân chúng, đã thực sự hòa mình trong dân chúng và như bình luận của các chính khách, các học giả: Hồ Chí Minh đã chinh phục tất cả mọi người bởi sự chân thành. Đúng hơn, đó là bởi phẩm chất nhân cách của Người, bởi phong cách của Người.

Là Chủ tịch nước, Nguyên thủ quốc gia, Người còn mang tên Nguyễn Ái Dân. Vậy là đã rõ, Ái Quốc - Ái Dân là lẽ sống, là động cơ, mục đích sống của Người, nói lên sự cao quý từ nhân cách, phong cách Hồ Chí Minh, sự cao thượng trong lẽ sống và lối sống Hồ Chí Minh.

Hai mươi năm sau Tuyên ngôn độc lập, vào năm 1965, đúng dịp sinh nhật 75 tuổi, Người thanh thản viết bức thư để lại cho đồng bào, đồng chí với tất cả sự khiêm nhường, không gọi là Di chúc như chúng ta thường gọi. Trong “mấy lời để lại”, Người đã viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…” (Bản viết năm 1968. Tác giả nhấn mạnh). Trong dòng chữ, lời văn này của Người kết đọng một nỗi niềm, chỉ thiết tha được phục vụ dân, được dâng hiến, được quên mình, không có chút gì cho ham muốn, hưởng thụ riêng của cá nhân như lẽ thường tình ở đời, trong mỗi người chúng ta. Hồ Chí Minh có sức tỏa sáng muôn đời về mẫu mực đạo đức của mình. Đó cũng là sự kết tinh và tỏa sáng của phong cách Hồ Chí Minh. Giải thích cho thấu đáo phong cách ấy cần rất nhiều công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết của các học giả. Song không nên quên rằng, ở nước ta, nhà thơ Minh Huệ trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” đã viết câu thơ ở cuối bài, nói hộ lòng ta thật cảm động, “Vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh”. Tên Bác cũng như tiếng gọi trìu mến “Bác Hồ” đã biểu đạt đầy đủ cho phong cách của Người.

3. Phong cách sống thanh cao, giản dị của Hồ Chí Minh

Nói tới phong cách Hồ Chí Minh, không thể không nhấn mạnh rằng, ở Người có một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất hữu cơ không thể tách rời giữa tư tưởng với đạo đức và phong cách. Chiều sâu, sức sáng tạo với những phát kiến mới mẻ, độc đáo trong tư tưởng của Người đã làm cho hệ thống tư tưởng của Người ở tầm chiến lược, không chỉ là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn thực sự có sự phát triển mới, làm sâu sắc và phong phú thêm kho tàng lý luận và phương pháp cách mạng của di sản kinh điển Mác xít. Tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc, lý luận của Người về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sao cho “đúng quy luật, thuận lòng dân và hợp thời đại”, cũng như quan điểm của Người về dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền - dân chủ - nhân nghĩa, trọng dân đi liền với trọng pháp, đặc biệt chủ thuyết của Người về Đảng cầm quyền, “Đảng là đạo đức, là văn minh”, “dựa vào dân mà xây dựng Đảng”… đã tỏ rõ giá trị và sức sống của nó qua thử thách của thời gian. Người xứng đáng là nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo, đầy bản lĩnh mà rất nhiều luận điểm của Người đã trở thành kinh điển. Tư tưởng của Người đồng thời cũng là phương pháp, năm tác phẩm tiêu biểu của Người được xếp vào Quốc bảo1 (bảo vật quốc gia) cũng đồng thời còn là pháp bảo, giác ngộ chúng ta về nhận thức và chỉ dẫn cho ta về hành động mà Người khiêm tốn gọi là “cách làm”. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là phương diện trí tuệ, là triết lý và minh triết trong phong cách sống của Người. Đạo đức và thực hành đạo đức, trở thành tấm gương đạo đức, văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh làm nên sự thanh cao trong phong cách sống của Người.

Bởi thế, có thể nói, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đánh dấu một nhận thức mới của Đảng ta về di sản Hồ Chí Minh, ở đó tư tưởng, đạo đức hợp thành phong cách và phong cách kết tinh tư tưởng, đạo đức của Người.

Đảng ta đã từng nhấn mạnh học tập và làm theo phong cách trung thực và khiêm tốn, phong cách dân chủ, phong cách quần chúng, phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh. Vào lúc này, Đảng và mỗi cán bộ đảng viên cũng như toàn quân, toàn dân ta rất cần phải học và hành theo phong cách đó của Người.

Phong cách Hồ Chí Minh là cả một hệ thống. Theo cố Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, phong cách Hồ Chí Minh là sự tổng hợp của phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt2. Năm phương diện hay năm cung bậc đó, tổng hợp, chung đúc lại cho ta hình dung thấy phong cách Hồ Chí Minh, cũng có thể gọi là phong cách sống của Hồ Chí Minh.

Như đã nói, phong cách in đậm dấu ấn cá nhân, tính riêng, sinh động và độc đáo của cá thể, kết quả rèn luyện trong trường đời thực tiễn, trong lao động, học tập và tranh đấu, được dẫn dắt và thúc đẩy bởi mục đích sống cao thượng. Phong cách sống thông qua hoạt động sống phong phú gắn liền với năng lực sáng tạo, từ vô số những trải nghiệm sống (nghiệm sinh) trực tiếp mà định hình thành giá trị, cốt cách, đặc trựng cho một bản ngã, trở thành bản lĩnh của một con người, một đời người. Với Hồ Chí Minh, bản ngã mạnh để rồi vô ngã, hy sinh quên mình để vì tất cả, để vị tha, nhân ái, bao dung như một nhu cầu tự nguyện dấn thân để hóa thân vào Dân, Nước, vào Nhân loại và Thế giới.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấu hiểu và thấu cảm về Người nên đã từng nói về Người, nhất là phong cách sống của Người thật thấm thía, biểu cảm.

Ông khái quát thật cô đọng phong cách sống của Hồ Chí Minh: “Giản dị - Lão thực - Hiền minh”. Thật đúng như vậy, Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng cách tân, đổi mới với bản lĩnh sáng tạo, không giáo điều, biệt phái mà trái lại, hết sức khoáng đạt, thấm nhuần tinh thần khoan dung và luôn thực hành văn hóa khoan dung. Hồ Chí Minh, người cộng sản hiện đại lại mang cốt cách hiền triết Á Đông, đậm bản sắc Việt Nam.

Theo Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh yêu nước 100% nên cộng sản cũng 100%, nghĩa là trọn vẹn, toàn vẹn. Càng yêu nước thương dân càng tin yêu và hành động theo lý tưởng cộng sản, càng cộng sản chân chính đích thực bao nhiêu càng nặng lòng yêu nước thương dân bấy nhiêu. Giải thích ấy của ông có sức thuyết phục sâu sắc đối với các học giả nước ngoài đang nỗ lực tìm hiểu về Hồ Chí Minh.

Lối sống, đời sống tao nhã, tinh tế, thanh cao của Hồ Chí Minh được Phạm Văn Đồng khắc họa thật điển hình bằng lời tả ngôi nhà sàn, mảnh vườn, nơi ở của Người: “Người sống trong ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị, ngát hương thơm cây cỏ, hoa vườn những tâm hồn thì lộng gió bốn phương thời đại”.

Khó có chân dung nhân cách và phong cách sống nào của Người lại được vẽ bằng ngôn từ, lời văn, nhịp điệu hay và chuẩn xác đến thế từ ngòi bút của vị Thủ tướng đồng thời là một nhà văn hóa lớn: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Không chỉ chúng ta cảm nhận như vậy mà biết bao tấm lòng bè bạn quốc tế đến Việt Nam, có may mắn tiếp xúc với Người, được Người tiếp không phải trong phòng khách sang trọng mà dưới bóng mát dàn hoa, bên thảm cỏ xanh cũng đều xúc động nhận ra điều đó.

Hồ Chí Minh có một đời sống thanh cao bởi suốt đời, Người không màng danh lợi, đứng ở ngoài vòng danh lợi, đã vì dân, vì nước thì không ham danh, không hám lợi, cả đời chỉ ham học, ham làm, ham tiến bộ, để làm cho dân được sung sướng tự do. Phong cách sống thanh cao của Hồ Chí Minh là phong cách của một con người luôn biết đồng cảm và chia sẻ, thấu lý đạt tình, ứng xử hài hòa giữa lý trí và tình cảm, thủy chung tình nghĩa. Người nói với nhân dân của Người bằng cả trái tim và tấm lòng: từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào thì từ nay về sau, mãi mãi tôi vẫn thuộc về đồng bào. Người đã có lời cảm ơn như thế khi đồng bào chúc thọ sinh nhật Người sau lễ Độc lập. Và, phút lâm chung, trên giường bệnh, Người đã khóc, nói với các đồng chí thân thiết của Người, “Bác không thể bỏ dân mà đi được”. Thanh cao Hồ Chí Minh là như vậy, “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Bởi phong cách sống thanh cao nên Người tự rèn luyện cho mình một lối sống giản dị, giản dị đến hồn nhiên, an nhiên, tự tại, luôn vui vẻ lạc quan để động viên, an ủi, cổ vũ chúng ta.

Một đời lo toan việc dân việc nước, một đời chịu đựng và vượt qua bao nhiêu thử thách, chứng kiến bao cảnh đời và số phận, dằn vặt bao điều nhân sinh và thế sự, Người cũng có những nỗi đau - nỗi đau nhân thế ở đời. Người nén chặt nỗi đau trong lòng để chúng ta yên lòng mà vượt khó khăn và nuôi hy vọng.

Lại thêm một sở cứ nữa cho ta cảm nhận sự cao thượng của Người.

Người giản dị chứ tuyệt nhiên không hề giản đơn. Có sâu sắc trong tư tưởng, có trong sáng nơi tâm hồn, có trong sạch bởi đạo đức, phẩm hạnh lại có trải nghiệm phong phú trong đời sống, trong trường đời tranh đấu thì mới giản dị được.

Bởi có khi chúng ta chưa hiểu thấu điều giản dị cao quý đó của Người nên thiển nghĩ Người giản đơn. Lỗi ấy trong tư duy, nhận thức chúng ta phải sửa để học tập và làm theo Người một cách thực chất, bản chất và sáng tạo chứ không máy móc, bắt chước hình hài, dáng vẻ bên ngoài rất không nên và không thể. Đó là noi theo, làm theo cái Tâm, cái Đức, cái Tình và cái Trí của Người để làm tốt nhất công việc hàng ngày, để phục vụ dân tốt nhất mỗi ngày, mỗi việc, làm cho dân hài lòng về những đầy tớ, công bộc của mình. Đó cũng là điều có ý nghĩa nhất để Bác vui lòng, hài lòng và yên lòng về chúng ta trong cuộc sống hôm nay, mai sau và mãi mãi./.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo

Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

1. Năm tác phẩm được xếp hạng Bảo vật quốc gia của Hồ Chí Minh: Đường Cách mệnh (1927), Nhật ký trong tù (1942 - 1943), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Lời kêu gọi đồng bào chiến sỹ cả nước 17/7/1966 và Di chúc (1965 - 1969).
2. Đặng Xuân Kỳ, Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh. CTQG. H.1997, tr.157.

 

Bài viết khác: