Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 10/01/2025

Phong cách lãnh đạo, quản lý của Hồ Chí Minh là một nét đặc sắc tạo nên nhân cách Hồ Chí Minh - mẫu mực của một lãnh tụ chính trị và nhà khoa học chân chính, thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cao cả và triết lý hành động vì con người của một nhà văn hóa lớn. Sự thuyết phục và sức lan tỏa của Người không dựa vào quyền lực, hay bằng sức mạnh của vũ lực mà bằng một phong cách lãnh đạo, quản lý khoa học, thiết thực và hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề gắn với mối quan hệ với công việc và với con người. Phong cách lãnh đạo, quản lý của Hồ Chí Minh có những đặc điểm riêng, thể hiện ở những nội dung cơ bản sau

* Thống nhất giữa tính Đảng, tính nguyên tắc với tính linh hoạt, sáng tạo trước cái mới

Phong cách lãnh đạo, quản lý Hồ Chí Minh thể hiện sự nhất quán, thống nhất trong việc đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản của Đảng, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và những phát sinh trong thực tiễn của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý “phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng1. Đây là phẩm chất chính trị cơ bản, đầu tiên và quan trọng nhất đối với mỗi người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Trong tư tưởng cũng như thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý, Hồ Chí Minh luôn giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuân thủ những vấn đề có tính cương lĩnh, quan điểm, mục tiêucủa Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người xác định: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”2. Người đã khéo léo xử lý mối quan hệ tưởng chừng đối lập giữa: Tính kiên định về nguyên tắc, lý tưởng, niềm tin; và tính linh hoạt, uyển chuyển trong phương pháp tư duy và hành động. Cốt lõi của quan điểm này chính là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

* Kết hợp giữa nhiệt tình cách mạng với tính khách quan, khoa học

Nhiệt tình cách mạng là có đạo đức cách mạng, có tinh thần yêu nước nồng nàn, giàu đức hy sinh, gương mẫu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.Tuy nhiên, nhiệt tình cách mạng chỉ phát huy hiệu quả khi nó tuân theo các quy luật khách quan và kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học. Không có tính khách quan, khoa học thì nhiệt tình cách mạng sẽ trở thành duy tâm, duy ý chí, dẫn tới thực hiện sai đường lối, chính sách, hành động trái quy luật, làm cản trở bước tiến lên của cách mạng. Nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ hiệu quả khi họ thực sự am hiểu và có vốn kiến thức phong phú, sâu rộng về công việc, lĩnh vực mà mình phụ trách.

Tính khách quan, khoa học trong phong cách lãnh đạo, quản lý của Hồ Chí Minh được đảm bảo bằng tri thức khoa học. Ngày 21/7/1956, nói chuyện tại Lớp Nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người căn dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”3.

Tri thức khoa học được hình thành trong quá trình học tập, nghiên cứu, lăn lộn với thực tế và đời sống để không ngừng thu nhặt kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như bồi dưỡng nhạy cảm chính trị trước những diễn biến mới của cách mạng và tình hình thế giới. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình”4.

* Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn

Hồ Chí Minh luôn đề cao, coi trọng vai trò của lý luận. Người căn dặn, phải coi: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”5; “Lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động. Nếu đưa một lý luận rất đúng ra nói, rồi xếp nó lại một xó, không đưa ra thực hành, thì lý luận ấy thành lý luận suông”6.

Đồng thời, Người nêu rõ sự cần thiết phải gắn chặt lý luận với thực tiễn trong công tác. Bởi lẽ: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”7. Người lãnh đạo, quản lý phải có năng lực vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn. Lý luận để nhằm áp dụng vào thực tế, thuộc lý luận mà thiếu thực tiễn thì sẽ dẫn tới bệnh giáo điều, sách vở. Thông qua thực tiễn, người cán bộ lãnh đạo, quản lý hiểu được sự vận động của các quan điểm lý luận, từ đó dự báo tình hình, nhiệm vụ cách mạng và đề ra các biện pháp thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, quản lý của mình.

Người cho rằng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình, phảikiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”8.

* Sâu sát với cơ sở; gần gũi với quần chúng nhân dân

Hồ Chí Minh là điển hình về phong cách lãnh đạo sâu sát, gần gũi với quần chúng nhân dân. Trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955 - 1965), theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Ngoài ra, hằng ngày qua đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi lên, thấy có những ý kiến hay, cần tiếp thu, những việc gấp cần giải quyết, Người đều dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu nghiên cứu và giải quyết.

Phong cách lãnh đạo và năng lực làm việc của cán bộ lãnh đạo là yếu tố quan trọng chi phối và tác động tới niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Đồng thời, phản ánh mức độ thấu hiểu và gắn bó của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Theo Người: Lãnh đạo tốt nghĩa là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân.

* Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách

Hồ Chí Minh khẳng định: Chế độ ta “dân là chủ”, vì “dân là chủ”nên cách lãnh đạo cũng phải dân chủ. Dân chủ trong Đảng là tất cả đảng viên đều được tự do bày tỏ chính kiến trong sinh hoạt đảng để góp phần thống nhất về quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng nghị quyết, đưa được nghị quyết vào cuộc sống. Vì vậy, dân chủ phải đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung.

Người cho rằng, trách nhiệm và tính quyết đoán của người đứng đầu phải luôn được đề cao, đôi khi mang tính quyết định đến hiệu quả công việc. Người lãnh đạo giỏi cần có cách làm việc dân chủ, tập thể, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể, đồng thời phải quyết đoán đưa ra những quyết sách đúng trong những thời điểm quyết định. “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết gan góc, không sợ khó khăn”9. “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng”10.

* Khéo dùng người, trọng dụng nhân tài

Hồ Chí Minh cho rằng, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng dụng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”11. Vì vậy, Người rất quan tâm đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ và chính cách sử dụng cán bộ của Người là mẫu mực của việc “khéo dùng người, trọng dụng nhân tài”.

Người nhấn mạnh đến việc phải chủ động phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Trọng dụng nhân tài là công việc thường xuyên, liên tục; phải tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”12. Việc dùng người phải đúng năng lực và sở trường, bởi lẽ: “Chúng ta phải nhớ rằng: Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”13.

Đồng thời, phải có gan cất nhắc cán bộ, cất nhắc những người có tài có đức để họ được cống hiến cho Đảng, cho cách mạng và nhân dân: “Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”14.

Như vậy, với phong cách lãnh đạo, quản lý độc đáo của mình, Hồ Chí Minh không chỉ tác động đến nhận thức mà còn có sức cảm hoá con người sâu sắc, đồng thời rất gần gũi, thiết thực. Phong cách của Người nói chung và phong cách lãnh đạo, quản lý nói riêng tạo thành những giá trị bền vững, có ý nghĩa to lớn đối với việc rèn luyện phong cách của các bộ, lãnh đạo nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong điều kiện hiện nay. Đó không chỉ là những bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng, mà còn là mẫu mực trong bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

PGS, TS. Nguyễn Xuân Trung

Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị Khu vực I

1. Hồ Chí Minh:Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.5, tr. 290-291.
2. Hồ Chí Minh:Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.8, tr.15.
3. Hồ Chí Minh:Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN, 2011, t.10, tr.377.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, t.5, tr.293.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, t.5, tr.273-274.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, t.7, tr.127.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, t.11, tr.95.
8.Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, t.11, tr.10.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, t.5, tr.315.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 5, tr.319.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 5, tr.313.
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, t.4, tr.43.
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, t. 5, t.88.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2011, t.5, tr.281.

Bài viết khác: