Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong
tại Đền Hùng trước khi về tiếp quản giải phóng Thủ đô Hà Nội- 1954 (Ảnh T.L).
"Tư cách một người cách mệnh" là bài giảng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các lớp tập huấn cán bộ của Đảng ta từ năm 1927, song đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy ngắn gọn nhưng nội dung bài giảng đã chỉ rõ những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng:
"Tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật.
Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người.
Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phuc tùng đoàn thể".[1]
Tự mình phải là thái độ và hành vi đầu tiên trong "Tư cách một người cách mệnh". Tự mình phải vừa là yêu cầu, vừa là mệnh lệnh, là những chỉ dẫn phải được thực hiện. Đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định tới tư cách của người cách mệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên: “Tự mình không trong sáng, không gương mẫu, tự mình đã hủ hoá thì không lãnh đạo được ai, không làm nên trò trống gì. Nếu tự mình đã cần kiệm, liêm chính, không tham danh vọng thì bất cứ thủ đoạn nào của kẻ địch cũng không thể mua chuộc và làm mình gục ngã”[2].
Trong lịch sử có nhiều chiến sỹ cộng sản đã phải sống và hoạt động trong điều kiện rất ác liệt nhưng vẫn giữ gìn khí tiết, một lòng, một dạ trung thành với mục tiêu lý tưởng, không bao giờ phản bội, xưng khai. Họ là tấm gương sáng ngời mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Họ là những tấm gương tiêu biểu về ý chí và nghị lực vươn lên của người cộng sản. "Tự mình phải" là yếu tố nội lực có ý nghĩa quyết định trực tiếp sự tiến bộ của mỗi người cộng sản. Chỉ có tự mình thấm nhuần sâu sắc mục tiêu, lý tưởng; tự mình rèn luyện mọi lúc, mọi nơi; tự mình gắn bó với tổ chức, với quần chúng nhân dân; tự mình đặt lợi ích của cá nhân trong mối quan hệ biện chứng với lợi ích tập thể... thì người cộng sản mới trở thành tấm gương để quần chúng học tập, noi theo. Điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ngay từ trước khi thành lập Đảng đến nay đã gần một thế kỷ, nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Đó chính là cơ sở để Đảng ta xây dựng mẫu hình người đảng viên cộng sản với những tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình cách mạng và thực tiễn của cuộc sống. Đặc biệt vào những thời điểm nhạy cảm, trước những bước ngoặt của cách mạng.
Trong tình hình hiện nay, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của đất nước, Đảng ta đặt lên hàng đầu việc quan tâm chăm lo, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực - đức và tài cho cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, trong Đảng đã và đang nổi lên những yếu kém, tiêu cực, nhất là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống. Tệ quan liêu, tham nhũng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn rất nghiêm trọng. Không ít người dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Tình trạng lợi dụng chức quyền và cương vị công tác để tham nhũng, ăn hối lộ, buôn lậu, làm giầu bất chính có chiều hướng tăng nhanh. Lối sống cá nhân thực dụng, cơ hội, chạy theo danh vị, chức quyền, lợi ích cục bộ, thu vén cá nhân… diễn ra khá phổ biến. Thậm chí có cán bộ, đảng viên sống quay lưng lại với nhân dân, ăn chơi, hưởng lạc sa đọa.... Nhất là những năm gần đây, các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn của một bộ phận cán bộ có chức có quyền của một số ngân hàng, Tổng công ty nhà nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là cấp uỷ đảng và lãnh đạo, chỉ huy các cấp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác kiểm tra, thanh tra và chưa phát huy tốt vai trò làm chủ của cán bộ, đảng viên và quần chúng ngay từ ở cơ sở. Chậm bổ sung, cụ thể hoá và hoàn thiện các quy định về thực hiện dân chủ, về những điều đảng viên không được làm. Mặt khác không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, tham vọng quyền lực, danh lợi, tư tưởng lợi ích nhóm, thiếu gương mẫu rèn luyện bản thân, chưa tự giác và nghiêm túc thực hiện các nghị quyết và Điều lệ của Đảng. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động, bằng chiến lược "diễn biến hoà bình" đang tăng cường chống phá cách mạng nước ta một cách quyết liệt. Chúng tập trung thổi phồng những sai lầm, yếu kém của ta, khoét sâu vào những hiện tượng tiêu cực trong xã hội và sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Từ đó đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tiên phong gương mẫu của người đảng viên.
Vấn đề đặt ra cho toàn Đảng và cho mỗi cấp uỷ từ Trung ương đến cơ sở là phải làm gì và làm như thế nào để giữ vững vai trò, vị trí và niềm tin đối với Đảng trong lòng các tầng lớp nhân dân. Làm thế nào để tiếp tục có được "Tư cách người cách mệnh" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn đang đặt ta, nhân dịp cùng nhau ôn lại những lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đường Kách mệnh, xin được đề xuất một vài tiêu chí của người đảng viên trong giai đoạn hiện nay như sau:
- Luôn vững vàng về chính trị, quyết tâm phấn đấu hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng; kiên định và quyết tâm bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của công cuộc đổi mới. Bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, cảnh giác và đấu tranh có hiệu quả chống mọi sự tấn công của kẻ địch.
- Phải là người công dân gương mẫu, người lao động giỏi, làm việc với chất lượng tốt và hiệu quả cao; trung thực, tận tuỵ, không bóc lột.
- Thường xuyên đi đầu trong các phong trào quần chúng; có khả năng giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng, gắn bó mật thiết với quần chúng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng; chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của quần chúng; kiên quyết đấu tranh chống mọi hành vi làm tổn hại tới mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng.
- Có chí tiến thủ, tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất và năng lực phù hợp với nhiệm vụ và chức trách được giao.
- Tôn trọng và chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Đề cao kỷ luật, xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Từ những tiêu chí trên đây, mỗi cơ quan, đơn vị cần chi tiết hoá thành những nội dung cụ thể sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tập thể và chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân cán bộ, đảng viên. Hàng quý và từng năm trên cương vị, chức trách được giao, các tổ chức cơ sở đảng tập trung phân tích đánh giá chất lượng đảng viên một cách khách quan, chính xác, làm cơ sở cho việc đánh giá, sử dụng cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ giữ những cương vị công tác trong các tổ chức, đoàn thể và cơ quan nhà nước. Thực hiện tốt những điều đó chính là hành động thiết thực học tập và làm theo lời Bác dạy./.
Thiếu tướng, TS Đặng Nam Điền
Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh