Tuyên truyền, giáo dục và tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ở Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng, nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường giới thiệu những nội dung chính trong
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Trên cơ sở Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội; Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị và các kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng về tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo cơ quan Chính trị ban hành hướng dẫn và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ tích cực, nghiên cứu tham gia ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bộ Tư lệnh đã mời Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Ban Thư ký tiếp thu ý kiến đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội đến nói chuyện chuyên đề: “Giới thiệu những nội dung chính trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” cho 319 cán bộ trung cao cấp, cấp uỷ viên và tương đương.
Các cơ quan, đơn vị đã sử dụng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể thiết thực trong việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ tham gia đóng góp ý kiến. Các cơ quan Văn phòng, Đoàn 195, Đoàn 275, Đoàn 595 và Đoàn 285 đã tuyên truyền nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thông qua các buổi đọc báo hàng ngày và hệ thống truyền thanh nội bộ. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều tổ chức hội nghị cán bộ chủ trì quán triệt, thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trong thời gian ngắn, toàn đơn vị đã có 75 ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 100% các ý kiến đều nhất trí đánh giá Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chuẩn bị chu đáo, nội dung cô đọng, khái quát, bố cục hợp lý, kỹ thuật lập hiến chặt chẽ, xứng tầm để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời, nhiều ý kiến bày tỏ tâm huyết của mình trong từng nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Những nội dung nhiều ý kiến tham gia như:
Tại Điều 2 khẳng định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” là điểm mới. Đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 74); “Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp (Điều 99) và “Tòa án Nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (Điều 107) để phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tránh chồng chéo; đồng thời là cơ sở để nhân dân giám sát.
Ở Điều 4 tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là tất yếu của lịch sử, đúng đắn với cả lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hơn 80 năm qua từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Song việc Đảng phải gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với Đảng, để mỗi đảng viên, tổ chức Đảng thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trước nhân dân.
Trong Điều 6 có nêu: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Đây là một điểm mới và tiến bộ, vì ngoài hình thức dân chủ đại diện, còn có dân chủ trực tiếp. Đặc biệt cụm từ “dân chủ trực tiếp” đã được đặt lên trước cụm từ “dân chủ đại diện”. Điều đó cho thấy Dự thảo lần này đã nhấn mạnh về “dân chủ trực tiếp” hơn so với các Hiến pháp trước đây (1959, 1980, 1992) chưa hề có quy định này. Tuy nhiên, Dự thảo cần chỉ rõ hình thức “dân chủ trực tiếp”, “dân chủ đại diện” ở những việc gì và phải thật cụ thể thì mới thể hiện được tính nguyên tắc chủ quyền nhân dân.
Đại tá Cao Đình Kiếm, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh hướng dẫn tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại khoản 2 Điều 8 của Dự thảo Hiếp pháp nên bổ sung thêm từ “trách nhiệm” vào câu “Cán bộ, công chức, viên chức cần phải tôn trọng, có nghĩa vụ và trách nhiệm phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”. Đồng thời cũng tại Điều 8 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 có quy định "kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền" nay trong Dự thảo bỏ đi cụm từ "kiên quyết đấu tranh" mà thay vào đó là từ "chống" làm cho mọi người nhận thức việc chống tham nhũng không còn là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Trước đây kiên quyết đấu tranh mà tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra hết sức phức tạp, trở thành quốc nạn, vậy thay cụm từ "kiên quyết đấu tranh" bằng từ "chống …”
Điều 9, Khoản 2: Bỏ cụm từ “chính quyền” thay cụm từ “Nhà nước” để cho thống nhất ở chương I. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong các thành tố quan trọng của hệ thống chính trị nhà nước Việt Nam XHCN; một tổ chức chính trị đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước, các tôn giáo, dân tộc, các tầng lớp nhân dân….; để khẳng định đúng vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong sự nghiệp xây dựng nhà nước Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Mặt khác để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong việc nhân dân thực hiện quyền phúc quyết về Hiến pháp, thể hiện ý nguyện của nhân dân đối với các vấn đề trọng đại của quốc gia, cũng rất cần vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc.
Tại Điều 70 đề nghị sửa: Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế (chỉ cần nói bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa đã bao gồm cả bảo vệ Đảng và Nhà nước rồi).
Điều 71 trong Dự thảo ghi: “Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại…” đề nghị chuyển từ “cách mạng” xuống sau từ “xây dựng” và bỏ cụm từ “từng bước”. Ghi lại là “Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại…”. Bởi vì Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã mang bản chất cách mạng, nay tiếp tục xây dựng để thật sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đồng thời phải xây dựng Quân đội hiện đại, vì hiện nay khoa học công nghệ phát triển, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã đầu tư xây dựng một số quân chủng, bỉnh chủng hiện đại. Cho nên đặt yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại để đặt ra trách nhiệm cho Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và bản thân Quân đội cần một sự nỗ lực phấn đấu.
Điều 73 đề nghị sửa từ “phát huy” bằng từ “đề cao tinh thần yêu nước”: Nhà nước đề cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội; chú trọng nguồn lực mua sắm và phát triển công nghiệp quốc phòng để bảo đảm trang bị hiện đại cho lực lượng vũ trang; kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên quốc phòng; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, hiện đại có khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước mọi kẻ địch, mọi tình huống.
Khoản 5, Điều 93 nói về nhiệm vụ quyền hành của Chủ tịch nước: “Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; …” , đề nghị sửa lại khoản 5 này như sau: “Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định phong quân hàm, thăng quân hàm, giáng quân hàm và tước quân hàm sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân; …”
Điều 123 cần chỉnh sửa thành "Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh sự ra đời và hoạt động của hệ thống pháp luật, đồng thời được dùng để điều chỉnh mọi hành vi, mối quan hệ trong xã hội mà chưa được quy định cụ thể bởi pháp luật. Mọi văn bản pháp luật khác phải tuân thủ quy định, nội dung của Hiến pháp, phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý với các chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe. Ngoài ra một số ý kiến đề nghị kỹ thuật lập hiến nên dùng văn phong đảm bảo tính hàm súc, chặt chẽ, trang trọng, không thừa câu, thừa từ, lặp ý; không sử dụng câu ở thể bị động.
Thực hiện đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm chính trị, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hoàn chỉnh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua.
Nguyễn Hữu Mạnh, Ngọc Hà