Thứ tư, 08/01/2025

Cách đây 76 năm, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và cũng ngày này 52 năm về trước, ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại vô vàn kính yêu của chúng ta qua đời. Bởi vậy, ngày 2/9 đã trở thành một ngày lễ quan trọng và thiêng liêng trong mỗi trái tim con người Việt Nam. Hàng năm, cứ đến sáng ngày mùng 2/9, Nhân dân cả nước lại cùng nhau hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để thành kính tưởng nhớ Người.

Dịp Quốc khánh năm nay là năm đầu tiên chính thức áp dụng quy định mới tại Bộ luật Lao động năm 2019 với 02 ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đã có những diễn biến nhanh và phức tạp, ảnh hưởng lớn đến Hà Nội và các tỉnh, thành phố, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến thể mới, nguy hiểm; việc phòng, chống đại dịch chưa có tiền lệ. Công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, quyết liệt trong triển khai phòng, chống dịch. Điển hình là việc thực hiện chủ trương giãn cách trong phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, ngày 23/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc trong đó yêu cầu thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”. Yêu cầu này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ quán triệt lại tại cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội sáng 29/8/2021. Trước những diễn biến đó, không khí ngày Quốc khánh trở nên vắng lặng hơn thường lệ, Lăng Bác cũng không còn không khí hồ hởi, phấn khởi như mọi dịp lễ khác. Đây là điều đặc biệt hiếm có đối với mỗi người dân Việt Nam.

Chào mừng 76 năm ngày Quốc khánh, nghi lễ thượng cờ cấp quốc gia vẫn được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình. Đây là nghi lễ trang trọng trên Quảng trường Ba Đình đã được thực hiện qua 20 năm, hàng ngày đều đặn vào mỗi buổi sáng. Vào 5h50, các chiến sĩ thuộc Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình. Đội hình thực hiện lễ thượng cờ gồm 34 tiêu binh tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

nay qk dac biet chao co 6

nay qk dac biet chao co 4

ngay qk db

Nghi lễ thượng cờ cấp quốc gia vẫn được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình

Khi lực lượng tiêu binh chuẩn bị thực hiện lễ thượng cờ là lúc cửa Lăng Bác được mở ra, dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nổi bật hiện lên như nhắc nhở chúng ta về quá trình đầu tranh, hy sinh và giá trị của độc lập, tự do mà Đảng, Nhân dân và Bác Hồ đã trọn đời hy sinh, cống hiến và gìn giữ. Đúng 6h, khi Quốc ca vang lên, người lính tung cờ và Quốc kỳ được kéo lên cột cờ hiên ngang tại Quảng trường Ba Đình, như khí khách Việt Nam mãi trường tồn trong lịch sử cách mạng quốc tế. Mỗi khi nghi lễ chào cờ được cử hành, khi lá cờ đỏ thắm tung bay trên Quảng trường Ba Đình là sự hòa quyện, gắn kết giữa hình ảnh Tổ quốc và Lãnh tụ. Trong giây phút thiêng liêng, khi giai điệu bài hát “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng, tất cả mọi người trên Quảng trường Ba Đình đều nghiêm trang hướng về phía lá cờ Tổ quốc đang được kéo lên với tấm lòng thành kính, ngưỡng vọng và tin yêu. Đó cũng là hình ảnh ấn tượng sâu sắc, khơi gợi niềm tự hào dân tộc đối với mỗi người dân Việt Nam khi được tham gia nghi lễ thiêng liêng này. Đây cũng là lời chào, tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của Nhân dân Việt Nam, người bạn lớn của đông đảo bầu bạn quốc tế.

nay qk dac biet chao co 5
Dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với mỗi người dân Việt Nam chúng ta, ngày 2/9 hàng năm trở thành ngày vô cùng đặc biệt bởi đó không chỉ là ngày khai sinh, ngày đất nước được trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng “nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sự thật là nước tự do, độc lập” mà còn vì ngày này đã chứng kiến sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mảnh đất Ba Đình lịch sử gắn liền với các sự kiện trọng đại của dân tộc.

ngay qk dac biet bac doc tuyen ngon
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản 
Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu. 

24 năm sau ngày Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, cả dân tộc Việt Nam đau đớn, bàng hoàng trước tin Người đã thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng, về với cụ Các Mác, Lênin và các đồng chí cách mạng tiền bối khác. Cả dân tộc Việt Nam từ già trẻ gái trai không ai cầm được nước mắt. Trời đất cũng phải rơi lệ trước sự ra đi của Người. Để rồi một nhà thơ nổi tiếng đã phải thốt lên: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Từ đây, Người đi vào lịch sử thế giới với tư cách là một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng kiệt xuất và là một danh nhân văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và trong sáng. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người là biểu tượng, là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc ta.

ngay qk dac biet dc le duan
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và công bố Di chúc của Người (ảnh tư liệu)

Mặc dù, Nhân dân cả nước chưa có dịp đứng nghiêm trang trước Lăng Bác để hướng về lá Quốc kỳ đang tung bay tại Quảng trường hay tự tay dâng nén tâm nhang lên Người nhưng mỗi người dân Thủ đô và cả nước vẫn luôn tâm niệm, hướng về Người với một trái tim tràn đầy nhiệt huyết và sự biết ơn sâu sắc. Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quảng trường Ba Đình lịch sử hôm nay, đó thật sự là dấu ấn sâu sắc, nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ về thế hệ cha anh, những người đã ngã xuống để Tổ quốc có được nền tự độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất, từ đó khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Đó cũng là một kỷ niệm sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ được vinh dự thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, là ngọn lửa hun đúc, là hành trang quý báu để tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc trên mỗi bước đường của mình.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã và đang hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác phòng, chống dịch. Trong đó, thực hiện nghiêm túc, triệt để quy tắc “5K + vắc-xin”, quy tắc 5T mới được Bộ Y tế khuyến cáo, đặc biệt là Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, quyết tâm cùng đoàn kết chiến thắng đại dịch Covid-19, sớm trở về trạng thái bình thường mới, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao đẹp của Người để xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Tâm Trang

Bài viết khác: