Thứ tư, 08/01/2025

Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua chặng đường tròn 52 năm. Đó là khoảng thời gian nhiệm vụ chính trị đặc biệt này đã từng trải qua những giai đoạn đầy cam go, thử thách, thậm chí có những thời điểm tưởng như không thể vượt qua. Điều có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho nhiệm vụ chính trị được trụ vững và phát triển, đạt được những thành tựu to lớn, trước hết phải kể đến bản lĩnh chính trị, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động sáng tạo, vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. 

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Đồng thời, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô giúp đỡ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị, cử chuyên gia sang xây dựng Lăng. Và ngày 22/7/1970, đồng chí L.Bơ-rê-giơ-nép, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn đầu, ta hoàn toàn nhờ vào chuyên gia Liên Xô, đặc biệt về y tế luôn có chuyên gia của bạn làm trực tiếp. Phía Liên Xô cũng giữ bí mật rất nghiêm, đặc biệt là về dung dịch đặc biệt, không cho các bác sĩ của chúng ta tiếp xúc, rất may mắn là sau khi các chuyên gia Liên Xô làm xong thì việc thu dọn, vệ sinh lại giao cho Việt Nam. Chúng ta đã tận dụng dung dịch còn lại trên bông, gạc khi làm vệ sinh để nghiên cứu về loại dung dịch này. Qua quá trình quan sát trực tiếp như thế, ta tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của bạn, kể cả những động tác cụ thể. Nhưng khoa học giữ gìn thi hài là một lĩnh vực mới, hết sức khó khăn, phức tạp, trên thế giới chỉ có Liên Xô và hiện là Nga có. Vận dụng công nghệ này cũng chỉ có Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Triều Tiên giữ gìn thi hài lãnh đạo Kim Nhật Thành và con trai nhà lãnh đạo này là ông Kim Jong-il. Trước đây, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69 đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cùng với chuyên gia Liên Xô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Sáng ngày 29/8/1975, Lễ khánh thành Lăng Bác được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, sau đó Lễ viếng Bác cũng được tiến hành. Cũng bắt đầu từ ngày ấy, nhiệm vụ gìn giữ lâu dài, bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Bác bước sang một giai đoạn mới với những yêu cầu cực cao. Trước đây, thi hài Bác được gìn giữ và bảo vệ trong một không gian hẹp, chỉ có một số ít người được tiếp xúc bên Người, có điều kiện bảo đảm môi trường trong sạch, tinh khiết. Về Lăng, thi hài Bác được giữ gìn trong một không gian rộng, hàng ngày có hàng ngàn lượt người viếng. Trong điều kiện như vậy, việc đảm bảo môi trường theo yêu cầu khó khăn hơn bội phần, chưa kể đến việc, trong giờ viếng chịu tác động bởi hệ thống chiếu sáng cần phải được nghiên cứu xử lý, duy trì đúng quy định.

Quá trình chuyển tiếp từ “bị động” sang “chủ động”

Ngược dòng thời gian, vào tháng 8/1991, hệ thống chính trị ở Liên Xô thay đổi. Đây là một thử thách lớn đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi những năm trước đó, theo hiệp định ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được sự giúp đỡ trực tiếp, toàn diện của nước bạn, là công trình viện trợ không hoàn lại của Liên Xô dành cho Việt Nam kể cả vật tư, thiết bị và chuyên gia. Khi Liên Xô tan rã, hai Nhà nước Việt Nam và Liên bang Nga khi đó chưa ký kết được các thỏa thuận hợp tác, trong đó có nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó, chuyên gia bạn rút về nước, đội ngũ cán bộ y tế của ta còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị, chúng ta tưởng chừng như không thể để Lăng hoạt động được nữa. Nhưng lúc này chính là lúc khẳng định ý chí độc lập, tự chủ tự cường của ta vươn lên. 

Làm thế nào để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện đất nước có nhiều khó khăn? Không những thế, đây còn là việc mới và khó. Đó là câu hỏi luôn đặt ra cho các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Ban Quản lý Lăng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Do vậy, việc thúc đẩy hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mátxcơva để bảo đảm không bị gián đoạn và ảnh hưởng tới nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị to lớn, đặt ra rất cấp bách.

Trước tình thế khó khăn như vậy, với trọng trách cao cả trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, đồng thời trên cơ sở phân tích khách quan, khoa học tình hình thế giới và trong nước, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 và Ban Quản lý Lăng luôn quán triệt sâu sắc quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo trong mọi tình huống, đề ra nhiệm vụ, mục tiêu trong quan hệ hợp tác đối ngoại với bạn sát hợp với thực tiễn, có tính khả thi và tham mưu với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Ban Quản lý Lăng hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mátxcơva (viện giữ gìn thi hài Lênin thời Xô-viết).

Tuy nhiên, ban đầu khi chúng ta đặt vấn đề hợp tác trực tiếp, phía bạn chưa sẵn sàng. Sau đó, Viện sĩ V.A.Bykov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y sinh Moscow đã thể hiện sự nhất trí cao với đề nghị của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhấn mạnh: “Luật pháp của nước Nga cho phép chúng ta hợp tác trực tiếp với nhau”. Khẳng định đó của Viện sĩ V.A.Bykov đã mở ra hướng đi mới trong quan hệ giữa các nhà khoa học của hai nước, trực tiếp là giữa Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mátxcơva và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Cùng với đó, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đoàn cán bộ của Ban Quản lý Lăng đã ký kết văn bản hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mátxcơva từ cuối năm 1992. Tới đầu năm 1992, phía bạn đồng ý chuyển giao số dung dịch hiện có cho Việt Nam để phục vụ cho công tác y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là tiền đề để các bác sỹ Việt Nam vươn lên làm chủ nhiệm vụ bảo vệ thi hài Bác. Đây là cơ hội để chúng ta công khai lấy dung dịch đó để nghiên cứu, để nếu bạn không cung cấp thì ta tự sản xuất, tự chế. 

Tiếp đó, với những hình thức, cách làm phù hợp với thực tiễn tình hình, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng đã chủ động đề xuất và được phép đàm phán song phương, chuyển đổi cơ chế từ viện trợ không hoàn lại sang cơ chế quan hệ thương mại, trực tiếp quan hệ, tranh thủ tình cảm với các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mátxcơva. Cũng chính từ cơ chế này, kết hợp với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của chúng ta trong từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ chính trị. 

Thời điểm năm 2000, sau gần 10 năm hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mátxcơva, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Được sự bồi dưỡng, đào tạo trực tiếp của các nhà khoa học y tế Liên bang Nga, đội ngũ cán bộ, bác sĩ của Việt Nam đã có sự trưởng thành nhanh chóng, từng bước nắm chắc công nghệ ướp, bảo quản thi hài lâu năm về mặt sinh hóa, hình thái học, môi trường, có khả năng dự báo, chủ động đề xuất các giải pháp, hoàn thiện quy trình làm thuốc. Từ chỗ các nhà khoa học y tế Liên bang Nga giữ vai trò chủ đạo trong làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn đối với thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến thời điểm đó, cán bộ, bác sĩ của Việt Nam đã từng bước làm chủ được nhiệm vụ làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn. Đó là một thành công lớn, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Việt Nam trước bước ngoặt của thời cuộc. Thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ ở chặng này đã tạo điều kiện, tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu ở chặng sau.

Chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường vươnlên làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ chính trị đặc biệt

Sau những thành công trong việc vươn lên tự đảm nhiệm công tác y tế thường xuyên và làm thuốc lớn trong giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bước phát triển quan trọng trong quá trình hợp tác với Liên bang Nga, đó là qua nhiều lần đàm phán, thuyết phục, cùng với sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ cơ sở, vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ngày 04/6/2003 hai bên chính thức ký biên bản phối hợp tiến hành pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam, bắt đầu từ quý I năm 2004. Thành công trên là thành tựu, kết quả tốt đẹp mà ai trong chúng ta cũng mong muốn đạt được. Song với yêu cầu tính chất nhiệm vụ chính trị đặc biệt, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 và Ban Quản lý Lăng luôn xác định hành trình đạt đến thành công là hành trình không có điểm dừng, bởi khi ta đạt được thành công này lại có những mục tiêu khác cao hơn, thử thách hơn chờ ta thành công lần nữa.

Thực hiện Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 đã tham mưu, đề xuất với Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai toàn diện các nhiệm vụ, trong đó về nhiệm vụ y tế tập trung vào thực hiện Dự án VN01. Ngày 26/7/2018 dưới sự chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đơn vị đã cùng với các đối tác nghiệm thu, đánh giá và kết luận Dự án VN01 hoàn thành xuất sắc, đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của nhiệm vụ đặc biệt. Ngày 16/1/2019, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dự án đã được Bộ Quốc phòng tiếp nhận, bàn giao cho Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng quản lý, vận hành phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Dự án VN01 hoàn thành và đưa vào sử dụng là bước phát triển vượt bậc về công nghệ. Đây là điểm mốc quan trọng đánh dấu kết quả to lớn của quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học, khẳng định từ nay ta có đủ khả năng làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là mốc lịch sử đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Ban Quản lý Lăng. Đó là ý chí, là nghị lực vượt lên khó khăn, thử thách, tạo nên sự chuyển biến có tính quyết định, chuẩn bị các yếu tố tiền đề khẳng định khả năng vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Thành công lớn nhất và xuyên suốt là, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đơn vị cũng giữ gìn thi hài Bác ở trạng thái tốt nhất. Điều đó, được khẳng định trong dịp kỷ niệm 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2019, Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước đã đánh giá: “Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện được sự thay đổi nào so với các số liệu trong biên bản kiểm tra thi hài của các Hội đồng trước đây (từ năm 1970 đến năm 2009)”. Đồng thời, phát huy truyền thống trung hiếu vẹn toàn, nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, không ngừng học tập, nghiên cứu từng bước vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt được Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội đã tin tưởng giao phó.

Kỷ niệm 45 năm Ngày Truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức, nhân viên, chiến sĩ đều có quyền tự hào và tin tưởng chắc chắn rằng, với bản lĩnh chính trị vững vàng và ý chí, nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh, Ban Quản lý Lăng đã, đang và sẽ nối tiếp những thành công để giải quyết các vấn đề cấp bách, cũng như hướng nghiên cứu cơ bản, lâu dài, chuyên sâu; đồng thời, khẳng định tính đúng đắn của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng khi quyết định gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện đúng “lòng dân - ý Đảng”, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tình cảm, lòng kính yêu vô hạn của các thế hệ người Việt Nam đối với Bác, phục vụ thăm viếng, góp phần thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và kiên định mục tiêu con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn./.

Nguyễn Minh Đức

Phó Trưởng ban Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình

(Tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi viết “45 năm sắt son bên Người” nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Bài viết khác: